Ghi ở cuối thế kỷ hai mươi-Truyện ngắn Vũ Ngọc Cầm

06.01.2015

Một người bạn viết đã khôn ngoan khuyên tôi rằng : Đừng dại mà thọc mạch vào những chuyện người ta thường hay dùng chung bằng cái từ nhạy cảm ấy làm gì. Cậu (chỉ vào tôi) cứ hay xía vào những điều mà người ta muốn dấu biệt đi. Tôi cũng nhận ra điều ấy. Nói thật đôi lúc thiệt lắm. Đừng có móc vào ruột gan bọn xấu nhưng có quyền, rồi có lúc chịu vạ miệng. Nhưng, cái dòng máu của O-xtơ-rôp-xki thấm vào tôi từ những năm nào vẫn rần rật chảy. Vậy nên câu chuyện dưới đây tôi đã cắn răng lờ đi từ những năm 90 của thế kỷ trước để rồi lại hì hục viết ra vào lúc này. Lòng tự nhủ, sang thế kỷ mới người ta đã nghĩ khác. Cách nhìn cũng khác.

Ghi ở cuối thế kỷ hai mươi-Truyện ngắn Vũ Ngọc Cầm


Nhìn thẳng vào cái ghê bẩn của ngày hôm qua để mà gột rửa cho cái ngày hôm nay nó sạch sẽ hơn, trong đẹp hơn là điều tốt chứ sao.Vì thế nên câu chuyện tuy đã cũ nhưng những nhân vật nguyên mẫu vẫn đang còn như sống dưới đây có thể cũng là bài học quý cho con trẻ trong cách nhìn nhận cuộc đời. Với ý nghĩ ấy tôi quyết định ghi lại chuyện này, đương nhiên tôi sẽ thay tên đổi họ những nhân vật có thật trong truyện của mình.

Có thể bắt đầu câu chuyện từ dòng nước mắt của một bà mẹ. Đầu tiên là những giọt nước mắt âm thầm của người mẹ giành cho đứa con dứt ruột đẻ ra đã chiến đấu và hy sinh nằm lại ở chiến trường. Sau nữa là những giọt nước mắt tức tưởi của chính người mẹ ấy đã mấy lần đem trả lại các tổ chức, cơ quan đã phong tặng cho mẹ tấm huân chương và danh hiệu cao quý "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Mẹ Hoà, tóc đã bạc trắng. Lưng mẹ còng xuống như mọi bà mẹ đã ở độ tuổi ngoại thất tuần. Duy chỉ có đôi mắt mẹ là còn rất sắc, nước da đồi mồi tuy đã nhăn nheo vẫn không dấu nổi nét xuân sắc một thời. Dân địa phương kể lại rằng khi còn con gái mẹ đẹp nhất vùng. Có không biết  bao nhiêu chàng trai đã lượn mòn gót bên ngõ những mong giăng mắc tơ lòng. Trong số đó có Ngô Tất, con một nhà gia thế, tiền và quyền cũng thuộc loại nhất vùng. Bị từ chối thẳng thừng, Ngô Tất vừa đau điếng vừa cay cú như bị quả cà chua chín ủng ném vào mặt, anh ta  ngậm đắng rồi  tức tối phun ra những lời mỉa mai hằn học giống như chú Cáo chê chùm Nho xanh. Ngày ấy có ông thầy đồ lòng thầm yêu trộm ước nhưng lại chép miệng thở dài mà đoan chắc rằng đây là người con gái có số kiếp thuộc loại "Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu" hoặc chí ít có sống lâu thì cũng chịu kiếp hồng nhan bạc phận. Và quả nhiên như lời tiên tri ấy, cuộc đời mẹ gặp toàn những hẩm hiu, cay đắng. Ông đồ hiền chẳng lấy được mẹ bởi quân Pháp ập đến lập vùng Tề. Bọn Tây trắng, Tây đen xộc vào làng. Cô gái Hoà xinh đẹp thuở ấy lộng lẫy như một bông hoa đồng nội không đường trốn thoát khỏi bàn tay của bọn lính Lê Dương. Chúng đi càn bắt được cô nhốt vào đồn và thay nhau cưỡng hiếp. Mấy tháng sau, khi cô chỉ còn là tàu lá xanh rớt không còn sức sống thì chẳng cần xin chúng cũng mở cổng đồn thả cô về. Oái oăm thay cô Hoà đã có thai. Phải dầm mình trong tủi nhục giữa lũ thú vật như vậy nên cũng không thể biết  được cái thai ấy là của thằng thực dân nào. Cô Hoà về phục thuốc trong nỗi kinh hãi của cái thai cứ ngày một lớn dần theo năm tháng. Và đến ngày đến tháng cô cũng sinh nở. Một đứa bé da đen đã chào đời. Tóc nó xoăn tít ngay từ lúc mới lọt lòng . Cô Hoà làm mẹ trong sự đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Ăn đói, mặc rét, thiếu sữa nuôi con đã đành, nhưng cái miệng thế gian còn ghê gớm hơn nhiều, nó như trăm ngàn lưỡi dao cứa vào tim gan của người mẹ trẻ. Cô cho rằng trên thế gian này chỉ có một Tám Bính (trong chuyện Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng) và cô là người thứ hai có số phận đen bạc đến như vậy thôi.

