Nghệ thuật điêu khắc Cơ tu: Truyền thống và biến đổi

01.11.2023
Hồ Xuân Tịnh

Nghệ thuật điêu khắc Cơ tu: Truyền thống và biến đổi

Một số hình ảnh điêu khắc trên nhà Gươl của người Cơ Tu.

Trong những giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số ở miền núi Quảng Nam, bên cạnh nghệ thuật cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm... nghệ thuật điêu khắc dân gian của người Cơ Tu là một vốn quý cần được quan tâm nghiên cứu và bảo tồn.

  1. Nghệ thuật tạo hình truyền thống

Tộc người Cơ Tu sống phân bố chủ yếu ở 3 huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam); Nam Đông và A Lưới (Thừa Thiên Huế); một bộ phận khác sống ở phía tây Trường Sơn trên đất Lào; riêng tại thành phố Đà Nẵng, tộc người Cơ Tu cư trú ở hai xã Hòa Bắc và Hòa Phú thuộc huyện Hòa Vang.

Sống trên vùng đại ngàn Trường Sơn, người Cơ Tu quây quần thành những làng nhỏ ven sông, ven suối. Nhà sàn của người Cơ Tu có mái uốn khum ở hai đầu hồi, gần như chiếc mai rùa, tùy theo địa hình của khu đất, làng Cơ Tu thường bố cục thành vòng hình tròn hoặc bầu dục, ở giữa dựng một ngôi nhà sàn lớn dùng làm nơi sinh hoạt chung, gọi là Gươl, đây là một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn nghệ thuật tạo hình, trong đó những tác phẩm điêu khắc gỗ được đặt ở những vị trí trang trọng. Phần mái Gươl có kiểu dáng độc đáo với độ dốc lớn được lợp bằng lá cọ hoặc tranh, hai đầu hồi Gươl thường trang trí hai bức chạm gỗ cách điệu hình tượng sừng trâu, đầu gà, chim triing
(phượng hoàng đất), chim grooc (bồ canh). Trong các hình tượng này, con trâu là vật hiến tế của dân làng dâng lên thần linh; còn chim triing và grooc là hai loài chim to lớn sống hoang dã trong rừng. Theo nhà nghiên cứu Tạ Đức, người Cơ Tu quan niệm chim triing do thần linh cử đến, nó hướng dẫn dân làng tìm đất lập làng, nó cũng là sứ giả của thần Lúa, hình tượng chim triing còn thể hiện sự gắn bó của cộng đồng làng Cơ Tu. Hình tượng chim grooc thể hiện ước muốn vạn vật sinh sôi nẩy nở, mùa màng tươi tốt và cuộc sống no đủ hạnh phúc... Cũng theo Tạ Đức, nóc Gươl có hình chim triing, grooc và gà trang trí ở hai đầu hồi trông giống một kiểu nhà được khắc trên trống đồng Đông Sơn, nó cũng tương tự như các trang trí đầu hồi trên mái nhiều ngôi nhà cổ truyền khác ở vùng Đông Nam Á1.

Bên trong Gươl, các cấu kiện như xà nhà, ván thưng, cột r'măng (cột cái), cột phụ... là nơi được trang trí, chạm trổ công phu. Cây cột r’măng được chia thành hai phần: bên dưới là trụ tròn, bên trên là khối trụ vuông. Trên thân cột còn được gắn thêm hai cánh giống như phần trang trí ở cột tế lễ. Người Cơ Tu dành nhiều công sức cho việc trang trí, chạm trổ cây cột này. Các mô-típ hoa văn phổ biến trên cột gồm các loại hoa văn hình học như vuông, tròn, thoi, răng cưa, biểu tượng mặt trời, mặt trăng. Dọc theo chiều dài của hai cánh gỗ gắn phía trên cột, các nghệ nhân còn chạm trổ hình ảnh loài bò sát phổ biến trong rừng núi như rắn, kỳ đà (ta’ri), rắn mối (t’lu)... Một số cột chạm trổ hình động vật rừng như voi, hổ, heo rừng...; các con vật được nuôi trong nhà gồm trâu, heo, gà...; cảnh sinh hoạt của người trong làng như giã gạo, múa tâng tung - ya yá, cảnh săn bắt thú rừng, thuần dưỡng voi...

