Nghệ sĩ nhân dân Thái Ly - Những điều tôi được biết

01.06.2021
Lê Huân

Nghệ sĩ nhân dân Thái Ly - Những điều tôi được biết

Thái Ly là biên đạo xuất sắc hàng đầu của nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam. Ông mất năm 1991, ở tuổi 62. Ông để lại nhiều tác phẩm múa tiêu biểu như: Kịch múa “Bả khó” (anh chàng nghèo), kịch múa “Bà mẹ miền Nam”, múa solo “Cánh chim ánh sáng mặt trời”, múa “Cơ Tu”... Ông được Nhà nước vinh danh NSND, Giải thưởng Hồ Chí Minh đầu tiên của ngành múa và văn học - nghệ thuật cả nước.

NSND Thái Ly nguyên là Phó vụ Trưởng vụ Nghệ thuật - Bộ Văn hóa Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam, Việt Nam. Sau năm 1975, ông là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 4 năm 2021, kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông, Thành phố Hồ Chí Minh đặt tên ông cho một đường phố tại thành phố Thủ Đức và cũng nhân dịp này Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với tiêu đề “GS-NSND Thái Ly - cuộc đời và sự nghiệp”.

Tôi là một trong những học trò lớp sáng tác múa khoá I của thầy Thái Ly mở vào năm 1962 - 1964 tại Trường Múa Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của GS.NSND Thái Ly có nhiều đóng góp cho ngành múa Việt Nam. Đã có nhiều công trình chuyên khảo, nhiều bài viết đánh giá, ca ngợi về ông. Trong bài viết này tôi chỉ viết riêng về những điều tôi biết, vì tôi có nhiều dịp gần gũi, thân thiết trong cuộc sống - sự nghiệp của thầy.

Trước hết là cách sống vô tư, lạc quan, giản dị của ông. Ngoài đời, ông vui vẻ và dễ mến nhưng khi bắt đầu vào lớp, lên sàn tập thì con người ông hoàn toàn khác hẳn, nghiêm túc đến độ khắt khe. Ví dụ như có lần ông xẵng giọng đuổi một số anh em biên đạo quân đội tự dưng kéo đến xem ông dàn tập vở “Bả khó” tại nhà tập trường múa hoặc khi ông lên lớp diễn viên, học sinh nào đứng quay lưng không tập trung chú ý nghe thầy nói lập tức được nghe câu mắng mỏ nghiệt ngã của thầy. Nhiều lần ông nhắc nhở chúng tôi: “Lên sân khấu là thánh đường”, vì vậy mỗi khi lên lớp, chúng tôi lo quét dọn, ăn mặc sạch sẽ, chỉnh tề và hết sức tôn nghiêm trật tự.

Trong sáng tác, dàn dựng tác phẩm ông rất cần mẫn gọt rũa từng động tác cho diễn viên, chú trọng thể hiện từng câu, từng đoạn nhạc. Mỗi điệu múa ngắn khoảng 5, 7 phút ông phải biên, phải gọt đến hàng chục ngày. Ông tối kỵ thói quen dựng nhanh, ăn xổi “chạy xô”. Năm 1987, khi tôi đang đương chức Đoàn trưởng chỉ đạo nghệ thuật Đoàn múa Quân khu 5, tôi trân trọng mời thầy từ Thành phố Hồ Chí Minh ra sáng tác cho đoàn. Ông tham gia dựng 2 điệu múa và 1 màn hát múa phải mất hơn một tháng mới xong. Ông không hề mặc cả về thù lao, kinh phí. So với một số anh chị em biên đạo múa thời ấy, mặc dù nổi tiếng song ông chẳng giàu có gì. Tôi biết gia sản của ông ngoài chỗ cư ngụ do nhà nước bố trí, ông chỉ có chiếc xe đạp máy (Solex) để đi lại trên đường. Sau khi hoàn thành công việc cho đoàn, ông nói chuyện với tôi một cách rất chân tình: “Huân ơi! Nếu có thể được, tiền thù lao sáng tác cho anh, Huân cố gắng mua cho anh một chỉ vàng nhé!”.

