Tuổi thơ tôi

29.08.2022
Đoàn Thùy Linh

Tuổi thơ tôi

Tiếng cãi nhau ầm ĩ tràn ngập khắp các gian phòng trong nhà, tôi lờ mờ tỉnh dậy sau một giấc ngủ say. Hóa ra là tiếng cãi nhau của ba mẹ, có lẽ tôi đã quen với việc đó nên chẳng thấy sợ hãi bởi nó diễn ra hằng ngày trong gia đình tôi. Ba tôi là một người bợm rượu và cờ bạc. Chính vì thế cả mẹ và tôi chưa bao giờ được sống hạnh phúc mà mỗi ngày đều phải nghe tiếng chửi rủa cay nghiệt phát ra từ ba. Đến một ngày, sự dồn nén đã đạt đến mức cực hạn mẹ tôi đã vùng dậy và muốn ly hôn. Tôi biết rằng đó là một quyết định không mấy dễ dàng, bởi đã bao đêm tôi thấy mẹ ngồi bên ánh đèn nhìn tờ đơn ly hôn, viết rồi lại xé. Ba tôi có chút đượm buồn cùng sự hối hận nhưng tất cả đã quá muộn, ba ký tên mình vào đơn ly hôn, xem như một sự giải thoát cuối cùng cho cả tôi và mẹ.

Sau khi đã ra khỏi căn nhà không hạnh phúc của mình, mẹ quyết định đưa tôi về quê sống với bà ngoại còn mẹ thì đi làm ở trên thành phố. Tôi đã rất hoảng loạn nhưng lại chẳng thể thốt ra một câu nói nào từ miệng, chỉ trả lời mẹ bằng một cái gật đầu. Hôm mẹ đưa tôi về nhà ngoại, khi vừa đến cổng, bà đã chạy ra đón hai mẹ con tôi. Mặc dù ngay từ khi sinh ra, tôi chưa gặp bà nhưng sao tôi lại cảm thấy thân quen, ấm áp đến lạ thường. Phải chăng sự liên kết huyết thống đã cho tôi thứ cảm giác ấy?

Tôi ngắm nhìn ngôi nhà của ngoại thật lâu, nơi sẽ là một phần tuổi thơ của tôi từ bây giờ. Ngôi nhà được bao bọc bởi rất nhiều cây và hoa lá đầy đủ sắc màu, có lẽ bà ngoại đã thường xuyên chăm sóc cho chúng. Nhìn kĩ thì ngôi nhà mang hướng cổ xưa với vật liệu làm bằng gỗ, trong nhà cách bố trí vô cùng gọn gàng và sạch sẽ. Sau khi đã thỏa mãn được sự hiếu kì của bản thân tôi mới vào bàn ngồi thì thấy cả bà và mẹ đều đang khóc. Có lẽ bà ngoại khóc vì thương mẹ tôi phải chịu đựng nhiều cực khổ nhưng lại chẳng thể làm gì, còn mẹ tôi thì  được trút hết tâm sự trong vòng tay ấm áp của bà... Thấy cảnh này, tôi lại chẳng thể làm gì được ngoài việc ôm chầm lấy cả hai người phụ nữ vĩ đại ấy. Bởi tôi hiểu rõ nếu tôi khóc, tôi sẽ khóc nấc lên khó có thể nín được, tôi muốn mình phải thật mạnh mẽ để bảo vệ mẹ và bà.

Trước khi đi mẹ ôm tôi vào lòng và dặn dò thật kỹ lưỡng. Tôi chào tạm biệt mẹ với tâm trạng rối bời bởi tôi chẳng biết đến khi nào mới gặp lại mẹ. Khi bóng mẹ dần khuất, trong tôi lại dâng lên một cảm giác bất lực vì chẳng thể níu kéo mẹ ở lại. Giờ đây tôi biết rằng cuộc sống mới của tôi sẽ bắt đầu, mới mẻ và có nhiều điều lạ lẫm mà chính tôi phải tập thích nghi. Tối đó tôi cùng bà nằm trên chiếc phản trước nhà, bà nói với tôi: “Có thể cháu vẫn còn khá lạ lẫm với bà và nơi này nhưng rồi cũng sẽ quen thôi cháu ạ, hãy xem nơi này là nơi khởi đầu mới cho sự trưởng thành của cháu và cũng đừng sợ, có bà ở đây sẽ chẳng ai làm gì cháu được đâu, cháu cứ yên tâm mà vui chơi, học tập nhé!”. Nghe những lời này trong lòng tôi lại có chút tủi thân, sống mũi cay cay bởi từ lâu rồi tôi đã không được nghe những lời nói nhẹ nhàng này từ ai khác ngoài mẹ. Tôi đáp lại bà chỉ bằng một từ “dạ” nhưng lại có biết bao cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Thấy vậy, bà ôm tôi vào lòng rồi dỗ dành tôi ngủ, cảm giác ấy thật ấm áp!

