Sắc thái huyền thoại mới trong văn chương Nhật Bản

06.05.2021
Nguyễn Thị thuỷ
Từ thập niên 30, 40 thế kỉ XX, tính mơ hồ, siêu thực đã lan tỏa trên các sáng tác của phương Tây lẫn phương Đông. Càng về nửa sau thế kỉ XX, sự giao lưu văn học càng mở rộng khiến phương thức sáng tác này vượt qua biên giới các châu lục và tác động lẫn nhau. Nhật Bản trở thành trường hợp điển hình của phương Đông “đáp lễ” với văn học huyền ảo phương Tây bằng những sáng tác có giá trị.

Sắc thái huyền thoại mới trong văn chương Nhật Bản

Như một hệ quả của thời đại, nơi chiến tranh diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, nơi sự sống mong manh và niềm tin bị mai một, chất cảm tính và mơ hồ bắt đầu trội lên và thống lĩnh đời sống lẫn nghệ thuật, chất huyền ảo thay thế cho tư duy lí tính đang đến hồi suy vong. Các nhà văn xứ sở hoa anh đào tái tạo cấu trúc trần thuật huyền ảo trong chủ đề và ẩn nghĩa phương Đông. Văn chương Nhật Bản trong phối cảnh ấy đã pha lẫn cái huyền ảo, huyền thoại vào cảm thức đặc biệt của dân tộc mình: mononoaware (nỗi buồn trước sự tàn phai, vô thường của vạn vật) và okashi (cảm nhận về cái đẹp thú vị, trong sáng, đôi khi hài hước, vui tươi). Chính phong vị Nhật Bản - nỗi buồn cô độc, sự bi cảm tĩnh lặng và sự hài hước thanh nhã - đã khiến văn học Phù Tang đóng góp một kiểu văn học huyền thoại mới.

 
Akutagawa Ryunosuke (1892-1927) là một trong những nhà văn nổi tiếng Nhật Bản, thủ lĩnh của phái tân hiện thực, đã dung hòa được những tinh hoa lí trí của chủ nghĩa tự nhiên (shizen shugi) và sắc màu lãng mạn phóng túng của chủ nghĩa duy mĩ (tanbishugi), thể hiện một phong cách riêng biệt hòa trộn giữa hiện thực và huyền ảo bằng bút pháp hoa mĩ mà súc tích. Các sáng tác của Akutagawa cho thấy sự rã rời và đau đớn mênh mông trong dự cảm về sự sụp đổ của đế chế Nhật Bản, sự diệt vong của chiến tranh. Tuy nhiên, hiện thực ấy không phải được phản ánh một cách khô khan, mà được huyền thoại hóa bằng những yếu tố kì ảo, hoang đường, khiến cho tác phẩm trở nên cuốn hút đối với độc giả. Kappa (Hà Đồng) được xem là tác phẩm tiêu biểu của Akutagawa. Tác phẩm kể về Kappa, “...đứa con nít sống dưới sông, hình dạng giống khỉ, mũi dài, mắt tròn, có râu màu nâu hung dưới cằm, da hơi xám, tay chân có năm ngón, và có mùi tanh như mùi cá. Kappa thích ăn dưa, trứng, táo và gan người. Nếu trêu chọc, chúng khóc như một đứa trẻ, làm vừa lòng Kappa, chúng sẽ đền ơn.” Hình ảnh phi thực của loài thủy quái giống như thế giới của loài chim cánh cụt trong tác phẩm của Anatole France, hay thế giới người tí hon trong tiểu thuyết của Jonathan Swift. Với Kappa, Akutagawa đã mơ tưởng về một thế giới “phi nhân gian”. Trong truyện có những chi tiết hoang đường, hài hước, kể chuyện sinh đẻ của loài kappa thật kì lạ: “Cũng như ở xứ ta, Kappa cũng nhờ đến bác sĩ hay bà mụ. Nhưng lúc đứa trẻ ra đời, ông bố ghé cái miệng gần âm hộ, như thể nói điện thoại và cất to tiếng hỏi: Mày có muốn sinh ra ở cõi đời này không? Hãy trả lời khi đã suy nghĩ chín chắn. Bag cũng vậy, quỳ gối và lặp lại nhiều lần lời này. Sau đó lão súc miệng với nước khử trùng để trên bàn. Với mệnh lệnh này, đứa trẻ chưa sinh, còn nằm trong bụng mẹ, hình như có vẻ hơi bực bội, trả lời với một giọng yếu ớt: Tôi không muốn ra đời. Trước hết vì cái bệnh tâm thần di truyền của ông bố.” Chưa hết, câu chuyện còn khiến người đọc bật cười bởi “...bà mụ đứng gần đó, không đợi lâu, liền thọc vào trong âm hộ của bà vợ một cái ống lớn bằng thủy tinh và bơm vào đó một thứ nước. Lúc đó, như thể thoát đi một gánh nặng, bà vợ Bag thốt ra một tiếng thở phào. Cùng lúc ấy, cái bụng phình to tới lúc đó bỗng dưng xẹp dần xuống như một quả bóng xì khinh khí.” Có lẽ ở xã hội thủy quái này, những gì hài hước đều trở nên nghiêm trọng và những gì nghiêm trọng hóa ra hài hước. Đằng sau nụ cười, lẽ nào cuộc sinh nở này không mang một ý nghĩa hiện sinh? Không giống Kappa, sự chào đời của con người không bao giờ có quyền lựa chọn. Rõ ràng, từ một loài thủy quái quen thuộc trong truyền thuyết Nhật Bản, Akutagawa đã dự cảm được những chuyển động đáng sợ của loài người trước thảm họa, suy ngẫm về thế thái nhân tình của thời đại ông, đồng thời mơ tưởng một thế giới diệu kì mới.

