Nghệ thuật điêu khắc dân gian Cơ Tu: Nhìn từ không gian Gươl

01.11.2023
Đỗ Thanh Tân

Nghệ thuật điêu khắc dân gian Cơ Tu: Nhìn từ không gian Gươl

Trang trí cột lễ (cột x’nur) của người Cơ Tu.

Vài nét về điêu khắc trong không gian Gươl

Nhà Gươl hay còn gọi là nhà làng. Nhà Gươl nói chung là nhà hội họp sinh hoạt của dân làng, vì vậy Nhà Gươl được làm rộng, cao và vững chãi hơn mọi nhà khác. Từ xa có thể nhìn thấy mái Nhà Gươl trước khi nhìn thấy cây nêu và các nhà dân. Mái nhà được làm cao vút, sừng sững giữa làng. Bên trong Nhà Gươl rất rộng, hai đầu hơi nhô ra như hình bầu dục. Cũng như nhà ở, Gươl thường có ba cửa vào nhưng có tới 2 bếp lửa. Nam đi cửa bên trái, nữ đi cửa bên phải. Vật liệu làm nhà vẫn là tranh tre và gỗ. Giữa nhà là cột to gọi là cột cái, phần chân tính từ sàn lên được đẽo thành hình ché rượu cần lớn; phần trên, đoạn quá tầm tay với, được treo những đầu trâu, sơn dương, lông chim… Trên các cây đà gỗ bên trong được trang trí rất đẹp mắt bằng phù điêu rắn, kỳ đà, rùa và các phù điêu mô tả cảnh săn bắt thú rừng, dệt vải, lao động… Trên những hàng rui thấp ở mái đối diện cửa chính được treo rất nhiều xương đầu thú, chim chóc… Đây là thành tích những cuộc săn bắt tập thể của dân làng. Bên trong Gươl còn được trang trí bằng nhiều nhiều hình bích họa, tượng gỗ người múa tung tung - ya yá, giã gạo, muôn thú… được đẽo gọt và tô vẽ màu sặc sỡ. Ngoài ra, trên các cột phụ còn có các mặt nạ gỗ - người Cơ tu gọi là cơpây, trông dữ tợn, nhằm để ngăn ma quỉ (abhứi kơmóch) vào phá Gươl, phá làng.

Hình ảnh mặt cơpây tại nhà gươl

Trên đỉnh mái, kết cấu gỗ sắp nóc và chần mái cũng được trang trí rất đẹp mắt. Theo già làng Bh’riu Pố xã Lăng, huyện Tây Giang, một mái gươl chuẩn gồm có hai con gà trống ở hai đầu cuối mái hướng ra ngoài. Dọc theo đỉnh mái có các hình tam giác đều nhau là cách điệu của núi non trùng điệp. Tấm ván gỗ đặt dọc trên đỉnh mái được sơn màu trắng là cách điệu của mây trời. Cuối hai đầu của thanh gỗ trắng là hình của hai mặt trăng khuyết. Mặt trăng giúp người Cơ Tu biết tháng biết ngày. Giữa đỉnh mái là hình mặt trời tròn và hai con chó ở hai phía đối xứng nhìn vào trong. Mặt trời trong quan niệm của người Cơ Tu là nguồn năng lượng của sự sống, có mặt trời thì muôn loài mới có sự sống. Và con chó, trong truyền thuyết là thủy tổ của tộc Jơrâm, loài vật giúp người Cơ Tu duy trì nòi giống được sau một trận đại hồng thủy.

Trong nhà Gươl người ta để những dụng cụ của làng như trống, chiêng, giáo mác. Đây là không gian hội họp chung của làng, nơi tổ chức tế lễ, tiếp khách, phân xử kiện thưa và là không gian giáo dục chung của làng… Trước đây, ban đêm thanh niên phải đến ngủ tại nhà Gươl. Ở các làng miền cao hiện nay vẫn còn giữ tập tục này.

