Tiểu thuyết Ga ký ức của Phong Điệp

12.06.2015

Tiểu thuyết Ga ký ức của Phong Điệp

"Ga ký ức"(*) là một biểu thị cụ thể cho sự trưởng thành về tư duy nghệ thuật, tính chuyên nghiệp, khả năng làm dày dặn vốn sống, linh hoạt và sáng tạo trong ngôn ngữ, đặc biệt là ý thức tự làm mới của ngòi bút Phong Điệp

 Đọc tới trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, có thể xác định thời gian tuyến tính của một chuyện kể, nhưng sẽ khó kể lại một cách rành mạch, vì từ đầu tới cuối, Phong Điệp kể - tả khá tỉ mỉ, cụ thể nhưng hiệu quả của những gì được kể - tả lại sự ám ảnh ở “phía sau con chữ” chứ không hiển hiện như các sự kiện, chi tiết để từ đó hình thành một cốt truyện. Dấu hiệu của lối viết này từng manh nha xuất hiện trong hai tiểu thuyết "Lạc chốn thị thành" và "Blogger", nhưng đến "Ga ký ức" thì Phong Điệp tỏ ra thuần thục, nên có thể nói chị đã có một bước tiến khá dài. Và nếu coi ba cuốn tiểu thuyết có mối liên hệ nhất định thì dường như với "Ga ký ức", Phong Điệp đã tìm ra đáp án cho các câu hỏi: Tại sao người ta lại “lạc chốn thị thành”? Tại sao người ta lại sống với thế giới ảo để trở thành một “blogger”?

 

Đọc "Ga ký ức", nhiều lần gặp hai chữ “Hiện Thực” được tác giả viết hoa, lúc đầu tôi ngạc nhiên, sau thì nghĩ đó là một chủ ý. Vì ở cái “ga ký ức” được tạo lập trong tác phẩm, hiện thực như điểm dừng để soi chiếu quá khứ, soi chiếu hiện tại, soi chiếu chính mình, soi chiếu những mối liên hệ, là nơi gặp gỡ của các ký ức, là nơi cô, mẹ, y, gã, bà gặp nhau cùng chia sẻ điều tưởng dễ mà thực ra rất khó: “Xét cho cùng, nếu không thể chung sống được với thực tại thì đó là điều bất hạnh. Nỗi bất hạnh vô hình này có khả năng đục mòn đục rỗng cuộc sống của con người ta mỗi ngày, khiến người ta sống cũng không yên. Cuộc đời này, bớt được nỗi bất hạnh cho ai thì chỉ tốt hơn mà thôi. Sống mà cứ âu sầu vật vã thì sung sướng gì đâu” (tr.203). Trên hành trình của thời gian sống, hiện thực là nơi mỗi người đang sống, là gạch nối giữa quá khứ với tương lai. Ở đó, người ta có thể quên đi tất cả để lao mình vào cuộc mưu sinh; cũng ở đó, người ta lại có thể suy tư, trăn trở, dằn vặt để lý giải mình là ai, tại sao mình có cuộc sống này, và ngày mai điều gì sẽ đến,… Vậy mà, dẫu biết “sống mà cứ âu sầu vật vã thì sung sướng gì đâu” nhưng nhân vật của "Ga ký ức" vẫn cứ lao mình vào đó để tìm ra câu trả lời. Đây sẽ là thách đố nếu người viết thiếu bản lĩnh để dò tìm, phát hiện, hoặc thiếu khả năng nắm bắt, xử lý, khái quát chất liệu khai thác từ ký ức nhân vật.

 

Vào thời buổi có nhiều người đọc để biết chuyện, ít quan tâm đọc để lấy văn, hình như số tác giả chú tâm tổ chức tác phẩm sao cho hấp dẫn, lôi cuốn người đọc với những mảng miếng, thủ pháp cài đặt tinh vi,… như càng tăng lên? Với "Ga ký ức", Phong Điệp tổ chức tiểu thuyết theo cách riêng, sự hấp dẫn không đến từ mạch truyện mà đến từ hai phần khá khác nhau: từ trang 8 đến trang 74 là ký ức được mô tả mạch lạc, cụ thể, chi tiết; từ trang 76 đến kết thúc là sự pha trộn giữa thực và ảo, giữa đời và mộng, là nỗi ám ảnh và đan cài tâm lý từ ký ức tới hiện tại với các diễn biến vừa bình thường, vừa khác thường. Ở phần đầu, các trang viết sinh động đã tái dựng một cách rất thuyết phục về sự vất vả, nỗi cay đắng, chua xót của kiếp người trong thời đoạn cái ăn, cái mặc như đã trở thành mục đích tối hậu, mà nếu thiếu cái nhìn nhân văn, người viết dễ sa đà thích thú mô tả những sự thật trần trụi. Đọc phần này, ai đã trải qua cuộc sống khốn khó cách đây mấy chục năm, là có thể nhận ra trong đó hình ảnh của chính mình, nên xóm Chùa Cuối trong "Ga ký ức" không còn của riêng tác phẩm. Ở đó, thói thường thì khi “làng lên phố. Máy ủi, máy xúc công nghiệp rầm rập kéo về. Điện công trường rực sáng suốt đêm. Nhà cửa, đất vườn bị đốn phẳng… Cái bờ rào nơi hai chị em vẫn hẹn nhau ngày trước cũng tuyệt nhiên không còn sót lại gì - dù chỉ là một cọng cỏ xơ xác” (tr.8) ký ức có thể bị xóa nhòa. Nhưng với người đã trải qua, đã sống ở xóm Chùa Cuối thì không dễ quên, nếu không nói không được quên. Quả thực, tôi bị ám ảnh bởi những trang Phong Điệp viết về xóm Chùa Cuối. Đó là các trang viết có thể “lấy nước mắt” của người đọc. Để không bị cuốn theo các mô tả trần trụi, Phong Điệp chọn cách tiếp cận hài hước hóa mà ám ảnh, bằng lối viết vừa tả thực vừa hóm hỉnh qua lời kể mang màu sắc tự trào của nhân vật trẻ. Lối viết này làm cho quá trình mô tả của tác giả và tiếp nhận của người đọc bớt nặng nề, tôi nghĩ đó là một lựa chọn thông minh.