Buổi sáng ở quê thật thanh bình, chỉ có tiếng chim hót líu lo, tiếng những tán cây xào xạc, tiếng suối chảy róc rách... tạo nên một khúc nhạc đằm thắm. Tất cả mọi thứ ở đây sao đơn giản mà đem đến cho con người ta một cảm giác thật thanh thản và bình yên...

Hôm nay là ngày đi học đầu tiên của tôi ở trường mới. Quần áo, sách vở của tôi đều được bà chuẩn bị tươm tất. Nhìn bà tất bật với bao công việc từ việc nhà, việc vườn đến việc lo cho tôi, tôi lại thấy nhớ mẹ, nhớ những hành động, cử chỉ mà mẹ dành cho tôi trước đây. Sau khi ăn sáng xong, tôi mang cặp đi học, trên đường đi, tôi đi ngang qua những thửa ruộng, tôi thấy biết bao sự sinh sôi nảy nở ở nơi yên bình này. Trường tôi nằm ở một khu đất bên cạnh một mái đình lớn. Sân trường rộng có nhiều cây bàng, cây phượng và hoa giấy. Đến cổng cũng là lúc tiếng trống trường vang lên, trong lúc tôi đang đi vào lớp thì gặp cô chủ nhiệm, cô ấy tên là Liên. Thoạt nhìn cô rất trẻ nhưng năm nay cô đã ngoài bốn mươi tuổi, gương mặt phúc hậu cùng đôi mắt sáng ngời.

Khi vào lớp, cô bước vào trước chào hỏi các bạn xong, cô nói: “Hôm nay lớp chúng ta có một bạn học sinh mới, chúng ta cùng vỗ tay chào mừng bạn nào”. Tiếng vỗ tay vang khắp phòng học, cùng lúc đó tôi bước vào: “Xin chào tất cả các cậu, tớ là Quỳnh Vy mới chuyển đến lớp chúng ta, rất mong được mọi người giúp đỡ cũng như được làm bạn với mọi người ở đây!”. Điều làm tôi ấn tượng nhất là cậu bạn ngồi ở cuối lớp với dáng người cao, hao gầy, khuôn mặt trông trưởng thành hơn các bạn ở đây rất nhiều. Giao lưu xong, cô chỉ chỗ cho tôi ngồi ngay bên cạnh cậu bạn ấy. Tôi nhanh chóng di chuyển đến ghế ngồi của mình. Sau khi sắp xếp hết sách vở vào ngăn bàn, tôi quay sang thì cậu ấy đã úp mặt xuống bàn ngủ. Đột nhiên hai bạn bàn trên quay xuống vui vẻ làm quen tôi.

- Chào Vy, tớ là Như và bên cạnh là Huy. Rất vui được làm quen với cậu, từ bây giờ chúng ta là bạn nhé!

Lúc ấy tôi thật sự rất vui bởi tôi không nghĩ rằng có thể kết bạn với các bạn ở đây nhanh đến vậy. Tôi vui vẻ đưa tay ra và đáp:

- Vy cũng vậy, chúng ta cùng giúp đỡ nhau học tập nhé!