Phía trước nhà Gươl, người Cơ Tu có trồng cây nêu. Người ta trang hoàng cây nêu hết sức cầu kỳ, như một tác phẩm nghệ thuật dân gian và từng hợp phần đều có ý nghĩa biểu đạt riêng. Trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Cơ Tu, cây nêu là một biểu tượng văn hóa và không thể thiếu trong các nghi lễ hiến tế. Hình thức sử dụng cây nêu của người Cơ Tu rất đa dạng: cây nêu trong bản làng, cây nêu trong gia đình, cây nêu trong lễ hội, cây nêu trong tang ma. Cây nêu có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần thế tục và tâm linh sâu xa của người Cơ Tu. Cây nêu là chiếc cầu nối giữa thế giới con người với thế giới thần linh, là nơi dân làng dựng lên để tế lễ tạ ơn trời đất, là nơi dẫn lối cho tổ tiên, những người đã khuất từ cõi vĩnh hằng về với bản làng, là lãnh địa bất khả xâm phạm của tà ma và quỉ dữ; là nơi kết nối con người với con người, nhà này với nhà khác, làng này với làng khác, tạo nên một cộng đồng cùng chung sống đoàn kết, ấm no.

Cây nêu là hai cây tre có ngọn và lá được trồng hai bên cột lễ (cột x’nur), được uốn cong vòng cung và nối với nhau trên đỉnh cột lễ. Từ điểm nối của hai ngọn tre có treo tượng chim chèo bẽo, đại diện cho tinh thần tự do của người Cơ Tu và các chùm tua rua như hoa và bông lúa, biểu trưng cho sự sinh sôi và phát triển. Ngoài ra, thân cây nêu còn được trang trí với các bó lá cọ non rất đẹp mắt. Cây nêu là một thành tố có quan hệ mật thiết với cột lễ nhưng lại hoàn toàn tách rời với cây cột lễ.

Cột lễ là trụ gỗ lớn được trang trí hoa văn cầu kì giữa sân nhà Gươl. Cột lễ có tác dụng như là cột thông thiên - tức là cầu nối giữa thế giới trần tục với thần linh trên trời, giữa bản làng với Giàng và những người đã khuất. Vì vậy, cột lễ là nơi dâng cúng lễ vật cho thần linh, nơi Giàng và thần linh xuống chứng giám buổi lễ và nhận vật hiến tế.

Về hình thức, theo người Cơ Tu, cột lễ là cách tái hiện dáng hình của Thần lúa, (gọi Yang haroo), hay hình ảnh của người phụ nữ Cơ Tu trong điệu múa dza dzá, với đôi tay đưa lên trời là để bày tỏ sự cầu xin Giàng và thần linh trên trời phù hộ để dân làng có được nhiều lúa. Giữa thân cột người Cơ Tu thường khắc chạm hình những cái cối nằm đối xứng trên dưới. Đây là hình ảnh trang trí đối sánh với các chuỗi bông lúa trĩu nặng từ cây nêu, vừa biểu đạt ý nghĩa rằng, dân làng đã có đủ cối chày, chỉ còn chờ Giàng cho những vụ mùa bội thu. Trên đỉnh cột lễ là một đoạn ống tre lồ ô được chẻ nhỏ, đan thành cái phễu rộng chừng hơn gang tay. Trong nghi thức hiến sinh già làng chặt cái chỏm đuôi con trâu vấy tiết và phân nó vãi ra, sau lời cầu nguyện ông ném chỏm đuôi con trâu lên cái phễu, trường hợp lễ nhỏ không ăn trâu thì thay thế bằng con gà sống. Trong ba lần thảy, nếu chỏm đuôi trâu hay con gà lọt vào cái phễu xem như Giàng đã chấp nhận lời thỉnh cầu. Trong khung cảnh này cảm giác như đất và trời, cuộc sống trần tục và thế giới siêu nhiên rất gần nhau. Với người Cơ Tu, cây nêu như là một cái đàn cúng tế linh thiêng, nơi đón nhận sinh khí của đất trời, nơi thần linh tụ về hưởng thụ lễ vật và chứng giám các nghi lễ hiến sinh. Chính vì ý nghĩa như vậy nên cây nêu và cột lễ (x’nur) được điêu khắc và trang trí cầu kỳ, sơn vẽ sặc sỡ hơn những hạng mục khác trong không gian Gươl. Sẽ không quá lời khi nói rằng, cây nêu và cột tế của người Cơ Tu là đẹp nhất so với cây nêu của các tộc người khác trên dãy Trường Sơn.

