Truyện ngắn tác giả trẻ Diệu Phúc

21.06.2021
NNK giới thiệu
Diệu Phúc tên khai sinh Trần Thị Diệu Phúc, sinh ngày 03/11/1988, hiện ở tại số 1 đường Đông Hải 4, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. (Điện thoại: 0777470821, Email: demthanhanlanh@gmail.com). Nung nấu tình yêu văn học từ những ngày còn học phổ thông, nhưng đến khi ra trường dạy học và bị chấn động trước bờ sinh tử của căn bệnh nan y, Diệu Phúc mới bật ra những truyện ngắn với niềm khát khao cháy bỏng sự sống của phận người. Năm 2016 Diệu Phúc bất ngờ bị bệnh nhiễm trùng máu trong lúc mới sinh con tròn 5 tháng tuổi. Em đã chìm vào cơn hôn mê hơn 1 tháng và em đã chạm vào một thế giới khác lạ, tận cùng sợ hãi và đơn độc. Sau cơn đau đó Diệu phúc đã tìm đến văn chương để ẩn mình trong những trang văn, để sống trong “thế giới ảo” mà em vừa chạm phải.  Truyện ngắn Diệu Phúc đã mở ra một thế giới khác mà chính tác giả sống trong đó, sau khi hằng  ngày phải uống những viên thuốc chống nhiễm trùng máu trong cuộc đời thực. Tập truyện ngắn đầu tay gồm 11 truyện với nhan đề “Thiên Hồ hay là chuyện bản thảo hồi sinh” của Diệu Phúc đang in chuẩn bị ra mắt bạn đọc trong nay mai. Sau đây là một số truyện ngắn của Diệu Phúc.

Truyện ngắn tác giả trẻ Diệu Phúc

 Chiếc thẻ bài

Truyện ngắn Diệu Phúc

 Tôi lại vào viện. Sốt không rõ nguyên nhân. Lần nào cũng thế, và tôi cũng đã quen dần với việc vài ba tháng lại phải nhập viện một lần. Chiếc giường bên cạnh là một cô bé người dân tộc Thái trắng, bị viêm màng não. Cô bé không giỏi tiếng Kinh, nên tôi không bắt chuyện với cô được. Cũng may, cha cô nói tiếng Kinh khá rành rọt, thi thoảng vài câu chuyện trò, khiến cho sự nhàm chán trong bốn bức tường cũng vơi dần đi.

Ông kể về cơm lam, xôi nếp, rượu ngô. Ông lại kể về tục ở rể. Khi chàng trai ưng ý một người con gái, anh ta sẽ nhờ người đến làm mối, nếu cô gái ưng thuận, thì cuộc ở rể bắt đầu, có thể là vài tháng, có khi đến vài năm. Công việc của chàng trai được quy thành bạc trắng hoặc hiện vật cưới sau này. Tôi lấy làm thích thú với những kiến thức nằm ngoài hiểu biết của mình. Sự chất phác, hồn hậu của ông khiến tôi thấy thiện cảm.

Tôi thường chia sẻ bánh, sữa cho con gái ông. Nhà tôi gần bệnh viện nên mỗi lần mẹ bới nhiều thức ăn, tôi thường sang bớt phần cho cô bé. Có thể chưa quen khẩu vị, nhưng dù sao nó vẫn dễ ăn hơn cơm mua ngoài tiệm. Hôm nào mẹ lên ngủ lại cùng tôi, thì chiếc giường xếp nhỏ và chăn màn mà ba tôi hay nằm, tôi bảo ông lấy mà nằm, chứ nằm nền đất lạnh, dễ bệnh.

Ngày ra viện, cha con ông bùi ngùi chia tay tôi. Ông cởi sợi dây chuyền gắn tấm thẻ bài đưa cho tôi, bảo rằng tôi là người tốt, muốn tặng tôi để làm kỉ niệm.

Tôi nhìn tấm thẻ bài, trên đó ghi vài dòng chữ đơn giản:

FLOYD

AUBREY

RA  12  890  608

O      POS

NONE

Dựa vào cái tên Floyd Aubrey, tôi đoán đây là thẻ bài của lính Mỹ. Những dãy số còn lại, có lẽ là thông tin đơn vị và nhóm máu. Tôi không rành lắm về mấy thứ này. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy có mấy thanh niên dùng thẻ bài làm dây chuyền hoặc móc khóa. Tôi treo nó lên tủ sách của mình.

Chẳng biết có phải do dùng thuốc quá nhiều, ảnh hưởng đến thần kinh hay không mà tôi cảm thấy mình ngày càng trở nên lẩn thẩn. Cây bút tôi nhớ là để trên quyển sổ, một lúc sau chẳng thấy, tìm hoài, thấy nó nằm trong hộp bút. Tôi chẳng rõ là mình đã đặt nó vào hộp bút từ lúc nào. Có hôm đi làm về mệt, tôi nằm bẹp ra giường, giày vứt lăn lóc. Sau một giấc ngủ dài, tôi lại thấy đôi giày nằm ngay ngắn trên kệ. Liệu tôi có bị mộng du khi ngủ? Không thể nào.

Tôi lên mạng tra tác dụng phụ các loại thuốc tôi đang dùng: buồn nôn, chóng mặt, tim đập nhanh, cảm giác bồn chồn, khó ngủ. Tôi không gặp những triệu chứng đó. Có lẽ do tôi đã quá lơ đễnh.

Tôi với tay lấy cốc nước. Trên mặt bàn đọng lại vệt nước hình trái tim. Đáy cốc hình tròn cơ mà? Tôi bắt đầu có cảm giác quen dần với những sự khác thường xung quanh mình, thậm chí có lúc còn thấy thú vị.

Mưa. Tôi ngồi ôm mình bó gối bên cửa sổ. Tôi thích ngắm mưa và gặm nhấm nỗi cơ đơn của mình. Lắm lúc tôi mong ước, giá mà có một bờ vai vững chãi, ôm ấp tôi trong những ngày mưa, hẳn sẽ rất hạnh phúc. Cơn mưa này không lạnh lẽo như những cơn mưa ngày trước. Tôi cảm giác tựa hồ như có một làn hơi ấm phảng phất bên tai.

Hôm nay sinh nhật Vy. Tôi có uống một chút. Soi vào gương thấy hai má mình ưng ửng hồng. Đủ đẹp rồi. Nước tẩy trang, kem tẩy tế bào chết, sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm. Chẳng cần thiết. Tôi lười biếng cuộn mình trong chăn. Cơn buồn ngủ nhanh chóng ập đến. Nửa đêm, tôi tỉnh giấc bởi cảm giác như có người nằm bên cạnh. Tôi quên bật đèn ngủ. Màn đêm tối om. Tôi vuốt nhẹ tay tay lên bụng, chẳng có gì. Nhưng tôi vẫn thấy dường như có người đang nằm sau lưng, sát vào tôi. Tôi không dám quay đầu lại. Tôi sợ phải nhìn thấy thứ gì đó ma quái, liền nằm im. Một lúc sau vẫn không có động tĩnh gì. Tôi đạp chân vào tường, nhích dần ra, để cảm giác về cái thứ sau lưng tôi rõ ràng hơn, nhưng không cảm nhận được gì cả. Cả một đêm tôi mất ngủ, nhưng lại phải giả vờ như đang ngủ say. Tôi sợ mỗi lúc cựa mình sẽ thấy điều gì đó bất thường. Tôi chỉ uống có một chút thôi mà, không lẽ rượu gây ảo giác mạnh đến vậy?