Gươl làng Cơ Noonh (xã Axan, huyện Tây Giang), có 12 bức phù điêu gỗ chạm nổi dạng nửa tròn, thể hiện các nhân vật nam và nữ dọc theo những tấm ván dựng dọc theo hàng cột trong Gươl, những nhân vật này nổi bật với chiếc cổ u lên một cục bướu lớn, dường như đây là chi tiết tả thực nhất, qua hình tượng này ta có thể biết bệnh bướu cổ triền miên của người dân vùng cao đói muối xưa kia. Các chi tiết khác trên thân người đều được cách điệu rất cao, hình khối của mỗi tác phẩm được chạm trổ theo độ dày của tấm gỗ, không theo một tỷ lệ chuẩn nào, thoạt nhìn có vẻ tùy tiện nhưng lại rất cân đối trong khung của tấm ván. Các chi tiết trên phù điêu được thể hiện bằng những nhát rìu, nhát rựa dứt khoát, đường nét điêu khắc không hề trau chuốt bằng các dụng cụ bào, đục; mặc dù không có lớp sơn phủ, tuy nhiên các phù điêu này trải qua thời gian dài trong Gươl, bị ám khói bếp, tạo nên một lớp màu tự nhiên của thời gian.

Trong Gươl còn có một loại tượng trang trí khác, đó là tượng người ngồi chống cằm suy tư. Những năm 80 của thế kỷ XX, trong một ngôi Gươl cũ đã bỏ hoang của thôn Zơ Ra, xã TaBhing (Nam Giang) đã từng có hai pho tượng khá độc đáo đặt ở hai đầu đối diện nhau, một tượng người ngồi xổm tay trái chống cằm, tay phải ôm đầu gối; pho tượng thứ hai thể hiện tư thế tương tự tượng kia nhưng có thân người mang đầu chim với chiếc mỏ chim rất lớn; hai pho tượng này được thực hiện với thủ pháp đơn giản; những vết đẽo gọt, chạm trổ không trau chuốt, giản đơn, dứt khoát nhưng đầy ấn tượng, đáng tiếc là cả hai đã bị mục nát từ lâu. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Hùng cho biết, tại nhà Gươl thôn Tà Ui (xã Chà Vàl, huyện Nam Giang) cũng có tượng đầu thú mình người tương tự, theo giải thích của dân làng đó là các tượng có liên quan đến các vị thần linh; chúng tôi thì cho rằng, dường như những tượng này có liên quan đến một truyền thuyết nào đó từ xa xưa mà người dân ở đây không còn nhớ được.

Làng Cơ Tu nào cũng có một cây cột buộc trâu (x’nur) được dựng ở chính giữa sân phía trước nhà Gươl, đây là một tác phẩm nghệ thuật tạo hình, kết hợp giữa điêu khắc, hội họa và tín ngưỡng. Cột x’nur có ý nghĩa rất quan trọng, đây là cây cột lễ của dân làng, nơi để dân làng giao tiếp với các đấng thần linh trong các dịp lễ tế, chính vì thế x’nur được chạm khắc và trang trí những hoa văn truyền thống đẹp nhất của người Cơ Tu. X’nur được phân chia ra 6 phần trang trí và điêu khắc khác nhau, càng lên cao càng nhỏ dần và các phần điêu khắc, trang trí được nối tiếp nhau bằng sự liên kết của các họa tiết hoa văn, điêu khắc cách biệt. Người ta trang trí bằng cách vẽ các băng hoa văn tô màu và điêu khắc khoảng 2/3 thân cột về phía trên; tiếp giáp với phần để trơn bên dưới thân cột, người ta gắn vào 2 cánh gỗ cong cong vươn lên, dường như mô phỏng đôi tay của người phụ nữ trong điệu múa tâng tung - ya yá,
2 cánh gỗ này cũng được chạm khắc hoa và tô màu các loại hoa văn hình học đặc trưng của người Cơ Tu.

