Tiên Sa em ở đâu

15.11.2021
Nguyễn Nhã Tiên

Tiên Sa em ở đâu

Con đường quá quen thuộc dẫn về núi non Sơn Trà, bỗng một chiều, tôi nghễnh ngãng bước chân như kẻ... lạc đường. Thì vẫn cái màu chiều rơi vàng sắc nắng dịu êm, vẫn con đường dốc ngược một bên là núi rừng chót vót hoang sơ và xanh thẳm, một bên là biển biếc mênh mông bát ngát tận chân trời. Vào những thời điểm đẹp mê hoặc như thế, cũng thường là lúc bầy đàn voọc chà vá chân nâu xuất hiện nơi này, nơi kia. Trên những tán cây, những lùm cây xanh bạt ngàn bí mật đó, chúng vợ chồng, chúng yêu đương, chúng đùa giỡn với nhau trên đường đi kiếm ăn. Nhưng cũng rất có thể các “nữ hoàng linh trưởng” ấy biết mê hoặc cám dỗ những nghệ sĩ nhiếp ảnh khắp mười phương hội tụ về núi rừng bán đảo này để săn lùng ảnh đẹp.

Vâng, để giải đáp tất cả những bí mật đó, thì họa chăng may ra, chỉ giống loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà này biết hồi âm cho tất cả.

Mà điều đó thì không thể. Bởi thế, cả một vùng núi non bán đảo rộng có hơn bốn ngàn hecta thế kia, luôn là thế giới bí mật kích thích niềm mê say khám phá, không chỉ là của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, mà còn là sự ham hố được thực chứng của các văn nghệ sĩ, của bao du khách trong và ngoài nước.

Thế nhưng bây giờ lại là một cám dỗ khác dẫn đường tôi, và như đã nói, biến tôi thành kẻ nghễnh ngãng... lạc đường. Thực ra, cũng có thể nói cái trạng huống “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố. Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”, chính là những lúc như thế này đây. Trong một tâm thế hoan lạc bềnh bồng như vậy, bỗng dưng có tiếng hát từ phía Tiên Sa giục tôi xuống núi đi về phía bờ biển ấy... “Chuyện tình, một chuyện tình trên đảo nhỏ quê ta/ Không gian mờ bao la bên bờ cát trắng/ Biển thì thầm, thì thầm mát diệu một bản tình ca/ Tiên Sa, anh gọi em, Tiên Sa! Thương anh, em từ xa đến, yêu hòn đảo nhỏ quê anh/ Yêu những con đường mòn dài theo thời gian/ Mà để mắt theo luồng cá bạc/ Để nhớ để thương em không về/ Không về ở lại cùng anh thành Tiên Sa...”.

Giai điệu bài hát bay bổng, ngọt ngào, như kể lể mênh mang về một truyền thuyết. Đây là một bản tình ca thuộc vào hàng đầu ca khúc viết hay nhất của cố nhạc sĩ Phan Ngọc. Không phải những mong lấy cái nhãn quan tự thể của mình làm thước tấc cho một tiêu chuẩn thẩm mĩ nào, nhưng quả là, nhạc sĩ Phan Ngọc đã xây đắp cho mình một hòn đảo âm thanh “Chuyện tình Tiên Sa” lấp lánh cái đẹp giữa bán đảo Sơn Trà, bằng một thứ ngôn ngữ vừa truyền thống vừa giao hưởng hiện đại.

Bấy lâu nay, nói về cái “lá phổi xanh - Sơn Trà” của Đà Nẵng, người ta thường xiển dương cái vị thế bán đảo là bức tường thành vĩ đại ngăn giông bão, là vị trí tiền đồn có con mắt thần canh giữ Biển Đông, là điểm du lịch có một không hai mà sứ giả thân thiện là cả thế giới màu sắc của bầy đàn vọoc chà vá chân nâu, tặng vật độc đáo của thiên nhiên ban thưởng cho Sơn Trà. Bấy nhiêu mô tả, có vẻ  như là tới lui để chụp lại bức ảnh hiện thực thế giới. Chỉ có điều là đi tìm một tác phẩm nghệ thuật đắp cho Sơn Trà cao lên trong tâm hồn con người thì hãy còn thiếu. Thậm chí có đấy, nhưng rồi sức quảng bá nghèo nàn nên dần hồi gần như chẳng mấy ai nói tới.

