Lê Hoà - Người hát rong với bầu trời

26.06.2015

Lê Hoà - Người hát rong với bầu trời

Có lẽ lâu rồi mới có một chàng trai trẻ có tập thơ mà đến người đọc khó tính cũng phải giật mình, thích thú như găp ca sĩ hát tình ca hay đến lạ lùng. Tập thơ Hát ru bầu trời (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2015) của Lê Hòa chiếm trọn tình cảm của người đọc bởi thi ảnh và ngôn ngữ được chắt lọc và nhân cách hóa một cách tài tình.

Hiện nay có hàng nghìn bài thơ của hàng trăm tác giả, họ viết ra đọc khó cảm nhận,có người ngụy biện cho rằng đó là thơ mới nhưng không có gì mới cả. Thơ lục bát viết cứ đều đều không có ý tứ ngôn từ hay, có khi gượng ép cả niêm luật nhưng khi đọc Hát ru bầu trời của Lê Hòa tự nhiên thấy sướng như, rượu mới uống đã say vì người ta bắt gặp được cái thần của thơ. Thơ Lê Hòa như là bức tranh sinh động với những sắc màu đẹp, đã lượng hóa nỗi ưu tư, suy ngẫm, thấm đẫm tình người, như một thứ trầm hương ngan ngát.

    

Thơ tự do của Lê Hòa là lí trí thấm đượm nhân văn sâu sắc không hoa mỹ nhưng chất chứa nỗi niềm, ưu tư.

 

Thương cây lúa ngàn năm dầu dãi

Qua chua cay chát nghẹn ngọt bùi

Để cánh cò vút lên cùng câu hát

Bay thênh thang lồng lộng biển trời

 

                (Viết trên cánh đồng)

 

hay như:

 

Mẹ nắm chặt tay. Dắt tôi qua tháng ba

Rồi tháng tư. Tháng năm và nhiều tháng nữa

Đất gan gà quả khế chẳng nỡ chua

Để tiếng sáo ru hồn quê những chiều mận chin

 

                          (Hoa gạo tháng ba)

   

Thơ lục bát của anh có giọng thơ mới mẻ, âm hưởng duyên dáng mà sâu sắc và xao xuyến, đọc thơ trong tập Hát ru bầu trời ta thấy dâng tràn cảm xúc lâng lâng, thấm đẫm tình đất tình người:

      

Biết rồi sẽ đến ngày xưa

Anh cõng em .Nắng cõng mưa .Ta về

Cái cò lặn lội bến quê

Dòng sông ngày ấy vẫn mê mải lòng

Dẫu mà có đến long đong

Thì ta vẫn ở cánh đồng mẹ ru

 

…. Và:

    

Anh cõng em. Gió cõng sương

Ta đi về phía bình thường. Ngày xưa.

 

           (Biết rồi sẽ đến ngày xưa)

     

Yêu quê, yêu cái ngày xưa tha thiết, yêu cánh đồng mẹ ru và rồi bức tranh quê sinh động đẹp đẽ ấy, đã được khắc họa tinh tế dí dỏm, cái giọng dân gian, bình dân mà sắc sảo:

     

Vầng trăng treo ở nóc nhà

Cái cò cái vạc vẫn là là bay

 

… và:

   

Chiều nay để sổng giấc mơ

Đêm về lại thức với chơ chỏng lòng

 

             (Để sổng giấc mơ)

 

Với Lê Hòa bức tranh quê thấm đẫm tình quê, tình mẹ sâu lắng đến rung động, bật ra những cảm xúc lắng đọng tâm tư trở về tuổi thơ với mẹ:

     

Lâng lâng say tiếng à ơi

Mẹ ngồi ru vã mồ hôi trưa hè

 

… và

 

Từng chùm hoa gạo rơi rơi

Đốt tôi cháy rực cả trời ấu thơ

 

                  (Hành khất)

 

Anh viết về những người mẹ yêu thương với những vần thơ lục bát, nhẹ nhàng rung cảm, nhưng viết về những người cha chú kính yêu những điều trăn trở với thể tự do mà sâu sắc. Những vần thơ đọng lại sự cảm phục trong tâm khảm sâu xa và sự cay đắng của năm tháng chiến tranh:

 

Chưa bao giờ mẹ nói với con

Về tết Mậu Thân mảnh bom còn găm

trong mình cha nhức nhối

Xuân bảy chín máu rơi đỏ trên trời biên giới

Cơn sốt rét nào lặn vào tủy cha

Để mười năm sau vết thương cũ dậy mần góa phụ

......