Chú bé da đen được đặt tên là Hận, mang họ mẹ là Nguyễn Văn Hận. Cái tên như suốt đời ghi nhận muôn vàn đắng cay và những điều bất hạnh mà hai mẹ con đã và sẽ phải nếm trải trên suốt chặng đường đời. Ngô Tất không hiểu vì ấm ức không lấy được người con gái đã một thời cuồng si hay vì cảm thấy bị xúc phạm, bấy giờ mới được dịp rêu rao phỉ báng mẹ con bà Hoà yếu thế ở bất cứ đâu, bằng những lời lẽ không thương tiếc và tận cùng của sự thoá mạ. Không ra mặt theo Tây, nhưng  khi bọn Lê Dương ập vào thị trấn lục soát tìm Việt Minh thì Ngô Tất tỏ ra xăng xái với những nụ cười bợ đỡ cốt để thoát thân, tránh cho bản thân và gia đình khỏi bị chúng gây phiền hà. Những nhà giàu có như Ngô Tất thời ấy nhiều kẻ rất láu cá, không theo Tây mà cũng chẳng theo ta, mạnh gió chiều nào che chiều ấy, miễn là sống vinh thân phì da, không bị ai đe doạ...

 Ông bà ngoại dần theo nhau về với cõi vĩnh hằng. Hai mẹ con bé Hận lay lắt sống nuôi nhau trong căn nhà dột nát ở cuối xóm Hạ cách thị trấn chừng hơn hai cây số. Mẹ Hoà suốt ngày đi nhặt than về bán lấy tiền nuôi con. Mặc cho thiên hạ mỗi người mỗi ý. Kẻ chê, người cảm thông. Mẹ Hoà nghe nhiều thành quen rồi bỏ ngoài tai. Có kẻ độc mồm độc miệng còn thêu dệt lên những câu chuyện như cổ tích về hai mẹ con người đàn bà bất hạnh này, rằng đêm đêm vẫn có thằng Tây đen như có phép tàng hình mò đến ái ân dan díu với họ rồi gà gáy tinh sương thì lại lẻn về đồn. Nước da đen của nó lẫn với xứ than và màu đen của đêm nên không ai nhận ra được... Cũng còn được niềm an ủi là bé Hận càng lớn lên càng khoẻ mạnh, nhanh nhẹn và rất thương mẹ. Cuộc đời hình như luôn có sự bù trừ. Đường tình xót xa tan nát như vậy, sự ra đời của bé Hận trớ trêu đến như vậy, nhưng bây giờ nhờ tình mẹ con mà mẹ Hoà có được chút hạnh phúc nhỏ nhoi, là chỗ dưạ tinh thần để bà vượt lên số phận của chính mình. Thằng con da đen thuộc giống người bên kia đại lục giờ đây đã trở thành cục vàng của bà mẹ Việt. Bà đã có chỗ gửi gắm phần hồn của mình vào đó, sống chết cũng vì nó. Bà không chút ngại ngần đội mưa đội nắng đi nhặt than rơi than vãi để bán kiếm tiền nuôi đứa con, hòn máu của mình đã từng một thời mang nặng đẻ đau.

