Vợ người ta

29.07.2020

Huân đi chợ mua ít thịt về xay cháo nấu cho mẹ. Vừa đến cổng chợ đã thấy tiếng ồn ào cãi vã. Huân không phải kiểu người tò mò chuyện thiên hạ, tính đi vụt qua thì chợt nghe giọng nói quen thuộc. “Em đến sớm, thấy chỗ này không có ai thì bày hàng ra bán, chứ không định tranh cướp chỗ của ai”. Giọng nói run run như sắp khóc, lạc đi giữa tiếng oang oang, ồm ồm của mấy bà hàng thịt đang sồn sồn chỉ tay xỉa xói. Đúng là giọng của Thoa.

Vợ người ta

Huân dựng xe, lao vào giữa đám đông gạt những cánh tay còn tanh nồng mùi cá thịt, quát to:


- Tưởng ai. Hóa ra là chồng cũ nhảy vào bênh vực đấy à. Nó giờ làm vợ người ta, liên quan gì đến cậu mà lên tiếng.- Ngồi nhầm thì trả chỗ, chứ có gì mà ầm ĩ. Các bà cậy đông định hùa vào bắt nạt người ta à.

- Chẳng liên quan gì cả. Tôi thấy ồn ào chướng tai gai mắt thì nhảy vào phân giải thôi. Thói đời, luật chợ tôi còn lạ gì. Có thêm người bán thịt các bà sợ giành mất khách của mình chứ gì. Chợ là chợ chung, ai mua bán gì cũng được. Miễn đóng đủ tiền thuê chỗ. Cũng là vì miếng cơm manh áo cả thôi. Đều là đàn bà không thông cảm cho nhau thì thôi, việc gì phải gây khó dễ.

Thoa lấy vạt áo lau nước mắt. Nhặt mấy miếng thịt dưới đất lên vuỗi cho sạch bụi, bảo Huân:

- Chuyện chẳng có gì đâu. Anh cứ đi đi.

Huân rời đám đông trôi về nhà trên chiếc xe máy cũ thỉnh thoảng xóc lại kêu lọc xọc như vài cái ốc nào đó muốn rơi ra. Hay đó là tiếng kêu của lòng Huân, rời rạc, lộn xộn và bức bí. Lúc ly hôn, Huân không nghĩ đến những lần gặp mặt về sau. Không nghĩ sẽ có ngày thấy Thoa phải vất vả bán buôn, bé nhỏ trong đám đông hung dữ ấy. Ý nghĩ ấy khiến Huân thấy xót xa. Huân đi qua bốn năm sau ly hôn bằng vài lần say bí tỉ. Nghe mẹ nói lúc say, Huân thường hát đi hát lại mấy câu “khi thấy buồn em cứ ghé chơi. Chim vẫn hót trong vườn đấy thôi. Chỉ có trong tôi ngày đã sang đêm lâu rồi”(*).

Đó thường là những lần buồn quá khi nghe ai đó nhắc về Thoa. Họ nói “Thoa mới đi bước nữa. Lấy một người đàn ông đã qua một đời vợ, hai đứa con riêng”. Rá rổ cạp lại, ừ thì cũng không sao. Huân tự nhủ chắc là họ sẽ hạnh phúc thôi, ai qua một lần đổ vỡ chắc cũng đều trân trọng người đang đi bên cạnh mình. Rồi có ngày ai đó đi qua trước cổng, thấy Huân đang lên luống trồng rau thì ới bảo: “Biết tin gì chưa? Cái Thoa đã sinh con rồi.

Một cô con gái đáng yêu lắm nhé”. Huân nghĩ, mừng cho em, người đàn bà nào chẳng khao khát có con để vùi mình trong thịt da thơm tho mùi sữa. Cái ước ao tưởng chừng bình dị ấy mà suốt mười một năm trời Huân không thể nào cho Thoa được. Trận quai bị năm mười bốn tuổi đã cướp đi khả năng được làm cha của Huân. Chạy chữa khắp nơi, thậm chí Huân đã bán nửa mảnh đất thổ cư, vét đến đồng tiền cuối cùng làm thụ tinh nhân tạo. Nhưng hạnh phúc không mỉm cười với Huân, chẳng có may mắn nào xuất hiện. Huân lại say, mê man nghĩ về những ngày cố tình hắt hủi đuổi Thoa rời khỏi cuộc đời mình.