Về tổng thể, không gian Gươl được người Cơ Tu trang trí, sửa sang hơn cả nhà ở của mình và lấy đó làm niềm hãnh diện với người những làng khác. Chính vì chức năng là ngôi nhà chung và đặc biệt là mục đích tín ngưỡng nên không gian Gươl hội tụ nhiều nhất nghệ thuật tạo hình, kiến trúc và điêu khắc của người Cơ Tu, với ý nghĩa biểu đạt hết sức đa dạng. Từ đây cũng cho chúng ta thấy rằng nghệ thuật điêu khắc dân gian người Cơ Tu hiện ra như một kho tàng với khá nhiều điều thú vị và lạ lẫm.

Đặc điểm của nghệ thuật điêu khắc dân gian người Cơ Tu

Nghệ thuật điêu khắc người Cơ Tu khá phát triển. Người Cơ tu điêu khắc tượng, làm phù điêu để trang trí nhà ở, nhà mồ, trong nghi thức cúng tế (hình thức người thế) và cả trong quan hệ kết nghĩa với làng khác người Cơ Tu cũng dùng tượng gỗ để làm dấu hiệu cho dân làng hai bên được biết. Song tác phẩm điêu khắc của người Cơ Tu tập trung nhiều nhất và đẹp nhất là ở không gian nhà Gươl.

Ngoài tượng, phù điêu động vật, lao động, săn bắt, người Cơ Tu cũng chạm khắc mặt nạ ma nhưng chỉ mỗi loại ma hiền (gọi là cơpây), nhằm mục đích trấn giữ ngôi nhà Gươl để ma dữ không tới quấy phá. Cơpây là nhân vật tưởng tượng, được thể hiện đa dạng nhưng có điểm chung là khuôn mặt dữ tợn được sơn lòe loẹt như thần hộ pháp ở các ngôi chùa, với cái lưỡi vắt ngược ra sau hoặc thè xuống ức và hai răng nanh nhe ra để sẵn sàng trừng trị ma quỉ đến quấy phá.

Trong kết cấu Gươl, những bề mặt gỗ chỗ nào lớn thì được các “nghệ sỹ” chạm khắc con vật lớn, chỗ nhỏ chạm khắc con vật nhỏ. Dưới hai cây xà ngang nối từ đoạn giữa cột cái nối ra mái trước, mái sau và hai đầu hồi (người Cơ Tu gọi là p’r chuk đhanal) được chạm khắc hình rắn, kỳ đà, tê tê (con trút), cá, rùa… Tấm ván được chạm nổi hình voi, hổ, gấu và trâu… Tất cả các kết cấu có khắc, chạm đều là gỗ nguyên khối, không phải được làm rời rồi ghép vào. Màu chủ đạo để tô vẽ tượng và bích họa là màu đen, trắng, đỏ và nâu, lấy từ các loại cây rừng, vôi, than củi và củ nâu.