Gắn bó trong đời sống tâm linh nên hình tượng con trâu đã đi vào nghệ thuật Cơ Tu rất hồn nhiên. Trong điêu khắc Cơ Tu, đầu tiên phải kể đến những quan tài hai đầu trâu, đây là loại hình quan tài rất đặc biệt được làm từ hai phần thân cây khoét rỗng; bên ngoài phần nắp được điêu khắc tạo hình thân trâu, hai đầu trâu nằm đối xứng ở hai đầu nắp quan tài; phần đầu trâu được thể hiện rất chân thực với đôi sừng cong vút, trên đường vào thôn Cơ Noon thuộc xã Axan, huyện Tây Giang, từ lâu đã có một ngôi mộ theo dạng này. Một số quan tài có trang trí hoa văn hình học đặc trưng của người Cơ Tu, một số khác để trơn phần thân, chỉ chú trọng thể hiện phần hai đầu trâu. Đầu trâu còn được trang trí trên nhà mồ, có nơi người ta chạm trổ hai đầu trâu đối xứng ngay trên hai đầu bờ nóc, cũng có nơi hai đầu trâu được thể hiện ở trên hai thanh gỗ chận hai đầu mái nhà mồ. Các nhà dân tộc học cho biết, ngoài người Cơ Tu, dạng quan tài có hình trâu còn được tìm thấy ở người Giẻ-Triêng, Êđê, Mnông... nhưng phần  lớn thể hiện con trâu có một đầu và đuôi. Trong các nền văn hóa cổ ở Việt Nam, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tượng trâu bằng đất nung tại di chỉ Đồng Đậu, vật trang sức hình đầu trâu bằng đá tại di chỉ Đình Tràng (Hà Nội) có niên đại cách nay hơn 3.000 năm.

Hình tượng hai đầu trâu đối xứng trên quan tài của người Cơ Tu đã làm một số nhà khảo cổ liên tưởng đến những chiếc khuyên tai hai đầu thú trong văn hóa Sa Huỳnh, một nền văn hóa thuộc Sơ kỳ thời đại kim khí ở miền Trung nước ta, cách nay từ 2.000 đến 2.500 năm; loại khuyên tai đặc biệt này thể hiện hai chiếc đầu thú đối xứng với cặp sừng cong vút về phía trước; một số người cho rằng hai đầu thú được thể hiện trên loại khuyên tai này là con dê, tuy nhiên loài dê không mấy gắn bó trong đời sống của cư dân cổ vùng Đông Nam Á, do đó có người cho rằng hình tượng hai đầu thú trên loại khuyên tai đó chính là hai đầu trâu, và phải chăng hình tượng hai đầu trâu trên quan tài Cơ Tu là một sự “bảo lưu văn hóa” hay “trở lại truyền thống” bắt nguồn từ một nền văn hóa nổi tiếng của thời xa xưa?

Nhiều quan tài Cơ Tu được chạm trổ công phu, hầu như không có sự trùng lặp về hoa văn trang trí và hình động vật thể hiện trên các quan tài. Ngoài đầu trâu, người Cơ Tu còn thể hiện đầu gà, sao la, đầu chim; có khi người ta thể hiện đối xứng hai chiếc đầu cùng loài vật, cũng có khi hai chiếc đầu là của hai con vật khác nhau. Về ý nghĩa trang trí đầu trâu, đầu gà trên nắp quan tài, một số người cho rằng đó là hai con vật gần gũi với người Cơ Tu, được dùng trong lễ hiến tế, nó là con vật thiêng sẽ bảo vệ và đưa đường cho người chết sang thế giới bên kia. Các nhà mồ và quan tài Cơ Tu thường là những tác phẩm nghệ thuật, có những ngôi nhà mồ được dựng rất công phu với nhiều cấu kiện được chạm trổ rất ấn tượng. Nơi được trang trí kỳ công là phần mái nhà mồ, người nghệ nhân dân gian chạm trổ các họa tiết hình học quen thuộc của người Cơ Tu, hình các con vật như kỳ đà, gà, đặc biệt là đầu trâu. Chung quanh quan tài, người ta đặt một số tượng người bày tỏ nỗi niềm thương tiếc người đã khuất, phổ biến là pho tượng người ngồi hai tay chống cằm, dáng vẻ buồn rầu. Một vài nơi người ta còn chạm trổ những hình người đánh trống, thổi khèn hoặc đi săn, gợi lại hình ảnh lúc sinh thời của người đã chết.

