Mưa rào đầu hạ - Đỗ Kim Cuông

03.10.2014

Vào mỗi buổi chiều cuối tháng, nhận từ tay người thiếu phụ trẻ, đẹp và có dáng vẻ đài các ấy chiếc phong bì tiền thù lao dạy học, anh không khỏi ngượng ngùng. Suốt dọc đường về anh lại thấy vui vui. Có khi cao hứng anh còn tạt vào một quán cà phê làm một ly cho tỉnh táo. Anh không biết nên cảm ơn cái đinh đã găm vào bánh xe khiến anh đang lái xe loạng choạng suýt ngã hay cảm ơn cơn mưa rào đổ ập xuống phố phường trong một buổi chiều vô vị.

Mưa rào đầu hạ -  Đỗ Kim Cuông

“Mất toi cái ruột còn gì? Thủng tới bốn lỗ?”. Bác chữa xe hon đa, một người về hưu, miệng ngậm điếu thuốc lá lệch sang bên mép, giơ chiếc ruột xe hon đa lên coi kỹ từng lỗ thủng đinh cào. “Thay săm mới hay vá, tuỳ chú”. Giữa lúc cơn mưa rào ập đến. Dòng người xe đang lao trên đường, dạt cả vào hai bên tìm chỗ tránh mưa. Những hạt mưa to bằng hạt ngô rơi lộp bộp trên chiếc yên xe máy của anh. Bác chữa xe thu vội đồ nghề, chạy vào một gốc cây. Anh tạt vào một quán cà phê. Không gian trong phòng tối mờ. Ngọn đèn bàn ở quầy két tỏa sáng, đủ để anh nhìn thấy ở một chiếc bàn đã có sẵn một người đàn bà ngồi từ lâu. Anh chọn một chiếc bàn đối diện và kêu một ly đen đá. Anh để ý thấy vị khách dùng nước cam. Anh đặt mấy cuốn sách trong túi ni lông lên bàn và lặng lẽ châm thuốc hút.

                “ Nếu không phiền, xin anh tý lửa”. Người phụ nữ đã đến trước mặt. Chị mặc đồ đen, bằng một thứ lụa mỏng càng tôn làn da trắng mịn của chị. Thoang thoảng mùi nước hoa thơm dịu. Anh lập bập châm lửa vào điếu thuốc của chị. “Không sao, chị cứ tự nhiên”. Thứ thuốc người đàn bà hút chỉ nhỏ bằng đầu đũa, sau này anh biết đấy là thuốc Capri - một loại thuốc lá ngon, phụ nữ hay dùng.

Hai bàn cà phê cách nhau, nhưng khoảng cách giữa anh và chị thật gần. Trời mưa, quán cà phê vắng khách. Ở quầy két, cháu gái sau khi bưng ra cho anh ly cà phê đã quay vào nhà trong coi ti vi.

“Chắc anh làm nghề thầy giáo?”. Chị hỏi bất chợt. “Dạ, phải”. Anh đáp dè dặt và nhìn người phụ nữ vẻ thăm dò. Chị ta có gương mặt thật đẹp. Đôi mắt đen linh lợi, có phần hơi sắc sảo. “Nhưng hiện giờ tôi thất nghiệp” - Anh bảo người đàn bà như vậy. “Sao thế? Anh có thể cho tôi biết lý do không, nếu không phiền!”. “Tôi ở một tỉnh xa mới chuyển về Hà Nội để nuôi hai cháu đang học đại học. Tôi phải nghỉ hưu sớm, về đây đi dạy hợp đồng để có điều kiện nuôi hai cháu”. “Thế còn chị nhà?”. “Nhà tôi mất đã dăm năm nay rồi. Bị ung thư…”. “Thế à… Xin lỗi anh, tôi thật vô ý”. “Không có chi. Tôi đã quen với chuyện này rồi”.

Im lặng một lúc lâu. Anh nhấp từng giọt cà phê đắng ngắt. Chị ngồi nhả từng hơi thuốc lá và nhìn mưa rơi ngoài đường. Chiếc xe hon đa bị thủng ruột đã được tháo rời một bánh đứng giữa trời mưa. Bác thợ sửa xe phủ lên tấm ni lông mỏng. Ngay trước cửa quán cà phê, một chiếc Attila màu trắng, anh đoán là của chị.