Chiếc gương trong phòng tắm xuất hiện một gương mặt cười. Nét vẽ mờ nhạt. Có lẽ một phút ngẫu hứng nào đó tôi đã vẽ nó mà không nhớ ra. Bệnh đãng trí của tôi ngày càng nặng rồi. Tôi cúi xuống rửa mặt, cảm giác ấm áp như có vòng tay ôm lấy mình. Tôi ngẩng lên nhìn vào gương. Trong gương là một khuôn mặt còn ngái ngủ, đầu tóc rối bù. Tôi cô đơn đến nỗi ảo tưởng có người bên cạnh rồi sao?

Những đêm về sau, vẫn là cảm giác đó, tôi chẳng còn xác định được ranh giới giữa thực và mơ. Một bàn tay to khỏe và ấm áp ôm chặt lấy tôi. Bàn tay đầy những sợi lông tơ mảnh. Ngón áp út mang một chiếc nhẫn, mặt tượng hình chữ F. Tôi vẫn chưa đủ can đảm để quay đầu lại nhìn. Nhưng tôi dần thích cảm giác đó. Cảm giác được ôm ấp khi ngủ. Dần dần, sự hiện diện của “ai đó” rõ ràng hơn. Làn hơi ấm xuất hiện nhiều hơn. Vệt nước đọng hình trái tim, gương mặt cười, và những sự xếp đặt gọn gàng các đồ vật, tôi biết, trong căn phòng này không chỉ có tôi. Tôi không còn thấy sợ, ngược lại, thấy vui thích nữa là khác. Ít ra thì người đó không hại gì tôi, ngược lại, mang đến cho tôi những cảm giác dịu ngọt. Tôi nhận ra mình bắt đầu chờ đợi sự xuất hiện của người đó.

Lần này, tôi lấy hết can đảm, tôi muốn được một lần nhìn vào gương mặt ấy, dù gì, đó cũng là người đã một thời gian ở bên tôi. Một đôi mắt xanh mở to nhìn tôi, vừa như thảng thốt, vừa như van lơn. Tôi sững sờ nhìn anh, cảm thấy có chút thương cảm. Tôi đột nhiên nghĩ đến chiếc thẻ bài. Floyd Aubrey. Tôi khẽ gọi. Anh gật đầu. Chuyện này không thể tin được. Nhưng cảm giác của cơ thể là thật. Những rung động trong tâm hồn cũng là thật. Anh đặt một nụ hôn lên đôi mắt hoang mang của tôi, xoa dịu nó. Anh cạ những sợi râu lởm chởm lên cằm tôi, rồi cuốn lấy bờ môi tôi, hôn một cách điên cuồng và say đắm. Anh nhẹ nhàng đi vào trong tôi, đê mê, khao khát.

Hôm sau, và những hôm sau nữa, chúng tôi lại đến với nhau. Dù suốt đêm không ai nói với ai một lời nào, nhưng những cử chỉ yêu thương, ánh mắt âu yếm đủ nói lên tất cả. Tôi cố gắng về nhà sớm hơn để có nhiều thời gian bên cạnh anh. Anh cũng đã xuất hiện trong căn phòng tôi một cách thường trực. Tất nhiên, là tôi nhìn thấy anh bằng cảm giác, nhưng khi đêm về, mọi thứ quá chân thật, khiến tôi không nghĩ là mơ. Tôi không cố công tìm hiểu làm gì, và thật sự tôi không muốn tìm hiểu, bởi tôi sợ, khi mọi thứ được giải thích rõ ràng, anh cũng tan biến đi, hư ảo như bóng trăng dưới nước, khi ta cố chạm tay vào.

Chúng tôi chỉ có thể giao tiếp với nhau những câu đơn giản. Anh hay nhìn bức ảnh gia đình trên bàn làm việc của tôi. Anh nhớ những người thân của mình. Anh muốn về nhà. Nhưng bằng cách nào? Việc anh xuất hiện trong căn phòng tôi, cả anh và tôi đều không giải thích được. Anh chết do tai nạn vấp mìn. Hài cốt của anh ở đâu, bản thân anh cũng không rõ. Bằng một cách nào đó, linh hồn anh đi theo chiếc thẻ bài. Nhưng trước tôi, chưa có ai cảm nhận được anh. Tôi thầm nghĩ, nếu đưa được chiếc thẻ bài của anh về nhà, có lẽ, anh sẽ được trở về. Tôi nói ra suy nghĩ của mình. Ánh mắt anh sáng lên, anh gật đầu đồng thuận. Tôi chép lại bức thư anh viết, gửi theo địa chỉ anh đưa cho. Dù không hiểu hết nội dung của bức thư đó, nhưng tôi biết, anh đã viết nó bằng tất cả sự nhớ thương mấy mươi năm dồn nén lại.

Tôi bắt đầu chuẩn bị tâm lí cho ngày anh rời đi. Chúng tôi không cùng một thế giới. Anh cần trở về với quê hương, với người thân. Đó mới là thế giới của anh. Đến một ngày nào đó, với anh, tôi chỉ còn là một hồi ức. Với tôi, anh chỉ là một giấc mơ. Chúng tôi cố gắng sống trọn vẹn những ngày cuối cùng ở cạnh nhau.

Nhưng rồi, một tháng, hai tháng, ba tháng qua đi, chúng tôi vẫn không thấy hồi âm. Nỗi thất vọng dần hiện rõ trên mặt anh. Có lẽ gia đình anh đã chuyển đi nơi khác. Tôi nắm bàn tay anh, siết chặt, để anh hiểu, anh vẫn còn có tôi.

Chợt nhớ ra một người bà con xa đang định cư ở Kentucky, tôi tìm cách liên lạc, gửi ảnh chiếc thẻ bài của anh và một số thông tin, nhờ bác liên hệ với những người trong hội Cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam để tìm thân nhân của anh. Tôi vẫn nhen nhóm hy vọng. Bởi tôi biết, đối với những người thân, thẻ bài cũng giống như hài cốt, nếu người lính tử trận mà thân xác không được mang về. Tôi tìm vào những trang web tra cứu thông tin từ những chiếc thẻ bài và đăng ảnh. Biết đâu có một ngày, người nhà anh cũng vào đó, tìm kiếm thông tin của anh.

Một ngày, tôi trở về quê mẹ ở bên một dòng sông. Con hào giao thông dẫn ra sông thời kháng chiến sao bao nhiêu năm tháng giờ đã được bồi đắp lên cao. Tôi vẫn nhớ như in ngày còn bé, sau mỗi trận lũ rút, nước chảy từ trong đường hào ra sông, mang theo bao tôm cá. Người trong thôn mang vó đứng đầy hai bên hào. Mỗi lần cất vó lên, cơ man nào là cá. Cá ngạnh, cá bống, cá diếc, cá úc nhảy tưng tưng trên lưới, trông mới đã mắt làm sao. Cánh rừng tre kế bên, đầu mùa mưa chúng tôi thường dậy sớm hái nấm mối mang về cho mẹ xào với thịt hay đổ chả trứng, giờ cũng được san bằng, trở thành cánh đồng hoa màu.

Mẹ kể, nơi này, ngày xưa, chiến tranh diễn ra ác liệt. Khi rừng tre được xới lên để trồng sắn, trồng ngô, nhiều hài cốt được tìm thấy, của bộ đội ta có, của lính Mỹ có. Chính quyền đang xác minh, truy tìm đơn vị và thân nhân của họ. Nghe đến đó, tôi như bừng tỉnh.

Trong số họ, có ai mang một chiếc nhẫn mặt tượng hình chữ F không ạ? Chuyện này, làm sao con biết được?

