'Thời tái chế' - thời con người là nô lệ của đồ vật

14.08.2019

'Thời tái chế' - thời con người là nô lệ của đồ vật

"Thời tái chế" khẳng định dấu ấn thi pháp độc đáo trong sự kết hợp hài hòa với những suy niệm về quá trình mục rữa của thế giới hiện đại.

Thời tái chế - tập thơ mới nhất của Mai Văn Phấn (nhà thơ được giải thưởng văn học Cikada 2017 của Thụy Điển) - mới được xuất bản song ngữ, với phần dịch sang tiếng Anh bởi Nhat-Lang Le. Cuốn sách phản ánh một hiện thực, một nghịch lý của đời sống hôm nay. Các cuộc cách mạng công nghiệp (được coi là mốc phát triển của nhân loại) thường khiến cho con người ngày càng sở hữu nhiều đồ vật hơn; điều đó khiến con người có thêm đặc quyền: quyền vứt bỏ đồ vật. Nhưng trong Thời tái chế, câu chuyện diễn ra ở chiều ngược lại: Con người bị đồ vật bỏ rơi; hoặc có thể nói con người bị biến thành đồ vật. 

Thời tái chế thuộc thể loại trường ca nhưng lại được trình bày như một tiểu thuyết ngắn. Tác phẩm chia làm chín chương, lần lượt có các tiêu đề như sau: Điểm nhìn, Thẫm đỏ, Sân khấu, Lối rẽ, Đồ tể, Đối thoại, Mô hình, Giấc mơ, Kết nối. Thông qua đó, nhà thơ cho thấy sự biến hóa đa dạng trong bút pháp qua từng chương.

Khi tiến hành trò chơi giữa các hình thức qua mỗi chương như thế, Mai Văn Phấn dường như đã thiết lập được một cấu trúc tương tự truyện khung (frame story). Nhưng ở đây, không phải là truyện lồng trong truyện mà là thể loại lồng trong thể loại.

Tập trường ca ôm lấy kết cấu tiểu thuyết trong chín chương, mỗi chương lại ôm lấy kết cấu truyện ngắn trong từng phân đoạn, truyện ngắn trong từng phần đoạn đến lượt nó lại như vòng tròn nhỏ nhất trong chuỗi vòng đồng tâm ôm lấy cái hạt cốt lõi, nguyên sơ nhất là thơ ca. Từ chương mở đầu đến chương kết thúc của Thời tái chế như một hành trình đi từ sự mơ hồ của thơ đến sự sáng rõ của văn xuôi.

Các chương đầu miên man trong những hình ảnh vừa trừu tượng, vừa cụ thể, khiến ta không thể tìm được mối nối giữa các sự kiện tưởng chừng dễ nắm bắt - có phần nào gợi nhớ đến hình thức thơ văn xuôi. Nhưng đến chương 3 tác giả tường thuật một vở kịch nhân sinh từ lúc đêm diễn chuẩn bị bắt đầu đến khi màn nhung đã buông xuống; bằng những câu ngắn gọn, nhịp điệu nhanh, miêu tả chi tiết nhưng từ ngữ giản dị. Chương này phần nào mang hơi hướm của kĩ thuật viết kịch bản phim: chỉ thuật lại những gì mắt thấy tai nghe, không đi sâu vào nội tâm nhưng thông qua hành động, tâm tư của nhân vật sẽ được bộc lộ.

Chương 4 kể câu chuyện về một người con gái chờ đợi người yêu đi mãi không về lại mang dáng dấp của một truyện ngắn. Phần mở đầu tường thuật lại câu chuyện với bước nhảy thời gian nhanh chóng chỉ trong hai câu ngắn gọn khiến ta liên tưởng đến cách kể của truyện cổ tích: “Người con gái ấy chờ đợi người con trai ra đi và mãi không về. Chị đã thành một bà lão già nua, run rẩy”. Phần tiếp theo là đối thoại giữa đôi tình nhân về tự do và lí tưởng. Phần kết lại mang tính sử thi với hình ảnh biểu tượng về con thuyền lật úp.

Chương 5 kể những câu chuyện về bảy (loại) người đồ tể khác nhau. Họ được định hình qua những tình huống biến họ thành phi nhân, rồi từ đó, họ như bị đóng băng thành một mẫu vật tiêu biểu để trưng bày vào đúng thời điểm chữ được viết xuống. Nghệ thuật nắm bắt khoảnh khắc, biến cái cụ thể thành cái tiêu biểu trong dung lượng câu chuyện vỏn vẹn chừng trăm chữ ở chương này khiến ta nhớ đến thể loại truyện cực ngắn.


Mai Văn Phấn được xem là gương mặt thơ ca tiêu biểu của Việt Nam trong 20 năm qua bởi những nỗ lực cách tân không mệt mỏi. Ông là nhà thơ có ý thức học hỏi những nền thơ ca hiện đại đi trước, sẵn sàng thu nạp kỹ thuật của các trường phái, triết thuyết để thử nghiệm làm mới, làm khác biệt tác phẩm của mình.Chương 6 được viết dưới hình thức năm mẩu đối thoại tựa một vở kịch. Chương 8 và 9 lại là một cái kết trọn vẹn khi quy hồi về tự sự trữ tình như chương 1 và 2, một cấu trúc vòng tròn cho thấy vạn vật tự nhiên và cả con người, cho dù có bị suy hóa và băng hoại đến đâu, cuối cùng cũng sẽ tìm được điểm cân bằng.

Thơ ông nghiêng về lý trí, điêu luyện về dùng chữ, tân kỳ trong áp dụng các kỹ thuật trường phái thơ ca khác nhau; xử lý hài hòa giữa thành tựu thơ ca truyền thống và sự cách tân hiện đại. Mai Văn Phấn đang hướng đến một giọng thơ dựa trên thẩm mỹ quan cá nhân độc lập. Cảm quan thơ ca của ông chỉ ra tính bất khả xâm phạm của đời sống.

Thơ Mai Văn Phấn được dịch sang 26 ngôn ngữ, gồm: Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan... xuất hiện trong hơn 50 tuyển tập thơ và tạp chí quốc tế...

Diễm Hương
(news.zing.vn)