Hai bạn ấy vui vẻ gật đầu nói nhỏ với tôi: “Cậu bạn ngồi bên cạnh cậu ít nói lắm, trông có vẻ lầm lì nhưng đôi khi cũng hoạt bát, lại học giỏi nhất lớp và cũng chơi cùng nhóm với chúng tớ đấy”- tôi vui vẻ gật đầu đáp lại. Mười lăm phút đầu giờ trôi qua, chúng tôi bắt đầu vào học, cậu bạn bên cạnh tôi cũng đã thức dậy nhưng vì đã vào tiết nên tôi không dám cất lời hỏi tên cậu ấy. Tiết học đầu là môn văn của cô chủ nhiệm rất suôn sẻ đối với tôi. Tiết thứ hai là môn toán của cô Hà, tôi có đôi chút hồi hộp bởi vì đây là môn học tôi học yếu nhất. Sau khi chào hỏi và dò bài thì cô viết lên bảng một câu hỏi, cô đảo mắt quanh lớp và thấy tôi, cô thắc mắc hỏi: “Em là học sinh mới hả?” - Tôi rụt rè đáp:

- Dạ em là học sinh mới thưa cô, em tên là Quỳnh Vy ạ.

- Được rồi, rất vui vì em chuyển đến đây, vậy em trả lời câu hỏi trên bảng cho cô nhé!

Tôi khá run bởi tôi vẫn chưa nghĩ ra đáp án thì đột nhiên có một tờ giấy được nhét vào tay tôi, tôi mở ra xem thì đó là đáp án mà cậu bạn cùng bàn đưa, tôi nhanh nhảu trả lời và thật may đó là câu trả lời đúng. Khi ngồi xuống tôi thì thầm cảm ơn cậu ấy, tuy nhiên cậu ấy lại chẳng có phản ứng gì, tôi có chút hụt hẫng nhưng rồi cũng chú tâm vào học. Sau mấy tiết học thì cũng tới giờ ra về, vừa bước chân ra cửa lớp, có một bàn tay đập lên vai khiến tôi có chút giật mình. Tôi quay ra phía sau nhìn, thì ra đó là cái Như còn phía sau là năm bạn nữa và trong đó có Huy, cả “cậu ấy” nữa, Như cười tít mắt rủ tôi về chung. Trên đường đi về, vì hiếu kì cũng như muốn làm quen nên tôi đã hỏi tên của cậu ấy:

- Này cậu tên gì thế, cho tớ làm quen được không?

- Được, tớ tên Nam.

Thế rồi Nam bước chân nhanh lên trước, chẳng đợi tôi nói thêm gì nữa.

- Này, cậu đừng quan tâm cậu ấy, tớ là My - Phương My, rất vui được làm quen với cậu. Hi hi!

- Còn tớ là Minh. Rất vui được gặp cậu!

Tôi vui mừng đưa tay ra bắt tay cùng hai bạn và đáp lại:

- Tớ cũng rất vui khi gặp được các cậu, từ bây giờ chúng mình là bạn nhé!

Các bạn ấy cùng lúc gật đầu đồng ý, thế là tôi cùng các bạn và cả Nam cùng nhau rảo bước trên con đường có ruộng lúa xanh bát ngát, cùng vui đùa, ca hát... Trên đường đi về nhà tôi cũng biết nhà của các bạn, thì ra nhà chúng tôi cùng một xóm, điều đấy làm tôi rất vui. Vừa về đến cổng, tôi chạy nhanh vào nhà kể cho bà nghe về ngày đầu tiên đi học của mình, bà xoa đầu tôi cười bảo:

- Mới ngày đầu đi học, con đã quen được nhiều bạn mới rồi vui, lại còn vui mừng háo hức như thế làm bà vui lắm!

- Dạ, hôm nay học vui lắm á ngoại, mấy bạn đều rất thân thiện ạ.

- Hôm nay bữa đầu đi học vui quá ha, thế cháu của bà đi tắm rồi ăn cơm được chưa nào?

- Dạ bà, để cháu đi tắm rồi dọn cơm bà cháu mình ăn.

Sau khi ăn cơm xong, tôi cùng bà ăn mít rồi bà nhờ tôi đưa mít qua cho nhà chú Tư hàng xóm. Tôi chào bà rồi nhanh nhẹn đi ngay, nhưng đi được nửa đường thì tôi lại quên mất đường qua nhà chú Tư, thật may trên đường tôi gặp được Nam. Thấy vậy tôi liền vẫy tay, cậu ấy đi lại và hỏi:

- Sao cậu đứng đây một mình thế?

