93 tác giả được trao Giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam

31.01.2024
PV
Sáng 31/1, tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức gặp mặt mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 và Tổng kết giải thưởng âm nhạc năm 2023.

93 tác giả được trao Giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam

PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trao giải A cho nhóm tác giả đoạt giải.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, 2023 ghi đậm dấu ấn những thành tích trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực Văn hóa, Văn học nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực Âm nhạc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo dấu ấn đậm nét.Trong đó có sự kiện đáng chú ý là Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ X (2020 - 2025), nhằm tổng kết công tác nửa đầu nhiệm kỳ và đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác từ nay đến hết nhiệm kỳ.

Trong công tác chuyên môn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi: Tổ chức thành công Liên hoan Âm nhạc toàn quốc 2 đợt tại An Giang và Hà Giang, đồng thời, tổ chức các cuộc tọa đàm với các chủ đề bổ ích, thiết thực gắn liền với công tác sáng tác, nghiên cứu, bảo tồn giá trị âm nhạc. 

Hoạt động tri ân tiếp tục là điểm nhấn trong những tháng cuối năm 2023 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh các nhạc sĩ Văn Cao; nhạc sĩ Trọng Loan, nhạc sĩ Xuân Oanh…

Chương trình nghệ thuật Đàn chim Việt diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám trong thời điểm kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh mồng 2/9. Chương trình được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTT&DL và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam bảo trợ truyền thông. Chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao, được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn học nghệ thuật tiêu biểu năm 2023.

Nói về Giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng nhấn mạnh, đây là hoạt động nhằm vinh danh các nhạc sĩ, nghệ sĩ cùng những sáng tạo âm nhạc xuất sắc trên các lĩnh vực: sáng tác, Biểu diễn, lý luận phê bình và đào tạo. Qua đó tiếp tục động viên các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình, nhà giáo âm nhạc tiếp tục sáng tạo và cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà nói riêng và nền văn học nghệ thuật của đất nước nói chung.

“Thông qua các giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng là sự tích lũy những thành tích sáng tạo nghệ thuật của mỗi nhạc sĩ, nghệ sĩ làm cơ sở tiến tới những giải thưởng cao hơn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật” - PGS. TS Đỗ Hồng Quân chia sẻ. 

PGS. TS Đỗ Hồng Quân cũng cho biết, Hội đồng xét giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đã tiến hành xét Giải thưởng Âm nhạc năm 2023 từ ngày 20 đến ngày 21/12/2023 trong các lĩnh vực: Thanh nhạc, Khí nhạc, các công trình Lý luận phê bình và Báo chí âm nhạc, các chương trình biểu diễn.

Ban tổ chức đã nhận được 275 tác phẩm của 275 tác giả là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước gửi tham dự. Cụ thể: thể loại Thanh nhạc có 209 tác phẩm; ca khúc thiếu nhi 23 tác phẩm; Giao hưởng 3 tác phẩm; Thính phòng (Độc tấu - Tứ tấu - Hòa tấu nhạc cụ) 14 tác phẩm; hợp xướng và Acapella 6 tác phẩm; Ca khúc nghệ thuật 4 tác phẩm; Chương trình biểu diễn 7; và 9 công trình lý luận, gồm sách nghiên cứu, sách biên soạn và sưu tầm, các tập bài báo về âm nhạc.

Thay mặt Hội đồng xét Giải thưởng Âm nhạc năm 2023, PGS. TS Đỗ Hồng Quân đánh giá, về thể loại Khí nhạc: (Giao hưởng, Thính phòng, Hòa tấu, Hợp xướng, Romance, chương trình DVD), nhìn chung có một số tổng phổ viết chưa đạt, còn lỗi vì chưa hiểu kỹ về dàn nhạc giao hưởng và tính năng nhạc cụ. Một số tác phẩm phối các bè lỏng, chênh hòa thanh, hoặc xếp bè rỗng, hòa thanh chủ yếu đồng âm. Có tác phẩm thiếu tính khí nhạc, có tính tương phản, nhưng hiệu quả còn thấp, âm hình trì tục, đơn giản. Bên cạnh đó, có nhiều tác phẩm được sáng tác khá chắc tay trong bút pháp. Trong đó, có tác giả trẻ đã mạnh dạn viết theo ngôn ngữ phóng khoáng, kết hợp đa dạng, có động lực sáng tạo, tìm tòi, thể hiện tính độc lập, tự tin, tuy vậy hiệu quả chưa thực sự cao như tác phẩm Divergent (Chamber Orchestra).