Giờ nửa đêm thức giấc, nhìn qua song cửa sổ ngó vầng trăng vành vạch, Huân nghĩ giờ này chắc Thoa đang vùi mặt trong mớ tóc của con mà ngủ. Cũng có thể Thoa đang áp vào ngực người đàn ông của mình thủ thỉ đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Ngày xưa Thoa hay bảo “em nghiện mùi mồ hôi của anh. Cứ muốn hít hà mãi không thôi”. Hạnh phúc thuở xưa cứ giày vò Huân trong từng đêm vắng. Trăng sáng quá, soi rọi tận tâm can người đàn ông đơn độc. Trong buồng thỉnh thoảng lại vẳng ra tiếng ho của mẹ. Gió bắt đầu khua khoắng ngoài bụi chuối, lùa đám lá khô loạt soạt dưới sân. Gió chạm vào cửa gỗ như những ngón tay ngập ngừng muốn mở. Huân vùng dậy rồi bỗng nhiên thấy lòng tê tái. Làm gì có ai về để mình đợi cửa…

Đang giữa mùa sen, Huân thường dậy từ tờ mờ sáng chèo thuyền đi hái hoa. Có hôm Huân ngủ giữa đầm từ đêm hôm trước, giấc mơ như được ướp hương sen. Ngày Thoa còn ở đây, mùa sen nào cũng bận. Hết hái hoa để bán cúng rằm, mồng một thì lại đi cắt lá sen phơi bán cho người ta uống giảm cân hoặc làm thuốc chữa mỡ máu. Mẹ lên đồi hái chè mang xao khô được ít nào là Thoa lại mang đi ướp sen đến đó.

Muốn hái sen ướp chè phải đi từ lúc sương còn đọng lấp lánh trên lá. Lúc ấy, những nụ sen còn ngậm đầy hương. Nhiều hôm Thoa thương chồng, không muốn đánh thức nên nhẹ nhàng mở cửa xuống đầm sen một mình. Lúc trời sáng tỏ, Thoa trở về, vừa hé cửa ra là hương sen trên người đã lan tỏa khắp các gian nhà. Từng sợi tóc cũng ướp đầy hương, bàn tay chạm đến đâu là thơm tho đến đó. Thoa đi lâu rồi mà chăn gối vẫn vương mùi của yêu thương gạn lại.

Dạo này Huân hay đi giao hoa qua con đường ấy. Nhà chồng Thoa nằm ngay ở ngã ba, ẩn sau những tán cây xanh um. Lần nào đi qua Huân cũng đưa mắt nhìn xem có bóng dáng người xưa hay không. Có lần thấy Thoa đang cùng chồng trèo hái vải. Tiếng cười lanh lảnh vang ra lăn vào lòng Huân như đá sỏi. Ừ người ta hạnh phúc, cớ sao buồn? Có hôm thấy Thoa mắc võng nằm ru con trước nhà.

Tiếng ru buồn thật buồn, hay là Huân tưởng thế? Hôm gặp nhau ở chợ, thấy tay Thoa có vết bầm, Huân còn chưa kịp hỏi gì thì Thoa cười bảo “do em bất cẩn bị va đập thôi. Chỉ vài hôm là khỏi”. Nhưng Huân cứ nghĩ về nó mãi. Ngay cả khi nhắm mắt, vết bầm cũng ám ảnh anh bởi câu hỏi liệu có phải do va đập hay là người đàn ông ấy đối xử không tốt với Thoa. Đã có lúc Huân muốn đến đó hỏi cho ra nhẽ. Nhưng Huân có tư cách gì mà xen vào cuộc đời Thoa nữa. Huân giờ là chồng cũ, gọi Thoa bằng mấy chữ “vợ người ta”.

Mới mờ sáng, Huân còn chưa kịp tỉnh giấc đã nghe thấy bà con hàng xóm gọi vọng vào. “Dậy! Dậy đi Huân ơi. Ra mà xem có đứa trẻ nào bị vứt bỏ trước cổng nhà đây này”. Tiếng trẻ con khóc nghe xé ruột. Huân dậy chạy ra ngoài thì thấy hàng xóm đang túm tụm chuyền tay nhau bồng một đứa trẻ con. Lạ thay khi vừa nhìn thấy Huân, đứa trẻ bỗng nhiên nín khóc. Huân vừa chìa tay ra, đứa nhỏ đã mếu máo tủi thân dụi đầu vào ngực Huân như đang tìm bầu sữa.