“Nếu anh không phiền, tôi muốn nhờ anh một việc”. Chị nhìn anh với vẻ chân thành. “Việc gì chị cứ nói”. Anh bảo chị. “Tôi có hai cháu nhỏ. Một đứa học lớp 5, một cháu học lớp 7. Gia đình tôi muốn nhờ anh kèm thêm cho các cháu. Chị nhìn anh giây lát rồi nói ngập ngừng - việc tiền nong, anh đừng ngại. Tôi sẽ trả anh thù lao thích đáng với công sức lao động của anh. Chỉ mong các cháu nhà tôi học hành tiến bộ”.

                Bản hợp đồng miệng giữa anh và chị chỉ có vậy. Nhưng có hiệu lực ngay vào tuần thứ nhất của tháng. Anh trở thành một thầy giáo dạy tư. Lớp học chỉ có hai học trò. Một trai, một gái. Mỗi tuần ba buổi cứ vào quãng từ sáu giờ đến tám giờ tối, anh lại đi trên chiếc xe máy cà tàng đến nhà chị ở một ngôi biệt thự bên bờ Hồ Tây dạy cho hai đứa trẻ. Một cử nhân toán đã từng dạy cấp II, rồi cấp III. Đã từng được mời dạy luyện thi giỏi toán cho đám trẻ con hàng tỉnh, anh có dư kinh nghiệm để đào luyện hai trò trong vòng ba tháng từ những học sinh trung bình về tự nhiên trở thành khá, rồi giỏi. Kết thúc học kỳ thứ nhất, cả hai học trò đều đem về khoe mẹ tấm giấy khen và phần thưởng học sinh giỏi. Người vui nhất là chị. Nhưng người vui hơn nữa, mừng đến ứa nước mắt là ông nội hai đứa trẻ.

                Sau mấy tháng làm thầy dạy tư, anh vỡ ra nhiều điều bí ẩn trong ngôi biệt thự đẹp đẽ này. Ông nội hai đứa trẻ nguyên là một vị giáo sư già về hưu đã gần mười năm nay. Hai người con trai và một cô con gái của giáo sư đều được học hành tử tế ở nước ngoài. Khi các nước Đông Âu tan vỡ chuyển sang cơ chế thị trường, con trai, con gái của vị giáo sư, có người bằng cử nhân, bằng tiến sĩ. Họ về sống và làm việc trong nước vài năm, lấy vợ, lấy chồng cho cha yên lòng rồi tìm cách đi tu nghiệp ở nước ngoài và không về nữa. Người ở Ba Lan, ở Nga, kẻ ở Đức.

                Chồng chị là con trai thứ hai, theo như lời ông giáo sư “Cháu nó công tác ở Ba Lan”. Nghe chuyện của người thì biết vậy, nhưng nhìn đồ đạc nội thất trong nhà, biết chủ là người khá giả. Ngôi nhà chị đang ở với hai con được thừa hưởng của bố chồng. Chỉ có điều, ngôi biệt thự xây từ thời Pháp, mái ngói đã cũ nát. Có lần trời mưa ở một gian nhà, nước ngấm dột tí tách. Anh đã phải giúp ông giáo sư căng tấm ni lông, chống dột. Lúc về đến nhà, chị thấy cảnh tượng ấy, cảm động lắm. Vào những giờ anh cho hai đứa trẻ làm bài kiểm tra, ông giáo sư thường mời anh ra ngồi nghỉ uống trà, ăn bánh. Ông ngồi trong chiếc ghế bành, vuốt ve con mèo và kể cho anh nghe những câu chuyện thời quá vãng của ông. ấy là những năm, ông đi dạy học ở rừng Việt Bắc. Hình như ông là chuyên gia nghiên cứu về lịch sử hay văn học gì đó. Vui chuyện đã có lúc, ông hỏi anh. “Này cậu giáo, bây giờ người ta dạy nhân vật trung tâm của văn học là ai. Thời tôi á… Đó là công nông binh… Một thời đại anh hùng, sản sinh ra những nhân vật anh hùng…”. Anh mù tịt về văn chương, nghệ thuật  mặc dù lúc rỗi rãi cũng hay xem phim, đọc sách. Anh nói với vị giáo sư. “Thưa bác, cháu không hiểu nhiều lắm về văn chương, nhưng cuốn sách nào cháu đọc thấy không xa lạ với cuộc sống, làm người đọc tin ở con người, tin ở lẽ phải là cháu thấy vui”. “Cậu nghĩ cũng lạ nhỉ… Chiêu một hớp nước, lát sau ông tặc lưỡi - cũng phải”.

