Sơn Trà 360 độ - Huỳnh Viết Tư

10.12.2014


Từ xưa, Sơn Trà là một hòn đảo gồm ba ngọn núi. Ngọn phía Đông Nam trông giống con Nghê chồm ra biển-Ngọn Nghê. Ngọn phía Tây, như cái mỏ diều hâu-Ngọn Mỏ Diều. Ngọn phía bắc vươn về phía cửa biển, dài như cổ ngựa-Ngọn Cổ Ngựa. Khi vật đổi sao dời, dòng nước biển chảy ven bờ đã tải phù sa bồi đắp dần, hình thành dải đất chạy từ đất liền ra đảo. Đảo đã dính vào bờ, tạo nên Sơn Trà. Còn tên núi Tiên Sa, gắn liền với truyền thuyết về một cảnh đẹp đã dụ dỗ các nàng tiên trên trời xuống để vui chơi và thưởng ngoạn. Cũng có tên núi Khỉ vì có rất nhiều loài khỉ sống thành từng bầy nơi đây… 

Sơn Trà 360 độ - Huỳnh Viết Tư


Sáng sớm. Chúng tôi đã đến cầu Thuận Phước. Cây cầu dây võng ngạo nghễ vắt ngang qua eo biển Đà Nẵng như một dải lụa chao nghiêng phơi mình trong nắng sớm, khơi gợi vẻ đẹp lãng mạn của kiến trúc hiện đại nơi cuối sông đầu biển. Nối thành phố với bán đảo Sơn Trà. Một bên ồn ào náo nhiệt. Một bên yên ả, thanh bình.

Xe lên cầu, ngước nhìn về phía Sơn Trà, hiện ra trùng điệp những ngọn núi một màu xanh cây lá, lồng trong những đám mây màu lam đầy sương khói, mong manh hư ảo trong sớm mai. Xa xa, tượng Quan Thế Âm hiện ra sừng sững, được ánh bình minh tô điểm thêm vẻ huyền ảo vốn có. Tôi cảm nhận sự mênh mang, thăm thẳm của tạo hóa. Biển Thái Bình Dương làm nền cho bán đảo Sơn Trà thêm kiêu hãnh và có phần đỏng đảnh nét xuân thì. Mây trời, thiên nhiên hoang dã và biển hoà quyện, tạo ra một không gian lãng mạn, phiêu bồng và kỳ thú. Kích thích con người khát khao khám phá.

Đến chân núi Sơn Trà, bỏ lại đằng sau những ồn ào, náo nhiệt của thị thành, bước vào một không gian trong lành và xanh thẳm của núi rừng, cây cỏ và mặt nước biển vây quanh. Tiếng gió xô đuổi nhau trên những tán cây. Tiếng sóng vờn nhau rì rầm dưới biển. Xe càng lên cao, những vách núi chồm ra, như muốn ôm choàng chúng tôi, gió thổi mạnh hơn và không khí như tan loãng, trời trong xanh hơn và gió mát rười rượi.

Con đường độc đạo vòng vèo uốn lượn, chạy theo lưng chừng triền núi, hai bên đường rợp bóng cây. Tiếng chim hót véo von quyện cùng tiếng suối chảy róc rách, tạo nên thanh âm trong trẻo giữa núi rừng. Những cánh rừng nguyên sinh xanh thẳm kéo dài đến tận mặt nước biển như hòa vào lòng biển. Những đỉnh núi không cao lắm, chập chùng, lãng đãng mây phủ khói sương ôm lấy những đồi sim đan kín dọc theo hai bên đường đi.

Điểm dừng chân đầu tiên trong chặng đường là nhà Vọng Cảnh. Nằm ở độ cao hơn 600m so với mực nước biển, được dựng trên một mỏm đá cheo leo, nhô ra biển. Trước Nhà Vọng Cảnh còn có tượng con khỉ bằng đá. Mỗi người, mỗi cung bậc tình cảm, ở những góc độ khác nhau, cách nhìn, cách cảm nhận rất riêng. Nhưng giờ đây, tôi thấy ai cũng háo hức ngắm cảnh sắc thiên nhiên thoáng lộng, diệu kỳ. Với chiếc máy ảnh trên tay, anh chị em trong đoàn không bỏ lỡ cơ hội, ghi lại những cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Hướng nhìn về đèo Hải Vân - nơi “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, về đảo Ngọc nằm ở phía biển Lăng Cô với bãi cát trắng nõn căng tràn tựa làn da thiếu nữ tuổi trăng tròn…

Đến Trạm Rađa 29 của Quân chủng phòng không Không quân Việt Nam. Nơi có độ cao 621m so với mực nước biển, từng được mệnh danh là cặp mắt thần Đông Dương. Chúng tôi đã thực sự chinh phục đỉnh Sơn Trà. Những quả cầu trắng nhô trên đỉnh núi, những chảo rađa hướng về biển Đông và hướng lên trời cao. Trước mắt, cả thành phố rộng lớn thu vào tầm nhìn: biển mênh mông ôm bán đảo vào lòng, sông Hàn quanh co như một vết cắt, một điểm nhấn làm tăng thêm vẻ lung linh, huyền ảo thành phố về đêm. Những con đường ngược xuôi đan chéo nhau như bàn cờ, những toà cao ốc hiện ra mồn một trong sắc nắng vàng…

Chúng tôi tiếp tục lên đường đi sâu vào rừng. Dừng xe lại ven đường, đi bộ. Bước chân trên những thảm lá ẩm ướt. Nhìn những loại nấm dại đủ màu sắc mọc ven đường mòn, những con kỳ đà thay đổi hình dạng khi thấy bóng người đến gần, những con cua núi thân đỏ chân đà hiền lành bò ven dòng suối. Càng đi sâu vào rừng già, thảm thực vật càng phong phú. Những tảng đá to phủ kín cây dây leo nở hoa tím biếc, những cây sơn tuế đang bung những chồi non mượt mà, những cây chò lao vút lên cao, rậm rạp tán lá, bởi các loài cây cộng sinh. Những chú voọc chà vá chân nâu đang chuyền cành, trao tặng yêu thương...