Kể từ sau năm 1975, thầy trò mới gặp lại nhau, bởi xa cách chiến trường, ông vào Nam Bộ, tôi vào Khu 5. Gặp nhau trong niềm xúc cảm, thân thiết tôi vừa cất tiếng gọi “thầy”, ông đã nói luôn: “Bây giờ chúng ta là đồng nghiệp rồi, em đừng gọi là thầy nữa, xưng hô thân mật với nhau là anh em thôi!”. Thế là từ đó anh em có nhiều dịp để gắn bó với nhau hơn. Ông rất thích được ngồi nghe lứa bạn bè chúng tôi nói chuyện cuộc đời, nói chuyện tào lao, nói chuyện thời cuộc. Đặc biệt, mỗi khi góp chuyện, không thấy bao giờ ông kể xấu, nói xấu về ai. Có những câu chuyện ông kể cho riêng tôi được nghe, chuyện ông sang Pháp, ở Pari, ông có nhiều họ hàng thân thuộc giàu có. Thấy cảnh ngộ đơn thân của ông, họ vận động ông ở lại sẵn sàng mua nhà, sắm xe ô tô cho ông để ông định cư, hoạt động nghệ thuật tại Pháp, nhưng ông hết mực từ chối. Vì ông một lòng, một dạ với quê hương, với Tổ quốc Việt Nam.

Hồi còn đương chức hiệu trưởng Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh, có lần Bộ Văn hóa mời ông ra Hà Nội, ông vừa vào đến cơ quan bộ, còn đang đứng ngoài sân hỏi thăm bảo vệ cơ quan để tìm lên chỗ họp, có một vị thứ trưởng đứng trên gác thấy ông, liền nhoài ra cửa sổ gọi to: “Này, ra đấy à!”. Ông sững lại và sẵng giọng nói luôn: “Hỏi ai đấy?”. Vị quan chức của bộ vội rụt ngay vào, sượng sùng trước thái độ phản ứng của ông.

Rồi lại có lần với cương vị đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông được mời dự một buổi họp long trọng có lãnh đạo thành phố nói chuyện. Ông đến đúng giờ, nghiêm chỉnh ngồi vào ghế được bố trí hàng đầu nhưng đợi đến 10, 15 phút chưa thấy diễn giả đến. Ông đứng dậy bỏ về thẳng, bỏ mặc lời khuyên can của nhân viên ban tổ chức.

Ấy vậy mà khi đoàn chúng tôi mời ông ra Đà Nẵng làm việc, tôi phóng xe máy ra sân bay chở ông về, ông lại không nề hà trèo lên sau xe, ôm lấy lưng tôi cười nói vui vẻ. Cũng cung cách đón tiếp như vậy mà tôi bị một ông nhạc sĩ ở Hà Nội vào tỏ thái độ khó chịu cằn nhằn: “Đoàn cậu không có ô tô ra đón à!”.

Là học trò của ông, tôi lĩnh hội từ ông được nhiều điều quý giá. Ông hiểu sâu, biết rộng, giỏi cả hai ngoại ngữ tiếng Pháp và tiếng Trung. Vốn là nhạc sĩ thời kháng chiến chống Pháp, được cử sang Trung Quốc học, ông được lựa tuyển sang biên đạo múa nên kiến thức, sự hiểu biết về âm nhạc của ông rất sâu sắc. Nhạc sĩ Xuân Hòa chịu trách nhiệm sáng tác âm nhạc phải đến lần thứ 6, biên đạo Thái Ly mới tán đồng với chủ đề âm nhạc của nhạc sĩ.

Ông sáng tác, dàn dựng cho đoàn tôi được điệu múa “Garuda” sau lúc tôi đưa ông đi tham quan Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Ông tìm ra tứ múa rồi trao đổi cặn kẽ Phan Ngọc - nhạc sĩ của đoàn tôi. Điệu múa thành công kể cả hai phương diện múa và âm nhạc. Phan Ngọc rất đỗi tự hào về nhạc phẩm của mình được NSND Thái Ly khen ngợi, nhưng ông nói thẳng: “Xin lỗi bạn nhé! Trong sự thành công về âm nhạc của bạn, có một nửa là của tôi”. Chính nhờ thầy, tôi đã có được nhiều bài học kinh nghiệm khi làm việc với nhạc sĩ trong từng ý tưởng nội dung kịch bản múa của mình.