Một loại hiện vật gây ấn tượng mạnh trong điêu khắc Cơ Tu đã xuất hiện từ lâu đời, gắn với nghi lễ tín ngưỡng, đó là những chiếc mặt nạ gỗ (p’hây). Mặt nạ gỗ của người Cơ Tu hiện nay rất ít, chỉ còn lại ở một số xã, thôn vùng cao Tây Giang, Nam Giang.  Loại mặt nạ truyền thống được làm bằng một loại gỗ nhẹ, tạc hình mặt người rất đơn giản, phía trong khoét lõm, mắt và miệng mặt nạ được chạm thủng để người sử dụng có thể nhìn được. Mỗi chiếc mặt nạ Cơ Tu có cách thể hiện trạng thái xúc cảm khác nhau, với những nét đục chạm dứt khoát, đơn giản, chiếc mặt nạ đã bộc lộ tính chất dữ dội, mạnh mẽ của người miền núi. Từ những chiếc mặt nạ mang tính ma thuật được dùng trong tế lễ này, về sau người Cơ Tu tạo ra mặt nạ treo trong một số nhà mồ, trên cột Gươl với ý nghĩa như những vị thần bảo vệ, giúp xua đuổi ma xấu. Ngày nay ở một vài nơi, mặt nạ được treo trong Gươl mang ý nghĩa trang trí nhiều hơn là ma thuật.

Điêu khắc Cơ Tu mang tính nguyên sơ, chất phác. Đồ nghề để điêu khắc chỉ là những công cụ lao động thường dùng như mác, dao nhọn, rìu... Nguyên liệu để điêu khắc là các loại gỗ có sẵn trong rừng. Nghệ nhân Cơ Tu dùng nguyên thân gỗ tròn, tượng người được tạc theo chiều dài đoạn cây, bố cục các động tác tay và chân nằm gọn trong đường kính thân cây, họ không hề ghép nối để làm tăng thêm diện tích điêu khắc. Người Cơ Tu không biết những tỷ lệ cơ thể học (Anatomy) của nghệ thuật điêu khắc, tỷ lệ các bộ phận trên một pho tượng người phần lớn không đúng với thực tế, tuy nhiên tác phẩm vẫn có sự hài hòa, sống động. Với từng nhát đục, nhát dẽo gọn gàng, không rườm rà, không trau chuốt, họ đã làm nên những tác phẩm nghệ thuật có tính biểu tượng cao...

Để tô điểm cho các tác phẩm điêu khắc trở nên sống động hơn, các nghệ nhân Cơ Tu thường dùng màu có sẵn trong thiên nhiên để tô lên tác phẩm của mình. Màu trắng được lấy từ mủ của loại cây cao su dây. Màu vàng từ nhựa cây bứa. Củ nâu là nguyên liệu để chế ra 2 màu: nhựa củ nâu màu đỏ, đem nhựa này trộn với nhọ nồi sẽ cho ra màu đen. Giã nát lá cây ta-râm sẽ có nước màu xanh dương... Có thể nói nguyên liệu để thể hiện các tác phẩm nghệ thuật của họ rất thân thiện với môi trường

  1. Sự giao thoa và biến đổi

Trong quá trình tiếp xúc với văn hóa của người Việt, trong kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc Cơ Tu đã có một số nét thay đổi. Về kiến trúc, trước hết phải nói đến ngôi nhà làng truyền thống, người Cơ Tu gọi công trình này là Gươl, cũng có nơi gọi là là “Nhà đình”, danh từ này chắc chắn là chịu ảnh hưởng của người Việt. Đình cũng như Gươl là công trình kiến trúc sinh hoạt chung của làng, là biểu tượng cho tính cố kết cộng đồng. Mặc dù đơn thuần tên gọi của công trình không ảnh hưởng đến kiến trúc, tuy nhiên về tâm thức, đây là một sự giao lưu và tiếp thu văn hóa giữa miền ngược và miền xuôi khá sâu sắc.

