Mạch trữ tình trong truyện ngắn thế hệ nhà văn sau 1975

03.08.2023
Đinh Trí Dũng
Từ lâu, trong lịch sử văn chương Việt Nam luôn tồn tại xu hướng trữ tình sâu đậm. Văn học giai đoạn 1945-1975, chủ yếu để phục vụ hai cuộc kháng chiến của dân tộc, bên cạnh dòng chủ đạo phục vụ chính trị, đề cao, cổ vũ lòng yêu nước, ý chí chiến đấu của toàn dân tộc, vẫn có những truyện ngắn lãng mạn, trữ tình của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Thành Long, Đỗ Chu… Nhiều nhà văn thế hệ sau 1975 đã tiếp tục mạch trữ tình trong truyện ngắn ở những mức độ khác nhau.

Mạch trữ tình trong truyện ngắn thế hệ nhà văn sau 1975

Những cây bút tiêu biểu đưa chất thơ vào truyện ngắn là Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh, Nguyên Hương, Quế Hương, Đỗ Bích Thúy… Chất thơ thấm đẫm trong các truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều ngay từ tiêu đề: Chiều hoa tầm xuân, Giấc mơ hoa cỏ trắng, Lời hứa của thời gian, Người nhìn thấy trăng thật, Khúc hát của dòng sông… Truyện ngắn của anh, dù viết về làng quê, tình yêu hay số phận những người phụ nữ, đều hòa trộn tài tình cái ảo vào cái thực, thể hiện sâu đậm chất cổ tích giữa đời thường. Dõi theo dòng chảy bất tận của cuộc đời, truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều luôn phản ánh những mâu thuẫn, nghịch lý của đời sống, nhưng luôn tràn đầy hy vọng và niềm tin vào những điều tốt đẹp. Mùa hoa cải bên sông, Tiếng đập cánh của chim thần, Tiếng gọi cuối mùa đông, Ngựa trắng… vừa là những câu chuyện thời sự của hiện tại, vừa là những chuyện tình thi vị, phảng phất màu cổ tích.

Các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư khá đa dạng, rất trữ tình, trên nền bối cảnh sông nước, kênh rạch mênh mông là những con người sống thật đẹp, mang đậm truyền thống Nam Bộ, vị tha, trọng tình nghĩa, khinh tiền bạc, vật chất (Qua cầu nhớ người, Cái nhìn khắc khoải, Cải ơi, Dòng nhớ, Duyên phận so le…). Rất nhiều mất mát, đổ vỡ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Nguyên nhân đổ vỡ cũng đa dạng: do chiến tranh, ly tán, do đói nghèo, do những ứng xử sai lầm của con người… Và tình người, sự hối hận đang hàn gắn các mối quan hệ của họ. Chất thơ trong nhiều truyện của Nguyễn Ngọc Tư toát lên từ sự ứng xử của các nhân vật. Một người đàn ông mang nỗi đau bị hiểu nhầm vì đứa con riêng của vợ bỏ đi, đã bỏ cả quãng đời dài 12 năm đi tìm đứa con gái thơ dại, trong tâm tưởng luôn vọng mãi tiếng kêu “Cải ơi” đầy xa xót (Cải ơi). Một người đàn bà đau khổ, bị chồng bỏ rơi nhưng vẫn giữ lại trong mình những xúc cảm nóng ấm tình người và một người đàn bà khác vừa thương cả người chồng đa tình, vừa cảm thông với cả tình địch (Dòng nhớ)…

Nguyên Hương, sống và viết ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Truyện ngắn của chị là tiếng lòng đồng cảm với những kiếp người bất hạnh, ở một vùng cao nguyên đầy nắng và gió. Chị viết nhiều về những con người cô đơn, thua thiệt do chiến tranh, do bệnh tật, đói nghèo. Chị xúc động trước những thân phận tàn tật vẫn quyết vươn lên, tìm chỗ đứng dưới mặt trời. Chị quan tâm đặc biệt đến số phận phụ nữ, trẻ em (Triết gia, Hoàng đế một đêm, Tinh thần thượng võ…). Mẹ con đậu đũa là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Nguyên Hương, đề cao tấm lòng người cha đơn thân, nghèo khổ, dành hết tình yêu cho đứa con thơ dại. Bố ơi cũng là câu chuyện đầy tính nhân văn về người lính sau chiến tranh. Người đàn ông mất ba con vì chất độc da cam, vợ bỏ đi, vẫn trải lòng yêu thương một cô bé bất hạnh mà ông xem như con gái. Quà muộn là những trang viết cảm động về tấm lòng thơm thảo của những đứa con trong một gia đình đổ vỡ… Truyện ngắn Nguyên Hương đôi lúc làm cho người đọc nhớ đến Thạch Lam trong Gió lạnh đầu mùa, Đứa con nuôi... Đôi khi chỉ là một món quà nhỏ con người trao nhau hay một chút âu yếm, một chút tình thương, nhưng ở đó, như lời một nhân vật của Nguyên Hương: “Những ai biết yêu thương sẽ sống đẹp hơn”.

