Và ta quét dọn nỗi buồn - Nguyễn Thị Liên Tâm

26.11.2015

Và ta quét dọn nỗi buồn - Nguyễn Thị Liên Tâm

Đọc đi đọc lại tập thơ Nguyễn Thị Liên Tâm nhiều lần tôi vẫn muốn bắt đầu mạch thơ chị từ bài thơ “Người đàn bà quét dọn nỗi buồn”. Mạch cảm xúc của chị chảy dài sâu lắng vận vào phận đàn bà.

 

Bất cứ người phụ nữ nào chạm vào cung tình ái là buồn. Dù lúc đang  rực rỡ nhất của hạnh phúc cũng buồn, lúc ấm áp trong vòng tay lứa đôi cũng buồn, huống chi là lúc bị phụ bạc, bị bỏ quên, lúc chờ đợi trong một cuộc hẹn hò không đoạn kết thì lại càng ray rức buồn, hay người đàn ông của mình có một bóng hồng khác càng đau đớn xót xa… Một Đinh Thị Thu Vân trĩu nặng nỗi buồn trong trái tim mong manh yếu đuối đến nỗi phải thốt lên “Có ai buồn với tôi không” ở nhà thơ Nguyễn Thị Liên Tâm thì ta thấy có một sự mạnh mẽ hơn “và ta quét dọn nỗi buồn”. Từ “ta” khẳng định một quyết tâm với hai động từ “quét”, “dọn”. Đã quét tức nhiên là móc mọi ngóc ngách nỗi buồn sau đó dọn đi sách sẽ. Vậy thì chị sẽ không còn buồn nữa, nhưng đọc thơ chị, bạn yêu thơ vẫn thấy day dứt một chuỗi buồn! À thì ra nhà thơ nữ đất Bình Thuận này rất độc đáo đây, chị níu giữ sợi tơ yêu thương bằng cách quét dọn xong  rồi đem “ủ nỗi buồn vào ngực”. Nơi trái tim ngân lên cung bậc tình yêu từ thuở thanh xuân nõn biếc, Tôi  thích tứ thơ đẹp và tràn đầy hạnh phúc quá của chị: ”Em thả giọt cười vào trong mắt anh”; “Em thả nụ hôn vào đôi môi anh”… người đàn ông nhắm mắt lại và quên tất cả chỉ còn lại sự “… ngọt ngào mật sánh!”. Riêng chị như cảm nhận được sự nồng nàn say đắm trong “trái tim yêu thương bừng bừng dậy lửa”. Và rồi họ cùng hòa vào nhịp điệu tình yêu thật diệu kỳ.

 

“ Em

       thả em vào anh

                             thả anh vào đêm…”

 

                    (Thả nụ tầm xuân – trang 8)

             

Ta bắt gặp một người đàn bà thật ấm áp, rất nữ tính và rất dịu dàng, mang nét quyến rũ , trong câu thơ ta nghe như có tiếng cười trản đầy yêu thương, hạnh phúc “ làm sao anh ngừng yêu em, yêu em, yêu em?”. Và hình như niềm hạnh phúc đó rực rỡ trong ký ức một thời :Đóa tầm xuân non tơ kiêu hãnh”. Một hình bóng quen thuộc thấp thoáng đâu đó trong mạch thơ buồn trong”hương xưa”, “Đêm xưa”, “người xưa” với một chút “hoài thương nhớ” với một chút “cơn mộng say”, với “trà nguội” ,với “hoa khô”… Sao tĩnh mịch vậy, sao nhói lòng quá vậy:

               

“Hái một chút mùa vui

Gửi cho người năm trước

Ô thước hoài Ô thước

Tri âm… hoài… tri âm!”

 

     (Ủ hoa trong bàn tay – trang 11)

       

Dòng sông kỷ niệm cứ xuôi dòng cuốn theo bao niềm vui, nỗi buồn, bao nhớ nhung, khao khát “Ai ơi!/xin hãy khác người xưa/Hãy nóng bỏng một tách trà!” (Tách trà Trương Chi – trang 14). Để rôi bạn yêu thơ nghe nàng thơ Nguyễn Thị Liên Tâm thì thầm: “Anh sẽ nói gì với em/ Nếu mai này anh không còn là anh nữa”… “Anh sẽ bị mê hoặc bởi một người đàn bà khác” thì em vẫn là người phụ nữ của anh, nhân hậu, thủy chung chờ anh quay trở lại chỉ với niềm tin:

 

“… Mãi mãi trong tim anh

Có một góc dành để riêng em”

 

       (Lời thì thầm với anh – trang19)

            

Ta bắt gặp trong  thơ Nguyễn Thị Liên Tâm, hình bóng của một người phụ nữ truyền thống, diu dàng, đằm thắm, thủy chung, nhưng trí tuệ và đầy bản lĩnh, bản lĩnh của một người phụ nữ hiện đại, dám yêu, dám bày tỏ cảm xúc của mình, cảm xúc mà bao đời nay người đàn bà luôn giấu kín trong khuê phòng: “… Để đêm bớt dài. Để em nhớ anh/Để em nhớ anh và yêu anh cháy bỏng/Để em hát bài tình ca của sóng/Đổ bờ anh/vội vã đổ bờ anh” (Tình yêu đến từ bên kia đồi hoa – trang 13). Người đàn bà dịu dàng trong “Giấc mơ thu vàng”, “Dốc hoa tình” cảm nhận được tình yêu mình gửi trao và người đàn ông ấy cũng đón nhận một cách say đắm, một khoảng trời hạnh phúc xanh ngát hương, chị tự hỏi mình có ma lực gì vậy?: ”… Bùa thuốc, bùa lá, bùa yêu/Em bỏ bùa nào khiến anh ngẩn ngơ đến vậy? /Lạ chưa?/Em có bỏ bùa anh đâu?...” Những câu hỏi tu từ thể hiện sự ngạc nhiên rất nữ tính. Bạn yêu thơ như thấy trước mắt mình một đôi mắt tròn xoe …Sao mà đáng yêu thế không biết, một sự nũng nịu dịu dàng, ấm áp, và rồi  chính cô nàng duyên dáng đó tự giải đáp: “Nếu thương nhớ em cồn cào da thịt/Đích thị vì em là người dưng” (Bùa yêu – trang 23). Một chút phảng phất sự rung động của người xưa mà Nguyễn Thị Liên Tâm lưu lại “Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương”. Tình yêu, hôn nhân không là một khái niệm vĩnh cữu, bởi đạt đến đó người phụ nữ phải đi qua một chặng đường nhiều mưa rơi, nhiều gió nắng có khi mất hút một nửa của mình ở cuối con đường hò hẹn, để rồi : “Giữa ban ngày /em thắp đuốc tìm anh./Ôi bộn bề gian khó”. Khi xác định lại lòng mình không thể nào đánh mất một trái tim yêu chi quyết tâm: “… Không thể không anh cùng lối đi về/Không thể không anh/trong ngôi nhà hạnh phúc…” Chị đi tìm lại hạnh phúc của chính mình. Phải chăng hạnh phúc chị cố níu kéo chỉ là giấc mộng hoa vàng thôi sao?  Người phụ nữ tràn đầy tiếng cười, ánh mắt trong veo đâu rồi?. Ray rức lòng tôi hình ảnh người đàn bà tự cầm tay mình lầm lủi trong mưa, dắt theo nỗi buồn ướt sũng cũng như lòng chị, với trái tim lạnh cóng, tự nhốt mình vào đêm thương nhớ một thời hoa phấn cũ, “Nơi có một người. Ngày xưa! “. Sự chờ đợi này chị biết là vô vọng nhưng vẫn tự lừa dối mình chỉ để tìm lại một chút hương xưa:”Giả dụ thế thôi!Giả dụ thế thôi!/Anh ơi! Đâu rồi vầng trăng cũ/Ai vô tình đánh rơi ở cuối góc vườn?...”. Hình như tất cả vuột khỏi tầm tay rồi Nguyễn Thị Liên Tâm ơi, chị đang đứng ở đâu trong trái tim người phụ nữ này vậy. Người phụ nữ  mang chủ thể của một phận người mong manh luôn thua thiệt trong tình yêu. Chị đang ngồi thao thức trong đêm  muốn thay đổi chỗ cho một con nhện với lời van nài sao mà đáng yêu, mạnh mẽ đến như vậy:”… Một đêm thôi! Một đêm thôi! Cho ta được làm kẻ giăng tơ”. Người đàn bà trong câu thơ ở chặng đường này thoát ra khỏi mạng nhện rối rắm kia, trở thành người phụ nữ vững vàng, bản lĩnh hơn. Trong dòng thơ ca trước có một Hoàng Cầm đi tìm “lá diêu bông” tiễn một người con gái mình yêu đi lấy chống,  thỉ hôm nay lại có một nhà thơ nữ Nguyễn Thị  Liên Tâm “dọn nỗi buồn năm trước” để “đi tìm lá phu thê,/hào hển một đời nhau”, mặc dù chị biết: ”Dại khờ một khúc ca dao/Ngọt dành cho bậu, trái đau riêng mình”. Đọc câu thơ này gợi tôi nhớ đến hai câu ca dao “Trời mưa ướt lá trầu xanh/Ướt em em chịu, ướt anh em buồn “. Với những câu thơ trong phần này tôi thấy thích chị hơn. Tôi yêu cái say đắm nhưng tỉnh táo của chị: ”…Người đàn bà cô đơn/soi mình vào bóng người đàn bà đoan trang khác/rồi tự vỗ về mình đừng lạc thẳm vào đêm (Vỗ về đoan trang – trang 75). Hình như nỗi buồn đã đổi sắc màu, không còn màu xám của bức tường đêm và những màn tơ nhện, không còn những cơn mưa rả rich gọi đông. Nỗi buồn ửng lên màu xanh biếc vì người đàn bà biết đem nỗi buồn chưng cất thành niềm vui chỉ có một Nguyễn Thị Liên Tâm thôi, một người phụ nữ khuê các, truyền thống bước ra với ánh sáng rực rỡ của trái tim ấm áp đấy trí tuệ và bản lĩnh bằng những câu thơ đẹp” … Đêm nõn nà, trăng mộc thượng tuần/Vói tay hái hoa đem về ru giấc… Ai ru tình, tóc xõa thung dung/Cho ai hái trăng đem về lót gối.” (Hái trăng –trang 85).

