Vài cảm nhận truyện ngắn Lê Trâm - Phạm Phú Phong

12.11.2018

Vài cảm nhận truyện ngắn Lê Trâm - Phạm Phú Phong

(Nhân đọc tập truyện ngắn “Phía gió biển không còn ai”, NXB Trẻ, 2016).

Có thể, Lê Trâm đã có sáng tác được in ấn trước ngày đất nước thống nhất, nhưng những gì làm nên Lê Trâm hôm nay, thuộc vòng sinh quyển và là sản phẩm sau năm 1975.

Thật lòng, tôi chưa từng đọc văn xuôi Lê Trâm một cách đúng nghĩa. Thỉnh thoảng có lướt qua một vài truyện ngắn của anh in trên các báo, không ngờ anh đã từng có một sản nghiệp văn chương khá bề thế: 3 tập truyện ngắn, 3 tập truyện dài, 1 tiểu thuyết và một tập tiểu luận và tạp văn, nay cầm trên tay tập sách thứ chín của anh, tập truyện ngắn Phía gió biển không còn ai (Nxb Trẻ, 2016) với lời đề từ đầy tâm huyết, buộc lòng tôi không thể không sẻ chia: “Không giống những cuốn sách đã xuất bản, tôi mất khá nhiều năm mới hoàn thành tập truyện ngắn này. Đã viết một cách khó khăn từ những ám ảnh của chính thực tại lẫn những ký ức không kém phần ảo diệu của mình. Thời gian trôi đi, những câu hỏi lớn cũng trôi theo. Tôi viết, như bày ra những câu hỏi, một số lý giải và mong có thêm những chia sẻ” (tr. bìa 1).

Có người nói rằng, quan trọng nhất của thi pháp truyện ngắn là nằm ở kết cấu. Với Lê Trâm, cả mười ba truyện làm nên Phía gió biển không còn ai đều xuất phát từ tâm thế hiện tại, từ một sự kiện/ con người hiện tại để hồi ức về quá khứ, trước khi kể chuyện quá khứ đều bắt đầu bằng hiện tại: “Ngồi với tôi và Kh là một đôi nam nữ còn khá trẻ” (tr. 5), “Mẹ tôi nhắn ra: Con về thăm ông Khôi đi”

(tr. 26), “Đông sẽ không gặp anh nếu không đi ngang qua đây” (tr. 49), “Gã phóng xe như điên. Nắng xối xả” (tr. 67), “Anh gã bảo: Mày cứ bám vào dấu chân tau mà đi” (tr. 120)... Nghĩa là, chất liệu hiện thực đã lui vào quá vãng, nhưng không chịu ngủ yên, mà đầy ắp, quẫy đạp, sinh sôi, đòi phải hiện hình ra trang giấy: những ký ức về một thời chiến tranh khốc liệt chưa dễ phai mờ, bao lo toan trong cuộc sống bộn bề thời bình với một cảm quan hiện thực hết sức chân thực về công cuộc mưu sinh, quan niệm về lối sống, về tình yêu, về trạng thái của con người hiện đại không cô đơn nhưng mà cô độc, hoặc những dấu vết văn hóa hư ảo khoác màu sắc tâm linh...

