“Người cũ” nhưng vấn đề đặt ra không cũ - Nguyễn Thị Bình

12.11.2018

“Người cũ” nhưng vấn đề đặt ra không cũ - Nguyễn Thị Bình

Tiểu thuyết Người cũ của nhà văn Tùng Điển viết về những chuyện cũ và... Người cũ. Đó là những chuyện vừa thật, vừa ảo ở Sân 51 Trần Hưng Đạo (Trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) liên quan đến những người cũ - Họ là những văn nghệ sĩ nổi tiếng: Nguyễn Tuân, Đặng Thai Mai, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Trần Hoàn, Vũ Giáng Hương... đã một thời gian dài phủ bóng xuống sân 51 Trần Hưng Đạo. Nhưng không chỉ có thế, Người cũ kể về Những người chân đất đã làm nên lịch sử của huyện Thanh Trì (Ngoại thành Hà Nội), như ông Vũ Xuân Tròn và bao người nông dân khác; Truyện kể về Hai người lính Tây, rất am hiểu văn hóa Việt. Hay những chuyện kể về cô Ngưu - Người thiên cổ đầy oan khuất, nhưng cũng rất nhân từ... Tất cả những chuyện ấy, được nhà văn kể lại bằng giọng điệu nhẩn nha, điềm tĩnh, nhẹ nhàng, như một cuốn phim quay chậm về cảnh cũ, người xưa nay còn vang bóng.

Thoạt đầu, lướt qua Người cũ, tôi thầm thắc mắc: Sân 51, Những người chân đất, Hai người lính tây, Người thiên cổ, Tìm về, những phần ấy có gì liên quan đến nhau? Bởi đó là những câu chuyện hoàn chỉnh, có thể đứng riêng một mình? Nhưng đọc kỹ, tôi nhận ra, tác giả đã có lý khi đặt chúng cạnh nhau, xâu kết lại làm nổi bật chủ đề tác phẩm... Việc đi tìm và lý giải quá khứ, giúp người đọc nhìn nhận một cách công bằng, khách quan, phải chăng là vấn đề cơ bản mà tác phẩm muốn hướng tới? Đi theo chiều hướng ấy, mỗi phần của cuốn sách là một bức màn bí mật. Có thể bức màn ấy đã được vén lên, hay vẫn còn là điều bí mật như những hàng chữ Hán cổ trên bia đá hai cụ Rùa (Sân 51), nhưng điều đó không thật quan trọng. Mà cái chính là tác giả muốn hướng người đọc đến những điều tốt đẹp, mang chiều sâu văn hóa. Tất cả được nhìn nhận, lý giải qua những sự kiện, tình tiết và nhân vật trong mỗi phần của tác phẩm.

Dưới điểm nhìn của nhân vật Tôi, quá khứ một thời về vùng đất Tôi đã từng gắn bó được tái hiện sinh động. Từ Sân 51 Trần Hưng Đạo, những chuyện tâm linh dưới gốc cây si già, rồi chuyện cây cứu người, chuyện về hai cụ Rùa... được tác giả kể lại đầy vẻ huyền bí. Tôi không biết những chuyện ấy có thật hay không? Hay đó chỉ là những chuyện do trí tưởng tượng của nhà văn sáng tạo ra? Nhưng tôi biết chắc rằng, niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống và trong tâm linh là có thật, cho dù đó là chuyện xa xưa hay chuyện mới xảy ra...