 

Với mẹ ư? Hạnh phúc là đợi trông

Con của mẹ bay đi khắp chân trời góc bể

Lại trở về bên gốc đa làng cũ

Nói với mẹ rằng: Tổ quốc bình yên

               

      (Chưa bao giờ mẹ nói với con về chiến tranh)

      

Anh viết về đôi lứa ở vùng đất Đà Lạt thông reo thơ mộng, về yêu thương lãng mạn dìu dặt mà bâng khâng tiếc nuối:

 

Anh về thức với trăng xưa

Mắt hanh hao mắt. Đêm vừa vặn xanh

 

Sắt se vài sợi gió lành

Phập phồng núi thở. Sương thành thật rơi

Em xa. Rỗng cả khoảng trời

Ngổn ngang chuông thả nửa lời hư vô

 

      (Đà lạt trắng một mùa sương)

     

Với cõi tâm linh, cái cõi thinh không cứ văng vẳng đâu đây miền u tịch trầm luân của kiếp người trên thế gian này, Lê Hòa không tự sự mà hát ru bầu trời bằng lời từ cửa Phật. Anh đã viết:

À ơi… đất tỉnh trời say:

 

Bàn chân chạm gió đong đầy giấc mơ

Năm phương sáu cõi. Một bờ

Hồi chuông chính đạo vẫn lờ lặng ru

 

                     (Hát ru bầu trời)

       

Về thời gian, không gian Lê Hòa mã hóa cấu tứ kết hợp giữa cổ điển và lục bát, giữa hiện đại và dân gian nhuần nhuyễn một cách lạ thường:

 

Tháng sáu về tháng sáu ra đi

Ta chạy dọc bờ sông như người đãng trí

Úp mặt xuống dòng tìm con cá rô thuở nhỏ

Hỏi đường nào ra biển rô ơi

Ô kìa giọt nước mắt rơi

Đàn cò sải cánh trắng trời nhớ mong

Ta xuôi đò nước xuôi dòng

Con cua đứng khóc giữa đồng gọi mưa

 

                 (Nỗi niềm tháng sáu)

      

Đang băng băng trên đường thơ tư do, Lê Hòa khéo léo chuyển làn trở về với lục bát như bẻ ghi cho đoàn tàu lăn bánh, bắt nhịp được trước sau tránh sự bình thường, làm nên cái duyên tươi trẻ. Lê Hòa có thế mạnh trong thể thơ lục bát, anh gieo câu chữ duyên dáng vào tâm tư của người đọc.

 

Trắng đêm, trắng một cơn giông

Quê mùa phút chốc thành công cốc mùa

Nước lên ngập cả cổng chùa

A di đà Phật người thua rồi. Trời

......

 

Nếu mà đê vỡ làng ơi

Quê mình có một chân trời để lên

 

          (Làng ơi có một chân trời)

      

Sau cơn bão trời lại bừng nắng lên, anh trở về mùa xuân của yêu thương ngọt ngào, trở về dòng sông tuổi thơ lãng mạn thi vị:

 

Vườn nhà rụng trắng hoa cau

Kìa đàn chim sẽ bay sau luống cày

Mùa xuân mưa bụi giăng đầy   

Uống mùi đồng ruộng ta say tím lòng

 

…và:

      

Hình như giữa phố trăng lên

Toan đi lại chạm bậc thềm tuổi thơ

 

                (Bậc thềm tuổi thơ)

        

Không hiểu sao đọc Hát ru bầu trời của một chàng trai trẻ với những vần thơ đẹp lung linh, ngôn ngữ câu từ được chắt lọc bằng sự tinh tế, cấu tứ các bài thơ chặt chẽ, giọng thơ khoan thai vi vút. Tôi thấy Lê Hòa vững vàng trong ngôn ngữ thi ca và có phần già dặn của người từng trải trong thi pháp. Hình như cuộc sống hoàn cảnh của một cử nhân văn khoa nhưng không làm văn chương trên dặm trường mưu sinh có phần chưa may mắn, nên hồn thơ Lê Hòa như ưu tư, phảng phất nét buồn, nhưng đó chỉ là cảm nhận của tôi. Trong vẻ ưu tư ấy, không biết ngoài đời thế nào nhưng trong thơ vẫn còn lại sự lạc quan nảy nở một cách hồn nhiên:

 

Đêm nay thức với đại ngàn

Với mùi Dạ lý đang ràn rạt bay.

Không men chẳng rượu mà say

Hương rừng chuếnh choáng ủ đầy giấc đêm

 

                      (Thức với đại ngàn)

     

Và còn có một Lê Hòa dung dị, khoan dung và độ lượng:

 

Hôm qua đã cạn ánh rằm

Ta nhớ nhau một âm thầm khuyết nhau

Trăm năm. Biết, vẫn bể dâu

Thì đi cho đến nông sâu kiếp người

 

                          (Độ lượng)

      

Với một cây bút trẻ, cũng cần nâng cao bút pháp nhiều hơn nữa, trên con đường thơ của Lê Hòa còn những thử thách cam go. Song niềm tin của tôi ở Lê Hòa sẽ vững vàng nơi phía trước. Chắc chắn Hát ru bầu trời tác phẩm đầu tay này sẽ là bệ phóng nâng bước cho thơ Lê Hòa cất tiếng ca của người hát rong vang vọng, bay lên ru cho những người khó tính trên bầu trời thi ca ngon giấc. Chúc Lê Hòa thành công ở con đường mà anh đã chọn.

    

Thành phố Hồ Chi Minh tháng 6.2015   

Nguyễn Vũ Quỳnh
(http://nhavantphcm.com.vn/)