Fukuoka - Chuyện bây giờ mới kể

01.06.2021
Diệp Dân Hùng

Fukuoka - Chuyện bây giờ mới kể

Tác giả bài viết (phía sau) và các em sinh viên Châu Á tại Đại học Fukuoka

Cách  đây 3 năm, tôi có may mắn được tham gia đoàn công tác của thành phố Đà Nẵng tham quan học hỏi tại Nhật Bản về một dự án cải thiện môi trường do Jica tài trợ cho Đà Nẵng. Trải qua 3 ngày ngắn ngủi tại thành phố Fukuoka và một số thành phố trong khu vực phía Nam của “Xứ sở mặt trời mọc”, tuy những địa danh đi qua chưa đại diện hết cho nước Nhật, nhưng người viết cũng “lượm lặt” được đôi điều sau chuyến “mục sở thị” này. Có những chuyện có thể không mới, không lạ đối với những người từng đến, sinh sống, học tập, công tác lâu năm ở Nhật Bản, nhưng đối với những ai quan tâm hoặc chưa biết, biết ít về Nhật Bản sẽ hiểu thêm về đất nước và con người nơi đây.

Câu chuyện thứ nhất: Tính cách và văn hóa người Nhật Bản

Đến Nhật Bản, đã đi vào nhà hàng, trung tâm mua sắm, cơ quan công sở hay trường đại học v.v... thì chắc chắn bạn sẽ nghe và thấy thường xuyên hình ảnh các bạn Nhật cúi gập người chào. Các câu chào được nghe hàng ngày rất nhiều nhưng tôi chỉ nhớ câu “ohayou gozaimasu” (xin chào buổi sáng), “konnichiw” (xin chào, xin chào buổi chiều hoặc là chào thông thường) và rất phổ biến câu “arigatou gozaimasu” (cảm ơn trang trọng) và “sumimasen” (xin lỗi). Phải nói rằng, câu cửa miệng của người Nhật khi gặp khách là chào, có điều gì mà họ cho là làm phiền lòng khách hay đối tác họ sẽ xin lỗi ngay và không quên cảm ơn khi đến thăm, làm việc, mua hàng, ăn uống hoặc đơn giản chỉ vào rồi ra. Nhớ hôm, ông Thị trưởng Chikujo chiêu đãi cơm trưa đoàn ở một quán ăn nằm ngay cạnh trụ sở chính quyền thành phố, do đoàn đến muộn nên buổi làm việc cũng muộn hơn dự kiến và tất nhiên bữa cơm trưa cũng bị ảnh hưởng. Nếu nói về “lỗi' thì do đoàn Đà Nẵng đến muộn vậy mà, khi các món dọn ra, bà chủ quán đã thay mặt quán cúi người xin lỗi vì đã để món ăn bị nguội và có điều gì phiền lòng mong mọi người tha thứ. Khi ra hay vào cầu thang máy, nếu bắt gặp một người Nhật bước vào hay bước ra thì họ đều chào bạn và sẵn sàng nhường cho bạn vào hoặc ra trước. Không phải họ chào hỏi, xin lỗi, cảm ơn một cách máy móc như “cái máy” mà hãy nhìn vào ánh mắt họ để thấy được sự chân tình và gần gũi, hoàn toàn không có gì là khách sáo hay kẻ cả. Thường thì người Việt chúng ta rất ít dùng câu “xin chào”, nhưng người Nhật thì khác, họ rất quan trọng chuyện chào hỏi, thậm chí dù bạn hoàn toàn xa lạ, chẳng quen biết họ thì họ vẫn chào bạn khi vô tình gặp nhau.