Vẫn là những chi tiết hoang đường, kì lạ, tác phẩm Trong rừng trúc của Akutagawa xoay quanh lời khai của các nhân chứng và tội phạm về cái chết của một người đàn ông. Điều đáng nói, các nhân chứng trong vụ án khai trước tòa những nội dung khác nhau, mâu thuẫn lẫn nhau. Đối với những người không trực tiếp liên quan đến án mạng đã xảy ra thì lời khai của họ có thể không trùng khớp với nhau do góc nhìn, do cách họ quan sát và suy đoán về sự kiện. Nhưng đối với ba nhân tố của vụ án mạng thì mọi chuyện không hẳn thế. Cả ba, kể cả hồn ma của người đã chết rồi, đều tự nhận trước tòa rằng chính họ đã gây ra cái chết. Xây dựng nhân vật “hồn ma”, Akutagawa đã khiến tác phẩm hấp dẫn người đọc. Hồn ma xuất hiện cuối tác phẩm và tự khai: “Trước mặt ta là con dao ngắn vợ ta làm rớt lại, lóe sáng. Ta nhặt con dao đó lên, đâm một nhát vào ngực mình. Có gì như một khối tanh tưởi cuộn lên dâng trong miệng. Nhưng, chẳng nghe đau đớn gì. Chỉ khi ngực ta lạnh băng đi rồi thì chung quanh như càng lặng im thêm một bậc nữa.” Từ yếu tố hoang đường này, nhà văn dễ dàng chuyển tải ý nghĩa tác phẩm, lột tả mặt trái nhân cách con người, đặt câu hỏi về sự ích kỉ, hay lòng dũng cảm sống thật với chính mình. Con người ai cũng biết bao biện và thoái thác trách nhiệm, chỉ khi dám đối diện và vượt qua mặt trái của tâm hồn mình thì họ mới hướng tới cái thiện được. Với tầm triết lí sâu sắc như vậy, tác phẩm có giá trị nhân văn cao. Không phải ngẫu nhiên tác phẩm đã được chuyển thể thành phim với tên gọi Rashomon, không chỉ gây hứng thú đối với độc giả Nhật mà còn nổi tiếng cả trên điện ảnh thế giới, làm đổi hướng suy nghĩ của người phương Tây về sức sáng tạo và cảm nhận nghệ thuật của xứ sở Phù Tang.


Một đại diện cho bút pháp kì ảo cổ điển của Nhật Bản phải kể đến Yasunari Kawabata (1899-1972), giải Nobel văn học năm 1968. Sáng tác của Kawabata cũng chứa đựng nhiều yếu tố huyễn tưởng, nhưng chất siêu thực đậm sắc thái Thiền tông và cảm thức thẩm mĩ phương Đông. Chủ đề mà Kawabata hướng đến là cái đẹp trong cõi phù sinh, gây choáng động lòng người, trong đó yếu tố huyền ảo thường là chiếc mặt nạ. Bất tử tiêu biểu cho lối viết này. Tác phẩm kể về cuộc tình say đắm giữa ông lão và cô gái chênh nhau đến 65 tuổi. Trên con đường tình tự, họ đã đi xuyên qua tấm lưới, xuyên qua thân cây rồi biến mất trong cây. Họ trở thành người tình bất tử của nhau. Mượn sự kì ảo để tuyệt đối hóa và lí tưởng hóa tình yêu là điều mà Kawabata suốt đời khao khát. Ngoài Bất tử thì Mặt nạ cho người chết, Người đàn ông không cười, Cánh tay... cũng là những tác phẩm sử dụng nhiều chi tiết kì ảo đắc địa. Có thể xem đó như một huyền thoại tân kì được Kawabata lấy chất liệu từ ảo ảnh và vô thức.