                Có lẽ, chị là người ít trò chuyện với anh nhất. Phận dâu con trong nhà, mẹ của hai đứa trẻ. Chị là một doanh nghiệp, biết nói chuyện gì với anh, ngoài việc hỏi anh việc học hành của hai đứa con. Anh lại nghĩ mình chỉ là một nhà giáo dạy tư địa vị thấp hèn, chẳng nên tò mò hỏi những chuyện mình không nên biết. Nhưng anh nhận ra rằng, mỗi lời anh giảng cho hai đứa trẻ về cách nhân chia số thập phân, hay cách tính diện tích hình vuông, hình thang, hình chữ nhật; hoặc anh gợi ý cho chúng soạn một bài văn, lúc ấy chị ngồi lúi húi trong bếp nấu ăn, đều lắng nghe cả. Bằng vốn liếng kiến thức và tấm lòng một người thầy anh không chỉ dạy cho hai đứa trẻ những cách tìm ra lời giải của bài toán mà còn cố thổi vào tâm hồn chúng tư chất học làm người.

                Buổi học tan vào tám giờ tối. Lúc ấy, cả nhà ông giáo sư mới ăn cơm. Đã nhiều lần, ông giáo sư và chị mời anh ở lại dùng cơm, nhưng anh một mực chối từ. Lòng tự trọng và sĩ diện của một nhà giáo luôn đẩy anh bước nhanh ra ngoài đường, dù bụng đói quắt queo. Chị có ý trách anh. Biết vậy nhưng anh không thể. Chị cũng là con cái của một gia đình giàu có ở Hà Nội. Chị về làm dâu trong nhà ông giáo sư, theo con mắt người đời, là môn đăng hộ đối. Nhưng qua ánh mắt của chị, anh biết người phụ nữ ấy không hạnh phúc.

                Còn vị giáo sư mỗi khi nói tới con cái, ông thường không vui vẻ gì. Thì ra những bài học lịch sử, sự cao cả của văn chương chữ nghĩa, ông đã từng dạy cho cả ngàn vạn học trò. Nhiều người trong số họ đã trở thành những người lính sống chết trên chiến hào, họ vẫn còn nhớ tới ông thầy già, qua những bức thư, những trang nhật ký. Nhiều người trong số họ đã hy sinh, mãi mãi nằm lại trong những cánh rừng… Vậy mà, con trai của ông, chúng được học hành chu đáo, nhưng rồi chính chúng lại làm ông buồn phiền, lo lắng… Buồn nhất là những ngày ông ốm liệt giường đi bệnh viện, nhìn con cái của những người cùng nằm viện với ông vào thăm hỏi chuyện trò, rót cho người ốm từng cốc nước, đút từng thìa cháo... ông thấy mà thèm. Con dâu dù có hiếu thảo tốt nết đến mấy, thì một ngày cũng chỉ ghé thăm nuôi bố chồng được một lần vào buổi trưa, hoặc sáng, hoặc chiều. Chị cũng chỉ ngồi được với ông nửa giờ lại tất bật về lo cho hai đứa trẻ. Mai phải đi làm sớm. Ông cần người nói chuyện, cần lời hỏi thăm và được nghe tiếng của những đứa con, đã từng nuôi dưỡng chúng, cưng nựng chúng từ khi chúng còn ẵm ngửa. Những đứa con mà ông đã từng nhịn từng ổ bánh mỳ, cân đường, chút mỡ lợn mua bằng ô phiếu D, có khi phải đi xếp hàng nửa ngày trời mới có được. “Con sẽ thuê cho bố một ôsin”. Thằng con trai cười hô hố qua điện thoại đường dài. “Con mới gửi cho vợ con một thùng đồ, con mua tặng bố một đôi giày Ý và  biếu bố 100 đô để cụ đi cà phê sáng”.

                Bảy mươi lăm tuổi, vị giáo sư già tai còn thính, đầu óc chưa lú lẫn. Giá có thằng con trước mặt, ông không tiếc gì cho nó một cái tát, bất kể nó đã có vợ, có con. Đến câu này thì ông giận quá, chưa kịp nghe xong đã dập máy. “Bố yên tâm đi con sẽ còn ở lại thêm ít năm nữa để học hỏi kinh tế thị trường của tư bản, con sẽ mang kinh nghiệm ấy về xây dựng đất nước”.