Con đường bê tông dốc võng uốn lượn giữa bạt ngàn cây xanh, mở ra trước mắt những đỉnh đồi nối tiếp nhau, thẫm xanh màu hoa sim đang mùa đơm trái trĩu cành. Ven đường, thỉnh thoảng, những chủ khỉ thảnh thơi ngồi sưởi nắng. Lên đến độ cao 650m của đỉnh Bàn Cờ. Nắng và gió. Bản giao hưởng tự ngàn năm của đất trời. Cho tôi cảm giác phiêu bồng. Dừng lại đây. Ngồi đánh với Tiên ông một ván cờ và ghi hình lưu niệm. Xe bắt đầu đổ dốc. Mở ra trước mắt là biển cả mênh mông. Bên này là Bãi Bắc, có bờ cát phẳng vàng ươm. Hôm nay, trời trong, sóng lặng như mặt hồ, xanh thẫm như một thảo nguyên bao la. Con đường cong cong cánh cung, phân chia ranh giới giữa biển rộng và rừng núi, mang một vẻ đẹp hồng hoang.

Xe tiếp tục vòng vèo khi lên, lúc xuống theo sườn núi về phía Đông Nam. Chúng tôi đến cây đa đại thụ, có nhiều rễ phụ đâm sâu vào lòng đất, có nhiều cành to, tán lá bao trùm một không gian khá rộng. Chim tụ về đây cất tiếng hót lảnh lót. Các chú Vooc Chà vá chân nâu nhảy nhót trên các cành cây. Cây đa sống qua hàng trăm năm. Nó đã thích nghi với điều kiện sinh thái và tạo nên sự ổn định của hệ sinh thái trong khu vực. Chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt, nhất là mưa bão, rễ ôm chặt một vùng đất ở xung quanh. Là nơi trú ngụ, dừng chân của nhiều loài động vật. Che mát, giữ ẩm cho các loài thực vật và vi sinh vật trong vùng.

Mặt trời đã đứng bóng, mọi người cảm thấy đói bụng và mỏi chân. Chúng tôi dừng lại ở Trường Mai, một công ty dịch vụ du lịch. Nằm gọn trong thung lũng. Thưởng thức những món ăn đặc sản và nghĩ ngơi trong một không gian yên tĩnh. Những món ăn ở đây là sự pha trộn đầy nghệ thuật giữa hương vị tươi nguyên của rừng và biển, làm cho thực khách khó quên. Hải sản vẫn là những món chủ lực nổi tiếng. Như các loài cá, tôm, ốc, mực, cua, ghẹ và các loại hải sản có theo mùa. Kết hợp trong bữa ăn là những món rau rừng. Ở đây, rau rừng thường mọc hoang quanh triền núi, khá phong phú với hơn chục loại rau dớn, rau bứa, rau sưng, rau cách, mã đề, rau sâm, me rừng...

Trên đường về, chúng tôi nhìn thấy khu công viên Đại dương đã được khởi công xây dựng. Nơi đây sẽ tái hiện các châu lục Á, Âu, Bắc Phi, Nam Cực, Mỹ Latinh, châu Đại Dương; các cảng biển nổi tiếng như New Orleans ở Bắc Mỹ; các khu nhà mang kiến trúc độc đáo của nhiều quốc gia; khu trò chơi, khu nhạc nước, các ngọn hải đăng ...Ngang qua chùa Linh Ứng, chúng tôi ngắm nhìn tượng phật Quan Thế Âm với chiều cao 67m, là tượng phật cao nhất Việt Nam, nơi gửi gắm tâm linh của người dân thành phố và du khách đến Đà Nẵng. Hầu như mọi người trong đoàn đã nhiều lần đến đây, nên xe tiếp tục đi đến bảo tàng Tre. Nơi trình diễn sự phong phú, đa dạng của thế giới của các loại tre, trúc. Bảo tàng nằm khuất sâu trong một thung lũng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên. Nơi hội tụ kết giao của hơn 100 loài tre trúc trên cả nước, có nhiều loài được mang từ Tây Tạng về. Khung cảnh thật thơ mộng và trong lành. Bên trong khu vực bảo tàng có một hồ tích nước từ các con suối nhỏ xung quanh chảy vào. Những đàn cá rồng, cá chép vàng… đang tung tăng bơi lội, khiến lòng người cảm sự an bình nơi cõi phật.

Trời đã về chiều, đành tạm biệt Sơn Trà chúng tôi trở lại với thành phố bên kia sông. Còn nhiều chỗ nữa cũng không kém phần hấp dẫn, kích thích sự khám phá kỳ thú, pha chút mạo hiểm của núi rừng hoang sơ và biển cả ở Bãi Bụt, hang Dơi, hang Yến, mũi Nghê, hang Rồng, bãi Rạng, bãi Nam, ghềnh Bàng…mà chúng tôi chưa được đặt chân đến. Dẫu vậy mọi người cũng đã có những trải nghiệm tuyệt vời, khó quên và khó tả về Sơn Trà với hành trình còn dang dở...

 

H.V.T