Theo lời kể của nhân vật xưng Tôi, người đọc được trở về mảnh đất ngoại thành Hà Nội, quê hương Tôi mà Tôi luôn tự hào: Quê tôi cách Hà Nội chỉ một vài bước chân, nhưng bao nhiêu năm nay người quê tôi vẫn vậy... Hơn thế, những nét đẹp về bản sắc văn hóa, đã trở thành tình cảm, thành nếp sống của người Hà Nội như: bánh cuốn Thanh Trì, cá rô Đầm Sét, cá chép Yên Duyên, chim sâm cầm đầm Linh Đàm, bánh khúc Tự Khoát... là những dấu ấn không thể mờ phai, để khi xa còn nhớ mãi. Ở đó, ta bắt gặp những người anh hùng đã trở thành huyền thoại, như ông Vũ Xuân Tròn. Trong kháng chiến, ông từng bị thực dân Pháp bẻ răng, xẻo thịt, thọc dao vào cổ toan cắt tiết, xua chó béc giê cắn... nhưng trước sau, vẫn thủy chung với cách mạng, nay ông trở thành một nông dân giàu có, được đi báo cáo điển hình cấp Thành phố; Qua lời kể của bà Gái - một người cũng rất kiên cường trong kháng chiến chống Pháp, thì: Huyện này cũng nhiều người giàu như ông Tròn. Toàn những ông vào sinh ra tử trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ tự làm bằng đôi tay của mình, chứ chẳng ông nào giàu tắt giàu ngang cả... Với hiện thực và quá khứ đan xen, tác giả đã dựng lên một bức tranh toàn cảnh về một vùng quê, với những thăng trầm lịch sử đầy hãnh diện, tự hào. Mà đâu chỉ có ông Tròn, bà Gái? Những người như chú Huề, anh Thử, anh Thành, ông già và cô gái trẻ giam chung với ông Tròn dạo nào và bao nhiêu người khác... họ đều là nạn nhân của những đòn tra tấn man rợ của thực dân Pháp, người thì bỏ xác, người thì thương tích không muốn nhớ lại: Những hình ảnh rùng rợn ấy cứ ám ảnh suốt tuổi thơ tôi và đến tận bây giờ càng như đậm lại... Trong đó, có những người là chú, là cậu ruột của nhân vật Tôi. Họ là những minh chứng cho một thời kỳ lịch sử đau thương mà vô cùng anh dũng.

Qua lời kể của nhân vật tôi ngày thơ bé, truyện về Hai người lính Tây, một da đen, một da trắng mới thật thú vị. Đó là những trang viết êm đềm, tuy có lính Tây, nhưng không hề có bắt bớ, giết chóc. Hai người lính Tây và Tôi từ lúc nào, đã trở thành bạn của nhau... Đó là khi Tôi qua sông sang vùng tự do, bị thằng Tây đen trấn lột hết mấy đồng bạc Đông Dương. Nhưng hành động của Tây đen, không qua được mắt Tây trắng. Tây đen bị Tây trắng giáng cho một cái tát điếng người, và Tôi được trả lại tiền. Từ đấy, Tôi và hai người lính Tây trở thành bạn, vì Tôi thấy hai thằng Tây ấy vào loại tử tế, chúng sống với nhau rất thoáng và rất say sưa trong công việc. Đặc biệt, chúng biết kính trọng cụ Hồ. Nó không dám tự do bắn súng lên trời, vì nó hiểu Cụ Hồ không cho phép... Những trang viết này còn cho ta hiểu một khía cạnh khác của cuộc chiến. Bên cạnh những kẻ đi xâm lược giết người không ghê tay, vẫn còn có những người có học, bất đắc dĩ phải cầm súng như thằng Tây trắng. Tây trắng muốn sang Việt Nam để nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ chứ không phải cầm súng. Nó rất yêu ca dao Việt Nam, sang Việt Nam chưa lâu, nhưng nó rất hiểu và tôn trọng văn hóa của người Việt... Tình bạn của Tôi và hai người lính Tây như một giấc mơ. Mặc dù chỉ gặp nhau trong thời gian ngắn, nhưng họ đã để lại trong nhau những ký ức không dễ phai mờ. Điều thật thú vị là người bạn Tây trắng mà Tôi cứ ngỡ đã trở thành người thiên cổ, mấy chục năm sau đã quay trở lại chốn xưa cùng người vợ già. Đó không chỉ là sự trở lại của một con người, mà là sự tìm về những ký ức đẹp của một thời mà Tây trắng không thể nào quên: Đi nửa vòng trái đất, hai vợ chồng người tây già nua ấy, muốn thấy, muốn nhìn lại khoảng trời chỉ thoáng gặp ít ngày nhưng đã ám ảnh, dai dẳng như tiếng gọi vang vọng, bí ẩn sâu trong tiềm thức của mỗi người để tìm về. Và rõ ràng, cả nhân vật tôi và người Tây trắng, chừng ấy năm vẫn không quên những kỷ niệm đẹp. Cả hai cùng tìm về cây bàng ngày xưa, tìm lại hốc cây, nơi người Tây trắng đã giấu tặng Tôi con dao nhíp mà Tôi rất thích... Mới hay, những điều tốt đẹp không thể mất, dù thời gian cứ vùn vụt trôi.