Quế Hương, nhà văn nữ gốc Huế, sống ở Đà Nẵng; truyện của chị thường buồn nhưng ấm áp, xuất phát từ nguồn mạch yêu thương, sự cảm thông (Câu hát tìm nhau, Phố Hoài, Tịnh Tâm viên, Cội mai lưu lạc, Trần gian có mưa…). Như nhận xét của nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương: “Văn Quế Hương tinh tế mà giản dị, sắc sảo mà dịu mát. Không thể tìm thấy trong văn Quế Hương vẻ gay gắt, quyết liệt. Đó là một thế giới hài hòa, hài hòa ngay cả từ sự đổ vỡ. Không có sự bất hạnh nào không có lối thoát. Không có nỗi buồn nào không thể cảm thông. Như dòng Hương, như nhà vườn, như điệu Nam ai, Nam bình, như tiếng dạ thưa của người con gái Huế… bảng lảng trong rất nhiều sáng tác của chị”.

Có thể nói, trên đây là những nhà văn mà ở đó xu hướng trữ tình bộc lộ sâu đậm. Không phải ngẫu nhiên họ gặp nhau những điểm chung: đề cao tình người, sự sẻ chia; phát hiện vẻ đẹp của những con người bình dị, vô danh, trong đó hình tượng người phụ nữ thường được quan tâm đặc biệt; ca ngợi sức sống, sự vươn lên của con người, nhất là những con người bé nhỏ, thua thiệt…

Bên cạnh cách xử lý chất liệu hiện thực là cách sáng tạo hình thức truyện ngắn. Những truyện ngắn giàu chất trữ tình thường có hiện tượng mờ hóa cốt truyện, nhiều lúc truyện chỉ là những dòng tâm trạng chắp nối, lồng ghép (Hương khúc nếp cuối cùng, Chiều hoa tầm xuân, Cô tôi.… của Nguyễn Quang Thiều; Cải ơi, Nhà cổ, Chuồn chuồn đạp nước… của Nguyễn Ngọc Tư; Chuyện trẻ con, Phục thiện, Khi người ta trẻ… của Phan Thị Vàng Anh). Đi liền với nó là sự đào sâu vào thế giới bên trong, thế giới nội tâm. Từ thế giới bên trong đầy phức tạp, các nhà văn lọc ra phần sâu thẳm đầy chất nhân văn của con người. Đó cũng là cách mà nhiều nhà văn lớp trước như Nam Cao, Nguyên Hồng, Thạch Lam… đã đi.

Truyện ngắn hôm nay, trên nền hiện thực mới, vừa nối tiếp truyền thống, vừa sáng tạo, cách tân. Nguyễn Quang Thiều thể hiện dòng nội tâm với những đan xen giữa hiện tại và những hoài niệm khắc khoải về quá khứ, kết hợp hài hòa thực – ảo. Nguyễn Ngọc Tư thấu hiểu và có nhiều trang miêu tả thành công tính cách người dân Nam Bộ, thích tự do, phóng khoáng, sống hài hòa với thiên nhiên. Nguyên Hương có những truyện nhập thân vào nỗi lòng những con người sống nơi cao nguyên, những kẻ thua thiệt, cô đơn, những trẻ em nghèo. Ngoài sự chú trọng phân tích tâm lý, những hình ảnh biểu tượng, cách tạo không khí của câu chuyện cũng góp phần tạo ra chiều sâu của chất trữ tình.

Nếu như trong quá khứ chúng ta có hình ảnh một phố huyện nghèo, một đoàn tàu đầy ám ảnh trong văn Thạch Lam, hình ảnh một ga xép buồn thảm, một làng quê Mỹ Lý đang rạn vỡ trong văn Thanh Tịnh, thì hôm nay, người đọc cũng khó quên một mùa hoa cải vàng bên sông, một “làng Chùa” với những bến sông, cổng làng, bờ đê, ruộng lúa… trong truyện ngắn Nguyễn Quang Thiều; hình ảnh những dòng sông, kênh rạch, những “cánh đồng bất tận” với đàn vịt chạy đồng, con thuyền lang thang giữa mênh mông trời nước trong truyện Nguyễn Ngọc Tư… Giọng điệu khi thủ thỉ tâm tình, khi ngọt ngào đằm thắm, khi hoài niệm xót xa được sử dụng biến hóa, linh hoạt, cách dùng những câu văn giàu nhịp điệu, giàu tính từ miêu tả trong nhiều truyện ngắn của họ cũng góp phần tạo ra màu sắc trữ tình.

Văn chương nói chung, truyện ngắn nói riêng có nhiều con đường để thu hút độc giả. Gia tăng yếu tố trữ tình là một trong những con đường đó. Việc nhấn mạnh xu hướng trữ tình nổi trội của những cây bút nêu trên không có nghĩa cho rằng, chất trữ tình – ở những mức độ khác nhau, không phải không hiện diện ở các nhà văn khác, kể cả các cây bút có thế mạnh phơi bày mặt trái của hiện thực, như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban… Chúng tôi cũng chưa đủ cơ sở để khẳng định, dòng mạch trữ tình này là dòng chính trong truyện ngắn của thế hệ nhà văn sau 1975, nhưng chắc chắn, những cây bút này đã tiếp nối và làm phong phú thêm mạch ngầm trữ tình trong văn xuôi hiện đại, làm cho bức tranh truyện ngắn thêm khởi sắc, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng đa dạng, nhiều chiều của người đọc.

(vanvn.vn)