Một luồng điện chạy dọc cơ thể tôi. Nhân duyên của tôi và Floyd, phải chăng là sự an bài của tạo hóa?

Chiều hôm đó, tôi tìm đến bác An, Chủ tịch hội Cựu chiến binh của xã, hỏi về hài cốt của người lính mang chiếc nhẫn có mặt tượng hình chữ F. Quả là họ có tìm thấy người lính Mỹ mang chiếc nhẫn như vậy.

Sao có thế xác định được là lính Mỹ, chứ không phải bộ đội ta?

Dựa vào chiếc thẻ bài ngậm trong miệng người lính.

Bác An với lấy cuốn sổ mà bác đã cẩn thận chép lại thông tin, định đưa nó cho tôi xem. Tôi không nhìn, đã đọc thông tin chiếc thẻ bài cho bác nghe. Bác nhìn tôi trân trân như một kẻ bị ma ám. Tôi không thể giải thích mọi chuyện cho bác, chỉ có thể nói với bác do tình cờ mà tôi biết được, và mong bác báo tin cho tôi biết khi có thể liên hệ được với thân nhân của người đó.

Tôi kể lại những gì đã xảy ra cho Floyd nghe. Qua các tình tiết xâu chuỗi lại, tôi đoán người đồng đội của anh không thể đưa xác anh trở về nên đã nhét chiếc thẻ bài vào miệng anh để sau này nhận diện hài cốt, chiếc còn lại, anh ta giữ để mang về cho người thân của anh, nhưng có lẽ người đó cũng không trở về được hoặc đã làm thất lạc nó, và cha của cô bé người dân tộc Thái trắng kia vô tình nhặt được.

Thật khó để diễn tả cảm xúc trên gương mặt anh lúc này. Đôi mắt anh rực sáng, không buồn, không vui, và phảng phất một nỗi lo sợ mơ hồ nào đó. Anh sợ lại phải thất vọng lần nữa ư? Hay nỗi sợ từ dư âm của chiến tranh còn đọng lại? Trống ngực tôi vẫn đập liên hồi, như lúc bác An kể về bộ hài cốt. Tôi như người đi trong lớp sương mù dày đặc. Phía trước mắt thật mờ mịt, khó đoán, chỉ có thể đi theo cảm tính. Chúa đã an bài mọi sự. Tôi chỉ có thể giữ niềm tin như vậy. Một cảm xúc mơ hồ len lỏi trong tôi, tôi biết ngày Floyd rời đi không còn xa nữa.

Một buổi sáng, chúng tôi đang cùng nhau chơi cờ caro, bỗng nhiên Floyd dừng hẳn lại, đôi mắt anh mở to hoang hoải, ngước lên nhìn tôi, rồi kéo nhanh tôi về phía anh, ôm chặt. Tôi cũng cảm nhận được có điều gì đó bất thường. Nỗi sợ hãi vô hình như một luồng khí cô đặc bủa vây lấy chúng tôi. Tôi nhắm mắt, cầu nguyện. Một cảm giác hẫng hụt. Floyd đột nhiên biến mất. Tôi hoảng loạn, dáo dác tìm kiếm khắp căn phòng. Tôi không còn cảm nhận được anh nữa. Tôi gọi mãi tên anh, như một kẻ điên, gọi mãi một cái tên trong vô thức. Cả đêm hôm ấy, tôi không ngủ. Tôi chờ đợi sự xuất hiện của Floyd, nhưng anh ấy đã không trở lại. Tôi lại ngồi ôm mình bên cửa sổ, ngắm vầng trăng lạnh lẽo, khắc khoải, cô độc.

Tôi đã cố để không chạm vào bóng trăng dưới nước ấy, mà sao nó vẫn tan biến đi? Tôi nghĩ về những ngày tháng đã trải qua cùng Floyd, nó có là thật, hay chỉ là những giấc mơ trong cuộc đời lắm mộng mị của tôi? Nhưng nỗi nhớ này là thật. Nỗi đau này là thật. Tôi nhớ anh đến đau xé tâm can, nhớ đến không chịu nổi. Tôi cắn chặt môi đến bật máu. Nước mắt hòa lẫn máu, thấm đẫm bờ môi, mặn chát.

Tiếng chuông điện thoại đổ đến lần thứ ba, tôi rệu rã nhấc máy. Từng tiếng của bác An như sấm động bên tai tôi. Thân nhân của Floyd đã tìm sang để nhận hài cốt. Họ muốn gặp tôi trước khi trở về nước. Tôi như bừng tỉnh, vùng ra khỏi chăn. Tôi nhanh chóng rửa mặt, thay quần áo, với lấy chiếc thẻ bài trên tủ sách, đón chuyến xe sớm nhất về quê mẹ.

Đứng trước mặt tôi là hai người đàn ông, một già, một trẻ. Tôi nhìn thấy ở chàng trai trẻ bóng dáng quen thuộc của Floyd. Vầng trán cao. Đôi mắt xanh sâu thẳm. Bàn tay đầy những sợi lông tơ mảnh và sáng.

Người đàn ông nhìn tôi, nghẹn ngào xúc động. Ông cảm ơn tôi về những thông tin quý giá mà tôi cung cấp cho Hội cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam. Ngày ông nhìn thấy hình ảnh chiếc thẻ bài của anh trai, cũng là ngày gia đình ông nhận được thông báo đã tìm được hài cốt của Floy từ đại sứ quán Mỹ. Sau khi có kết quả giám định ADN hài cốt, cha con ông tức tốc đáp chuyến bay về miền đất cách nửa vòng trái đất, để đưa Floyd trở về.

Tôi tháo sợi dây chuyền gắn tấm thẻ bài đang đeo trên cổ, đặt vào tay ông. Giây phút đó, cả thế giới dường như vỡ vụn dưới chân. Tôi cố kìm nén nhưng không ngăn được những dòng nước mắt thi nhau chảy. Tôi không giữ được Floyd. Cả kỉ vật duy nhất về anh ấy tôi cũng không giữ được. Tôi chỉ có thể giữ lại cho mình những giấc mơ, hư ảo, chóng tàn.

Hình bóng của Floyd tôi chôn chặt trong tim, những lúc nhớ về, lại thấy một nỗi man mác, dịu ngọt. Hai năm sau, tôi gặp được người đàn ông của đời mình. Ngày anh cầu hôn tôi, nhìn thấy chiếc nhẫn với mặt tượng hình chữ F, một cái gì đấy dấy lên trong lòng, khiến tôi thổn thức. Tôi hỏi, sao anh không chọn một chiếc nhẫn đính đá như bao chiếc nhẫn cầu hôn khác. Anh nói, vì đó là kí tự đầu tiên trong phát âm tên của tôi. Tôi đưa tay để anh luồn chiếc nhẫn vào ngón áp út. Một cảm giác thân thuộc. Bằng một cách nào đó, Floyd đã trở về.

 

Tiếng tiêu người câm

 

Trước cổng bệnh viện là một đường ray tàu hỏa. Nàng đã ngồi ở đấy từ rất lâu, nhìn những chuyến tàu đi qua, hối hả, nhịp nhàng. Nàng đã từng nghĩ sẽ có ngày nàng lao mình vào đấy, khi tiếng còi tàu hú vang, thức tỉnh nửa phần người đã chết của nàng, để được chết một cách trọn vẹn.

