Bài thơ “Đi đày ở Bà Nà” 90 năm trước - Cao Chư

02.12.2019

Bài thơ “Đi đày ở Bà Nà” 90 năm trước - Cao Chư

Bà Nà Hill ngày nay được biết đến rất nhiều với tư cách một khu du lịch ấn tượng trên núi cao của thành phố Đà Nẵng. Nhiều sách báo đã đề cập đến quá trình khảo sát, xây dựng Bà Nà thời Pháp thuộc, thăng trầm của Bà Nà cho đến khi nó tái khởi sắc. Nhưng chưa thấy ai nói đến việc đi đày ở Bà Nà 90 năm trước, năm 1930.

Thú thật là chính sự phục hưng Bà Nà bây giờ mới cho tôi biết rằng Bà Nà không phải một địa danh vô danh, mà nó đã có tiếng tăm từ thời Pháp thuộc. Năm 1901 thực dân Pháp bắt đầu khảo sát rồi một vài thập niên sau khu nghỉ dưỡng Bà Nà hình thành. Từ địa danh Bà Nà như vậy, tôi tình cờ đọc và mới chú ý đến một bài thơ vô danh, của một tác giả không tên tuổi, để rồi thấy nó thật đáng chú ý, một khía cạnh khác, để bổ sung cho lịch sử Bà Nà. Đó là bài thơ Đường đi Bà Nà của ông Nguyễn Huỳnh. Ông Nguyễn Huỳnh là ai? Là người ở thôn Văn Hà, sau thuộc xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, sinh năm 1910. Ông tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên rồi vào Đảng Cộng sản năm 1930, và hy sinh đầu năm 1931. Bài thơ Đường đi Bà Nà của ông ghi là đầu năm 1931, và nội dung là đi đày, như vậy chắc hẳn ông đã bị thực dân Pháp bắt trong cao trào cách mạng 1930 ở Quảng Ngãi. Bài thơ được ông Trương Huệ cung cấp cho tác giả Nguyễn Hồng Sinh, được chọn in trong tập Thơ văn yêu nước và cách mạng Quảng Ngãi (1885 - 1945) do Hội Văn nghệ Nghệ An xuất bản năm 1975. Trong chú thích tác giả có ghi Bà Nà “ở tỉnh Quảng Nam nơi giam giữ tù chính trị Quảng Ngãi”. Ông Nguyễn Hồng Sinh đã mất. Việc ghi như vậy quá vắn tắt và trong bài thơ cũng có vài chỗ cần phải nghiên cứu, hiệu chỉnh thêm.

Bài thơ Đường đi Bà Nà với 42 câu lục bát (84 dòng), kể lại quá trình đi đày ở Bà Nà, bắt đầu với mấy câu:

Hạ bút tả thiên lưu tích

Chuyện anh em hành dịch chốn

Bà Nà

Thứ hai, mười bốn tháng Ba

Đầu tiên sáu chục, chở ba xe đầy

Tiếp đến là hành trình:

Xe qua sống nước Trà Giang

Chuông chùa Thiên Ấn ngân vang

dặm dài

Như vậy ta có thể hiểu đoàn người đi đày này xuất phát từ nhà lao Quảng Ngãi, theo Quốc lộ 1 (Bấy giờ thực dân gọi là Đường Thuộc địa số 1 - Rout Coloniale N01) ra hướng bắc trên 120 km rồi đi về hướng tây lên Bà Nà. Kế đó bài thơ kể về nỗi nhớ Tết ở quê, với tiếng vui cười, với giao thừa bên nồi bánh tét, với tiếng hát sắc bùa, hát bài chòi, nhớ che mía... rồi lại liên tưởng nỗi cơ cực của quê hương và cuộc đấu tranh.

Quay về thực tại, tác giả viết:

Ù ù xe cuốn mù sương

Mặt trời nghiêng bóng, biển Đông

sóng trào

Gió đưa hương lúa ngạt ngào

Khiến đoàn lữ thứ nao nao tấc lòng

Xe đến ga An Lợi thì ngừng và đoàn người được lệnh xuống xe, tiếp đó:

Lù lù một lũ lính Tây

Cùng với đồ đạc chất đầy ngổn ngang

Nó hô: “Xuống đứng sắp hàng

Cột, khiêng, đóng, gánh lên đàng

cho mau!”

Đoàn người tù đày phải gánh vác đồ đạc cho Tây nặng quằn vai, trên con đường rừng đầy chông gai hoang dại:

Lần theo dấu thỏ chân nai

Gập ghềnh sỏi đá, chông gai bịt bùng!

Mưa phùn, dốc ngược, đường trơn

Đứng lên ngã xuống, chân chùng,

gối run

Thằng Tây mắt đục gườm gườm

Miệng “A–lê-hấp” tay vung roi hèo

Và rồi sự kháng cự cũng đã bùng lên:

Cuồng phong nổi giữa đỉnh đèo

Nửa chung chống cự, nửa gieo

uy quyền

Tinh thần chọi với súng gươm

Máu người yêu nước tưới xanh

núi rừng!

Kết thúc bài thơ, tác giả thể hiện ý chí hiên ngang bất khuất của những người tù yêu nước và tin tưởng sẽ có ngày đất nước trở lại huy hoàng.

Bài thơ gợi nhớ đến trường hợp cuộc đấu tranh lưu huyết ở ngục Kon Tum đã có nhiều người biết đến: Năm 1931, thực dân Pháp buộc những người tù đi lao động khổ sai làm đường ở Đắc Pét, tù nhân chống lại và tên chúa ngục Moulec bắn chết ngay tại chỗ những chiến sĩ hiên ngang như Trương Quang Trọng, Lê Trọng Kha. Cuộc mở đường khai thác thuộc địa của Pháp ở vùng bắc Tây Nguyên và Trường Sơn bắt đầu từ khi thực dân khai thác thuộc địa năm 1914, kéo dài đến mấy thập niên sau, và nhiều người phải đi xâu, nhiều tù nhân phải lao động khổ sai trong đàn áp, roi vọt, đổ máu, như về sau Tố Hữu đã thể hiện trong bài thơ Tiếng hát đi đày trên đường đi Kon Tum:

Chao ôi! Xưa cũng chốn này đây

Thân bạn vùi chôn dưới gốc mây

Roi vọt rát tay bầy lính rợ

Máu đầm khoái mắt lũ đồn Tây

Mỗi hòn đá đó bao hòn huyết

Mỗi khúc cầu đây mấy khúc thây!

Phong trào nổi dậy “Nước Xu đỏ” của các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên trong thập niên ba mươi của thế kỷ XX cũng bắc nguồn trực tiếp từ sự cưỡng bức đi xâu làm đường, xây đồn bót của thực dân Pháp ở miền núi.

Cho nên tôi chắc rằng bài thơ của Nguyễn Huỳnh cũng ra đời trong bối cảnh tương tự: đoàn tù nhân 60 người được đưa đến Bà Nà để lao động khổ sai, làm đường, đã phản kháng và bị thẳng tay đàn áp, đầu rơi máu chảy. Để xây dựng Bà Nà, thực dân Pháp hẳn cũng đã huy động, cưỡng ép biết bao người khác đi làm xâu, đi lao động khổ sai.

Bà Nà mát mẻ, hấp dẫn, tươi đẹp, tốt rồi, nhưng giá như có thêm sự lưu dấu của những đau thương thuở ấy, của bài thơ như vầy được khắc ghi vào đá núi, để cho người đến tham quan được cảm nhận một thời, một mặt bi thương trong lịch sử Bà Nà.

C.C