                Ông giáo sư kể cho tôi nghe câu chuyện về anh con trai, không giấu nổi vẻ buồn bực. Anh lựa lời khuyên ông. “Bác đừng giận. Anh ấy còn trẻ... Có chí làm giàu. Sau này vợ con còn nhờ”. Đôi mắt ông mờ, đục nhìn vào một khoảng tối mông lung. Giọng chùng hẳn xuống. “Tôi…Tôi thật không ngờ con mình đẻ ra, chúng nó lại có ngày đổ đốn đến như thế! nghĩ khác mình quá thể…”

Rồi ông hỏi tôi: “Này anh, hay tôi già rồi, nghĩ ngợi lẩm cẩm?”. Anh không có tư cách gì để an ủi giáo sư. Chỉ thương ông. Những lúc chị con dâu đi làm về muộn, ông lại lụi cụi vo gạo, nấu cơm. Ông kiên quyết không cho chị thuê người giúp việc, sợ điều tiếng. Còn hai đứa học trò thỉnh thoảng lại khoe với anh vài tấm ảnh ở nước ngoài gửi về chụp một người đàn ông béo, lùn, lúc mặc áo dạ, đầu đội mũ len đang bốc tuyết; lúc người ấy cởi trần mặc mỗi cái quần xà lỏn ngồi trên bãi tắm biển Đen.

Và thương chị - người đàn bà đằng đẵng xa chồng tám năm, nuôi con và ôm ấp những niềm hy vọng. Chị hy vọng điều gì? Anh không biết. Ca học tan, anh ra về, chào vị giáo sư già, thường là ông đang ngồi ngủ gật trên chiếc ghế bành. Nghe tiếng động, ông hơi giật mình. “Ờ.. ờ.. thầy giáo về… Mai lại tới nha”. Chị ngồi trên chiếc ghế xích đu, dưới bóng một cây nhãn lớn như có ý đợi. Anh không quay đầu nhìn về chỗ chị ngồi, cũng biết chị đang nhìn anh chăm chú. Không hiểu chị nghĩ gì về anh. Điều ấy đâu có quan trọng… Chị tự tay ra mở cánh cổng sắt, chờ anh phóng xe đi, chị mới vào nhà.

Hôm ấy là ngày giỗ vợ anh. Buổi chiều, anh có hai tiết dạy thuê ở một trung tâm luyện thi. Anh mới về đến nhà đứa con trai ra mở cửa, đã khoe: “Bố ơi, lúc nãy có một cô đến nhà, bảo là phụ huynh của bố. Cô ấy nói hôm nay giỗ mẹ, cô mang hoa quả đến cúng”.

Trong túi nho Mỹ, còn có một chiếc phong bì. Thoạt nhìn qua, anh biết ngay là quà của chị. Thằng con nói ngay. “Con định không nhận, nhưng cô ấy cứ đặt lên bàn thờ và còn thắp hương cho mẹ”. “Không sao đâu con. Rồi bố sẽ cảm ơn cô ấy”. Buổi dạy học hai ngày sau đó, lúc anh ra về, chị đã đợi sẵn ở cổng, chỉ nói với anh mỗi câu. “Chị nhà thật xinh. Tội nghiệp anh”. Anh nhìn chị, nửa như biết ơn, nửa như có ý trách. Chẳng hiểu sao anh lại nói “Cám ơn Xuyên”. Chợt chị cầm tay anh. “Thầy giáo, tôi muốn chuyển buổi học thứ sáu này của các cháu vào sáng chủ nhật có được không?”... Chị nhìn anh trong giây lát, tay vẫn cầm tay anh đang đặt lên tay lái xe máy. Chị nói như có ý biện minh cho sự thay đổi lịch biểu học tập thường nhật. “Nhà tôi hôm ấy có giỗ”. “Cũng được! Tôi sẽ thu xếp”. Anh ý tứ gỡ bàn tay ấm nóng, mềm mại của chị ra khỏi tay mình. “Chỉ có điều phiền anh tới địa chỉ này. Đây là nhà riêng của tôi”. Chị đưa cho anh mảnh giấy. Anh không xem và cho ngay vào túi áo.