Nàng mường tượng đến cảnh thân xác mình bị nghiền nát dưới những chiếc bánh sắt. Nàng còn muốn hơn thế, muốn xương thịt nàng vụn nát, văng tung tóe, chẳng còn gì, chính là không còn gì để chôn cất. Nàng không muốn nằm lại trên cánh đồng vắng lạnh nơi quê chồng. Nàng sợ sự cô độc, càng sợ phải làm một linh hồn tha hương. Nàng muốn được nằm cạnh bà nội ở cồn kên xứ, nơi mà ngày bé nàng cùng lũ bạn chui rúc hái mâm xôi sau những giờ tan học, dẫu cho gai đâm xước cả da, nhưng sao nàng có thể, khi người đời vẫn nói, thuyền theo lái, gái theo chồng.

Nàng mường tượng đến cảnh mẹ và các em gào khóc đến lả người đi trong đám tang của mình. Ba nàng ngồi thất thần bên những cuốn sách nhỏ nàng mang về. Mỗi lần về thăm nhà, nàng luôn mang theo những cuốn sách nhỏ và vài thứ làm quà cho ba mẹ. Ba nàng thích đọc sách. Ngày nàng hôn mê nằm ở khoa cấp cứu hồi sức, ba nàng đã xem những quyển sách như một kỉ vật thiêng liêng, bởi lẽ, nếu nàng chẳng còn ở lại trên thế gian, thì máu thịt nàng, rồi sẽ tan vào đất, con trai nàng, cũng đi theo người ta, chẳng còn gì, chẳng còn lại gì nữa.

Những người đến viếng, lòng bùi ngùi tiếc thương. Con bé vốn mạnh mẽ và lạc quan là thế. Có lẽ biết mình không còn hi vọng mới chọn cách quyên sinh, để không trở thành gánh nặng cho người khác. Nó vốn là một đứa đầy tự tôn. Có lẽ họ sẽ nói thế.

Nàng lại thấy chồng nàng vô hồn đứng cạnh di ảnh nàng. Bao nhiêu yêu hận giờ đây nàng chẳng còn nghĩ đến nữa. Nàng tha thứ cho tất cả những vô tâm, định kiến của chồng đối với nàng. Chỉ mong sao, chồng có thể vì sự ra đi của nàng mà dành trọn tình yêu cho đứa con trai, giọt máu chung của hai người.

Con trai nàng, nó ngồi thọt lõm trong lòng bà nội, chốc chốc lại hỏi, sao mẹ lâu về thế hở bà? Người đàn bà ấy, thương cháu chẳng kém nàng thương con, sẽ an ủi đứa cháu tội nghiệp. Nàng hiểu, người mẹ chồng ấy sẽ không trách móc nàng nữa, không vướng bận những ngày đáng buồn nữa. Bà sẽ là người thay nàng chăm sóc đứa con trai khi nàng rời đi.

Nàng thấy mình đứng đó, nhưng không ai nhìn thấy nàng. Như bốn năm về trước, nàng đã sống cuộc đời của một hồn ma, chỉ có thể đứng ở một quãng xa mà ngắm nhìn đứa con mới nửa tuổi của mình, nghe tiếng con khóc, đau xé ruột gan nhưng không thể chạm vào con, không thể dỗ dành, không thể làm gì cho con được.

Mày có bệnh, chỉ cần mày nói chuyện với nó, nước bọt bắn vào người nó, cũng lây bệnh cho nó.

Những người mắc bệnh nan y như em, ở quê anh, đều phải sống cách ly, không được ăn cùng mâm với người nhà. Đất lề quê thói. Anh không thể làm gì giúp em.

Nếu em đã xem con chính là lẽ sống, thì nên nghĩ cho nó, tránh nó ra để khỏi lây bệnh cho nó, chứ không phải tìm cách gần con. Đó chỉ là sự bao biện của thứ tình thương ích kỷ và độc ác.

Từng lời nói, từng câu chữ ấy cứ xoáy sâu vào tim, khiến nàng đau tức, nhức nhối, dằn vặt đến muốn xé toang lồng ngực. Nàng ôm hận trong lòng. Nàng hận đời, hận người, hận cả bản thân mình.

Những hồn ma, họ còn có thể được siêu thoát, được đầu thai. Còn nàng, nàng không thể, bởi lòng đầy chấp niệm.

Những năm tháng ấy, nàng sớm đã trở thành quỷ hồn mất rồi.

Nhưng giờ phút này đây, nàng đã thật sự có thể buông bỏ. Nàng buông bỏ chấp niệm, nàng tha thứ cho cuộc đời, tha thứ cho người và cho cả bản thân mình. Nàng chỉ muốn được giải thoát. Sẽ không còn những cơn đau đọa đày thân xác. Cũng sẽ không còn những dòng nước mắt hờn tủi đổ dài trong đêm. Nàng sẽ tan vào hư không, như tiếng còi tàu kia, dẫu âm vang, rồi cũng mất hút, lãng quên trong cô tịch.

Tiếng còi tàu càng lúc càng gần, gấp rút, vội vã. Nàng đứng dậy, bước chân dứt khoát theo nhịp tàu xình xịch. Nàng khẽ mỉm cười, nhưng trên khóe mi vẫn còn vương vết tích hai dòng lệ. Nàng đã chọn nơi đây, chọn con tàu này, chọn giờ phút này…

     Nhưng một cánh tay vững chãi kéo bật nàng về phía sau, đứt cả khuy áo. Nàng nhìn gã đàn ông vừa lôi mình. Áo quần nhăn nhúm. Đầu tóc bù xù. Gương mặt gã toát lên vẻ hung tợn. Cái vẻ hung hợn của sự cô độc. Gã nhìn chằm chằm vào khuôn ngực phập phồng của nàng, bước đến chậm rãi. Nàng mở to con ngươi, tay túm chặt cổ áo, nhìn gã sợ hãi. Chỉ mới vài giây trước thôi, nàng còn không sợ chết, ấy vậy mà nàng lại sợ một kẻ lưu manh. Nàng lồm cồm bò dậy, vớ lấy chiếc túi xách, chao đảo, rồi cố chạy thật nhanh.

Giây phút ấy, nàng nhận ra mình vẫn khao khát sống. Nàng muốn sống. Nàng chưa bao giờ muốn chết. Nàng muốn sống một cuộc đời thật bình an, vui vẻ. Sống một đời bình thường bên những người nàng thương yêu. Nhưng biết làm sao. Nàng mang căn bệnh lạ lùng, bí ẩn do sự rối loạn của hệ miễn dịch. Nhưng đến cả chồng nàng cũng không tin như thế. Mẹ chồng nàng bảo do nàng không chịu đi chùa, không làm công đức, còn chồng nàng, bảo rằng ông bà nàng ăn ở bạc ác, không để đức cho con cháu, khiến nàng là người gánh quả. Người nàng tin yêu hắt hủi nàng. Người nàng cậy trông xa lánh nàng.

Nàng khuỵu gối, mặc cho tóc xõa rũ rượi. Nàng khóc, nàng gào rú, nàng uất ức. Tay nàng đấm thùm thụp lên mớ đất đá khô cằn dưới chân đến bật cả máu. Nàng khóc đến lả người. Khóc đến khi đất trời tròng trành, xám xịt, tối tăm.

Vừa tỉnh lại, nàng thấy mình nằm trong một căn phòng nhỏ. Giấy cũ, chai nhựa, vỏ lon chất kín cả một góc nhà. Mùi chua nồng trên áo sau một ngày lam lũ, mùi ẩm ương của cái nắng đầu tiên sau trận lũ dài ngày, mùi men bia, mùi nước xáo bò... Tất cả tạo nên một thứ mùi hỗn hợp xộc vào mũi khiến nàng hắt hơi liên tù tì đến chảy cả nước mắt nước mũi.