Nhưng, cuộc sống đâu có trôi đi êm đềm và bình lặng như thế mãi. Hoà bình đã được lập lại ở miền Bắc Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Bé Hận lớn lên làm người, nó cũng phải được cắp sách tới trường như bao đứa trẻ khác. Hận bị bọn trẻ kỳ thị vì chỉ có mình nó có nước da đen bóng nhãy và mái tóc xoăn tít xoắn bện vào nhau. Trong giấy khai sinh nó lại là đứa con không bố. Không hiểu ai đó vô tình hay  ác ý còn mớm cho bọn trẻ những câu đồng dao tựa như xát muối vào lòng :

"Thằng da đen là con tên cướp nước". Một đứa bé như Hận chưa đầy chục tuổi đầu đang là học sinh cấp một đã phải chịu không biết bao nhiêu lời lẽ cay độc báng bổ, mỉa mai như vậy. Nó không thể hiểu được vì sao mình lại khác các bạn bè cùng trang lứa, tại sao lúc nào mình cũng là tâm điểm của sự miệt thị và trêu chọc. Nó lại càng không thể hiểu được vì sao mình lại không có bố và vì sao mình lại được sinh ra trên cõi đời này. Được cái Hận khoẻ mạnh nên những thằng bạn cùng lớp khiêu khích quá đáng là Hận tấn công lại. Có nhiều cậu con nhà  quý tử hung hăng thế thôi chứ sau một học kỳ khích bác và chọi nhau với Hận vài lần là phải sợ nen nét. Mạnh mẽ nhưng lại rất lành, Hận sẵn sàng giúp đỡ bạn hết mình lúc bạn gặp khó khăn. Khi học lên cấp hai em đã có rất nhiều bạn quý mến và cảm thông. Nhất là sau lần Hận liều chết cứu sống được một em bé tắm sông xuýt chết đuối. 

Cuộc sống đơn côi của hai mẹ con bà Hoà cũng không thể êm đềm trôi đi mãi. Không có người đàn ông làm trụ cột trong nhà có khác gì con thuyền không lái biết trôi dạt về đâu. Vất vả thế nhưng những năm ấy bà Hoà vẫn còn chút xuân sắc của gái một con. Cũng có nhiều kẻ ngấp nghé muốn đi tìm thú lạ, trêu ghẹo đủ điều. Để tránh miệng thiên hạ và cũng là tìm đến một chỗ dựa cho hai mẹ con, bà cầm lòng nhận làm vợ của một ông nát rượu làng bên bị vợ bỏ. Có ngờ đâu cuộc tình chắp vá ấy không những không đem lại hạnh phúc cho mẹ con bà Hoà mà còn đày ải bà cả phần xác lẫn phần hồn. Ông chồng mà hình như cả đời chỉ biết có rượu ấy lúc nào cũng nhìn bé Hận như là cái gai trong mắt mình. Tất nhiên là ông không cho bé Hận đi học nữa, ở nhà nhặt than, lấy củi để bán kiếm tiền và đóng góp vào tiền rượu cho ông uống hàng ngày. Hận năm ấy đã hơn mười lăm tuổi, sức vóc to cao và đôi mắt lúc nào cũng trĩu buồn. Bị bố dượng đánh vô cớ không biết bao nhiêu trận mỗi ngày. Thân xác Hận không mấy hôm là không bầm tím. Thương con, bà Hoà chỉ biết cắn răng cam chịu, nước mắt phải lặn vào trong. Mỗi một cử chỉ âu yếm hay xót con là Hận lại bị đánh đòn thêm, rồi chính bà Hoà cũng phải chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết của người chồng vũ phu không nhân tính ấy...

 Và rồi  đến một ngày. Ngày ấy bà Hoà không thể quên bởi nó đúng vào ngày sinh lần thứ mười sáu của Hận, và đó cũng là ngày mà sau này cứ mỗi lần nhớ đến lòng bà  lại quặn đau như có trăm nghìn mũi kim đâm xoáy tận tim gan mình. Hôm ấy bà  đi nhặt than. Bố dượng ở nhà bắt Hận lên rừng lấy đủ sáu mươi cân củi về để bán cho lò gạch xóm bên đă đặt mua chuẩn bị đốt lò. Hận phải lên rừng trong tình trạng bị sốt. Có lẽ cũng một phần do bị đói vì sáng hôm ấy em mới chỉ được ăn hai củ khoai luộc. Hận thấy hoa mắt chóng mặt. Em buộc phải về sớm và chỉ cố chặt rồi gùi về được chừng hai mươi cân củi. Chỉ thế thôi đã là đủ làm cơn thịnh nộ phừng phừng trên khuôn mặt vốn đầy ác cảm của ông bố dượng. Không cần nghe Hận trình bày, ông ta trói Hận vào chính bó củi mà em vừa cố sức vác về. Bó củi được chôn ở góc vườn và Hận cũng bị trói đứng chặt vào bó củi  bằng sợi dây thừng oan nghiệt. Bà Hoà đi làm về thấy con bị hành hạ đến mức ấy không chịu nổi ngất lên ngất xuống. Tỉnh lại bà chỉ biết tức tưởi khóc âm thầm trong xó bếp. Bà sợ nhất nếu thấy bà khóc là Hận sẽ bị bố dượng đánh nhiều thêm.