Không chỉ với khách mà họ đối xử với nhau cũng lịch sự chân tình, luôn nhường nhịn hay cảm ơn và xin lỗi khi cảm thấy mình làm điều gì đó phật ý người khác. Thật cảm động khi ông Chánh Văn phòng thành phố Chikujo tháp tùng đoàn đến tận sân bay, đưa đi thăm Viện Hải dương học Fukuoka... “Ông sếp” này không ra vẻ quan chức mà giống như người phục vụ khi chăm chút mọi người từng tí, như đi tìm ai bị lạc, dẫn người đi toilet... ông đều nhiệt tình hăng hái. Đó còn là anh Taka, tiến sĩ, người của Công ty TNHH Giải pháp môi trường (Nhật Bản) đơn vị phối hợp triển khai công nghệ của dự án cho Đà Nẵng. Taka “chăm bẵm” mọi người vô cùng chu đáo, chẳng nề hà điều gì. Anh còn đưa mọi người đi mua sắm trong buổi chiều cuối cùng ở Nhật, đưa đi ăn nhà hàng, gọi taxi cho mọi người về khách sạn, đưa tiền trước cho taxi để họ đưa về khách sạn, ra sân bay... Dù ngồi trên xe toàn “người mình” nhưng ai cũng yên tâm vì những người tài xế taxi, tuy đa số đều lớn tuổi nhưng thân thiện và dễ mến. Họ coi khách hàng là “thượng đế” một cách đúng nghĩa, đưa về tận nơi “khuân vác” hành lý rất nhiệt tình và thối lại tiền thừa đến đồng xu nhỏ nhất...

Quả là không sai khi nói rằng, mỗi người Nhật đều là một đại sứ của đất nước họ. Họ hiếu khách, đối xử với khách một cách rất chân tình. Điều đó chắc chắn là do họ có một nền tảng giáo dục tốt, một truyền thống văn hóa lâu đời được bảo tồn và phát huy. Họ thành công trong việc kết hợp các yếu tố hiện đại và truyền thống, tạo nên một nền văn hóa Nhật Bản đa màu sắc. Họ sẵn sàng tiếp nhận những cái mới, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc của mình.

Câu chuyện thứ 2: Shopping

Ba ngày trọn vẹn ở Nhật thì đã có 2 ngày rưỡi là “công tác chuyên môn” với lịch dày đặc và di chuyển liên tục theo chương trình mà phía bạn đã lập sẵn. Chỉ có buổi chiều tối cuối cùng mọi người được “tự do” mua sắm trong khả năng của mình. Đi mua hàng ở Nhật phải có những người am hiểu, nôm na là “thổ địa” dẫn đi, tốt nhất là những người vừa biết các điểm mua sắm nổi tiếng, vừa thông thạo tiếng Nhật, vì ở Nhật giao tiếp bằng tiếng Anh rất hạn chế, mặc dù học sinh sinh viên Nhật đều được học tiếng Anh và họ đọc hiểu khá tốt nhưng nói thì không được “ngon” cho lắm. Tất cả các mặt hàng ở Nhật Bản đều được niêm yết giá, do đó các bạn không nên mặc cả hoặc trả giá. Trung tâm mua sắm thì khá nhiều, chất lượng thì có thể yên tâm, giá cả thì từ 100 yen trở lên là có thể mua được “hàng Nhật”. Gọi là hàng Nhật vì hầu như nhãn mác đều bằng tiếng Nhật, rất ít tiếng Anh nhưng săm soi kỹ thì gặp rất nhiều món có dòng chữ “Made in China” phía dưới, thỉnh thoảng còn gặp “Made in Vietnam, “Made in Indonesia”... Nhưng mọi người có thể yên tâm về chất lượng vì hàng rào thương mại của Nhật rất chặt chẽ, hàng hóa nước ngoài đã qua kiểm định của họ, được phép tung ra thị trường thì phải có chất lượng của Nhật chứ không phải của nước nào cả.

Đi mua hàng ở Nhật thì nhanh vì đa số là siêu thị nhưng khi thanh toán nhiều khi phải xếp hàng dài dằng dặc, nhất là khi mua hàng được hoàn thuế, ai có hộ chiếu thì được hoàn thuế khi mua hàng trị giá trên 5000 yen. Có điều lạ là khi thanh toán, nhân viên nào cũng hỏi bạn có hộ chiếu hay không để bạn được mua theo chế độ hoàn thuế, chứ họ không lờ đi để thu được nhiều tiền. Nếu có “máu” shopping và tài chính kha khá thì qua Nhật nên mua các loại hàng hóa nhỏ, gọn về làm quà như các loại thực phẩm chức năng (tảo, collagen, sữa...), đồ điện tử, mỹ phẩm, đồ gia dụng...

