Đường về miền Trung - Hoàng Khánh Duy
“Miền Trung đất bồi phù sa
Người miền Trung gian khó nhiều đời qua
Từ khi anh xa quê nhà
Từ đó em nhớ mong người xa...”
(Lời bài hát “Mưa chiều miền Trung”)
Một trong những hạnh phúc lớn nhất mà tôi cảm nhận được trong cuộc sống của mình là những lần xê dịch đến miền núi cao hoang sơ hay miền biển mênh mông có bờ cát trắng. Đâu chỉ riêng tôi, xê dịch muôn đời vẫn là khao khát của con người. Vì trong sâu thẳm tâm hồn con người mơ ước được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên đất nước mình, được thưởng thức đặc sản, tiếp cận văn hóa vùng miền để từ đó làm giàu vốn tri thức và bồi đắp tình cảm trong lòng thêm dạt dào, sâu sắc.
Tôi thường lo lắng trước những chuyến đi dài đến một miền đất khác. Không phải lo chuyện lộ phí bởi tôi cũng lường trước được khoản phí để thỏa đam mê xê dịch, hoặc nếu tôi có lỡ “cạn tàu ráo máng” thì tôi sẽ xin vào nhà dân, bản làng đồng bào để cùng họ cuốc nương trồng ngô, chăn bò, cắt cỏ... Được hòa nhập vào cuộc sống của đồng bào mình ở những miền quê khác hóa ra lại hay hơn là việc ngồi trên cáp treo, trên taxi hay xe lửa chạy tuyến đường sắt Thống Nhất để nhìn ngắm cái vẻ bề ngoài. Điều mà tôi lo lắng nhất chính là: Đi thì vui, khi về lại thương, lại nhớ, lại mãi vấn vương về những nơi mình đã đến, những người mình đã gặp. Cái cảm giác ấy tôi đã gặp biết bao nhiêu lần trong đời. Không phải tôi không nặng nợ với cái địa danh cụ thể được gọi là cố hương mà bởi vì tôi nặng nợ với cảnh sắc đất nước mình, với tôi đâu đâu trên dải đất hình chữ S này cũng là nhà, cũng đong đầy yêu thương, cảm mến.
Ngồi trên xe hành trình dài với quyển sách gấp nếp đánh dấu một trang đọc vội, tôi như say mê trước cảnh sắc miền Trung hiện ra mà khởi đầu là Bình Thuận với những ngọn núi, những bãi cát hoang dài như sa mạc, đường nhựa, đường tàu nằm kề cạnh nhau bên bờ biển xanh sắc biếc nghìn trùng. Ngang qua thành phố Phan Thiết xinh đẹp lồng lộng gió biển, trước mắt tôi bấy giờ là những vườn nho xanh um hai bên đường đi, những tháp Chàm lặng lẽ nằm trên miền đất cổ khơi gợi nỗi nhớ quá vãng trong tôi về Chiêm Thành năm xưa. Tôi bỗng nhớ đến câu thơ “Tháp Chàm đua nhau đổ dưới trăng mờ” của nhà thơ Chế Lan Viên - kẻ khóc thương cho dân tộc Hời mất nước. Thành phố Phan Rang có gió như “phan” và có nắng như “rang”, nắng nồng nàn qua Vịnh Vĩnh Hy, tôi uống chút mật nho mà ngọt ngào tận gan ruột. Hoàng hôn buông trên bãi biển Trần Phú - Thành phố Nha Trang, tôi nấn ná chút nắng ấm cuối ngày trước khi nằm dài trên bãi cát nghe tiếng biển đêm thì thào và ngắm Vinpearl Land lộng lẫy trong đêm điểm tô cho phố biển Nha Trang thêm đẹp.
Tôi nhớ mình có ghé ngang qua Chợ Đầm ăn tô bún sứa, nghe giọng em gái Nha Trang ngọt ngào. Tôi quyết định dừng lại đây ba, bốn ngày, trên mảnh đất Khánh Hòa để tiếp tục khám phá văn hóa Chăm Pa mà từ lâu tôi đã tò mò. Giọt nắng giòn tan trên đỉnh Tháp bà Ponagar, vũ điệu Chăm của mấy cô gái khi cầm khăn, khi đội cái tĩnh trên đầu rồi múa dẻo dai đều đặn bất giác khiến trái tim tôi rung lên. Nếu ai đó hỏi tôi vùng biển nào gây thương nhớ thì tôi sẽ mạnh miệng ưu ái cho biển Nha Trang, nhất là khi đêm xuống. Có đến Nha Trang mới thấy hết sự giao hòa của mặt biển, chân trời, của đêm biển tình lãng mạn réo rắt gọi nhân tình và cái ôm đắm say của những cô gái - chàng trai bên bờ biển.