Gã đứng cạnh nàng từ lúc nào, chìa ra mảnh khăn vàng ố nhớp nháp, ú ớ những âm thanh vô nghĩa. Nàng nghiêng đầu nhìn gã. Thì ra gã bị câm. Một gã câm nhếch nhác, sống bằng nghề nhặt ve chai. Lòng nàng bỗng dấy lên một niềm thương cảm lạ lùng. Gã và nàng, chẳng biết ai đáng thương hơn ai. Nàng không còn thấy sợ gã nữa. Nàng cầm lấy chiếc chiếc khăn, không ngần ngại khịt một tràng cho nước mũi chảy ra hết, trước con mắt đầy biểu cảm của gã.

Gã mang cho nàng một nồi mì tôm trứng. Nàng chợt nhớ ra từ trưa đến giờ mình chưa có gì vào bụng.

Anh ăn cùng tôi nhé!

Nàng nhìn gã, hỏi mà như van lơn. Gã đứng hình một phút, rồi đi lấy thêm bát đũa. Nàng bắt đầu kể chuyện, hay đúng hơn là độc thoại, màn độc thoại nội tâm.

Đã lâu lắm rồi, không có ai để nàng trò chuyện. Đã lâu lắm rồi, những chuyến đi xa một mình, những bữa cơm một mình nơi phố lạ. Đã quen rồi. Nhưng có thêm một người, thì vẫn vui hơn.

Nàng nhìn lại một lượt khắp căn phòng, mắt chợt dừng lại nơi ống tiêu treo đầu giường. Lần đầu tiên nàng nở nụ cười từ khi gặp gã. Ánh mắt nàng chợt sáng lên. Nàng cầm lấy ống tiêu, ngắm nghía một hồi, rồi đưa về phía gã, ngỏ ý muốn được nghe.

Tiếng tiêu cất lên trầm bổng. Nàng đã nghe ra được giai điệu bài hát.

Quê nhà tôi ơi, xứ Đoài xa vắng

Khói chiều mênh mông, sông Đà buông nắng…

Nàng như mơ hồ thấy được cả cuộc đời gã qua từng câu chữ da diết. Trước mắt nàng, đấy không còn là một gã câm nữa. Khi một người mù đang ngủ, chẳng ai biết được họ bị mù. Cũng như gã, khi gã thả hồn mình hòa cùng tiếng tiêu, nàng cũng quên mất rằng gã bị câm. Mãi cho đến khi tiếng tiêu im bặt, nàng mới bàng hoàng thảng thốt. Nàng muốn gã cứ thổi mãi những khúc hát, để có thể che đậy những bi đát của cuộc đời, giống như nàng vẫn luôn gượng cười, để chẳng ai biết được mình đang đau khổ.

“Hồng trần như mộng, người tỉnh mộng tan. Nhân sinh như kịch, người tản kịch tàn.” Nàng ngậm ngùi từ biệt gã, từ biệt giấc mộng thoáng chốc của nàng để trở về diễn tiếp vở kịch của cuộc đời. Gã nhìn nàng dè dặt. Như đoán được suy nghĩ của gã, nàng hứa sẽ quay trở lại, để gã yên tâm rằng nàng sẽ không nhảy vào một đoàn tàu nào khác nữa.

Nàng trở về với những bộn bề lo toan của cuộc sống, ở cạnh chồng như một cái bóng hờ hững. Điều duy nhất níu kéo hai người với nhau, để những cuộc chuyện trò không trở nên gượng gạo, đó chính là đứa con trai của nàng. Đứa con trai bé bỏng, từng hỏi nàng, sao trên mắt mẹ lại có nước. Bởi nàng chưa bao giờ gào lên như khi nó khóc, nên nó chẳng bao giờ biết được ý nghĩa thật sự của những giọt nước kia.

Những cơn sốt thường trực và dày đặc buộc nàng phải đến bệnh viện sớm hơn dự định. Cũng không hiểu vì lẽ gì, nàng lại tìm đến căn nhà rách nát của gã. Vì một lời hứa ư? Giữa cuộc đời trăm ngàn dối trá, còn mấy ai tin vào một lời hứa của kẻ qua đường không tên. Ấy vậy mà gã vẫn tin và chờ nàng quay trở lại. Gã vui mừng như một đứa trẻ. Trên bàn ăn, vẫn là mì tôm trứng. Nhưng tiếng tiêu của gã đã vang lên những giai điệu ấm áp, vui tươi.

Nàng đã không còn cảm giác cô độc trên những chuyến tàu mỗi lần đi khám bệnh. Bởi nàng biết, ở nơi đó, gã vẫn đợi nàng. Nàng thấy tâm hồn mình được nhen nhóm ngọn lửa sống mới. Từng ngày, từng ngày, nó cứ thế bùng lên, sáng lên. Nàng lại thấy mình là cô thôn nữ của mười năm trước, lòng thẹn thùng khi gió xuân sang.

Tiếng chuông điện thoại vang lên, cắt ngang tiếng tiêu réo rắt của gã.

Khám xong chưa?

Xong rồi.

Về chưa?

Em gặp bạn, café một lát rồi em về.

Đi café hay đi nhà nghỉ? Ở đấy mày làm gì có bạn. Cho mày đi khám hay đi làm đĩ hả? Đi về ngay.

Gã nhìn nàng đăm đăm. Nàng cũng nhìn gã, vừa bất ngờ vừa xấu hổ. Ngay khi tiếng chuông điện thoại vang lên và tiếng tiêu dừng lại, nàng nên đoán ra gã có thể nghe được.

Đã có lúc nàng ước được như gã, không thể nghe, càng không thể nói, để xem, cuộc đời có bình lặng hơn không. Nhưng giờ nàng đã biết, bởi đôi tai nghe được tiếng đời, nên dù có nói được hay không thì cũng chẳng có gì khác hơn.

Gã ra hiệu bảo nàng về đi. Nàng lầm lũi ra đến cửa, ngoái đầu nhìn lại. Gã đưa tay vẽ lên môi nàng một nụ cười. Ừ, phải luôn cười. Nếu cuộc đời là mắm tôm thì mình sẽ là bún đậu. Dù cuộc đời có bầm dập đến đâu thì cũng phải hiên ngang mà sống. Chẳng phải nàng vừa nói với gã như vậy đó sao?

Nàng mở cửa, bắt gặp ánh mắt đỏ ngầu hung hãn của chồng. Trên bàn, những vỏ bia lăn lông lốc. Trước kia, chồng không phải là kẻ thích chè chén. Nhưng từ lúc nàng bệnh, cuộc sống vợ chồng bắt đầu có những rạn nứt, chồng tìm đến rượu như một cách quên đời. Có rượu, chồng mới có thể nhìn vào đôi mắt lúc nào cũng ngân ngấn nước của nàng, để nói những lời làm đau con tim mà không cảm thấy dằn vặt. Bởi đến hôm sau, khi tỉnh rượu, chồng không bao giờ nhớ lại được mình đã từng nói những gì.