Tôi còn nhớ vài năm đầu mở ra tổ chức lễ hội tại Đà Nẵng. Là người được mời tham gia đề cương kịch bản lễ hội, tôi đã lựa chọn và viết lời bình trên nền nhạc ca khúc “Chuyện tình Tiên Sa”. Có lẽ trong đời sống sáng tác của nhạc sĩ Phan Ngọc, ngoài nhạc khí ra, thì đây là đỉnh âm thanh ở thể loại ca khúc mà anh đã chạm trổ khảm khắc tình yêu vào từng trái tim của người thưởng ngoạn:

“... Bồng bềnh, thuyền bồng bềnh bên đảo nhỏ quê ta/ Ru em chiều mênh mang theo về con sóng/ Biển thì thầm, thì thầm mát dịu một bản tình ca/ Tiên Sa, em ở đâu Tiên Sa / Em là nỗi nhớ xôn xao con thuyền/ Qua muôn trùng trở lại bến bờ năm xưa/ Tiên Sa! Hỡi Tiên Sa/ Thương nhau khi đàn chim én bay về đảo nhỏ quê anh / Khi những con thuyền về vọng câu hò khoan/ Tình đã trao nhau mùa cá bạc/ Để nhớ để thương em không về/ Không về, ở lại cùng anh thành Tiên Sa/ Tiên Sa! Tiên Sa, chuyện tình Tiên Sa!”.

Nếu như có một thế giới mà ở đó sự im lặng cũng là nơi hội tụ của muôn ngàn âm thanh theo lối mòn siêu thực: “Bước chân xưa chờ thanh vắng trở về” (thơ Lưu Quang Vũ), thì với tôi, những con đường mòn ở Khu bảo tồn Thiên nhiên bán đảo Sơn Trà là một nơi như thế. Trước hết là bởi cái vị thế độc đáo của nó ở ngay giữa lòng thành phố. Có khi nào bạn đi qua những náo động của một phố phường hiện đại, chợt có bàn tay siêu hình mở cửa núi rừng đại ngàn cho bạn bước vào. Ở đấy, mọi con đường im lặng của non cao rừng thẳm sẽ hồi âm cho bạn vô vàn những thanh âm. Tiếng chuông chùa xa xăm như từ miền tịch tĩnh thanh khiết vọng về. Tiếng lá đổ muôn chiều hay tiếng rừng xưa đã khép...Tiếng có con chim nhỏ bé/ dám ca câu sấm thề hay tiếng người đi ngoài vạn lý quang sơn/ người đứng chờ trong bóng cô đơn... Xin vứt bỏ giũ sạch hết mọi thứ tạp âm sức nực “mùi” quyền lực và bạc vàng nuôi tham vọng biến hòn ngọc bảo tồn thiên nhiên này thành tài sản riêng của họ.

Bước trên cát trắng Tiên Sa mịn màng, hình như những âm thanh của cát hồi âm với tôi bây giờ là sự đánh thức tuổi tác tình yêu một thuở trong tôi thức giấc. Một tình cờ hay là sự phối ngẫu mà vầng trăng non ban chiều vừa sớm hiện lên phía đỉnh núi bàn cờ giục tôi đi về phía ấy. Dường như truyền thuyết nào cũng được khai sinh từ những hiện thực tâm hồn khát khao vươn tới cái đẹp. Một ngọn núi âm thanh “Chuyện tình Tiên Sa” của cố nhạc sĩ Phan Ngọc đã được anh đắp lên trên đất bán đảo linh thiêng này là một đỉnh âm thanh minh chứng cho hiện thực đó.

Chạy xe chầm chậm đi qua những dốc dài hướng về thành phố. Đại dịch covid-19 hãy còn tăm hơi đó đây, chưa chịu dứt hẳn, bởi thế nên những chốn non cao rừng thẳm vốn đã thanh vắng giờ lại càng thêm hoang vắng. Bạn có tin những bước chân xưa chờ thanh vắng trở về hay không là tùy bạn. Còn tôi, suốt con đường núi đồi hoang vu chập chùng này, bạn đường tôi vẫn ngọt ngào thanh âm trong vô thức: Tiên Sa em ở đâu.

N.N.T