Thấy hiu hiu gió thì hay…Anh về - Bùi Văn Tiếng

02.02.2016

Nhân ngày giỗ đầu ông Nguyễn Bá Thanh, cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, người đã có công đưa thành phố Đà Nẵng từ một thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) trở thành thành phố  trực thuộc Trung ương và vươn lên thành "Thành phố đáng sống" trong mắt khách du lịch gần xa, vannghedanang giới thiệu bài viết Thấy hiu hiu gió thì hay…Anh về của Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố cùng bạn đọc.

Thấy hiu hiu gió thì hay…Anh về - Bùi Văn Tiếng


1. N
gười Việt nghĩ đến người ở cõi vô cùng thường hay mượn chữ nghĩa trong Truyện Kiều, cụ thể là hay mượn những câu thơ có… gió, chẳng hạn như Một lời nói chửa kịp thưa/ Chút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay/ Ào ào đổ lộc rung cây/ Ở trong dường có hương bay ít nhiều/ Dè chừng ngọn gió lần theo, hoặc Trông ra ngọn cỏ lá cây/ Thấy hiu hiu gióMột ngày cuối năm Ất Mùi, ngồi đọc mấy câu thơ có gió của Nguyễn Du, tôi lại nhớ đến anh Nguyễn Bá Thanh, nhớ đến buổi sáng năm ngoái cả Đà Nẵng nghẹn ngào tiễn biệt anh, và tôi tin anh vẫn đang mãi đi về với thành phố này, ở đâu đó… rất gần. Thì chẳng phải ngày ra Trung ương công tác, anh từng nói với những người thay anh tiếp tục thực hiện “khát vọng Đà Nẵng”, rằng khi nghỉ hưu anh sẽ về sống ở quê nhà, ngày ngày chống gậy đi xem xét mọi thứ và nhất định không để yên bất kỳ ai hoặc bởi cố tình hoặc do kém cỏi mà khiến cho bao nhiêu công sức, bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu hoài bão của người Đà Nẵng và của bản thân anh, suốt mười mấy năm trời, thành công dã tràng xe cát…  

 

2. Anh Nguyễn Bá Thanh là người ít nói, nhưng cứ nói câu nào là giới truyền thông cũng đều có thể chuyển thành nhan đề một bài báo. Hồi tôi còn làm Bí thư Quận ủy Thanh Khê, thấy tôi hay dùng ngôn ngữ cơ thể - nhất là bàn tay - để tiếp lửa cho những phát biểu của mình, anh bảo:Thời buổi này người ta coi trọng nội dung nói cái gì hơn là cách thức nói thế nào, cho nên ông không nên quá chú trọng đến động tác, cũng không nên quá chú trọng đến chuyện rào trước đón sau dài dòng, mà nên chú trọng đến việc nói sao cho đúng cái điều mà mình cần phải giải quyết”. Tôi nghĩ anh nói có lý nhưng chỉ có thể nghe một nửa lời anh - chú trọng đến việc nói sao cho đúng cái điều mà mình cần phải giải quyết, riêng nửa còn lại tôi đành làm người bảo thủ trong mắt anh, bởi theo ngôn ngữ của Truyện Kiều, Rằng: Quen mất nết đi rồi! Và tôi cũng để ý khi nói chuyện với đám đông, chính anh vẫn tận dụng sức mạnh của ngôn ngữ cơ thể như vung tay, như nhíu mày… đấy thôi. Đương nhiên tôi hiểu anh muốn nhắc tôi trong phát ngôn phải rất cẩn trọng và đi vào thực chất của vấn đề, không nên nói lấy được…                

 

3. Với anh Nguyễn Bá Thanh, không nên nói lấy được - điều đó đã đành - mà càng không nên nói suông. Anh là con người hành động. Anh đánh giá rất thấp và cảm thấy thất vọng với những ai chỉ nói mà không làm. Anh hay đùa rằng nên cảnh giác với việc ban hành và tổ chức triển khai các “nghị quyết không làm”. Anh thường nhấn mạnh: Hãy hành động, hành động và hành động! Đương nhiên ở đây là hành động có suy nghĩ chứ không phải hành động mù quáng hoặc chạy theo tâm lý đám đông. Còn nhớ có lần dư luận đang lên án lãnh đạo cao cấp của một địa phương đi xe công vụ giá bằng ba nghìn con trâu, anh bảo nếu biết lo cho dân cho nước thì đi xe giá bằng sáu nghìn con trâu dân vẫn chấp nhận, chứ đã không lo được cho dân cho nước - thậm chí còn làm hại dân hại nước - thì có đi xe đạp cũng không xứng đáng. Đó là tầm nhìn mà cũng là bản lĩnh của anh! Điều quan trọng nhất của người đứng đầu là phải có bản lĩnh và tầm nhìn đủ để suy nghĩ và hành động bằng cái đầu của mình, và anh đã trở thành kiến-trúc-sư-trưởng-của-một-Đà-Nẵng-từng-ngày-đổi-mới bằng cái đầu tỉnh táo của chính anh.   