Ai đã vứt bỏ nó? Đứa nhỏ đáng yêu như thiên thần thế này sao ai nỡ lòng nào vứt bỏ? Mà bao nhiêu nhà sao lại chọn đúng cổng nhà Huân để đặt thằng nhỏ ở đây? Phải chăng ai đó biết Huân thèm khát có một đứa con nên gửi gắm đứa trẻ nơi đây? Xã tạm thời giao cho mẹ con Huân chăm sóc thằng nhỏ. Huân và mọi người đặt tên con là Bình với mong muốn những tháng ngày về sau thằng nhỏ lớn lên trong bình yên. Mẹ Huân vui lắm, ngày nào cũng vài bận bế Bình đi khắp xóm xin sữa. Nhà có thêm đứa nhỏ tự nhiên thấy ấm cúng biết bao nhiêu.

Mẹ bảo “bế nó nhiều xương cốt khỏe ra mới lạ”. Nhiều đêm Huân lọ mọ dậy hâm nóng sữa rồi cứ nằm ngắm thằng nhỏ mãi thôi. Thỉnh thoảng Huân lại hôn lên bàn tay bé nhỏ của Bình. Da thịt trẻ con thơm tho đến mức mọi ưu phiền trong lòng người tan biến. Có khi đang mê man trong niềm vui sướng nhưng chỉ cần thấy thằng nhỏ khẽ ho là Huân lại cuống cuồng tìm lọ dầu tràm xoa nhè nhẹ.

Nhiều năm trước, từng vài lần Huân đèo Thoa đi xin con nuôi. Cứ thấy ai mách có trẻ bị bỏ rơi là đi, nhưng lần nào cũng về không. Thường là vì những đứa trẻ đó được người thân suy nghĩ lại đến đón về. Cũng có lần chậm chân, người ta nhận nuôi trước rồi. Nhưng lần này thì khác. Huân được quyền nuôi dưỡng đứa nhỏ sau hơn một tháng trôi qua vẫn không có người thân đến nhận.

Hôm hoàn thành thủ tục nhận nuôi, Huân làm mâm cơm cúng tổ tiên, mời bà con hàng xóm đến chung vui. Người mang sang bịch bỉm, người mang ít quần áo cũ, người mua cho thằng nhỏ cái vòng bạc quản gió. Có người mẹ trẻ mới sinh con thì mang bầu sữa đến cho thằng nhỏ bú đã đời. Huân chạy lăng xăng pha chè, hái lá chanh rắc thịt gà, bới tung đống quần áo trong buồng để tìm cho thằng nhỏ đôi tất chân vừa vặn nhất. Dù làm việc gì, chạy đến góc nào thì Huân vẫn nghe thấy tiếng cưng nựng bên tai:

- Thằng nhỏ này lớn lên bảnh lắm. Nó sẽ khiến gái làng này mê mệt.

- Tôi đang mường tượng ra cảnh lúc nó lên chín lên mười, nó chạy quanh cái xóm nhỏ này. Tụi mình có thêm một đứa nhỏ mà sai vặt.

- Trông cái tướng này là cũng bướng bỉnh lắm nhé. Có khi lại giống bố nó ngày bé. Thằng Huân ngày xưa thỉnh thoảng lại thấy bị mẹ rượt quanh làng.

Huân tủm tỉm cười. Lúc ngẩng lên thấy vợ chồng Thoa dắt mấy đứa nhỏ đến đứng ngay trước mặt. Thoa cười bảo: “Cả nhà em tới thăm cháu Bình. Có mua cho thằng bé mấy bộ quần áo”. Thoa nắm lấy bàn tay nhăn nheo của mẹ Huân, rưng rưng nói: “Con mừng cho mẹ và anh Huân. Vậy là từ nay mẹ có cháu bế bồng”. Cảnh tượng này Huân nằm mơ cũng chưa từng nghĩ tới. Thoa vẫn nhớ từng xó bếp góc nhà. Nhớ mắm muối để đâu, mâm thiếu ớt biết chạy ra sau nhà để hái. Trong bữa cơm, chồng Thoa thay Huân rót rượu. Lúc nâng chén với nhau, Huân thấy mắt cay xè. Chẳng biết do hơi rượu hay lòng Huân quá đỗi bùi ngùi…

Vũ Thị Huyền Trang
(baodanang.vn)