Họa sĩ Nguyễn Văn Tài: Tôi còn may mắn “nói” những điều tốt đẹp lên tranh - Quang Minh

02.12.2019

Họa sĩ Nguyễn Văn Tài: Tôi còn may mắn “nói” những điều tốt đẹp lên tranh - Quang Minh

BBT: Họa sĩ Nguyễn Văn Tài năm nay 70 tuổi, quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, định cư tại Đà Nẵng. Nguyên công tác tại Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng, nay nghỉ hưu ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Trước khi chia tách tỉnh, anh là hội viên Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chuyên ngành Mỹ thuật. Đã tham gia các triển lãm, mỹ thuật tại địa phương từ năm 1978 đến nay. Tham gia triễn lãm mỹ thuật toàn quốc vào năm 1982 tại Hà Nội. Năm 1983, triển lãm tranh chung với họa sĩ Hoàng Đặng tại nhà máy Dệt Hòa Thọ.

Họa sĩ Nguyễn Văn Tài chuyên sáng tác tranh bằng chất liệu giấy xé dán. Họa sĩ Nguyễn Văn Tài vừa thoát khỏi bạo bệnh, nhưng di chứng để lại không nhỏ: bị tắt tiếng, phát âm khó khăn. Dẫu vậy, anh đã dành cho Tạp chí Non Nước một cuộc trao đổi về tranh xé dán và công việc sáng tác của mình.

* Trước tiên rất cảm ơn anh vì đã đồng ý tham gia buổi phỏng vấn này. Câu hỏi đầu tiên tôi muốn đặt ra là từ khi nào mà anh bắt đầu niềm đam mê vẽ tranh và tranh dán giấy?

Khi còn là học sinh phổ thông trường trung học Hòa Vang, thường ngày tôi hay làm những công việc có tính chất mỹ thuật. Mãi đến năm 1967, được thầy giáo Nguyễn Xuân giao cho việc trang trí tờ báo tường cho lớp và cho trường. Dường như tôi đam mê hội họa từ đó. Thi tú tài xong, anh Hồ Đình Nghiêm (bạn học cùng lớp) rủ cùng nhau ra Huế thi vào học mỹ thuật. Đến Huế rất may mắn được họa sỹ Hồ Hoàng Đài, giảng viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế truyền cảm hứng cho tôi về làm tranh giấy xé dán. Và tôi đã học ở thầy bao điều.

Tôi chính thức sáng tác tranh chất liệu giấy xé dán vào năm 1978. Khi tham gia trang trí, trình bày các hoạt động kinh tế ngành của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tại 84 Hùng Vương, Đà Nẵng.

* Tranh xé giấy được trau chuốc kỹ lưỡng từ việc chọn màu, chọn bối cảnh không gian, thời gian đến kỹ thuật dán giấy... tạo cho bức tranh có vẻ đẹp tinh tế. Anh có thể nói đôi chút về quá trình thực hiện một bức tranh của anh?

Các bước tiến hành xây dựng một tranh cho dù ở chất liệu nào hầu như đều giống nhau. Nếu có khác, chỉ khác ở cách thể hiện theo từng họa phẩm (quen gọi là kỹ thuật vẽ). Điểm khác này thấy rõ nhất ở tranh xé dán, xây dựng phát thảo (dựng hình, bố cục chì...) thật chỉnh chu, cho đến việc chọn và xé giấy (đôi khi dùng kéo cắt) có màu phù hợp với yêu cầu nội dung quả là điều không dễ. Vì màu trên giấy đã in sẵn xem như đã mặc định. Người làm tranh giấy xé dán không hòa màu, nhồi màu trực tiếp để vẽ, mà chỉ hòa màu một cách tương tác bằng những mẫu giấy đã xé chọn màu phù hợp với yêu cầu của nội dung tranh. Lúc này là lúc người họa sĩ lúng túng vì màu thực tế ở giấy không hoàn toàn giống (có thể đậm hơn, có thể lợt hơn, có thể độ sáng tối phức tạp hơn v.v...). Cho nên người họa sĩ có động tác chọn màu tương đối phù hợp, đảm bảo được yêu cầu của nội dung xuyên suốt. Trong quá trình làm tranh cần dán thử một miếng hoặc nhiều miếng liền kề nhau. Động tác dán thử này rất quan trọng và rất cần cho quá trình sáng tác tranh xé dán. Tranh giấy xé dán đích thực là hoàn toàn dùng màu của giấy, không có màu dùng cọ vẽ bổ sung cho dù chi tiết đó là rất nhỏ.

Ngoài ra, ngày nay có nhiều loại hóa chất giúp chúng ta chống ẩm mốc, bong tróc, xuống màu, mọt mối làm hỏng tranh. Do vậy, độ bền của tranh được tốt hơn.