Nàng thản nhiên bước qua. Bất ngờ, chồng kéo nàng lại, ghì chặt nàng trên ghế sô pha, hôn tới tấp lên người nàng. Đôi tay chồng bấu chặt khiến nàng đau. Nàng cố đẩy chồng ra, chồng lại càng ghì chặt nàng hơn. Nàng biết, chồng đang giận dữ vì ghen tuông. Những lúc như thế, nàng chỉ biết nằm im, bất động. Khi chồng hưng phấn, thỏa mãn với sự chiếm đoạt, thì nàng chỉ thấy tủi nhục, ê chề. Nhưng lần này, nàng đã biết đáp trả. Nàng nhắm mắt, môi lần tìm môi. Nàng nhẹ nhàng vuốt ve chồng, xoa dịu cơn giận, cùng chồng thâm nhập vào nơi thâm sâu cùng cốc, cùng giao hòa trong tiếng nhạc tiêu dao. Mạch sống căng đầy trong đất, làm nảy nở chồi non. Dòng suối sau mưa, nước tràn trề như thác lũ. Nàng đón nhận niềm khoái cảm ngỡ lãng quên từ lâu. Dòng nước mắt hạnh phúc khẽ chảy dài trên má.

Thì ra, nàng chưa phải đã lãnh cảm với tất cả. Nàng vẫn còn cảm xúc. Nàng cảm xúc với gã. Nàng cảm xúc khi nghĩ đến gã.

Nàng nằm nghe tiếng thở đều đều của chồng. Gương mặt chồng giãn ra, nét cười khẽ hiện trên làn môi đầy thỏa mãn.

Đêm ấy, gã nằm mơ. Giấc mơ mà gã vẫn hằng khao khát. Bàn tay thô ráp của gã xiết chặt lấy thân hình nàng, mềm mại, êm êm, nóng bỏng. Tỉnh dậy, gã thấy đáy quần nhớp nháp. Cảm giác cô độc bao trùm lấy gã. Gã nhớ nàng đến đau xé tâm can. Chưa bao giờ gã thèm khát có một gia đình như lúc này. Gã đã từng có một gia đình êm ấm. Nhưng sau một cơn tai biến, gã mất đi tám mươi phần trăm sức khỏe và mất luôn cả giọng nói. Bao nhiêu tiền đổ hết vào việc chữa trị, phục hồi chức năng nhưng đều không đem lại kết quả. Kinh tế gia đình dần dần khánh kiệt. Vợ gã bất mãn ôm con bỏ đi. Từ đấy, gã sớm hôm vò võ một mình. Ốc không mang nổi mình ốc, gã nào dám đèo bồng thêm ai.

Cứ hai tháng một lần, nàng ra lại bệnh viện tái khám. Mỗi lần như thế, nàng đều ghé qua căn nhà gỗ của gã, nhưng lần nào cũng cổng khóa then cài. Gã biến mất khỏi cuộc đời nàng không dấu vết. Có cái gì đó dấy lên trong lòng khiến nàng thấy hụt hẫng, chới với. Nếu chẳng phải để trở về căn nhà này, nếu chẳng phải giữ niềm tin mong manh rằng gã vẫn ở đây chờ nàng, nàng biết lấy gì làm động lực để thôi thúc mình dấn bước trên con đường vạn dặm? Nàng sẽ không còn muốn tiếp tục chữa trị nữa. Nàng đã quá mệt mỏi và đớn đau. Nhưng nàng không thể quyên sinh lần nữa. Nàng đã hứa với gã, dù thế nào, vẫn phải ngẩng cao đầu mà sống.

Từ sau một gốc cây, gã đã thấy tất cả. Gã thầm ước giá có thể chạy lại để ôm lấy nàng cho thỏa những tháng ngày đợi mong, nhung nhớ. Nhưng cuộc đời nàng đã khổ quá rồi. Gã đã không thể mang lại hạnh phúc cho nàng, thì cũng không nên khiến nàng phải đau buồn thêm nữa. Rời xa nàng, để nàng trở về cuộc sống thường ngày của mình, là điều duy nhất gã có thể làm được.

Đêm đêm, tiếng tiêu của gã lại vang lên não nùng, ai oán.

À ơi hoa bay lên trời, cây chi ở lại

À ơi hoa cải về trời, rau răm ở lại, chịu lời đắng cay…

***

Vậy là đã hơn một năm kể từ ngày nàng từ biệt gã. Bao lần nàng đến, rồi lại đi. Như một thói quen, hay một cứu cánh? Nàng tìm gã vì lẽ gì, chính nàng cũng không biết. Nàng chỉ biết, chừng nào nàng còn sống, còn chữa trị, nàng vẫn sẽ đến nơi này.

Cánh cửa khép hờ. Tiếng tiêu trầm bổng vang lên da diết.

À ơi, em đi lấy chồng, thương anh một mình

À ơi, táo rụng sân đình, anh vẫn một mình, một mình nhớ em.

Nàng bước những bước vội vàng, tay đẩy mạnh bật tung cánh cửa. Tiếng tiêu im bặt. Căn phòng trống hoác. Mọi thứ vẫn nguyên vẹn như ngày đầu nàng đến, khiến nàng có cảm giác thời gian chẳng hề trôi đi. Trên bàn, một nồi mì tôm trứng bốc khói nghi ngút.

Nàng lặng lẽ bước đến, thản nhiên ngồi vào bàn, cầm đũa. Ăn xong, nàng lại khép cửa, rời đi.

Lòng nàng lâng lâng một niềm hạnh phúc khó tả. Bước chân nàng dường như khỏe khoắn hơn. Nàng như cảm thấy mình mạnh mẽ hơn. Tháng ngày về sau, nàng cũng chỉ mong được như thế. Gã không gặp nàng, cũng không sao, nhưng gã vẫn mong đợi nàng, và nàng biết, hẳn là sau cánh cửa, gã cũng đang giấu một nụ cười, như chính nàng lúc này, để rồi lại cảm thấy cuộc đời được ủi an.

 

 Nguyện

 

Nàng ngậm ngùi nhìn bức tranh bị lửa liếm dần.

Lầu son

Thềm gỗ

Trăng tròn

Uyên ương

Đến cả đôi câu thơ ngày nào nàng viết lên bức tranh cũ, cùng lúc đều trở thành tro tàn, lả lơi bay theo gió.

Tư quân bất khả truy

Niệm quân hà thì quy

Hai mươi năm, nàng nhớ mong người, nhưng vĩnh viễn không thể tìm gặp, chỉ dám mang một niềm hi vọng mỏng manh, rằng một ngày nào đó, người có thể niệm tình xưa mà quay trở lại. Nhưng kể từ bây giờ, đến cả ước muốn cũng không thể được nữa rồi.

Ban hôn

Bệ hạ, người nhẫn tâm đến thế sao? Một ngày cũng là nghĩa phu thê, huống hồ, ta vì người, bỏ cả giang sơn chín đời tổ tiên truyền lại, bỏ cả cơ nghiệp mà dòng tộc gìn giữ suốt hai trăm năm. Để rồi, đến cuối cùng, mặc người tùy ý muốn giữ, muốn buông.

Năm xưa, là ai đã thề nguyền trọn đời trọn kiếp không rời bỏ? Hai chữ một đời, có khi lại chính là một đời không mong gặp lại.

Những năm qua, ta đã an phận nương nhờ của Phật, đã sớm không còn vương vấn cõi trần ai. Vậy mà...

Nàng cười mỉa mai. Nhưng rốt cuôc cũng chẳng biết mình mỉa mai điều gì.

Nàng đứng nhìn ánh trăng lạnh lẽo trong đêm. Nước mắt cứ thế lăn dài trên đôi gò má. Nàng muốn hận, nhưng không thể hận. Muốn quên, càng chẳng thể quên. Kết thúc hai mươi năm ở hoàng thành, từ một công chúa, lên làm nữ vương, làm hoàng hậu, rồi lại trở về làm công chúa. Kết thúc hai mươi năm ở chùa Linh Tiên, nàng lại từ một ni cô trở về làm phu nhân tướng quân. Liệu ở Lê phủ tướng quân, nàng có thể an yên mà trải qua một lần hai mươi năm nữa?