- Cậu có biết nhà chú Tư không, tớ đang muốn đi qua nhà chú Tư nhưng lại quên mất đường.

- Tớ biết, đi đường này, coi chừng ngã đó, chỗ này nhiều đá lắm.

- Vậy cảm ơn cậu nhé!

Thế rồi tôi cùng Nam đi đến nhà chú Tư. Đến nơi, chú Tư đang ngồi trong nhà uống trà, thấy Nam và tôi đến thì từ trong nhà nói vọng ra:

- Ủa con trai về rồi đó hả? Còn có cả cái Vy nữa, vào nhà đi con.

Thấy vậy tôi thắc mắc quay qua nhìn Nam bởi tôi biết đây là nhà chú Tư nhưng lại không biết Nam là con trai của chú. Tôi đi theo sau Nam vào trong nhà đưa mít cho chú rồi nhanh chóng ra về.

Tối đó, tôi học bài trên bàn, trước mặt là cửa sổ nhìn ra sân, ánh trăng hôm nay thật đẹp. Những tia sáng len lỏi lên từng tán cây rồi in bóng lên chiếc tường màu vàng, ánh trăng chiếu sáng vào đến tận nhà, chiếu lên những trang vở đầy chữ viết của tôi tạo nên một khung cảnh đẹp nên thơ. Sau hai tiếng học bài và làm bài tập cuối cùng cũng xong. Tôi nhìn ra sân thấy bóng lưng đơn độc của bà, lòng tôi lại dâng lên cảm giác yêu bà đến nhường nào, yêu từng đường nét trên khuôn mặt bà. Tôi yêu bà như cách tôi yêu mẹ và tôi biết rằng bà yêu mẹ như cách mẹ yêu bà, cả hai người phụ nữ trải qua bao thăng trầm của cuộc sống tưởng chừng sẽ cùng nhau ở một nơi để chữa lành những vết thương trong lòng. Có lẽ cuộc đời đã quá cay nghiệt với chúng tôi khi hết nỗi buồn này đến nỗi buồn khác vây quanh cả tôi, mẹ và bà. Sau một hồi suy nghĩ vẩn vơ tôi ra sân ngồi trên chiếc ghế gỗ cùng bà ngắm trăng rồi kê đầu lên đùi bà nghe bà kể chuyện ngày xưa. Một cảm giác thật bình yên! Đối với tôi bình yên chính là được ở bên cạnh mẹ và bà nhưng nếu có cơ hội tôi vẫn muốn gia đình tôi sẽ như bao gia đình khác, không đổ vỡ cũng chẳng đau thương...

 

Ngày học thứ hai lại bắt đầu, Nam có vẻ đã thân thiện hơn với tôi, điều đó làm tôi rất vui và hào hứng. Sau giờ học chúng tôi cùng nhau về nhà rồi thay đồ và xin phép phụ huynh đi chơi. Nam bảo chúng tôi tập trung ở bãi đất trống gần nhà, chúng tôi bắt đầu chia nhóm ra chơi ù. Thằng Khánh và Nam cầm đầu chia hai phe oẳn tù tì để chọn và thu phục đồng đội. Nhìn hai đứa bạn mới bắt đầu đã hùng hổ máu lửa như vậy tôi chỉ biết cười vì độ lầy lội mà chẳng kém phần đáng yêu của cả bọn. Sau một hồi thì đã chốt đội, chúng tôi bao gồm Nam, Minh, Huy, cái Như, cái My và tôi, tiếp theo đội của Khánh bao gồm cái Chi, cái Hoa, thằng Hải và thằng Hùng. Trò chơi cần thể lực rất nhiều, cũng như là sức lôi kéo, chính vì thế nên trận đấu giữa hai đội vô cùng cam go. Thằng Hùng với lợi thế là có thân hình to con cùng mỗi lần ù là vô cùng dài, vì thế nó nhanh chóng bắt được cái My bên đội chúng tôi. Đến lượt tôi ù, vì thân hình khá nhỏ con nên tôi nhanh chóng lách qua được cái Chi đứng sừng sững trước mặt. Nó túm áo tôi và lao đến để giành chiến thắng, cùng lúc đó thì Chi, Hải, Hùng cùng xúm vào để tôi hết hơi rồi thua. Thế mà tôi đã may mắn thoát ra khỏi tầm tay các đối thủ nặng ký và đập tay cái My rồi hai chúng tôi chạy về đội nhà như một ngôi sao vụt sáng. Thế là tôi đã cứu được đồng đội của mình. Cảm xúc tôi lúc ấy thật vui!