Hận cứ bị trói chéo tay về sau cột chặt cùng bó củi suốt chiều và qua đêm hôm ấy ở ngoài vườn như thế. Sáng hôm sau hai tay và chân của Hận máu đã tụ tím bầm. Mặt em tái nhợt như người chết đuối. Cơn sốt cùng cơn đói đã quật em gục hẳn. Gục rồi nhưng vẫn không rơi được xuống đất bởi hai tay vẫn đang bị treo ngược vào bó củi. Đến nước này lòng thương con đã thắng mọi sự hăm doạ của người chồng độc ác. Bà Hoà bất chấp tất cả. Bà gào lên thảm thiết và cầm dao lao vào cắt dây trói cho con. Hận đổ gục xuống đất trong sự bất tỉnh. Tiếng khóc thảm thương của bà mẹ như có sức lay tỉnh đứa con. Hận dần dần hé mở đôi mắt mệt nhọc rồi mấp máy môi gọi mẹ xin nước uống. Bà con hàng xóm lúc ấy mới biết chuyện đổ sang, họ gạt ông bố dượng lạnh lùng đang trong cơn say mèm sang một bên và đưa Hận vào bệnh viện cấp cứu. Nằm trên giường bệnh, Hận được sưởi ấm bằng tình thương của người mẹ mà lâu lắm rồi, kể từ khi xuất hiện người bố dượng trong nhà, Hận không còn được hưởng. Mẹ vuốt lên mái tóc xoắn bện vào nhau của Hận. Nước mắt mẹ được tự do rơi lã chã trên khuôn mặt đen bóng của con trai mình. Có lẽ chính những giọt nước mắt nóng hôi hổi ấy cùng những bát cơm có chút thức ăn quý giá của bà con hàng xóm thương tình góp lại đem cho, đã giúp cho Hận dần hồi phục lại sức khoẻ. Năm ngày sau thì Hận ra viện. Ông bố dượng vô cảm nhìn Hận như chưa từng có chuyện gì xảy ra mà em đã vừa phải vượt chính mình để thắng cái chết trở về.

Cũng chính những ngày nằm trên giường bệnh, Hận lần đầu tiên có đủ thời gian ngơi nghỉ để nghĩ về số phận của mình. Cũng là lần đầu tiên em táo bạo nghĩ ra lối giải thoát cho mình và cho mẹ. Rồi hai hôm sau ngày ra viện, khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc ông bố dượng ngáy khò khò sau chầu rượu bất cần đời, Hận thầm thì cùng mẹ :

- Mẹ ơi, con thương mẹ lắm. Nhưng mẹ hãy bình tĩnh để nghe con phân tích nhé. Con sẽ ra đi để dượng khỏi hành hạ mẹ. Nếu ở lại thì sớm hay muộn dượng cũng đánh con đến chết mất thôi !.

 - Thời buổi đạn bom  này con đi đâu được. Xa con mẹ biết sống sao đây?

-  Con sẽ vào bộ đội, thanh niên thời chống Mỹ đi đánh giặc cũng là phải lẽ...

Bà Hoà sững người như đang trong cơn mê sảng, bà ngơ ngẩn hỏi con:

- Nhưng con đã đến tuổi nhập ngũ đâu. Sang năm con mới đủ tuổi kia mà !

- Con sẽ tình nguyện mẹ ạ. Có bao nhiêu người đã ra trận có chờ đủ tuổi đâu. Vả lại, nếu con có ngã xuống ngoài mặt trận vì cuộc chiến giải phóng đất nước thì cũng là xứng đáng chứ không chết một cách vô nghĩa bởi sự hành hạ của ông bố dượng quá ác này. Mẹ thấy con nghĩ thế có phải không?