 

Ký ức về xóm Chùa Cuối như điểm tựa, như hồn cốt, như chiếc neo kéo giữ để đến phần sau, các nhân vật dù sống trong hiện thực vẫn khó có thể quay lưng lại quá khứ. Trong "Ga ký ức", thái độ đối với quá khứ trở thành một giá trị để đánh giá hành trình sống của mỗi người. Nhân vật kết nối, nương tựa, soi rọi vào nhau bằng ký ức. Vì ký ức còn nguyên trong họ, ký ức ám ảnh họ, dù là cô bác sỹ tâm lý trị liệu hay Phùng - doanh nhân thành đạt cả trong nước lẫn ngoài nước và là nhân vật chính duy nhất có tên riêng. Sống trong hiện thực nhưng mỗi người vẫn day dứt với câu hỏi: “Cô là ai? Là ai đây?”, “Thành phố của cô đâu? Cô đã sai ư?”, “Tại sao mẹ lại lẩn tránh ký ức?”, “Bà phải chăng chính là cô của ba mươi năm nữa?”, “Cô có đủ can đảm để tiếp tục hành trình sống ấy không?”, “Ở đâu, những người làng xưa?”… Ngay cả với Phùng, dù anh có quan niệm rất rõ ràng: “Phải đi thôi. Dứt bỏ ký ức mà đi thôi” (tr.187), “Ký ức là ký ức. Cái gì có phận sự của cái ấy. Không thể đắm chìm mãi với ký ức. Cái cuộc sống phía trước mới thực sự là cuộc sống của mình” (tr.227) thì vẫn không thể lẩn tránh ký ức, khi phải đối diện, phải giải quyết điều xảy ra với người mẹ yêu quý vì bà không thể thích nghi với cuộc sống hiện đại do Phùng tạo dựng, mà trong thâm tâm Phùng ngỡ là tất cả. Bà là sản phẩm của quá khứ, bà là người sống với ký ức. Nếu Phùng không chấp nhận ký ức ấy, không biết chia sẻ với ký ức ấy, mẹ con anh chỉ còn là hai sinh thể sống được kết nối bằng mối dây của tình mẫu tử đang dần dà có xu hướng lỏng lẻo…

 

Thiết nghĩ, sự ám ảnh của ký ức, những nhân vật huyền ảo và những khung cảnh huyền ảo (đôi chỗ nhuốm màu liêu trai) như là kết quả tổng hòa của mối liên hệ giữa hư và thực, các câu hỏi liên tục xuất hiện như sự vật vã tìm câu trả lời cho việc cần sống như thế nào với hiện thực,… trong "Ga ký ức" đã không còn là chuyện của nhân vật. Đó là bức tranh thu nhỏ của một bối cảnh lớn hơn, rộng dài hơn mà ở đó, mỗi người trong hoàn cảnh sống riêng của mình, đều cần trả lời câu hỏi: Phải giải quyết quan hệ giữa quá khứ với hiện tại như thế nào? Lẩn tránh quá khứ là bất khả. Đeo bám các giá trị của quá khứ sẽ không giúp con người thích nghi mà có thể đẩy tới sự lạc lõng, xa lạ trước đồng loại. Đó là thông điệp mà Phong Điệp gửi gắm trong tác phẩm, nhưng chị không đưa ra giải pháp. Trong tác phẩm, mỗi nhân vật dù thực hay hư đều không có hồi kết cho số phận. Dường như chị muốn để cho mỗi người đọc tự tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi: Họ sẽ ra sao? Rồi đây họ sẽ làm gì? Họ sẽ đi về đâu? Họ sẽ tiếp tục sống như thế nào?... Và nếu mỗi nhân vật tìm ra câu trả lời đúng, thì đáp án Phong Điệp đưa ra chính là câu kết thúc tác phẩm: “Thành phố của Phùng sẽ lại hồi sinh”.

 

Không có thói quen đánh giá tác giả thông qua số lượng tác phẩm xuất bản nhiều hay ít, tôi thường đọc để tìm hiểu xem sau khi mỗi tác phẩm ra đời, tác giả có biểu hiện gì mới hơn, có sáng tạo nào cần được trân trọng hơn. Với tôi, "Ga ký ức" là một biểu thị cụ thể cho sự trưởng thành về tư duy nghệ thuật, tính chuyên nghiệp, khả năng làm dày dặn vốn sống, linh hoạt và sáng tạo trong ngôn ngữ, đặc biệt là ý thức tự làm mới của ngòi bút Phong Điệp. Và đó là cơ sở để tôi tin, Phong Điệp sẽ còn có nhiều thành tựu mới hơn nữa.

Nguyễn Hòa
(http://nhavantphcm.com.vn)

 ___________

(*) Tiểu thuyết của Phong Điệp, NXB Trẻ, năm 2015.