Hấp dẫn nhất của tác phẩm có lẽ là phần viết về Người thiên cổ. Ở phần này, tác giả dành nhiều tình cảm, tâm huyết để nói về số phận của những người dân làng Tự Khoát xã Ngũ Hiệp mà cha con cô Ngưu là tiêu biểu. Cái tên không bình thường của cô Ngưu (sao Ngưu là một trong Thất sát tinh), là do cô sinh vào ngày Kim Ngưu, sinh con vào ngày ấy khó nuôi nên phải lấy tên sao đặt tên cho cô, và phải làm việc Âm đức suốt tháng sinh và kéo dài thêm nữa, tưởng làm vậy sẽ tránh cho cô những bi thảm cuộc đời, nhưng không phải vậy. Số phận thật khó tránh...

Cô Ngưu là một cô gái đẹp nhất nhì làng. Là con Chánh tổng, gia đình khá giả, được ăn học tử tế, cô là niềm mơ ước của các con ông Thông ông Phán ở tỉnh, ở huyện, là “mục tiêu” của thằng Tây lùn. Cô khước từ tất cả vì đã quen hơi, bén tiếng với chú Huề - Bí thư chi bộ. Cô không ngờ tình yêu đẹp như chuyện cổ tích của mình bị cắt ngang bởi cái chết của chú Huề. Chú bị bọn lính Pháp bắn chết ngay trên sân nhà cô. Rồi sự xuất hiện của thằng Tây lùn tại nhà ông Chánh tổng, đã mở đầu cho những bi kịch tới tấp đổ lên cuộc đời cô.

Cuộc đời cô Ngưu và số phận của những người dân trong làng đều là những chuyện mắt thấy, tai nghe và ít nhiều liên quan đến nhân vật Tôi, chứa đựng những cảm xúc, suy nghĩ của Tôi, nên đem lại cảm giác chân thực cho người đọc. Một giai đoạn lịch sử trước năm 1954 của đất nước nói chung, của quê hương Tôi nói riêng, được tái hiện khách quan với những thăng trầm, có cả đau thương, xa xót, nhưng kết thúc bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ vẻ vang. Làng xã trở lại bình yên, nhưng số phận của những con người đã là một phần lịch sử của làng như cô Ngưu thì không hề bình yên chút nào... Tất cả được hiện lên, khi thì trực tiếp, khi gián tiếp qua những trang truyện hấp dẫn trong Người thiên cổ. Số phận cô Ngưu được nhìn nhận nhiều chiều, khi thì chủ quan, khi khách quan, phải chăng tác giả muốn lý giải những uẩn khúc trong những tháng năm giặc giã không dễ cảm thông? Những bi kịch trong cuộc đời cô Ngưu, trớ trêu thay không hẳn bắt nguồn từ tên tây lùn, mà bắt nguồn từ thằng Nhỡ (người ở) - Kẻ mà bố con cô đã mang nó về nuôi, từ khi nó là đứa con rơi bị bỏ ở chợ Dáy Văn Điển. Vì bất nhân, tham tiền, nó đã bán đứng ân nhân của mình, thành “con ong trong áo, con cáo trong nhà”. Và tệ hại hơn, nó cam tâm trở thành kẻ chỉ điểm cho tây hại cả làng. Thằng Nhỡ chính là nguyên nhân khiến gia đình cô tan nát. Cha cô bị chết, cô bị du kích bắt đi vì nghi là chỉ điểm cho giặc Pháp. Cho dù sau này được chính phủ tha về thì nỗi oan của cô không dễ gì gột rửa. Cô sống trong sự cô lập, ghẻ lạnh của người đời.