Bà Hoà chết lặng đi trong tiếng thì thầm nhưng rõ mồn một từ miệng của đứa con trai. Thì ra nó đã biết nghĩ và chín chắn lắm rồi. Nó cũng đã lớn lên cả thể xác và tinh thần, hơn những gì bà vẫn nghĩ. Nó biết thương mẹ và tìm mọi cách giải thoát cho mẹ. Lòng thương con ngập tràn trong lòng. Suốt đêm bà không sao ngủ được. Nước mắt bà được tự do nhỏ xuống đầu đứa con trai đang gục vào lòng mẹ. Nó lại được hưởng hơi ấm của những ngón tay mẹ vuốt nhẹ trên mái tóc xoăn  như thuở còn thơ bé. Nó chỉ có một ước ao, mà không bao giờ có được, là hưởng hạnh phúc được vuốt ve từ bàn tay ấm áp của người đàn ông mà  những đứa trẻ khác thường gọi bằng bố, đặt trên mái đầu con trẻ những lúc tan trường họ thường đến đón con về ...

                                                                                                             *

Thế rồi Hận viết đơn tình nguyện bằng máu xin nhập ngũ .

Sau ba tháng huấn luyện anh bộ đội Nguyễn Văn Hận được về lại xóm Hạ cạnh thị trấn mà suốt những năm tháng tuổi thơ sống trong tủi cực để thăm mẹ trước khi vào chiến đấu ở chiến trường B. Mẹ con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Người bố dượng nát rượu cũng đã bỏ mẹ anh đi bạt xứ phương nào không ai biết nữa. Chỉ mới ba tháng trong quân ngũ thôi mà Hận đã lớn phổng phao lên, lực lưỡng và chững chạc hẳn ra. Nhưng cũng chỉ ba tháng trôi qua thôi mà mẹ anh già đi nhiều và gầy tóp lại. Cuộc chia tay của người lính ấy thật giản dị nhưng vô cùng cảm động. Có giọt nước mắt thương cảm  xen lẫn tự hào của người mẹ, có cả những người bạn cùng trang lứa đến chia tay và vội vã chụp cùng nhau bức ảnh kỷ niệm để rồi không biết đến bao giờ mới gặp lại nhau. Có cả những bà con cô bác tuy không họ hàng thân thích nhưng rất mực yêu thương đùm bọc mẹ con Hận những năm tháng đói nghèo tủi hận ... Người lính ấy chỉ thoáng một nét xao xuyến bởi anh chưa có một người bạn gái nào thầm kín trao lời ước hẹn chia tay với người lính ngày mai ra trận. Anh bâng khuâng thức suốt đêm ấy. Thương mẹ suốt một đời lam lũ nuôi anh, bây giờ đã khôn lớn mà chưa giúp được gì cho mẹ.Trước đây chỉ có mẹ thức suốt năm canh trông cho anh ngủ. Còn hôm nay là một ngày hệ trọng, và cũng có lẽ là lần đầu tiên trong đời anh thức trông cho mẹ thiêm thiếp ngủ bên cánh tay rắn chắc che chở của anh...  

Bức thư cuối cùng của người chiến sĩ Nguyễn Văn Hận gửi từ chiến trường miền Nam ra cho mẹ đề tháng 2-1972. Anh kể cho mẹ nghe những ngày chiến đấu ác liệt bên dòng sông Thạch Hãn. Những trận bom thù dữ dội của bọn Thuỷ quân lục chiến Mỹ đã không tiêu diệt được đơn vị anh trong tình trạng chênh lệch về lực lượng ở gần thành Quảng Trị. Cuối thư anh tự hào và vui sướng khoe với mẹ anh được phong  cả hai danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ và Dũng sỹ diệt Nguỵ. Vinh dự hơn nữa là anh được kết nạp Đảng giữa hai trận đánh ngay trên chiến trường. Anh viết :

  "Mẹ ạ, con tin rằng đường con chọn là đúng. Thanh niên thế hệ chúng con phải biết cống hiến cho đất nước, phải sống chết với quân thù để giải phóng quê hương. Có bao nhiêu bà mẹ trên đường hành quân con đã gặp cũng có số phận đắng cay như mẹ. Đó là nỗi đau  khi đất nước vẫn còn dưới ách  kẻ thù xâm lược. Con rất thấm thía câu nói của anh Lê Mã Lương, rằng cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù".