Miền Trung vẫn còn nhiều điều mới mẻ mời gọi trái tim chàng trai miền Nam xa xôi. Tôi rời Nha Trang, sáng phố biển mưa giăng nhè nhẹ. Tôi là dân Văn chương, bởi thế tôi hay tìm kiếm những địa điểm đã từng xuất hiện trong những tác phẩm văn chương mà tôi được học, đã đọc. Đến Phú Yên - tôi gọi khoảnh khắc trong ngần ấy là khoảnh khắc tìm kiếm màu hoa vàng điểm xuyến trên nền cỏ xanh, màu của kí ức tuổi thơ, của thiên nhiên bình dị. Qua thành phố Quy Nhơn tôi ghé thăm lăng Hàn Mặc Tử - nhà thơ mà tôi rất đỗi ngưỡng mộ, trên bút danh đã có mảnh trăng khuyết - hình hài nổi bật trong những thi phẩm của ông. Mộ Hàn nằm trong khu du lịch Ghềnh Ráng, với những cái tên thơ mộng, mĩ miều như: Đồi Thi Nhân, Dốc Mộng Cầm,... tôi mở tầm mắt mình nhìn ra bãi Trứng - nơi Hoàng Hậu Nam Phương đã có lần ghé ngang trầm thân mình ngọc ngà, ngắm nhìn sắc nước mây trời. Đâu đó bên tai tôi vang lên mấy câu hát tự thuở nào đã đi vào lòng người yêu Hàn và thơ Hàn Mặc Tử: “Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tàn nhớ câu chuyện xưa...”. Ở Quy Nhơn, tôi được thưởng thức hải sản tươi ngon với cách chế biến đậm đà đặc trưng của người miền Biển. Vì thế mảnh đất này đã in sâu vào tâm trí của tôi, chẳng những vì nó gắn liền với những ngày cuối đời thương đau của Hàn Mặc Tử mà còn vì con người Quy Nhơn chân chất, bình dị, cảnh sắc Quy Nhơn lãng mạn níu chân người.
Đã có lần tôi đi ngang Quảng Ngãi, nhưng đi bằng máy bay trên trời cao không thể phân định được đâu là sông, đâu là đồng, là núi non trùng điệp. Lần này tôi quyết định đến với bãi biển Sa Huỳnh, với dòng sông Trà Bồng từng gợi tứ cho nhà thơ Tế Hanh viết bài “Nhớ con sông quê hương”, với những vần thơ trong sáng lạ kì nhưng cũng mang một nỗi buồn trĩu nặng: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc - Nước gương trong soi tóc những hàng tre - Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè - Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng”... Đến Quảng Nam, tôi ghé thăm phố cổ Hội An - con phố bão hòa trong dòng chảy của thời gian. Thời gian không làm cho nó băng hoại mà ngược lại khiến nó thêm đẹp, giàu giá trị văn hóa. Đến đây, tôi như trở về nhiều năm trước đứng giữa những con người cũ, sắc màu cũ. Dòng sông Hoài lặng lẽ chảy ra biển - dòng sông một thuở dìu dập thuyền ghe của thương lái đến đây trao đổi hàng hóa lẫn văn hóa. Dòng sông thương mến chứng kiến những thăng trầm của phố cổ, để lại lòng tôi những thương cảm vô bờ.
Đêm Đà Nẵng lung linh, hết dạo quanh bờ biển Mỹ Khê - một trong những bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á - tôi lại đi bộ qua cầu Rồng, ngắm cầu Trần Thị Lý rực rỡ sắc màu, cầu quay Sông Hàn lung linh đèn màu. Không ngoa khi gọi Đà Nẵng là thành phố của dòng sông Hàn, của những cây cầu đẹp và hiện đại bậc nhất Việt Nam. Tôi cố dậy thật sớm để ngắm bình minh trên biển Mỹ Khê, mặt trời lên từ từ như lòng đỏ trứng gà vọt ra khỏi bờ biển xanh ngà ngọc. Trước lúc chia tay Đà Nẵng tôi còn đứng bên bờ sông Hàn ngắm thật kĩ dòng sông quyện trong sớm mờ sương. Mai này xa Đà Nẵng, chắc tôi sẽ nhớ lắm con sông Hàn xinh đẹp, nhớ những cây cầu, nhớ đêm lang thang khắp phố phường ăn những đặc sản chốn này như: bánh xèo Bà Dưỡng, mì Quảng, món chè ngon trong dư vị của riêng tôi.