NSND Thái Ly hiểu biết rất sâu rộng về văn học trong nước và thế giới. Chính vì vậy, ông đã truyền cho học sinh biên đạo múa lớp chúng tôi nhiều kiến thức văn hóa - lịch sử để khám phá, tìm tòi trong từng tác phẩm ngắn, dài của mình. Thời gian chúng tôi học thầy, môn học tưởng tượng sáng tạo, kết nối nội dung tiết mục được thầy kỳ công rèn rũa. Thầy khen tôi sáng tác nhanh, nhưng thầy nhắc nhở tôi một điều để cả đời tôi ghi nhớ: “Em rất nhanh nhạy tìm kiếm đề tài, ý tưởng nhưng em lại vô cùng lãng phí, ít đào sâu vào những vỉa quặng quý hiếm ấy!”.

Mãi sau này, khi tôi được Trường Múa Thành phố Hồ Chí Minh mời sáng tác tiết mục tham gia hội thi múa toàn quốc. Lúc ấy, Minh Nguyệt là hiệu trưởng nhà trường, còn thầy Thái Ly trở thành cố vấn. Tôi cùng bạn tâm giao Bá Thái đến trường trình bày kịch bản “Cắt cỏ ven sông”. Kịch bản múa dựa vào tứ thư dân gian mang tính trào lộng.

“Cô kia cắt cỏ bên sông

Cái váy thì cộc, cái lông thì dài

Thuyền chài nó trả quan hai

Thưa rằng chẳng bán để dài quét sân”

Với tứ múa này, tôi đi vào ý tưởng giữ gìn bản sắc, hồn cốt quê hương, khi thời sự đất nước đang diễn ra cảnh vượt biên đi tìm chốn giàu sang. Đọc xong kịch bản văn học, thầy Thái Ly phá cười khen: “Giỏi, giỏi, được đấy, hay đấy!”. Có lời động viên khích lệ của thầy, tôi và Bá Thái đã dàn dựng, biểu diễn thành công trong hội thi múa với sự hợp tác âm nhạc của Phú Quang mang về tấm huy chương vàng rực rỡ cho trường.

Thầy ơi! Ba mươi năm đi qua, thời gian như bóng chim câu lướt nhanh ngoài cửa sổ. Nhớ đến thầy, người thầy tài năng và đức độ. Ngày đón xe đưa thầy từ Festival Huế trở về, em là một trong những học trò đứng gác bên linh cữu thầy suốt ngày đêm cứ trăn trở, thản thốt một điều vì sao thầy lại đi nhanh đến thế? Em là người đã giúp thầy mua vé tàu từ Sài Gòn ra Huế. Thầy còn rủ em đi cùng nhưng vì bận việc nên em từ chối, không ngờ chỉ 3 ngày sau đã có tin báo tử về thầy! Điều gắn bó cuối cùng của em với thầy là bài điếu văn em viết về thầy - viết cho ông Bảo Định Giang đọc trong tang lễ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thầy sống mãi trong sự nghiệp nghệ thuật múa Việt Nam, sống mãi trong lòng nhân dân Tổ quốc.

Anh là “cánh chim bay lên trong ánh sáng mặt trời”

Có “bà má miền Nam” yêu thương đón đợi

Có “Bả khó” chàng nghèo đang xây đời mới

Có “Garuda” thần bảo vệ trông coi

Cánh tay cô gái “Cơ Tu” dâng những đón hoa tươi

Để đưa anh về nơi anh theo Bác

“Mâm vàng Cửu Long” khắc tên anh trên phố đường Thủ Đức

Vinh danh anh, người nghệ sĩ hàng đầu nghệ thuật múa Việt Nam.

L.H