Mẹ Hoà có ngờ đâu lá thư thân thương ấy lại là lá thư cuối cùng của người con trai mình. Trên đường lá thư chuyển ra Bắc thì anh Hận đã dũng cảm hy sinh trong một trận đánh phá vây giải cứu cho Tiêủ đoàn bạn trong một trận chiến cài răng lược. Niềm hy vọng, tự hào và gửi gắm duy nhất của bà mẹ vùng than đã mất sau hôm nhận tờ Giấy báo tử.. Bà không còn nước mắt để khóc con trong những đêm  dài không ngủ. Bà đã gầy  nay lại càng quắt queo hơn và mái tóc dài óng mượt thuở nào chỉ sau vài tuần đã chuyển sang màu bạc phơ. Những ngày choáng váng nhận tin dữ ấy bà sống được chính là nhờ những người thân thương xung quanh. Bà con xóm Hạ đã từng một thời dìu dắt cưu mang hai mẹ con  giờ đây lại là cứu cánh và nguồn động viên duy nhất để người mẹ ấy vẫn còn sống tiếp được trên cõi đời này. Hôm địa phương làm lễ truy điệu liệt sỹ Nguyễn Văn Hận là một ngày rất trọng đại. Tấm bằng Tổ quốc ghi công với bức ảnh của con trai sẽ là hành trang cuối cùng để mẹ sống nốt phần đời còn lại.

                                                                          *

 Đất nước sau chiến tranh với bao đau thương mất mát đã kịp hàn gắn và làm dịu vợi một phần nỗi đau của những người mẹ mất con. Quê hương yêu dấu bao giờ cũng là nơi che chở cho mọi số phận . Mẹ Hoà cũng vậy, mẹ được ở trong ngôi nhà tình nghĩa do chính quyền dịa phương và bà con cô bác ưu ái xây lên bằng lòng kính trọng và sự sẻ chia. Mẹ còn được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vinh dự ấy không chỉ là của riêng bà mà còn là của cả mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn với bao hy sinh mất mát về người và của cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của cả một dân tộc. Phong trào uống nước nhớ nguồn lan rộng, mẹ Hoà còn được một doanh nghiệp đứng ra đỡ đầu, phụng dưỡng thường xuyên thấu tình đượm nghĩa...

Nhưng, cuộc sống không thuận chèo mát mái như thế dù đã phải trả bằng cái giá quá đắt. Có một con người đã đứng ra kiện người mẹ liệt sỹ, bà mẹ được phong danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng ấy. Đứng đầu đơn kiện  chẳng phải ai xa lạ, mà lại chính là Ngô Tất, người một thời có quyền chức và đã từng  được nhắc đến trong phần đầu của câu chuyện này. Không biết vì hậm hực câu chuyện tình từ thuở nào hay bởi sự ghen tức với vinh quang của người đã mất mà lão vác đơn đi kiện khắp cả từ Trung ương đến địa phương. Trong đơn lão rêu rao xúc phạm mẹ Hoà. Nào là không thể phong danh hiệu cao quý cho một người từng làm Me tây, đẻ con với bọn cướp nước. Rằng con của kẻ cướp nước thì có thể là người yêu nước được không, vân vân và vân vân... Trong thời chiến tranh chống Mỹ, do tài xun xoe bẩm sinh và "thích ứng" mọi hoàn cảnh theo kiểu "ở bầu thì tròn ở ống thì dài", Ngô Tất đã từng được cất nhắc đến chức Trưởng ban  cán bộ tổ chức ở mỏ.  Ông ta cho cả ba đứa con đi học ở Liên Xô. Lão tránh cho con mình khỏi phải vào chiến trường, xa mũi tên hòn đạn mà lại được tiếng là có tầm nhìn xa vì biết chuẩn bị lực lượng xây dựng  khi nước nhà thống nhất. Trong ba thằng con đi Tây của lão thì có một "quý tử" thứ ba là về nước sớm hơn dự kiến bởi sự phá bĩnh ăn chơi xả láng kiểu con ông trời. Bây giờ "quý tử" ấy cũng đang là con nghiện ma tuý có hạng của Thị trấn. Hắn đang ngồi bóc lịch trong tù bởi có tham gia vào một đường dây buôn ma tuý xuyên quốc gia.