 

4. Eikhenbaum - một nhà chủ thuyết về hình thức luận người Nga từng thẳng thắn bộc bạch: “Không có thứ khoa học đã hoàn tất. Sức sống của một khoa học không được đo bằng sự thiết lập những chân lý, mà bằng sự khắc phục những sai lầm” (dẫn theo Huỳnh Như Phương - Trường phái hình thức Nga, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2007). Cũng có thể mượn ý kiến của Eikhenbaum để nói về anh Nguyễn Bá Thanh trong khoảng thời gian anh đảm đương vai trò kiến-trúc-sư-trưởng-của-một-Đà-Nẵng-từng-ngày-đổi-mới. Anh là người rất có chủ kiến và quan trọng hơn là thường có đủ uy lực để thuyết phục người khác tuân theo chủ kiến của mình. Nhưng anh Nguyễn Bá Thanh không phải người luôn khư khư cho mình là duy nhất đúng. Anh thường bảo anh không phải là Thánh, chỉ là Thanh thôi. Cho nên điều tôi thực sự nể phục anh không chỉ ở chỗ anh có bản lĩnh và tầm nhìn đủ để suy nghĩ và hành động đúng đắn, mà còn ở chỗ anh biết lắng nghe và sẵn lòng điều chỉnh những cách nghĩ cách làm - mà anh vừa kịp nhận ra là chưa thật đúng, là có phần sai - qua trao đổi thậm chí tranh luận với người khác.

 

5. Nếu anh Nguyễn Bá Thanh không phải là người biết cầu thị như vậy, tôi chắc rằng Đà Nẵng đã không thể có phương án tối ưu để thiết kế cầu Rồng như đang có hôm nay: gắn kết cây cầu vào với phố phường - chứ không phải ngược lại, nói khác đi cầu Rồng chỉ có thể bắt đầu và kết thúc tại mép nước sông Hàn, nhằm giữ lại nguyên vẹn không gian kiến trúc của Bảo tàng Điêu khắc Chăm - báu vật quốc gia độc nhất vô nhị mới vừa tròn một trăm năm tuổi. Tôi cũng nghĩ giờ đây nếu anh Nguyễn Bá Thanh vẫn tiếp tục đảm đương vai trò kiến-trúc-sư-trưởng-của-một-Đà-Nẵng-từng-ngày-đổi-mới, hẳn anh rất đồng tình với suy nghĩ của tôi trên một bài viết đăng báo Đà Nẵng rằng nàng Mỵ Châu trong cổ tích còn lấy lý do trái tim đặt nhầm chỗ để mà vô ý, còn người Đà Nẵng đương đại, chúng ta lấy lý do gì để biện minh cùng hậu thế nếu chúng ta cũng vô ý như nàng, và từ đó mà sẽ tìm cách điều chỉnh thật ngoạn mục nhiều vấn đề mang yếu tố Trung Quốc đang gây lo lắng thậm chí bức xúc trong khi giải quyết bài toán kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng-an ninh nóng bỏng ở thành phố bên sông Hàn hiện nay...    

 

6. Mới đó mới đây mà đã một năm kể từ ngày anh Nguyễn Bá Thanh ra đi vào cõi vô cùng, đúng hơn là kể từ ngày anh bỏ lại sau lưng bao nhiêu hoài bão và khát vọng để về yên nghỉ dưới ba thước đất quê nhà. Đất thì lúc nào cũng lạnh, may mà mùa đông năm nay không thật lạnh, dường như là trời cũng muốn có thêm một chút hơi ấm cho anh. Và rồi ngày giỗ anh, chắc sẽ có thêm nhiều hơi ấm nữa dành cho anh - từ những người ruột thịt thân yêu của anh, từ những người cảm phục và hâm mộ anh. Và rồi ngày giỗ anh, chắc nhiều nén nhang sẽ tỏa khói làm ấm chỗ anh nằm, và nhiều nén-nhang-lòng-cháy-mà-không-cần-lửa cũng sẽ gây mùi nhớ… Và rồi ngày giỗ anh, chắc sẽ vang lên ca khúc nhạc sĩ Đình Thậm viết để khóc anh vừa được in trong cuốn sách Nguyễn Bá Thanh - một người con của Đà Nẵng do Nhà xuất bản Thông Tấn ấn hành hồi tháng 12 năm 2015. Lần giở cuốn sách đẹp và trang trọng trên tay mà thấy ở trong dường có hương bay ít nhiều, và nhìn lên bầu trời tháng Chạp của quê mình, anh Thanh ơi, tôi bắt đầu thấy hiu hiu gió...  

 

B.V.T