Lên đỉnh đèo Hải Vân trong buổi trưa mà sương mù vẫn vây là cái lạnh vẫn se sắt. Tôi đứng trên lô cốt cũ kĩ đón gió, ngắm nhìn vịnh biển từ xa. Một chuyến tàu vừa đi ngang qua phía xa kia, còi tàu vẫn rú gào trong gió. Đến Huế, tôi lẩm nhẩm lời bài hát vốn dĩ được hát bằng giọng của cô em miền Trung, giờ được hát bằng giọng chàng trai miền Nam có phần hơi khô, nhưng vẫn trọn vẹn cảm xúc: “Đến Huế rồi, xuôi dòng sông Hương - Chiều qua Vĩ Dạ, chợ Đông Ba, Ngự Bình...”. Huế là mảnh đất của những nỗi buồn thấm sâu mấy ngàn năm, cõi đất này tựa như có mạch buồn tuôn chảy. Huế đẹp, nhưng Huế buồn. Không ai làm gì thì cũng thấy lòng buồn khi đến Huế. Những con đường trong nội ô lá rơi xao xác. Dòng Hương nước lững lờ trôi. Bờ Vĩ Dạ xinh tươi, nắng sớm tràn qua hàng cau, màu lá biếc. Tôi đến thăm Chùa Thiên Mụ, đồi Vọng Cảnh, điện Hòn Chén, cồn Hến, đồi Thiên An..., đặc biệt là Kinh Thành Huế - nơi tôi ấn tượng sâu đậm nhất. Tôi nhìn ra đâu đó hình ảnh cổ thiên, bầu trời và mặt đất, những đền đài, lăng tẩm ẩn mình trong mưa phùn xứ Huế tự dưng buồn, tự dưng cổ kính vô cùng. Đêm tôi nghe ca Huế trên sông Hương, qua cầu Trường Tiền, ăn chè chợ Đông Ba hay ngắm chuyến tàu sắt Nam - Bắc qua sông Hương về Hà Thành phồn hoa đô hội. Có lẽ Huế là nơi tôi “thương” nhất trên dọc dài dải đất miền Trung. Bằng một tình yêu đắm say, mãnh liệt.
Từ Huế ra Quảng Trị, Quảng Bình khá xa, nhưng bằng niềm yêu mến thiết tha đối với cảnh và người miền Trung, tôi thấy con đường này không hề xa xôi chút nào. Trên đường tôi ngắm nhìn cảnh sắc, thôn làng, cả cung đường sắt cũng vọng sâu vào lòng tôi, khiến tôi yêu đến lạ. Qua Quảng Trị, tôi ngắm nhìn cầu Hiền Lương, sông Bến Hải từng chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước, gây nỗi buồn sâu thẳm cho đồng bào ta, cho lứa đôi. Qua thành phố Đông Hà, nghe giọng em thân yêu xứ Quảng Trị mời mua đặc sản, tôi thấy sao yêu mảnh đất này nhiều đến vậy. Đến Quảng Bình khi bóng trưa đã ngả, tôi đi thuyền trên sông Son sắc nước xanh ngọc, ngắm nương ngô bãi mía, đàn trâu, đàn bò gặm bỏ bên triền sông. Vào thăm Động Phong Nha - hang động của những thạch nhũ, thiên nhiên tạc nên hình khối đa dạng và đẹp đến huyền hoặc. Hang động mà tôi đã từng được nghe nói đến, được học trong văn học, bấy giờ tận mắt ngắm nhìn. Một xúc cảm tự hào về cảnh đẹp đất nước lẫn mừng rỡ khi bắt gặp chốn “thiên đường” trong hang khiến tôi rưng rưng... Tôi được ăn tôm sông Son, ăn những món đặc sản Quảng Bình, ngắm hoa mộc miên bung nở đỏ tươi bên bờ sông khiến lòng nao nao đến lạ. Tôi không quên ghé ngang qua Vũng Chùa thăm mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị anh hùng của dân tộc Việt Nam. Ngắm đảo Yến từ một nơi cao trong mù mù khói sóng...
Miền Trung - khúc ruột của đất nước, đâu đâu cũng đẹp cũng xinh. Một bên là biển một bên là núi, trên là trời cao xanh sắc biếc quê nhà. Tôi yêu miền Trung quá, miền quê vẫn còn nhiều gian khó nhưng cảnh sắc thì tuyệt vời và con người thì dễ thương quá đỗi. Sau này, mỗi lần nhớ về miền Trung tôi lại nghe bài hát “Mưa chiều miền Trung” của nhạc sĩ Hồng Xương Long: “Dù cho em nay xa rồi, miền Trung vẫn thương trọn đời”...
H.K.D
(Tạp chí Non Nước số 269)