Đầu tiên là tổ dân khối xóm đến vận động Ngô Tất, rằng tình làng nghĩa xóm, sự hy sinh cao cả vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của liệt sỹ Nguyễn Văn Hận với những chiến công của anh, rằng người mẹ có người con trai duy nhất đã hiến dâng cho đất nước ấy rất xứng đáng được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tất cả những lời tâm tình sẻ chia ấy Ngô Tất đều để ngoài tai. Ông ta vẫn cứ tiếp tục làm đơn kiện lên kiện xuống. Đầu tiên ông kiện mẹ Hoà, sau rồi kiện đến cơ quan, tổ chức đã đệ trình và xét duyệt danh hiệu cao quý trên. Mấy năm trời ròng rã không thoả mãn được lòng hậm hực của mình Ngô Tất quyết định kiện ngay cả doanh nghiệp đã đỡ đầu mẹ Hoà. Việc làm của ông ta không phải chỉ kiện đòi lấy công bằng xã hội  như đơn ông viết mà từng câu từng chữ trong đơn của ông đều chứa chất sự moi móc  đào khoét về quá khứ. Đi đâu ông cũng rêu rao, thoá mạ người mẹ mất con này.  Chi bộ gồm hầu hết những cán bộ nghỉ hưu nơi Ngô Tất sinh hoạt sau nhiều lần góp ý đã không thể đồng tình. Họ đã quyết định đề nghị cảnh cáo ông ta về lỗi phát ngôn. Ngô Tất lại sử dụng quyền công dân để kiện. Vụ kiện vượt cấp kéo dài đầy tai tiếng ấy đã khiến đảng bộ cơ sở phải đi đến kiến nghị  cần phải khai trừ đảng đối với Ngô Tất vì lỗi hành vi và khiếu kiện trái cả pháp lý lẫn đạo lý. Lạ chưa, chỉ hơn một tuần sau đã có một lá thư của một cán bộ rất to ở Trung ương gửi về đề nghị xem xét lại. Thì ra ông cán bộ rất to này thuở thiếu  thời đã  làm viêc tại vùng mỏ với Ngô Tất. Thế là ông ta vẫn đứng vững trong đội ngũ những người đảng viên. Mới đây ông còn được nhận huy chương 50 năm tuôi đảng...  Và thế là  lại một lần nữa trong đời trước Ngô Tất mẹ Hoà yếu thế. Mẹ chỉ biết âm thầm gạt những giọt nước mắt xót xa thương nhớ con, tủi cực cho số phận cay đắng của mình. Được dưỡng già trong Căn nhà tình nghĩa nhưng lòng mẹ vẫn băng giá, cô đơn không sao tả xiết.  Đã không dưới ba lần Mẹ nhờ người viết đơn xin với các thượng cấp thu hồi lại hộ mình  cái danh hiệu ấy. Mẹ chỉ nói :" Xin cảm ơn Đảng và Nhà nước đẫ chiếu cố đến tôi, nhưng tôi muốn các nhà chức trách hãy thu lại cái danh hiệu ấy đi, tôi  chỉ mong sao được sống yên thân trong những ngày còn lại  của đời mình...".

                                    

                                                                                                                *

Và đến những năm cuối thập niên 90 của Thế kỷ hai mươi thì bà Hòa mới trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà tình nghĩa mà quê hương và nhiều tổ chức đã xây lên cho người mẹ liệt sĩ ấy.

Dân làng vẫn kể lại với nhau rằng lời tâm sự của bà cụ Hòa những ngày cuối cùng, bà hay tự hỏi mình và hỏi mọi người rằng : Tại sao sống trên đời con người cứ phải làm khổ nhau thế nhỉ?

Trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng bà chỉ gọi tên con : “Hận ơi!, con ơi !” . Rồi biết mình không qua khỏi bà thanh thản dặn mọi người : “ Tôi mất đi nhưng không nợ ai bất cứ điều gì, không nợ đời này cái gì cả...”

Vào cái đêm thứ ba sau ngày mất của bà cụ Hòa, có một ông già tuổi chừng ngoại bát tuần lặng lẽ tìm đến bàn thờ của bà Hòa đang nghi ngút khói hương. Ông ta thắp một nén nhang rồi chắp tay khấn khứa : “ Bà ơi, tôi có tội với bà nhiều lắm.Tôi xin bà tha thứ cho tôi !”.

Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên gò má dăn deo đầy bụi của ông...

 

                                                                                                                                 V.N.C
(tacphammoi.net)