Đúng hẹn, sáng chủ nhật anh tìm tới ngôi nhà xây theo kiểu mới, bốn tầng trong một khu phố bên bờ sông Tô Lịch. Con sông cổ tích đã được kè đá, không còn thấy ở đấy những mảng bèo tây, rau muống và luôn bốc lên mùi hôi thối vào những ngày nước cạn kiệt. Mở cửa cho anh là một người đàn bà có tuổi, thoạt nhìn qua biết ngay là người giúp việc trong nhà. “Cô chủ chờ thầy giáo ở tầng hai”. Anh theo thang gác gỗ bước vào một gian phòng khách rộng, thoáng mát có ban công hướng ra bờ sông. Trên chiếc bàn kính rộng, có sẵn một lọ hoa Făng và một bộ tách trà. Nghe tiếng động, anh quay lại. Chị hiện ra trong bộ váy màu mỡ gà, ít khi thấy chị mặc trong ngôi nhà của giáo sư.

“Các cháu đâu cả rồi, hả chị?”. Anh hỏi để dấu vẻ lúng túng, khi biết chỉ có anh và chị đang phải đối diện với nhau trong một gian phòng trống vắng.

“Các cháu đi chơi… Thực ra hôm nay, tôi không muốn anh phải dạy học. Tôi muốn có được chút thời gian rảnh rỗi để ngồi nói chuyện với anh…Xin anh tha thứ…Anh biết không, nhiều khi tôi buồn, chỉ muốn chết…”.

                Một trăm hai mươi phút, anh ngồi im lặng trong một không gian yên tĩnh, có thể nghe rõ tiếng đổ nhịp tích tắc đều đặn của quả lắc chiếc đồng hồ lớn đặt ở góc nhà, nghe cả tiếng khóc không kìm nén nổi xúc động, đau đớn của chị. Chị nói về nỗi khổ của một nàng dâu, về sự cô đơn trống trải của một người đàn bà, về những chuyến hàng, những đồng đô la của chồng chị, lâu lâu gửi về. Đô la, hàng hóa biến thành đất đai, nhà cửa, thành những bữa ăn mà chỉ nghe kể anh biết có món mình chưa bao giờ được nếm? Nhưng chị không thiết tiền, cả cái công ty tư nhân hữu hạn mà người chồng đã tạo dựng cho chị, đặt chị thành một bà giám đốc. Chị chỉ thèm muốn và khao khát một tô phở gánh, kê đôi dép nhựa ngồi ăn ngay bên vệ đường cùng người yêu như một ngày xa xưa chị từng có trong những ngày đi học. Trong túi của hai người chỉ đủ tiền trả cho hai bát phở sinh viên…

“Tôi biết anh là người có tâm hồn nhạy cảm. Chuyện của tôi đấy…Buồn lắm phải không?”

Chị chỉ bảo anh như vậy. Và khóc.

 

*

*     *

                Vào một ngày cuối năm, ông giáo sư ngã bệnh. Buổi sáng ngủ dậy đang tập bài dưỡng sinh, ông thấy người khó chịu và ngã vật xuống nền nhà. Lúc chị gọi được xe cấp cứu đưa ông vào viện, ông đã hôn mê không còn biết gì nữa. Vốn là một người danh tiếng, lại quen biết nhiều, ông giáo sư đã được các thầy thuốc hết lòng cứu chữa, nhưng ông cũng chỉ sống được đến ngày thứ sáu là ra đi. Những ngày bố chồng hấp hối, chị nghỉ việc cơ quan để lo chăm sóc ông. Anh trở thành người phụ tá cho chị thường xuyên có mặt tại viện để theo dõi bệnh tình của ông giáo sư. Lúc lo chạy thuốc thang, lúc liên hệ bác sĩ… Và buổi tối, anh ngồi canh chừng ông giúp chị. Anh làm công việc một cách tự nguyện. Gần một năm anh dạy cho hai đứa trẻ, anh thực sự đã trở thành một người bạn của ông. Không còn có điều kiện lên giảng đường, đi dự các cuộc hội thảo khoa học để nói ra được những điều ông suy nghĩ, nung nấu về thời cuộc, về lịch sử, về chuyện những vụ án ông đọc qua báo, xem ti vi, về con người…Ông giáo sư đã có anh để chia sẻ. Phần nhiều anh nghe ông nói, không tranh luận, kể cả những việc, anh biết mười mươi cách nghĩ, cách hiểu của ông đã xa lạ với cuộc sống mới, lớp con cháu ông đã nghĩ khác, làm khác. Chỉ có điều những suy nghĩ của ông thật chân thành, không vụ lợi nên anh lại thấy thương ông, không nỡ trách ông. Nhìn ông nằm nhắm mắt, tay chân bất động, sự sống chỉ được biết qua cái ống thở chụp lên mũi và chiếc máy đo nhịp tim có những tín hiệu đỏ nhấp nháy để báo hiệu rằng ông còn đang tồn tại. Đã có lúc anh hỏi: Giá như ông biết chị con dâu đã dành cho anh cả một buổi để chuyện trò rất riêng tư về mình, ông nghĩ sao nhỉ? Liệu ông có tha thứ cho anh, cho chị? Đã có lúc anh ngồi hàng giờ, cạnh ông chỉ để nhìn những nếp nhăn trên trán ông, nơi khoé mắt. Chúng nhăn nheo, uốn khúc như một dấu hỏi, hệt như những tồn nghi về lịch sử, về những trận đánh mà ông đã dày công nghiên cứu, còn bám đuổi theo ông cho đến lúc chết?