Hầu hết các Gươl đều có tượng người, phù điêu động vật, giã gạo, múa hát, săn bắt, tượng ma quái (chỉ mỗi loại ma hiền)… Tất cả các kết cấu gỗ gồm cột cái giữa Gươl, xà ngang, xà dọc, trụ con, chần mái… đều được trang trí bằng những con vật hay những đồ vật được chạm trổ, bích họa một cách hài hòa với màu sắc và kỹ thuật điêu khắc phát triển nhất. Tác phẩm điêu khắc đa dạng, gồm động vật (gấu, kỳ đà, rắn, voi, hổ, trâu, chim, gà trống, cá, rùa…), múa hát, lao động sản xuất, săn bắt, được biểu hiện với một cố gắng là làm cho nó đúng với sự vật mà người “nghệ sỹ” quan sát được. Đường nét, tỷ lệ đôi khi vụng về, mất cân đối nhưng người Cơ Tu rất giỏi trong việc nhìn nhận sự vật đúng như nó tồn tại, sắp xếp bố cục các chi tiết của “nhân vật” theo hình dạng của khúc gỗ rồi tô màu lên tác phẩm nên khi hoàn thành nhìn bức tượng vẫn rất sinh động, hài hòa. Điều này có thể nhìn thấy từ tượng múa ya yá, tượng đầu trâu ở đầu diềm mái nhà mồ, tượng người phụ nữ địu con, tượng gấu khát mật (gấu lấy mật)… Có thể do thiếu dụng cụ chế tác nên phần lớn tác phẩm điêu khắc của người Cơ Tu đều để thô rồi tô màu. Hiếm họa lắm mới có tác phẩm được làm nhẵn. Trường hợp nào cần làm nhẵn, trước đây khi chưa có giấy ráp, người Cơ Tu dùng lá chạc chìu để chà nhám. Xét về hình thức, ở đây có tính chất điển hình của nghệ thuật điêu khắc nguyên thủy của người Cơ Tu. Tuy vậy, người Cơ Tu đã nâng lên một trình độ cao hơn ở tính thẩm mĩ, nghệ thuật. Ở hầu hết các bản làng, tượng tròn và phù điêu không có hình mẫu chung và tất cả đều thể hiện bằng trí tưởng tượng, kí ức thị giác, thính giác hoặc kí ức tổng hợp, nhưng không phải là sự “bắt chước” giản đơn mà các bức tượng đều được “thổi” vào đó tâm trạng buồn vui, ưu tư của người “nghệ sĩ”. Nghệ thuật điêu khắc dân gian người Cơ Tu đã phát triển theo quy luật như vậy.

Các nhóm điêu khắc đều hướng tới chủ đích tôn vinh cái đẹp của con người, cái đẹp trong lao động sản xuất; tôn vinh chiến công săn bắt, lao động sản xuất và tôn vinh các vị thần bảo hộ hạnh phúc, sự bình an cho dân làng, phản ánh thế giới quan thần thoại của người Cơ Tu. Tất cả được sắp xếp hài hòa trong không gian tương đối nhỏ hẹp là nhà Gươl và cây nêu.

Không chỉ riêng nhà Gươl, người Cơ Tu trang hoàng nhà ở của mình, nhà mồ (tức nhà ở cho người chết) bằng những tác phẩm điêu khắc với các sắc thái biểu cảm khác nhau. Cái xuất sắc của họ là những nơi dành cho người sống thì được trang trí bằng những tác phẩm vui nhộn, tượng của những ma hiền bảo hộ bình an và những sự vật thể hiện sự sinh sôi nảy nở. Ở không gian nhà mồ thì được trang hoàng bằng bức tượng thể hiện sự xót thương của người sống đối với người đã khuất. Và tất cả trong nghệ thuật điêu khắc người Cơ Tu, các “nghệ sỹ” dân gian đã phản ánh chân thực sự sinh động có phần “ngây ngô”, hồn nhiên về đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng và sinh cảnh sống của mình bằng tất cả cảm giác và cảm xúc trong lối tả thực nguyên thủy. Qua 5 huyện mà chúng tôi đã điền dã (Hòa Vang, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang và Nam Đông), chúng tôi nhận thấy tâm lí thẩm mĩ và trình độ nghệ thuật của người Cơ Tu thể hiện trong các tác phẩm điêu khắc đều có sự phát triển tương đồng và phản ánh tương đối toàn cảnh đời sống xã hội, kinh tế và tín ngưỡng của mình.

Điểm qua các chi tiết điêu khắc từ không gian nhà Gươl, có thể nhận thấy điêu khắc là một phần trong đời sống văn hóa của người Cơ Tu, vừa để làm đẹp, vừa để thể hiện ý niệm tín ngưỡng trong thế giới quan của họ. Ngày nay, đồng bào Cơ Tu vẫn quý trọng nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống và tiếp thu vật liệu mới, phong cách mới để làm giàu vốn nghệ thuật của mình.

Trong phạm vi bài viết này, tuy chưa bao quát được một cách toàn diện về nghệ thuật điêu khắc dân tộc Cơ Tu hiện nay, nhưng phần nào cho thấy được đặc trưng rất riêng của nghệ thuật điêu khắc dân gian người Cơ Tu. Hy vọng rằng, bài viết này sẽ góp một phần nhỏ trong công cuộc bảo tồn những giá trị điêu khắc của người Cơ Tu dưới tác động của quá trình hiện đại hóa hiện nay.

Đ.T.T