Câu chuyện thứ 3: Sự ngăn nắp, kỷ luật và giản đơn

Nói về người Nhật trước hết phải nói về mấy đặc tính này. Hôm ăn buffet sáng đầu tiên ở một khách sạn của thành phố Chikujo, người viết để ý thấy, sau khi ăn xong các khách người Nhật tự bưng khay đến khu vực cuối phòng ăn và lần lượt xếp riêng thìa, đũa, chén, đĩa... ngăn nào ra ngăn nấy. Còn nếu không biết, cứ làm theo kiểuViệt Nam thì một là để lại trên bàn, hai là bưng tất cả ra chỗ tập kết để người của khách sạn xử lý. Còn hôm ở khách sạn của thành phố Fukuoka, cách thu dọn ở đây có khác hơn. Sau khi đưa phiếu ăn sáng, nhân viên nhà hàng sẽ phát cho mỗi người một cái khay với chén bát, thìa, nĩa trên đó. Khách chỉ việc bưng đi lấy món gì mà mình thích. Trên khay có một tấm bìa to hơn cái danh thiếp một chút có bọc plastic ghi tiếng Nhật, một mặt màu cam, một mặt màu xanh. Mình chú ý quan sát thì biết được là lúc ăn, để tấm bìa màu cam còn khi ăn xong, úp tấm bìa lại, khi thấy màu xanh trên khay là tự động có nhân viên đến cúi gập người xin phép được đem cái khay ấy đi.

Người Nhật đi bộ rất nhiều nhưng rất trật tự, mỗi lần có đèn đỏ là ai cũng dừng lại, trước làn dành cho người đi bộ, khi đèn xanh bật lên mọi người đồng loạt bước đi, không bao giờ thấy ai qua đường khi đèn đỏ, dù là đi bộ. Ngoài ô tô là xe đạp, xe chạy trên đường dành cho mình trên vỉa hè, vì vỉa hè họ rộng nên không trở ngại gì khi di chuyển. Còn chuyện xếp hàng thì khỏi phải bàn, có khi chỉ có 2 -3 người họ vẫn xếp hàng, nhiều khi dòng người thanh toán hàng mua ở siêu thị thành hàng dài nhưng ai cũng kiên nhẫn và nghiêm chỉnh xếp hàng, không chen lấn xô đẩy. Nhà cửa của họ các khu cao tầng không cầu kỳ màu mè kiểu dáng mà chỉ đơn thuần là những khối nhà, khối chung cư. Xe cộ thì đơn giản chỉ là phương tiện để đi lại, nếu ở Việt Nam thì những loại xe đó rất nhiều người chê vì kiểu dáng, dung tích máy... Bên này ít thấy những loại “xe sang” như bên ta mặc dù trên đường xe cộ chạy như mắc cửi...

Công chức Nhật khi đi làm ăn mặc đơn giản, chỉ quần tây áo sơ mi, không cà vạt, comple khá phổ biến như trước đây, ai trông cũng nhanh nhẹn và chuyên cần. Trên đường gặp nhiều trạm thu phí nhưng đều là những trạm thu phí tự động, không một bóng người, xe đến trạm, chỉ trong tích tắc là barie tự nhấc lên cho xe chạy qua sau khi đã “nhận dạng” xe. Ba ngày tại Nhật Bản, người viết tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một cảnh sát giao thông nào nhưng tất cả mọi người đều nghiêm túc khi tham gia giao thông, không có chuyện phóng nhanh vượt ẩu và hoàn toàn không có một tiếng còi xe nào, mặc dù xe chạy ngoài đường nườm nượp, nhưng rất trật tự và nhanh.

Còn nhiều điều để nói về nước Nhật, người Nhật. Câu chuyện của 3 năm trước nhưng chưa hề cũ, cho dù hiện nay, đại dịch COVID-19 đang gây ra cho hai nước những bất lợi không mong muốn nhưng hy vọng, qua những điều mắt thấy tai nghe mang tính “ký sự” này, cũng như những cảm nhận dưới góc độ cá nhân, sẽ góp được cái gì đó tích cực để xây dựng thành phố Đà Nẵng nói riêng đất nước ta nói chung ngày càng văn minh, hiện đại hơn.

D.D.H