Ở phần Người thiên cổ, đất nước Việt Nam, văn hóa của người Việt được nhìn nhận qua con mắt thằng Tây lùn một cách đúng mực và khách quan. Là kẻ đi xâm lược, nhưng nó luôn tự hào vì trong nó có một nửa dòng máu là người Việt. Cái cách nó xưng hô và cư xử với cha con cô Ngưu, kể cả việc nó trừng trị, xẻo tai thằng Nhỡ vì sự phản bội ân nhân, cùng lý lẽ của nó khi bị cô Ngưu xúc phạm, gọi nó là Tây lai... cho thấy nó rất hiểu văn hóa của người bản địa. Không có ý ngợi ca, nhưng ta vẫn phải thừa nhận, ở một khía cạnh nào đó, Tây lùn không phải là hoàn toàn xấu. Nó rất hiểu đạo lý của người Việt và biết cách cư xử đàng hoàng với kẻ yếu - cha con cô Ngưu. Điều đó cho thấy cách nhìn hiện thực tỉnh táo, công bằng, khách quan của tác giả. Tuy nhiên, kẻ đi xâm lược kết cục vẫn phải bị trả giá cho những tội ác mà chúng gây ra. Tây lùn cùng đồng bọn cũng bị tiêu diệt trong đêm ta tập kích sân bay Gia Lâm.

Đối với cô Ngưu, nạn nhân của mọi oan ức, đau khổ, khi có điều kiện, cô quyết tâm trả thù thằng Nhỡ - nguyên nhân của mọi bất hạnh cho gia đình và bản thân cô. Thời gian qua đi, mối thù càng tích tụ, cô Ngưu xinh đẹp ngày xưa đã trở thành bà Ngưu: Một bà Ngưu người đã bắt đầu khô đi, màu da không phải của người dầm dãi mưa nắng, mà ánh xám màu gio vừa hết lửa. Nhưng chuyện trả thù của bà Ngưu đã không thành. Mặc dù chuẩn bị rất kỹ càng, nhưng khi hành động, tay bà lại run bắn làm đổ chén rượu độc. Lúc ấy, ranh giới giữa thiện và ác trong bà chỉ mong manh như sợi tóc. Trong suy nghĩ, bà không hề mảy may có chút gì gọi là tha thứ cho kẻ thù, nhưng hành động của bà thì ngược lại. Chính thằng Nhỡ cũng nhận thấy cô còn có ý thương con. Một người phụ nữ xinh đẹp, giầu lòng trắc ẩn như bà làm sao có thể xuống tay với kẻ ác? Nhưng kẻ đáng chết cũng phải chết. Bởi thế, tác giả đã để cho thằng Nhỡ tỉnh ngộ, sám hối bằng tiếng khóc thảm thiết, tự nguyền rủa bản thân và thú tội: Ối ông ơi, con giết ông rồi, con có tội, xin cho con được chết đi để xuống đấy hầu hạ ông. Ối cô chủ ơi, con có tội, con đáng chết, ối trời cao đất dày ơi, con có tội... Lời van xin và thú tội ấy, cứ lặp đi lặp lại một cách ai oán. Chừng như làm thế cũng không đủ cứu vớt tội lỗi của mình, thằng Nhỡ  giằng lấy chén rượu độc, tự kết liễu đời mình...