                Chị con gái út về được với cha, chỉ cách lúc ông trút hơi thở cuối cùng có một ngày. Hai anh con trai, một người đang ở Mỹ. Bọn khủng bố doạ đánh bom! Việt Nam lại có dịch Sát, nên không mua được vé máy bay để về. Còn chồng chị, theo như lời chị nói: anh đang vướng vào một phi vụ làm ăn. Cụ có mệnh hệ gì, đã có chị và nhà nước lo. Đến 49 ngày nhất định anh sẽ về.

                Tang lễ ông giáo sư được cử hành trang trọng. Khoảng sân xi măng nườm nượp xe con. Khách ở quê xa, khách ở Hà Nội, đến viếng có tới vài trăm vòng hoa. Anh cũng đến viếng ông, đi chung với một đoàn nhà giáo. Gương mặt ông giáo sư được cô con gái trang điểm hồng hào trông như ông đang ngủ. Anh nhìn ông lần cuối, những vết nhăn trên vầng trán già nua đã được son phấn ngụy trang, biến mất. Chẳng hiểu sao anh lại nhớ tới có lần ông giáo sư pha trà, mời anh một chén, nhìn anh hồi lâu, rồi ông bảo: “Cháu là đẻ lễ với thằng con trai thứ hai nhà bác. Năm ấy bộ đội ta vừa đánh xong chiến dịch biên giới”. Anh thưa với ông giáo sư: “Còn mẹ cháu kể, mẹ đẻ rơi cháu trong lúc chạy càn”. Chẳng thấy ông giáo sư nói gì nữa, chỉ chép miệng.

                Lúc đi ngang qua chỗ người nhà đứng chịu tang, anh thoáng thấy chị nhìn mình. Một gương mặt đau buồn, không son phấn, trang điểm nhưng ngời sáng. Hai đứa học trò của anh đứng cạnh mẹ, ngơ ngác nhìn thầy giáo. Có lẽ, trong số hàng trăm người đến tiễn biệt vị giáo sư già, không ai biết được mối quan hệ giữa bốn người đang hiện hữu nơi đây. Một người đã ra đi, mãi mãi mang theo những bí mật trong ngôi biệt thự cũ. Ở đấy có những gian phòng nửa tối, nửa sáng. Chiếc lò sưởi kiểu Pháp trong góc nhà vài chục năm nay không được dùng đến. Thỉnh thoảng một con chuột nhắt lại thập thò cái đầu qua lỗ tròn trên nắp sắt, bịt miệng lò sưởi. Cặp mắt tròn đen tinh nghịch như có ý trêu tức con mèo lười biếng nằm ngủ lim dim trên chiếc ghế bành.

Anh bước như một kẻ mộng du trong tiếng nhạc tang trầm buồn của một buổi chiều đông lạnh lẽo. Dù không ngoái lại, anh vẫn biết chị và hai đứa trẻ đang dõi mắt nhìn theo bóng anh lẩn khuất giữa dòng người đến viếng.

Đ.K.C