Về thể loại như Hợp xướng, ca khúc nghệ thuật thì chủ yếu là đồng ca, khi là ca khúc có bè giai điệu chưa có chủ đề rõ ràng để phát triển. Một số tác phẩm cấu trúc không rõ ràng, với lối viết quá cũ, melodi cứng, tiết tấu đơn giản, thiếu cảm xúc (âm nhạc trên máy) rất khó có thể phát triển và tồn tại trong khí nhạc đương đại. Có một số tác phẩm đương đại nhưng chưa rõ về hình tượng âm nhạc, thiếu tính chuyên nghiệp. Một số tác phẩm cần điều chỉnh phần đệm Piano cho Romance và không cần phải thay đổi màu sắc của nhạc cụ khác trong tác phẩm. Một số tác phẩm Acapella chưa phát huy giọng hát của các bè là để hỗ trợ đan xen nhau, thay vào đó là dùng giọng hát thay cho phần đệm của nhạc cụ…

Đối với chương trình nghệ thuật biểu diễn DVD chủ yếu để phục vụ truyền hình, phóng sự truyền hình, chưa đúng tinh thần chương trình biểu diễn âm nhạc. Ngoài ra một số đề tài có tính dân tộc, đậm nét âm nhạc truyền thống, biết tìm tòi cái mới mẻ, có sự kết hợp khá tốt giữa âm nhạc phương Tây và âm nhạc truyền thống, biết kế thừa nguồn gốc âm nhạc cha ông, tiếp thu một cách có chọn lọc những bút pháp, những thành tựu của âm nhạc thế giới, nhưng còn hạn chế về hòa âm, phối khí, tạo hiệu quả với thể loại nhạc không lời.

Về thể loại Thanh nhạc, số lượng bài năm nay nhiều thể hiện hoạt động chuyên môn rất tích cực, tác phẩm ở nhiều đề tài khác nhau, ca ngợi Bác Hồ, quê hương đất nước, các chiến sĩ nơi hải đảo. Tuy nhiên lĩnh vực ca khúc thiếu nhi chưa có nhiều tác phẩm cần quan tâm hơn nữa.

Ngôn ngữ âm nhạc có nhiều ý tưởng sáng tạo, các nhạc sĩ có nhiều đầu tư cho tác phẩm của mình về phối khí, ca sĩ rất công phu, có hiệu quả cao, có nhiều tìm tòi sáng tạo mới trong ngôn ngữ âm nhạc cũng như đặt vấn đề về chủ đề và nội dung. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nhạc sĩ đi theo lối sáng tạo cũ, chưa có tìm tòi mới trong sáng tạo nghệ thuật, một số tác phẩm phổ thơ chạy theo lời, hát thơ chưa có sự cô đọng, toát lên ý tưởng tư duy và ngôn ngữ âm nhạc của mình.

Về công trình Lý luận phê bình, số lượng công trình, tác phẩm dự thi còn ít hơn so với năm trước. Tuy nhiên có nhiều sách nghiên cứu, biên soạn và sưu tầm. Các bài báo chủ yếu là phê bình âm nhạc, không có bài báo về nghiên cứu lý luận. Chất lượng công trình tác phẩm dự thi đảm bảo tiêu chí xếp hạng, nhiều sách nghiên cứu chuyên sâu, phê bình âm nhạc, giới thiệu di sản âm nhạc truyền thống, chân dung tác giả, tác phẩm…

Tại lễ tổng kết và trao Giải thưởng Âm nhạc năm 2023, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trao: 5 giải A; 26 giải B; 30 giải C; 27 giải Khuyến khích và 5 chương trình biểu diễn xuất sắc.

Hội Âm nhạc Đà Nẵng có 3 nhạc sĩ và 1 ca sĩ đoạt giải là Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm đạt giải B với tác phẩm Đừng tưởng, Nhạc sĩ Phạm Quang Trung đạt giải C với tác phẩm Lung linh miền ký ức, Nhạc sĩ Thu Thủy đạt giải Khuyến khích với tác phẩm Giấc thu, Ca sĩ Thanh Trà đạt giải thưởng với live show Xin còn gọi tên nhau.