Nàng Bân không đi vắng - Tản mạn Nguyên Lê

27.04.2016

May mắn thay cuối cùng anh đã có hy vọng được cứu sống, nhờ nhiều cánh tay dang ra giúp đỡ, như chính những điều tử tế anh từng viết. Trong đó, có bạn gái của anh - người đã dũng cảm nhường cho người yêu mình một quả thận và cùng anh bước lên bàn mổ. Nàng Bân không đi vắng. Nàng Bân vẫn đan áo cho chồng...
1. Hà Nội năm nay dường như mất mùa rét nàng Bân. Đợt rét cuối cùng trong năm thường xảy ra vào tháng ba âm lịch dường như quên hẹn trở lại. Vào sáng hôm dự báo sẽ có rét nàng Bân, trời trở lạnh hầu như không đáng kể, để rồi đến trưa lại bất ngờ dội nắng và mãi tận 4-5 ngày sau mới nổi được một cơn vần vũ, cũng lại vào lúc ban trưa.

Nàng Bân không đi vắng - Tản mạn Nguyên Lê

Dân tình bán tin bán nghi khéo năm nay nàng Bân bị chồng cho ăn mắng vì đã vụng lại còn lười, đến giờ G vẫn chưa thấy áo đâu (chưa biết chừng còn đi mua áo may sẵn), nên mới khóc một trận đã đời như thế, ra chiều oan uổng! Lại cũng có người bảo, trò đời, “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, kiểu người chậm ăn chậm nói như Bân, có khi lại nhàn tản, mát số. Trào lưu “Be like me!” (Hãy như tôi!) vì thế lại được dịp trở lại: Đây là Bân. Bân vụng về chậm chạp. Bân “nhàn cư vi bất… tiện”. Bân giỏi mỗi món “câu giờ”. Bân yêu chồng và được chồng yêu. Hãy như Bân!



2. Hãy như Bân nếu muốn được chồng yêu! Nhưng dễ gì được chồng yêu. Cũng trong đợt rét nàng Bân vừa qua, trên một con phố lớn ở Hà Nội đã xuất hiện một tấm biển lạ, trên đó ghi những lời có cánh, khiến mấy chị ế chồng đi qua mừng phát khóc: Tuyển vợ hiền, yêu cầu biết đọc, biết viết, biết nghe. Ngoại hình ai nhìn cũng thích. Tôi cưới hỏi ngay. Kèm theo đó là số điện thoại và địa chỉ nhà (chính là ngôi nhà treo tấm biển). Tưởng chuyện đùa, hóa ra thật: Bác chủ nhà U60 ấy, thấy bảo đã kịp lấy vợ lần hai, làm nghề dạy nhảy (thảo nào thích bay nhảy thế!), nhân một lần cãi nhau với vợ, tức khí treo tấm biển đó trước nhà. Âu cũng là một công đôi việc: hạ nhục vợ và “rêu rao đời mình”, biết đâu “vớ được cá rán”. Bằng không, cũng đổi được… một trận cười.

3. Một nhà báo công tác tại một tờ báo tỉnh, chuyên viết về những điều tử tế, mới 32 tuổi đã phải đối diện với căn bệnh suy thận giai đoạn cuối. Mỗi tuần anh phải đến viện chạy thận ba lần. Chỉ trong hai tháng đầu điều trị, số tiền gần hai trăm triệu anh dành dụm chắt bóp trong suốt tám năm để xây nhà đã bốc hơi nhanh chóng. Tiền đi, mà bệnh vẫn không thuyên giảm, và cuối cùng là án tử: Anh sẽ chết, nếu không được ghép thận kịp thời, với chi phí dự trù lên tới sáu trăm triệu. Mà chao ôi là anh nghèo, nghèo tới nỗi một đồng nghiệp của anh phải ngậm ngùi thốt lên: “Giờ này vẫn còn thằng nhà báo đi nấu ăn bằng cái lò đất. Nghèo. Thương quá!”. Vì nỗi, anh được sinh ra trong một gia cảnh buồn: bố mất năm anh lên 7 tuổi, mẹ mất khi anh đang học đại học, anh em anh có 9 người thì 4 người mất sớm vì cũng mắc bạo bệnh mà không có tiền chạy chữa, và giờ đến lượt anh. May mắn thay, cuối cùng anh đã có hy vọng được cứu sống, nhờ nhiều cánh tay cùng dang ra giúp đỡ, như chính những điều tử tế anh từng viết. Trong đó, có người vợ chưa cưới của anh - người đã dũng cảm nhường cho người yêu mình một quả thận và cùng anh bước lên bàn mổ.

Nàng Bân không đi vắng. Nàng Bân vẫn đan áo cho chồng.

 N.L

(daibieunhandan.com)