Quay trở về thời kỳ văn hóa Đông Sơn của người Việt, trên trống đồng Đông Sơn có hình những ngôi nhà sàn, một loại có sống mái nhà hơi võng xuống (thường gọi là mái hình thuyền), hai đầu hồi có gắn tượng chim; một loại khác sống mái nhà hơi gồ lên, hai đầu hồi xoắn tròn. Nhà nghiên cứu Tạ Đức đã nhận xét: “Về kiến trúc, có thể coi nhà gươl Katu chính là một dạng tổng hòa và phát triển của hai dạng nhà khắc trên trống Đông Sơn...”. Hai đầu hồi Gươl thường trang trí hai bức chạm gỗ cách điệu hình tượng chim triing (người Kinh gọi là phượng hoàng đất), chim grooc (người Việt gọi là bồ canh), đây là hai loại chim có mỏ sừng lớn, thuộc loại chim quý trong các khu rừng nhiệt đới vùng Đông Nam Á; phần hai đầu hồi các ngôi nhà trên trống đồng Đông Sơn cũng thể hiện hình đầu chim hoặc hình chim có mỏ sừng lớn đứng đối xứng, những con chim có mỏ sừng lớn cũng được thể hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên trống đồng Ngọc Lũ. Như vậy, ở đây phải chăng có sự bảo lưu văn hóa lâu dài về nghệ thuật từ thời đại đồng thau - sắt sớm cho đến ngày nay.

Về đề tài thể hiện trang trí trên Gươl, từ những năm 70 - 80 của thế kỷ XX đã xuất hiện con rồng, một con vật không gắn với đời sống tâm linh của người Cơ Tu, trong khi đó con rồng xuất hiện trong nghệ thuật Việt cách nay hàng ngàn năm và gắn với tín ngưỡng của cư dân trồng lúa nước, hình tượng con rồng xuất hiện phổ biến trong đình miếu của người Việt. Trong quá trình tiếp xúc với văn hóa Việt, những con rồng từ ngôi đình làng Việt đã đi vào nghệ thuật tạo hình và trang trí trong Gươl Cơ Tu. Trên một mô hình quan tài do nghệ nhân B’ríu Pố ở xã Lăng (huyện Tây Giang) thực hiện (đang trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng) có hình một con rồng chạm trên nắp quan tài.

Về các vật dụng trong điêu khắc, một số người đã sử dụng thêm bào, cưa, giấy nhám... Một số tượng được thể hiện trau chuốt, chi tiết rườm rà... Gần đây một số người thích sưu tầm, trưng bày tượng gỗ dân tộc thiểu số, đã đặt hàng để nghệ nhân Cơ Tu làm theo ý của mình, từ đó xuất hiện những pho tượng theo kiểu hiện đại, họ còn dùng các loại bột màu công nghiệp hoặc sơn dầu, tô vẽ màu sắc lòe loẹt, khiến những pho tượng đó không còn mang tính nguyên sơ, mộc mạc của núi rừng...

  1. Lời kết

Dân tộc nào cũng có những nét độc đáo riêng trong văn hóa nói chung và nghệ thuật tạo hình nói riêng, trong quá trình giao lưu văn hóa, tiếp thu nét đẹp nghệ thuật của tộc người khác là điều tất yếu, tuy nhiên nếu muốn giữ được bản sắc nghệ thuật của dân tộc mình, không nên lạm dụng kỹ thuật của dân tộc khác, càng không nên sử dụng những chất liệu xa lạ với dân tộc mình vào nghệ thuật tạo hình truyền thống. Nghệ thuật điêu khắc của dân tộc Cơ Tu vốn độc đáo ở tính nguyên sơ, giản đơn, hồn nhiên, phóng khoáng, do đó không nên làm biến dạng nó theo hướng hiện đại hóa hoặc sử dụng kỹ thuật của vùng đồng bằng mà làm giảm sút giá trị của nghệ thuật miền núi...

H.X.T