Bí ẩn vị "quốc nữ" Trần Ngọc Lãng tại Đà Sơn

29.08.2022
Vũ Hùng

Bí ẩn vị "quốc nữ" Trần Ngọc Lãng tại Đà Sơn

Phan tộc phổ chí Đà Sơn - Đà Ly nhị xã”, tức Phổ chí tộc Phan của hai làng Đà Sơn và Đà Ly. Làng Đà Ly nay là thôn Phong Nam của xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, và khu vực Phong Bắc, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Bản phổ chí này lập năm 1806, ghi bằng chữ Nho, không chỉ quý với tộc Phan mà còn là tư liệu giá trị về nhiều mặt đối với các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa địa phương và miền Trung. Bài viết này chỉ góp phần tìm hiểu nhằm làm rõ thêm vị “quốc nữ” Trần Ngọc Lãng, vợ của tiên công Phan Công Thiên.

Theo phổ chí, tiên công Phan Công Thiên qua đời năm 1405 (không ghi năm sinh), là vị tổ đời thứ nhất của tộc Phan, được vua nhà Trần gả một vị “quốc nữ”, tên húy Trần Ngọc Lãng”, sinh ngày 10 tháng 3 âm lịch (không ghi năm sinh), qua đời vào năm 1406, ngày giỗ mồng 7 tháng Giêng, mộ bà táng tại “làng Đà Sơn xứ đất nhiêu Trà Na, đất thổ kiều Chiêm”.

Ngoài ghi chép trong phổ chí nêu trên, đến nay chưa có sử liệu nào khác trong thời phong kiến ghi chép về vị “quốc nữ” Trần Ngọc Lãng.

Hiện nay, có một số bài viết về vị “quốc nữ” này nhưng không thống nhất, thiếu cơ sở và sai lệch so với phổ chí.

Một bài viết ghi bà sinh ngày 10 tháng 3 năm 1350 và mất năm 1402, lúc 52 tuổi, là công chúa Huy Châu Trần Ngọc Lãng, em công chúa Huy Ninh, con của vua Trần Nghệ Tông. Có tác giả lại cho rằng bà là con của vua Trần Thuận Tông. Một tài liệu khác lại ghi bà sinh ngày 10 tháng 3 năm 1323, là con gái vua Trần Minh Tông và Lệ Thánh Hoàng Hậu.

Trường hợp bà là em công chúa Huy Ninh thì phải là con của vua Trần Minh Tông, không phải là con của vua Trần Nghệ Tông (1321-1394). Vua Trần Minh Tông (sinh năm 1300, mất năm 1357) và Lệ Thánh Hoàng hậu, còn có các tước hiệu là Hiến Từ hay Huệ Từ, có con gái lớn là công chúa Thiên Ninh và hai người con trai là Trần Nguyên Dục và Trần Hạo (vua Dụ Tông). Công chúa Thiên Ninh, còn có các tên khác là Ngọc Nha, Ngọc Tha hoặc Bạch Tha, được gả cho Chính Túc Vương Trần Kham. Ngoài ra, vua Trần Minh Tông còn có hai công chúa Huy Ninh, Nguyệt Sơn nhưng không rõ mẹ là ai. Chồng công chúa Huy Ninh là Trần Nhân Vinh (sau khi chồng chết, là vợ Hồ Quý Ly), em công chúa Huy Ninh là Nguyệt Sơn đã gả cho Ngô Dẫn.

Năm 1317, vua Trần Minh Tông gả chồng cho 5 công chúa Thiên Chân, Huệ Chân, Huy Chân, Thánh Chân và Ý Trinh. Lúc này ông mới 17 tuổi, nên không phải con ông, mà là chị em của ông và người trong hoàng tộc. Như vậy, vua Trần Minh Tông không có công chúa nào là Huy Châu Trần Ngọc Lãng.

Không chỉ vua Trần Minh Tông mà vua Trần Nghệ Tông, vua Trần Thuận Tông và các vị vua khác của nhà Trần cũng chưa vị vua nào ghi nhận có con là công chúa Huy Châu Trần Ngọc Lãng.

Nhà Trần là triều đại duy nhất trong lịch sử nước ta thực hiện chệ độ nội tộc hôn - người trong hoàng tộc Trần lấy nhau1, các trường hợp gả công chúa cho người nội tộc và người dị tộc được chính sử ghi chép.

Từ lúc khởi đầu vào năm 1226 cho đến khi kết thúc vào năm 1400, chính sử ghi chép rõ về việc gả các công chúa của nhà Trần: Năm 1228, Trần Thủ Độ gả công chúa Ngoạn Thiềm cho Nguyễn Nộn; năm 1251, gả công chúa Thiên Thành cho Trung Thành vương, sau đó gả cho Quốc Tuấn; năm 1277, gả công chúa Thiều Dương cho Thượng vị Văn Hưng hầu (không có tên); năm 1285, “sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư hoãn loạn nước”, Trần Bình Trọng là chồng sau của công chúa Thụy Bảo; năm 1306, “gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành Chế Mân”, công chúa Thiên Trân là vợ của Uy Túc công Trần Văn Bích, công chúa Thượng Trân là vợ của Văn Huệ công Trần Quang Triều; năm 1317, “làm lễ thành hôn cho năm công chúa Thiên Chân, Ý Trinh, Huy Chân, Huệ Chân, Thánh Chân (Huy Chân lấy Uy Giản hầu (không rõ tên)”; năm 1375, gả công chúa Trang Huy cho Nguyễn Dận; năm 1376, gả công chúa Tuyên Huy cho Quan Phục Đại vương Húc; năm 1393, gả công chúa Thái Dương cho Thái bảo Nguyên Hãng2.

Cuộc hôn nhân của vị “quốc nữ” Trần Ngọc Lãng với tiên công Phan Công Thiên do chính sử thiếu sót, lãng quên hay chỉ là câu chuyện dã sử huyền hoặc?

Chân dung vị “quốc nữ” vẫn còn là một bí ẩn sau làn hương khói huyền ảo.

V.H

1 GS. Phan Hữu Dật, “Hôn nhân nội tộc hôn trong hoàng tộc triều Trần”, tạp chí Dân tộc học và Thời đại, số 86-1.2006, trang 6-8.

2 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Việt sử ký toàn thư, bản in nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa (1697), Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2010, từ trang 125 đến trang 319.