Kế thừa lối viết ảo diệu của các bậc tiền bối thời chiến và hậu chiến, các nhà văn Nhật Bản nửa sau thế kỉ XX tiếp tục mở lối đi mới về hiện thực. Một trong những nhân vật đầy nỗ lực ấy là Kenzabuzo Oe. Với giải Nobel văn học năm 1994, ông được đánh giá cao khi dám dấn thân và đối diện những bi thương tận cùng. Tác phẩm Quái vật trên không của Kenzabuzo kể về một nhà văn trẻ thường gặp một con quái vật chỉ anh ta mới nhìn thấy nó. Con quái vật như một đứa trẻ mập mạp, lớn như con chuột túi trong chiếc áo ngủ bằng bông trắng. Nó biến thành bóng ma của một đứa trẻ ra đời với căn bệnh thần kinh và bị cha ruột ruồng bỏ cho đến chết. Từ một câu chuyện đậm chất tưởng tượng với các yếu tố hoang đường, kì ảo, tác giả đã phác họa hiện thực đau thương của cá nhân ông và của nước Nhật. Kenzabuzo đã sáng tạo nên một thế giới kì ảo, hội tụ giữa cuộc sống và huyền thoại. Chất huyền ảo giúp ông thể hiện rõ nhất sự nhập nhằng, đa nghĩa của nhân sinh, nỗi tuyệt vọng và niềm hạnh phúc vươn đến tầm cỡ của dân tộc.


Các tác phẩm của Kenzabuzo thể hiện sự kì vọng về bản sắc của đất nước Nhật, về niềm tin tâm linh của con người, đồng thời mở ra sự giải thoát và tương lai mới của con người. Tiểu thuyết Một nỗi đau riêng là sự kết hợp văn phong huyễn tưởng với trào phúng và ngụ ngôn, kết hợp cái ảo với cái thực, cái bi với cái hài, cái tầm thường với cái cao cả. Tác phẩm kể về Điểu - nhân vật lai ghép giữa những nét người và nét thú. Tướng mạo của Điểu giống như một con chim. Điều đặc biệt là đứa con chào đời của Điểu cũng có một hình tướng dị thường: một quái vật có hai đầu, mình đỏ tươi như con tôm luộc, đôi mắt nhắm nghiền như vỏ sò... - một sự biến dạng bất thường khiến cho vị bác sĩ đỡ đẻ phải ngỡ ngàng và Điểu đau đớn nhận ra rằng đứa con của mình không giống người. Có lúc Điểu muốn chấm dứt sự sống của đứa con mang khối u não ác tính bằng một li sữa độc. Nhưng trong một lần lái xe, khi cố tránh một con chim đã chết trên đường, Điểu ngộ ra rằng cần phải cứu đứa con trước khi quá muộn. Rốt cuộc, cái khối u ác tính kia chỉ là một cái u bình thường; sau khi cắt bỏ, đứa bé bình an... Câu chuyện chỉ có thế, nhưng ẩn nghĩa sâu xa của tác phẩm nằm ở cách Kenzabuzo gắn hành trình tái sinh của một đứa trẻ bị bại não với quá trình hồi sinh của dân tộc Nhật Bản sau thảm họa thất trận năm 1945. Nhà văn đã biến hình tượng người con trai trở thành huyền thoại, một biểu tượng thể hiện sự hồi sinh của dân tộc mình. Không chỉ có Điểu và đứa con, mà các nhân vật khác trong tác phẩm đều ít nhiều mang hình dáng thú vật, cho ta cảm giác họ là con rùa, con lạc đà, con gà lôi, hay con vật nhơ nhớp lưỡng cư... Kenzabuzo đã thoát khỏi cách nhìn mĩ miều về con người trong văn chương truyền thống Nhật Bản. Những hình tượng này bản thân chúng đã mang một nỗi đau riêng, một sự chịu đựng không nói thành lời. Đây cũng là thực tại u ám bởi dấu tích của chiến tranh, sự mất dần nhân tính, nhân dạng.

So với văn học Mĩ Latin, văn học huyền thoại Nhật Bản đậm tính tâm linh. Những motif huyền ảo thường mang dáng vẻ của sự sống, linh hồn, cái chết, thế giới bên kia, cõi giải thoát... xuất hiện trong sáng tác văn chương Nhật Bản như một lẽ tự nhiên, chẳng cần vay mượn, bởi chúng liên quan chặt chẽ với truyền thống thẩm mĩ của đất nước này. Hiện thực và huyền ảo kết đọng trong phong cách trữ tình giàu xúc cảm là phạm trù thẩm mĩ gắn với cảm thức u huyền, sâu thẳm, lặng lẽ nơi những trang văn của xứ sở Phù Tang. Các nền văn minh lớn đã xem huyền thoại như là những biểu tượng của triết học, những ẩn dụ của thi ca, là các nhân vật lịch sử được thần thánh hóa hoặc là những biểu tượng của tự nhiên/ siêu nhiên. Có thể nói, huyền thoại không chỉ là di sản của thế giới quan nguyên thủy mà còn là sự bảo tồn các hình thái ý thức xã hội khác luôn gắn bó với đời sống tinh thần con người. Sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng huyền thoại hóa trong văn học cả phương Tây và phương Đông sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã ẩn chứa câu chuyện mang tầm vóc nhân loại. Từ suy tưởng này, những chuyển động mới mẻ hơn gắn với các huyền thoại mang thông điệp thẩm mĩ mới đã phản ánh cái nhìn rất sâu của các nhà văn vào xã hội Nhật Bản trong niềm âu lo về thảm họa và bi kịch.

(vannghequandoi.com.vn)