***

Bệ hạ đứng trước mặt nàng. Đâu còn bóng hình của người xưa cũ? Vẻ phong sương phảng phất lên người chàng. Trên vầng trán đã in hằn vết thời gian. Chàng trầm tĩnh nhìn nàng. Ánh mắt ấy, bao nhiêu năm rồi, dường như vẫn chẳng hề thay đổi, nhưng sao nàng vẫn thấy có chút gì bi thương.

“Cuộc hôn nhân này, thần thiếp không cần của hồi môn, chỉ cầu bệ hạ ân chuẩn cho ba ước nguyện.”

“Thứ nhất, xin bệ hạ xóa bỏ lệnh truy sát hoàng tộc Lý, cho phép họ đổi họ về quê sinh sống.”

“Chuyện này có thể được.”

“Thứ hai, các lăng miếu thờ công thần triều Lý lại có thể được thờ phụng như xưa.”

“Trẫm ân chuẩn.”

“Thứ ba…”

“Thứ ba, Lê phủ của tướng quân phải ở nơi xa, cách biệt Hoàng thành.”

“Cớ sao lại phải như thế?”

“Bệ hạ, thần thiếp và người đã sớm chia rẽ đôi đường. Ngày tháng sau này, hà tất còn phải gặp lại.”

Bệ hạ nhìn nàng. Nàng vẫn cúi đầu, hàng mi dài khẽ lay động.

Thì ra nàng hận ta đến vậy. Làm sao có thể không hận, khi chính ta đã từng bước từng bước đẩy nàng đến kết cục ngày hôm nay. Ta đến cùng vẫn là thân bất do kỷ. Là vua một nước, nhưng ta cũng chỉ là một quân cờ trong tay người khác, mặc người ta xoay chuyển trên ván cờ loạn thế.

Năm tám tuổi, ta đã vào cung theo hầu nàng. Dẫu thái sư vẫn dặn ta phải giữ khoảng cách quân thần, nhưng với ta mà nói, ngoài nàng ra, ta chưa từng có người bạn nào thân thiết hơn.

Năm chín tuổi, khi nhận lấy long bào từ tay nàng, ta vẫn ngây ngô tưởng rằng, một lúc nào đó, chỉ cần ta trả lại cho nàng, nàng sẽ hết dỗi.

Năm mười ba tuổi, nàng làm món bánh quế hoa ta thích ăn nhất, ta vẽ tặng nàng bức tranh cùng nhau đón trăng. Đó là lần đầu tiên ta biết thế nào là thích một người.

Năm mười bốn tuổi, nàng cho ta niềm hạnh phúc của một người làm cha, nhưng không bao lâu sau, con trai yểu mệnh mất sớm. Nhìn nàng đau khổ, bản thân ta cũng tê phế tâm can.

Năm mười chín tuổi, bị thái sư và thái hậu ép phải lấy hoàng tỉ của nàng, ta không biết phải làm sao để đối diện nàng, bất lực từ bỏ ngai vàng, tìm lên núi Yên Tử, toan đoạn hồng trần. Đâu biết rằng, cùng lúc ấy, thái sư giận dữ, lấy cớ nàng chứa chấp phản loạn, giam lỏng nàng. Vì muốn cứu nàng, ta chấp nhận điều kiện của thái sư, lại trở về kinh thành. Lúc tự tay viết chiếu chỉ giáng vị hoàng hậu mà mình yêu thương, bao năm gắn bó xuống làm công chúa, giam vào lãnh cung, lòng ta đau đến nhường thế nào. Ta hận bản thân mình vô dụng. Mười năm ân ái vợ chồng, ta chưa một lần bảo vệ cho nàng trọn vẹn.

Năm hai mươi tuổi, nàng chọn cách rời xa ta, xin về chùa Linh Tiên, quy y cửa Phật. Biết nàng đã quá buồn đau và chán nản, nhưng đến một lời an ủi ta cũng không thể cất nên lời.

Hai mươi năm nàng ở chùa Linh Tiên là hai mươi năm ta sống trong sự giày vò và nuối tiếc. Ta nhớ nàng đến đau xé tâm can, nhưng không thể tìm gặp. Tình cảm dành riêng cho nàng, ta chỉ có thể chôn kín trong lòng, một đời khắc cốt ghi tâm.

Trận chiến Bình Lệ Nguyên, tướng quân Lê Tần một mình một ngựa ra vào trận giặc, lấy ván che cho ta giữa trận mưa tiễn của quân Nguyên. Trong phút sinh tử, lòng ta đau đớn nhớ đến nàng. Thiết nghĩ, nếu nàng sớm gặp được người dũng mãnh như ngài ấy, cuộc đời nàng có lẽ cũng không gặp nhiều sóng gió đến vậy.

Ban cho nàng một mối lương duyên tốt đẹp, có lẽ là điều tốt đẹp duy nhất ta có thể làm được cho nàng. Nàng hận ta cũng được, ghét bỏ ta cũng không sao. Chỉ mong những ngày tháng sau này, nàng có thể tìm lại niềm vui của chính mình, sống một đời bình an, vui vẻ. 

Nàng là chấp niệm mà một đời ta không buông bỏ được. Chỉ khi nàng có thể tìm lại niềm hạnh phúc bình dị như bao người bình thường khác, ta mới có thể an lòng bước chân vào chốn tu thiền, đi theo bước chân mà nàng để lại, để có thể hiểu được, nàng thật sự đã trải qua những gì.

Bệ hạ cố kìm cơn xúc động, khó khăn buông từng chữ:

“Trẫm thành toàn cho nàng.”

***

Phủ tướng quân. Đèn lồng đỏ treo cao. Trướng phủ màn che một màu hoan hỉ. Gia nô tất bật chạy xuôi chạy ngược. Có tiếng xì xào phía sau cánh cửa nhà bếp. “Từ ngày phu nhân mất, tướng quân chưa từng nạp thiếp, nếu không phải là thánh thượng ban hôn, có lẽ…”. Câu nói ngắt quãng, nhưng thanh âm vừa mang chút hoài niệm, lại lộ vẻ vui mừng.

Đâu ai biết được ở nơi Hoàng thành, cũng chính ngày hôm ấy, vị vua trẻ một mình lặng lẽ, suy tư, viết chiếu nhường ngôi cho hoàng thái tử.

Tiếng chuông chùa Yên Tử ngày ấy cũng đột nhiên ngân vang những thanh âm trong trẻo đến lạ lùng.

Bóng hắn đổ dài trước cửa phòng tân hôn. Vị tướng quân cao lãnh, nửa đời chinh chiến, xông pha tên đạn, biết bao lần vào sinh ra tử, bây giờ chợt thấy bối rối trước tân nương của mình. Hắn đi đi lại lại không biết đã bao nhiêu vòng. Hơn ai hết, hắn hiểu rõ những biến cố trong cuộc đời nàng. Nhưng cũng chính điều ấy càng khiến hắn cảm thấy khó đối diện với nàng hơn. Dù cho trước đây nàng có thân phận gì, hắn không cần biết, chỉ biết kể từ lúc nàng chấp nhận bước qua cửa nhà hắn, hắn nhất định sẽ dùng cả một đời này để bảo vệ nàng, che chở nàng. Nghĩ đến đấy, hắn như được tiếp thêm dũng khí.

