Ra mắt Bộ sách Nguyễn Văn Xuân toàn tập

22.12.2020
Thạch Hà
Sáng 22/12/2020, Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức Buổi ra mắt bộ sách Nguyễn Văn Xuân toàn tập tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Đà Nẵng.

Ra mắt Bộ sách Nguyễn Văn Xuân toàn tập

Đến dự buổi ra mắt có Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn, ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố,  ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, bà Phạm Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Nam, gia đình cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu từ Hà Nội, Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng cùng phóng viên báo đài tại Đà Nẵng.

 

Bộ sách Nguyễn Văn Xuân toàn tập khoảng gần 4000 trang do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, lưu lại hầu như toàn bộ sự nghiệp sáng tác, nghiên cứu đồ sộ của nhà văn, học giả Nguyễn Văn Xuân. Bộ sách có 7 tập gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, các cuốn biên khảo, các công trình nghiên cứu về nghệ thuật, cùng hàng trăm bài viết khảo cứu về lịch sử Quảng Nam, Đà Nẵng, chân dung nhân vật, phê bình văn học, tạp văn... chưa từng được tập hợp in thành sách.

Tại buổi ra mắt Bộ sách Nguyễn Văn Xuân toàn tập các nhà văn, nhà nghiên cứu đã chia sẻ nhiều kỷ niệm trong quá trình hoàn thiện và những đánh giá về giá trị của bộ sách.

 

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết: Đây là cuộc gặp mặt chúng tôi đã chuẩn bị rất lâu nhưng do tình hình dịch Covid-19 nên dời lại đến ngày hôm nay. Nhà văn, học giả Nguyễn Văn Xuân là nhà văn, nhà nghiên cứu lớn của đất nước. Những trang viết của ông chứa đựng đầy những tầm lớp vỉa quặng về văn hóa, lịch sử. Ông viết lịch sử bằng ngôn ngữ văn chương nên lịch sử của ông không phải lịch sử chết mà một phần đời sống lịch sử được sống lại, được trở lại, được sống lại trong thời đại hôm nay.

 

Chia sẻ về quá trình tập hợp bản thảo cho bộ sách này, Nhà văn Thái Bá Lợi, phụ trách NXB Hội Nhà văn tại miền Trung cho biết: Tôi và anh em cũng phải “vật vã” suốt hơn 2 năm trời mới có thể ra mắt bộ Toàn tập này. Từ chuyện bản quyền, bản thảo, đến chi phí in ấn. Riêng kinh phí in ấn lên tới tiền tỷ là khâu gay go nhất. May có anh Nguyễn Quốc Khánh là đồng hương của tôi ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) nhận hỗ trợ phần làm bản thảo ban đầu, như một cú huých để tiếp tục dấn tới. Sau đó được Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ một phần kinh phí nên mới xuất bản được.

 

Phát biểu tại Lễ ra mắt Bộ sách, NNC Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng cho rằng, Nguyễn Văn Xuân không chỉ để lại giá trị về chữ nghĩa mà còn để lại giá trị lớn lao về chính con người ông, là những đức tính và tinh thần lao động nghệ thuật của ông. Hi vọng trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tập hợp những bài viết của nhà văn Nguyễn Văn Xuân đang lưu lạc để in cho trọn vẹn.

 

NSND Huỳnh Văn Hùng cho rằng việc hỗ trợ in tổng tập này cũng là cơ duyên của những người làm văn hóa chúng tôi. Ông hứa rằng sau này nếu có những tập tiếp theo thì Sở Văn hóa và Thể thao sẽ cố gắng hết sức để có thể in và giới thiệu đến công chúng góp phần quảng bá văn hóa xứ Quảng sâu rộng hơn.

 

Tại buổi ra mắt, nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Giám đốc Nhà Xuất bản Hội Nhà văn đã tặng Bộ sách Nguyễn Văn Xuân toàn tập cho tỉnh Quảng Nam.

 

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân sinh ngày 10/5/1921, tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân, là con thứ sáu trong bảy anh chị em (ba nam, bốn nữ). Ông là nhà văn, nhà nghiên cứu, là nhà Quảng học. Năm 1939, truyện ngắn đầu tay của ông có tên là "Bóng tối và ánh sáng" được chọn đăng trên tạp chí Thế giới (Hà Nội) và được trao giải nhất. Sau đó, ông lần lượt cộng tác với các báo, như: Bạn dân (Hà Nội), Thế giới (Hà Nội), Mới (Sài Gòn), Văn Lang (tạp chí, Sài Gòn), Tiểu thuyết thứ Bảy (tạp chí, Hà Nội)...

Từ năm 1945 đến năm 1954, ông tham gia phong trào cách mạng ở quê nhà, từng làm Ủy viên kịch nghệ thuộc Hội Văn nghệ Quảng Nam, Ủy viên kịch nghệ thuộc Hội Văn nghệ liên khu V. Sau năm 1954, ông ở lại Quảng Nam dạy giờ tại các trường tư và tiếp tục sáng tác. Năm 1955, ông bị bắt giam ở nhà lao Thừa phủ (Huế) vì tham gia phong trào đấu tranh đòi thống nhất đất nước.

Ngoài công việc viết văn, làm báo ông còn làm nghiên cứu và dạy học tại các trường trung học tư thục Đà Nẵng, Đại học Văn khoa Huế,...và sau này dạy thêm ở Đại học Đà Nẵng (thành lập năm 1974). Ông qua đời vào lúc 21 giờ 30 ngày 4/7/2007 tại Đà Nẵng. 

T.H