*Anh có thể chia sẻ với chúng tôi đôi chút về quá trình sáng tạo một tác phẩm được không? (Ví dụ như bức “Bến sông Trà Linh”, “Nhịp cầu và trăng”, “Di trú hay là chết”...)

 Mỗi tác phẩm đều có một quá trình và điều kiện sáng tạo riêng. Tác phẩm “BẾN SÔNG TRÀ LINH” và “PHỐ CỔ HỘI AN” là một ví dụ. Tình cờ, tôi gặp nhiếp ảnh gia Lê Văn Thọ và chúng tôi thống nhất một chuyến đi thực tế bằng honda đến các huyện Quế Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên và Hội An. Tham vọng thì nhiều nhưng quỹ thời gian và sức người có hạn. Mỗi chúng tôi một lĩnh vực sáng tạo, nhưng biết tương tác nhau để có những phác thảo đẹp. Đến Hiệp Đức để qua Nông Sơn, chúng tôi thuê thuyền từ làng Trà Linh đến Hòn Kẽm - Đá Dừng. Chuyến đi này đã cho chúng tôi nhiều cảm hứng sáng tác. Và tác phẩm “BẾN SÔNG TRÀ LINH” và “PHỐ CỔ HỘI AN” ra đời từ hoàn cảnh này.

Hiện nay 2 tác phẩm này thuộc sỡ hữu của anh Nguyễn Xuân Tú, một doanh nhân trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh, quê người Quảng Nam.

Mỗi tác phẩm là một nỗi niềm và là một kỷ niệm. Tôi vẫn thấy tác phẩm “ĐÊM TÍM SÔNG HOÀI” vẫn tràn đầy cảm xúc trong tôi. Tôi rất tâm đắc tác phẩm này.

* Người nghệ sĩ sáng tác đôi khi rơi vào một tình trạng khủng hoảng trong việc sáng tác, vì mất cảm hứng, bí đề tài... anh có từng bị như thế không?

Tôi rất nhiều lần gián đoạn sáng tác. Một phần vì khủng hoảng tinh thần, tụt cảm hứng, bí đề tài v.v... Và một phần khác do sức khỏe, và thói đời. Khắc phục được các yếu tố trên đối với tôi không phải là dễ. Thế nhưng, bằng nghị lực, bằng sự đam mê, bằng sự trợ giúp nhân ái của nhiều người, tôi dần dần vượt qua để có thêm những sáng tác mới.

Với tôi, ngoài việc đọc báo, tôi còn “nhìn báo” bởi qua đó tôi bắt gặp nhiều hình đẹp, ảnh đẹp, màu đẹp và phong phú. Là tôi liên tưởng đến tranh giấy xé dán đẹp. Đó là giải pháp khắc phục của tôi. Nhưng, đối với sức khỏe lại là quá khó. Mà còn khó hơn là khả năng “tay nghề” của mình.

* Anh hiện nay mắc căn bệnh khá nặng, nhiều lúc thấy anh nói rất khó khăn. Anh cho biết căn bệnh có ảnh hưởng như thế nào đến việc sáng tác của anh.

 Cách đây hơn 20 năm tôi thường xuyên điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh. Tôi mắc căn bệnh “phình” dây thanh quản. Một lần thấy người bệnh nằm bên cạnh có tờ tạp chí xuân. Thấy báo là tôi thích và tôi tha thiết xin được tờ tạp chí xuân ấy. Nhưng tôi không đọc mà tôi... xé. Những người ở chung trong phòng bệnh rất ngạc nhiên, vì có ai biết nỗi nhớ tranh giấy xé dán của tôi.

Bằng đam mê tôi hoàn thành một bức tranh giấy xé dán khổ 40x40cm tại giường bệnh. Ban đầu, y bác sĩ có than phiền, nhưng vài ngày sau họ thương cảm và vui vẻ, khi thấy mình vui - khỏe.

Bức tranh ấy tôi tặng cho bác sĩ và một bức thư pháp tặng khoa tai - mũi - họng. Một kỷ niệm để đời của người bệnh, như tôi.

Còn bây giờ, tôi thản nhiên với căn bệnh của mình. Khi khỏe thì chọn giấy dán, khi mệt thì nghỉ. Tôi còn may mắn nói được những điều tốt đẹp lên tranh mình. Khi mình không nói được. Và tôi có ý thơ: Chiếc dao mổ chạm vào/ Như ý từ sắc nhọn/ Xanh - đỏ - vàng nhảy múa/ Tranh mình thêm lung linh...

* Xin cám ơn họa sĩ Nguyễn Văn Tài. Thay mặt BBT tạp chí Non Nước chúc anh giữ mãi ngọn lửa đam mê hội họa, vượt qua bênh tật và tiếp tục sáng tạo.

Q.M