Nhân vật của Lê Trâm là con người quá khứ, quan niệm nghệ thuật về con người của anh cũng dưới góc nhìn quá khứ - một quá khứ chiến tranh như một vết cắt của lịch sử mà nhiều lần anh đã lặp đi lặp lại: “Chiến tranh cắt ngang mối quan hệ giữa tôi và Liền” (tr. 32), “Chiến tranh như một vết dao chém ngang vùng ký ức” (tr. 82)... Hùng, cô xã đội phó chỉ chừng 16,17 tuổi, bởi “cuộc chiến ngày càng ác liệt thì tuổi đời các xã đội trưởng ngày càng trẻ” (Vừa đúng giao thừa, tr. 123); chú Khởi - Võ Đông Sơ đã chiến trường thọ tiễn, mà “cái bằng Tổ quốc ghi công cụ thể là thế sao thấy cứ mơ hồ” (Người của thời gian, tr. 36); hoặc anh Nhãng, anh Hải và cả với thằng Tứ đi lính cộng hòa, có võ Miên đạn bắn không thủng nhưng rồi cũng “chết mất xác ở Thượng Đức” (Ven đô, tr. 101)... Chiến tranh giản đơn chỉ là chuyện sống/chết. Con người trong thời bình phức tạp hơn với biết bao hệ lụy: vợ chồng người chèo đò bất lực chết theo con trong lũ dữ (Truyện đốt theo sông), Vũ, Sơn và Đông cũng bất lực trước dự án chiếm đất phá rừng, phá hoại môi trường (Cưỡi gió qua đèo, Bên kia đỉnh dốc); cuộc gặp gỡ tình cờ và thân phận người thợ cầu đường và cô tiếp viên quán cà phê (Xe đang trôi trên đường), tình yêu đằm thắm và hệ lụy rẽ chia của Hương và Trữ (Phía gió biển không còn ai), Thủy Hương và Hà Nhuận (Nước vẫn chảy dưới chân cầu)... Tất nhiên, không nhiều thì ít, văn chương đều có phản ánh hoặc “nghiền ngẫm” (Lê Ngọc Trà) hiện thực, nhưng có những truyện Lê Trâm cứ viết khơi khơi, như không hề động bút mà là sự ủ men từ ảo giác, như không có chuyện gì đáng để viết ra, nhưng hương hoa ướp đầy trang sách, bằng sự tài hoa và lịch lãm, sự liên tưởng và kiến văn sâu rộng, mà trước hết là bằng linh giác của một nhà duy mỹ khi điểm trang cho chân dung mỹ nữ: “Nàng bảo nàng tên Châu Ê. Nàng nói kèm theo ánh mắt nhìn rất lạ. Nửa xa vắng nửa u uẩn. Cái tên gợi nhớ một cuộc hôn nhân đã xa cho một lần mở rộng bờ cõi (...) Tôi bỏ luôn chút lịch sự tối thiểu, nhìn thẳng vào mặt nàng, cố tìm một nét nào đó khả dĩ đi đến một câu trả lời dù còn mơ hồ. Chẳng thể. Chỉ thấy lặp đi lặp lại cái điệp khúc mơ hồ. Đẹp và buồn. Đẹp và buồn. Đẹp và...” (tr. 11).

Cái chất đậm đặc trong truyện ngắn Lê Trâm là đất và người xứ Quảng. Dù có địa danh cụ thể hay phiếm chỉ, người đọc cũng có thể hình dung ra cái không khí làng quê, sông núi, cây trái, thậm chí cả mùi thơm của rơm rạ đồng ruộng, trong đó có những con người như ông Khôi “có tất cả các nét đặc trưng của một ông già Quảng Nam thứ thiệt: hiền lành, chất phác, bộc trực, vui tính, tốt bụng. Và, tất nhiên, hay cãi, đụng thứ chi cũng cãi cho bằng được. Sai cũng cãi mà đúng cũng cãi. Ông bảo, cãi riết rồi đâm ghiền không cãi nó ngứa cái miệng chịu không nổi, tối về không ngủ được! Hay cãi nhưng không hề để bụng” (tr.28). Đặc biệt, cái chất văn hóa xứ Quảng ấy còn thể hiện trong không khí dựng truyện, trong nghệ thuật tự sự, trong sự liên tưởng đến âm nhạc hoặc tuồng tích xưa, là đối tượng của các phương pháp nghiên cứu như tự sự học, liên văn bản.

Tất nhiên, với đòi hỏi nghiệt ngã của nghệ thuật, không phải tất cả đều đã hoàn hảo. Đây đó còn có kết cấu giản đơn, ẩn dụ nghệ thuật còn rối rắm, sắp xếp chi tiết thiếu mạch lạc (Tiễn biệt trinh nữ, Một mình sóng cả...). Nhưng nhìn chung, những gì làm nên vùng thẩm mỹ ở Phía gió biển không còn ai là những sinh thể nghệ thuật chân thực mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gắn liền với truyền thống văn hóa của vùng đất, khơi gợi một cái nhìn ấm áp ở tương lai. 

P.P.P