Hắn từ tốn định đẩy cửa phòng, đúng lúc bên trong phòng cũng có người vừa mở cửa. Cánh tay hắn hững hờ giữa không trung, không biết làm thế nào, lại buông thỏng xuống. Người đứng bên trong cánh cửa, không có vẻ gì bất ngờ hay ngần ngại, chỉ nói một câu thôi mà trong lòng hắn như vừa trút bỏ một gánh ưu phiền.

“Sương xuống rồi. Tướng công vào phòng thôi.”

Hắn trộm liếc nhìn nàng. Má thắm, môi son, lại thêm giá y rực rỡ, nàng như vẫn giữ nét thanh thuần của hai mươi năm trước, khi hắn hộ giá đưa nàng đến Linh Tiên. Lúc ấy, hắn đã từng thoáng nghĩ, giá có thể đưa nàng đến cùng trời cuối đất, phiêu bạt nhân gian, bất cứ giá nào hắn cũng sẵn sàng đánh đổi. Chỉ là, biết lấy tư cách gì đây? Nghĩa quân thần ư? Nực cười thay.

Nhưng lúc này đây, nàng đang đứng thật gần trước mặt hắn, danh chính ngôn thuận là nương tử của hắn. Có nằm mơ hắn cũng không dám nghĩ đến. Hắn rụt rè nắm lấy đôi bàn tay thanh thanh, từng ngón thon dài. Trên gương mặt tưởng chừng như đã buông hết những chấp niệm trần ai, hai hàng nước mắt bỗng nhiên chảy xuống. Hắn bối rối, lấy tay lau nước mắt cho nàng, kéo nàng ôm vào lòng. Nhìn chân tay nàng bất động, tự bản thân hắn cũng cảm thấy bất lực.

Hắn tự hỏi, những cuộc chiến tàn sát đẫm máu nơi sa trường, so với cuộc chiến tru tâm đầy nước mắt mà nàng trải qua, cái nào mới thật sự đau đớn hơn? Những lời hứa hẹn thiên trường địa cửu, hắn không biết nói. Muốn dỗ dành nàng mấy câu, hắn cũng không biết phải bắt đầu như thế nào. Cứ thế, hắn lặng yên vỗ về nàng, cho đến lúc nàng ngủ thiếp đi.

Nàng đã trở lại chốn hồng trần, ngày ngày ở cạnh hắn, nhưng tâm tình nàng vẫn không đặt ở chỗ hắn. Sự lãnh đạm của nàng khiến hắn có chút kiêng dè. Hắn cảm nhận được giữa nàng và hắn vẫn tồn tại một rào chắn vô hình khó bỏ. Lắm khi, hắn thấy sự xuất hiện của mình trở nên thật thừa thải, không biết làm thế nào, bèn lấy cớ giải quyết công vụ, ngủ luôn ở thư phòng. Hắn sợ mọi sự đến với nàng đường đột quá, lại khiến nàng lần nữa cảm thấy tan vỡ. Những bài kinh kệ ở chùa Linh Tiên, hắn lặng lẽ đưa về chất kín ở phòng nàng. Bên hiên nhà, những đóa sen đầu tiên cũng bắt đầu hé nụ.

Một sớm nọ, hắn chợt tỉnh giấc bởi mùi hương sen phảng phất trong phòng. Hắn nhìn ra phía văn án. Một khay trà đang nhẹ nhàng vương khói. Người đã đi rồi, nhưng hắn mường tượng ra bóng dáng nàng vừa bước vào đây, lòng bỗng hân hoan như vừa bừng nở một đóa sen dịu ngọt. Hắn chậm rãi bước xuống giường. Nhìn đĩa bánh quế hoa đặt bên cạnh, hắn chợt ngẩn người. Thì ra đã là Trung thu. Hắn chợt nhớ về Trung thu một năm nào đó đã xa lắm, có người khoe với hắn, bánh quế hoa chính là thứ mỹ vị nhân gian.

Nàng đã thật sự nhìn lại hắn, hay là vẫn chính hắn tự đa tình, đa mang?

Đêm nay, hắn phải lên đường. Chiến sự nơi biên ải cấp bách, hắn không thể nán lại quá lâu. Nhìn nàng đang say giấc, gương mặt hiền lành, ôn nhu, lòng hắn chợt xáo động. Hắn đặt cây trâm bạc bên gối nàng, rồi lặng lẽ rời đi.

Nửa tháng sau, hắn bỗng nhận được thư nhà. Trong thư vẻn vẹn có mấy chữ mà khiến hắn cười đến ngẩn ngơ.

Hắn trở về Lê phủ sớm hơn dự kiến. Vừa về đã liền đi thẳng một mạch đến chỗ nàng. Sương đêm phủ trắng tóc hắn, phủ đầy cả hàng mi rậm. Nhìn dáng vẻ của hắn trông chẳng khác nào một lão yêu quái, nàng không nhịn được mà bật cười thành tiếng. Hắn vội vã nắm lấy tay nàng.

“Nàng vẫn luôn chờ ta về sao?”

Nàng từ tốn lấy ra cây trâm bạc từ trong ay áo, đưa cho hắn.

“Ta vẫn luôn đợi chàng, đợi chàng về cài tóc cho ta.”

Bên hiên nhà, mấy cánh hoa đào rơi lả tả. Thì ra, mùa xuân vẫn chưa qua.

          ***

Thời gian như bóng câu qua cửa. Năm năm tháng tháng thoáng chốc đã phủ thành mái tóc pha sương.

Hắn vẫn luôn nắm chặt lấy tay nàng, ngay cả khi muốn đưa nàng đi gặp một người.

Nàng nhìn biểu cảm khó nhọc của hắn, khẽ mỉm cười, gật đầu.

Yên Tử

Nàng đứng lặng trong hơi hơi cỏ thanh mát, lòng thoáng xáo động, nghĩ về Linh Tiên năm nào. Hai mươi năm. Vậy mà đã hai mươi năm rồi.

Ngài ở trước mặt nàng, đôi mắt vẫn trầm tĩnh, nhưng không còn lộ vẻ bi thương.

Hắn dìu nàng tiến lại gần hơn vị quân vương mà hắn luôn tôn kính và cả hàm ơn.

Vị sư già lặng lẽ nhìn nàng, bồi hồi xúc động.

“Ta cũng đã đi qua đúng quãng đường mà nàng đã đi. Hôm nay gặp lại nàng, tâm ta vui mừng biết bao. Cuối cùng, ta đã có thể gạt bỏ hết thảy những yêu hận nuối tiếc của đời này để thanh thản mà rời đi rồi.”

“Nàng… có còn hận ta không?”

“Ta không hận ngài. Đời này ta chưa từng hận ngài.”

“Nhưng nàng ghét bỏ ta.”

“Ta không ghét bỏ ngài. Ta chỉ không muốn gặp lại ngài nữa thôi.”

“Như thế thì có khác gì nhau?”

“Bởi vì ngày ấy, lòng ta đau, ta giận. Nhưng bây giờ, ta hết đau rồi, ta cũng không còn giận nữa rồi.”

Nàng nắm lấy đôi bàn tay đã lấm tấm đồi mồi của vị hòa thượng. Trên đôi mắt mờ đục của ngài, hai giọt nước long lanh khẽ lăn xuống. Hơi thở ngài dần yếu đi, nhưng trên khóe môi phảng phất nụ cười mãn nguyện.

Tiếng chuông chùa Yên Tử lại bất chợt ngân lên, trong ngần như một ngày của hai mươi năm về trước, vang vọng khắp nhân gian.

 

Diệu Phúc