 

Người phũ nữ trong thơ Liên Tâm rất đời thường nhưng họ rất phi thường, dũng cảm. Đó là hình ảnh bà mẹ vượt qua nghèo khó nhọc nhằn in “dấu chân gầy lên cát trắng” tần tảo lo cho chồng con, đó là những người đàn bà đi qua cuộc chiến tranh còn lại một mình biết vượt qua nỗi đau mất mát, ươm nó thành bông hoa hy vọng “… Chị muốn biến mọi thứ hoa/thành màu xanh hy vọng/tràn trề nhựa sống/ không tàn, không úa… Người đàn ông của chị không về nên hoa tỉa cứ màu xanh”(Người đàn bà tỉa hoa xanh – trang 89). Chị thong dong:

 

“... Xòe bàn tay đẹp

Vuốt ngón tay thon

Ngước mắt trông lên

Khoảng trời thinh lặng

Đêm xuân

Độc thoại tình.”

 

    (Chấp chới phù dung – trang 91).

        

Trong cuộc sống này sợi dây tơ hồng buộc người đàn ông và người đàn bà thành một mối lương duyên tiền định, có vui, có buồn, có đau thương mất mát, có chia ly. Và họ luôn luôn phải buộc vào nhau bởi sự yêu thương, nhớ nhung  và luôn cần có nhau đi suốt chặng đường đầy mùa thu lá rơi, đầy sợi mưa lất phất có một chút hoàng hôn rơi chậm đâu đây và đương nhiên trong trái tim khao khát yêu thương của các chị vẫn cần một người đàn ông đang chờ  đợi ở cuối con đường. Thơ của Nguyễn Thị Liên Tâm đã đem đến bạn yêu thơ những điều kỳ diệu “… Anh yêu em, ngàn triệu giấc đam mê/ Khoảng cách không gian/chỉ làm quắt quay thêm nỗi nhớ/ Khung cửa nhỏ, hằng đêm anh vẫn mở/Đợi bước chân em quây quả quay về.” (Độc thoại với người đàn bà yêu dấu – trang 105). Hãy cho người đàn ông biết nỗi đau khổ khi chờ đợi người mình yêu như thế nào chứ phải không Liên Tâm! 

 

Tôi mượn bốn câu kết của nhà thơ Phạm Thiên Thư kết thúc bài viết của mình:

                 

“… Trăng trong tiếng đàn

Cỏ cây ngủ muộn

Ta nàng gọi hồn

Thơ bạn – Rất hay!”

 

  (Túy Mộng - Phạm Thiên Thư)
Truc Linh Lan
(nhavantphcm.com.vn)