Người thiên cổ là phần lôi cuốn nhất của tiểu thuyết. Phần vì cốt truyện hấp dẫn, ly kỳ, nhưng cái chính do giọng kể mạch lạc, khúc chiết, câu văn ngắn, câu kể và tả đan xen, khi thì dồn dập, lúc khoan thai làm cho mạch truyện được xâu kết chặt chẽ có lý, có tình. Ngôn ngữ nhân vật phù hợp, cách xưng hô (nó, ông, cô nhà, chú Huề...), cách gọi tên đúng với thành phần xuất thân của nhân vật (ông Chánh, cô Ngưu, bà Ngưu, cụ Nhẫn, cô Nụ, thằng Tây lùn, thằng sếp Vượng, thằng Nhỡ...) Tất cả đều góp phần khẳng định bản chất nhân vật. Đặc biệt, tác giả khá dụng công trong việc khắc họa ngoại hình làm nổi bật tâm lý, tính cách nhân vật. Chân dung thằng Nhỡ là một ví dụ tiêu biểu. Nếu ai đã đọc, dù chỉ một lần, sẽ nhớ mãi chân dung của một kẻ phản phúc. Có thể nói, mọi chi tiết miêu tả ngoại hình của thằng Nhỡ, đều góp phần “tố cáo” tính cách không đàng hoàng của nó: mặt mỏng, môi mỏng, mặt mũi xiêu vẹo, con mắt láo liên luôn đảo quanh nhìn trộm, đôi tai mỏng dính vểnh lên rình rập, nhất là cái cằm cứ dài ra, nhọn như lưỡi cày... dáng người mỏng tong teo, khuôn mặt dài và nhọn như con bọ muỗm... Đúng là “Trông mặt mà bắt hình dong”, những đường nét “đặc biệt” ấy, được láy lại nhiều lần như chạm khắc vào lòng người đọc bộ mặt của một kẻ vong ân, bội nghĩa.

Là nhà văn có nghề, qua Người cũ, Tùng Điển làm sống lại một thời kỳ lịch sử đã qua, mà nhân vật đa phần là Người cũ - những đồng nghiệp hoặc anh em, họ hàng thân thuộc, đã gắn bó cùng nhân vật Tôi qua những tháng năm chiến tranh gian khổ. Chỉ qua hơn trăm trang sách, quy mô tiểu thuyết không lớn, số lượng nhân vật không nhiều, nhưng kết cấu truyện chặt chẽ, điểm nhìn trần thuật đa dạng, tính cách nhân vật được khắc họa rõ nét, phải chăng nhà văn đang hướng tới một sự cách tân trong tiểu thuyết?

Chọn vai kể ở ngôi thứ nhất, cùng với việc đưa vào tác phẩm những địa danh quen thuộc (làng Việt Yên, làng Tự Khoát, bốt Ngọc Hồi, bốt Đông Trạch, bốt Văn Điển, sông Hồng, sông Tô Lịch, huyện Từ Liêm, Thanh Trì...), nhà văn đã góp thêm tiếng nói tin cậy về những gì nhân vật Tôi đã trải qua hoặc chứng kiến. Để rồi qua đó, người đọc tự rút ra cho mình những bài học về triết lý nhân sinh.

Ở mỗi phần của tiểu thuyết là những câu chuyện khác nhau, liên quan đến nhân vật Tôi, nhưng không phải là chuyện cá nhân đơn lẻ, mà là câu chuyện của một thời, của những năm tháng sự kiện đáng nhớ. Tất cả, làm nên một bức tranh sinh động về quá khứ của quê hương Tôi, ngoại thành Hà Nội. Bởi vậy, “Ôn cố nhi tri tân” (Ôn cũ để biết mới) chính là thông điệp tác giả muốn gửi đến người đọc qua Người cũ đó chăng?

N.T.B