Ký ức sông Hàn - Nguyễn Thị Thu Hiền

31.03.2020

Tôi  nằm mơ về khu nhà chồ ngày xưa của chúng tôi bên bờ sông Hàn, giữa bốn bề nước trong xanh. Tôi một mình trong căn nhà nhỏ, phía trước là bờ sông vắng. Em ở ngoài sông vẫy gọi, tôi chầm chậm rời khỏi nhà đi về phía sông. Tôi bơi ra sông thì chẳng thấy em đâu, bèn bơi ngửa ngắm sao trời và chợt trông thấy em đang mỉm cười ở trên đó. Tôi giữ kín giấc mơ đó cho riêng mình và không hề kể với bất kỳ ai.

Ký ức sông Hàn - Nguyễn Thị Thu Hiền

Sông Hàn ngày xưa có đôi bờ, bên tê sông là quận một có đèn điện sáng choang với dãy nhà cao tầng sang trọng, ngó bên ni sông là quận ba với leo lét ánh đèn và dãy nhà tạm bợ dựng ven bờ sông của dân nghèo. Vậy nên mới có câu trong dân gian: “Con gái quận ba không bằng bà già quận một”. Ngôi nhà của tôi và của em đều nằm bên ni sông, một trong những dãy nhà chồ san sát, cảnh ăn bữa hôm lo bữa mai, nhưng lại là nơi gió thổi mơn man vào những buổi trưa hè nóng bức và đêm nằm ngủ nghe tiếng gió rì rào. Gió đêm thổi từ sông vào mát rượi. Mỗi lần chúng tôi ngồi cùng nhau, đã ngửi thấy mùi vị của sông trong gió thổi ngược lên, và nghe rì rầm tiếng nước như lời ru làm dịu lòng người. Lòng chúng tôi thanh thản khi đứng trước sông ngắm trăng sáng vằng vặc trên đỉnh đầu và nghe tiếng nước vỗ, cảm giác mình như đang lạc vào khung cảnh thần tiên. Từ sáng tinh mơ mặt còn ngái ngủ, quần ống thấp ống cao ước đẫm sương mai, em đã cất quang gánh lên vai đi về hướng bến phà, mọi người hối hả gồng gánh, chen chúc nhau lên phà, cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền. Gánh hàng của em hôm thì mùi hăng hắc của gánh củi tươi, hôm thì mùi cá tôm của biển Thọ Quang, Mân Thái, hôm thì mùi rau củ tươi xanh từ những mảnh ruộng An Trung, Bắc Mỹ An, hôm thì thúng hoa tươi từ Mỹ Khê, đong đầy hai quang gánh chạy cho kịp buổi chợ. Hàng ngày, bước chân nặng trĩu của em in dài trên con đường giữa lòng phố thị, lo cho em trai được ăn học đàng hoàng, bởi em trai là người duy nhất không chỉ ở đại gia đình em, mà là ở cả khu nhà chồ đậu vào trường phổ thông trung học bên kia sông.

Mặt sông Hàn bắt đầu gợn sóng lăn tăn, tiếng máy âm vang cả một khúc sông. Khói uốn éo trên những nóc “nhà chồ” ven bờ là lúc em chen chân lên phà trở về nhà, bao giờ tôi cũng chờ em nơi cuối bến. 

Năm 2000, cây cầu Sông Hàn khánh thành trong niềm vui của toàn thành phố, sự  đổi thay bắt đầu len lỏi vào cuộc sống của người dân Đà Nẵng. Những dãy nhà chồ san sát mặt sông được dỡ bỏ, nhà chúng tôi dọn về căn hộ chung cư theo sự bố trí của lãnh đạo thành phố là ông Nguyễn Bá Thanh. Bến phà không còn, mọi dịch vụ ăn theo bến phà cũng dừng hoạt động. Cuộc sống của những người chuyên làm nghề bám theo bến phà đã dừng lại. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện cho bà con tìm một nghề khác, bền vững hơn, có thu nhập ổn định hơn. Người chuyển sang bán hàng ăn, người đi làm công nhân, người vẫn chạy chợ như em...

Tôi tỏ tình với em ngay ở cây cầu tình yêu sông Hàn. Tôi còn gắn ổ khóa có khắc tên hai đứa vào thành cầu với lời thề non hẹn biển. Em đồng ý sẽ làm vợ tôi với điều kiện chờ đợi. Tôi thề nguyền sẽ đợi cho đến lúc em trai em tốt nghiệp đại học, em đã hoàn thành xong bổn phận của mình trước bàn thờ ba mẹ. Hai chúng tôi cùng ném chìa khóa xuống dòng sông, như minh chứng không gì có thể chia lìa được tình yêu của mình.

Ông trời thật không công bằng, khi chúng tôi không đủ duyên đi trọn con đường. Em ra đi mãi mãi sau cú va chạm giao thông, vì bon chen ngoài đường kiếm từng đồng cho em trai ăn học thành tài.

Thời gian trôi đi, thật buồn cười khi tôi đứng trên cầu tình yêu chỉ có một mình, giữa bao nhiêu cặp yêu nhau. Chợt thức dậy trong tôi bao kỷ niệm, em không còn trên cõi đời này nữa, nhưng mọi thứ như mới hôm qua. Chiếc ổ khóa vẫn nằm đó giữa nắng mưa bền bỉ, giữa hàng nghìn ổ khóa muôn màu muôn sắc. Tôi từng đi du lịch không biết bao nhiêu nơi nhưng không có cây cầu tình yêu nào đẹp như sông Hàn quê hương. Vì ngoài việc giúp cho tinh thần thoải mái, còn cho tôi niềm vui nỗi nhớ về tình yêu không trọn vẹn. Mỗi khi có chuyện buồn trong công việc hay cuộc sống, tôi thường chạy xe ra cây cầu tình yêu sông Hàn, cho dù bây giờ sông Hàn đã thay da đổi thịt, không còn như xưa, mỗi lần như thế tôi đều luôn có cảm giác em đang ở bên cạnh và an yên đến lạ...

N.T.T.H
(Tạp chí Non Nước số 266)