Tôi không những được chơi vui mà còn có thể cứu đồng đội một cách thật ngoạn mục, nhìn các bạn “mắt chữ A mồm chữ O” thấy cưng làm sao! Cuộc chơi gây cấn, hấp dẫn làm cho đứa nào đứa nấy cũng thở hồng hộc. Ngoài ra quần áo cũng bị nhăn nhúm và dính đầy bụi đất. Thằng Khánh do hơi béo tròn nên mệt nhất, dính bụi nhiều nhất, trên mặt cũng có cát bụi nữa. Nó nằm lăn ra đất cười toe toét khiến cả bọn một phen vỡ bụng. Cuối cùng, chúng tôi ra ngoài cánh đồng ngắm trời mây, cây cỏ. Tôi thật hạnh phúc khi có những người bạn đáng yêu thế này!

 

Ngày tiếp theo chúng tôi bày ra trò đi hái trộm trái cây nhà bác Bảy.  Chúng tôi hớn hở tập trung tại khu đất trống rồi đến đất nhà bác Bảy. Với thân hình nhỏ nhắn, tôi nhanh chóng leo lên cây sai trĩu quả mà không có chút cản trở gì. Tôi hái từng trái rồi ném xuống, cái My và cái Như trên tay cầm hai chiếc nón lá, còn thằng Nam và thằng Minh thì đứng dưới gốc cây canh chừng, thằng Huy thì đứng ra xa nhìn xung quanh. Mỗi người mỗi việc, chúng tôi thuận lợi hái được nhiều xoài nhưng có một điều chúng tôi quên mất đó chính là con chó nhà bác Bảy. Khi đi chơi về, thấy chúng tôi nó sủa vang trời, đứa nào đứa nấy xách dép chạy tứ phía mà quên mất là còn tôi ở trên cây. Tôi mặc dù không sợ chó nhưng khi nghe thấy tiếng sủa hung dữ của nó tôi cũng có chút lúng túng mà suýt chút nữa rớt xuống nhưng cũng chẳng biết may hay xui khi bác Bảy đã về nhà và thấy tôi đang ngồi trên cây xoài còn bên dưới là Lu - tên của chú chó. Bác Bảy thấy vậy cười bất lực khua tay cho con chó vào nhà rồi đỡ tôi xuống. Cái My, cái Như, thằng Huy, thằng Nam và thằng Minh quay lại nhà bác Bảy tìm tôi và kết quả là cả bọn bị bác mắng cho một trận:

- Các cháu sao lại đi ăn trộm xoài thế kia? Nếu muốn ăn thì xin bác, bác cho ngay. Lỡ may bác về không kịp, con Lu xông vào cắn các cháu bị thương thì bác biết ăn nói sao với gia đình các cháu?

- Dạ chúng cháu xin lỗi, bữa sau chúng cháu không dám nữa ạ! - Cả đám đồng thanh trả lời.

Thế là bác Bảy dần dịu đi, thấy thế chúng tôi xin phép bác mượn dao để cắt xoài ăn, bác gật đầu đồng ý. Chúng tôi nhanh tay nhanh chân chuẩn bị, chẳng mấy chốc đã có được một dĩa xoài tượng thơm phức. Thằng Minh từ nhà chạy đến mang theo hai bịch muối mì hảo hảo, đây là loại muối mà chúng tôi nhất định phải có khi ăn trái cây, nói thật là nó ngon tuyệt cú mèo!

 

Thời gian thấm thoát trôi qua, tôi cũng đã ở đây được sáu năm. Trong sáu năm đó, mẹ tôi có vài lần về thăm nhưng chỉ ngồi một lúc hỏi thăm sức khoẻ bà cháu tôi, chốc lát lại đi. Cũng đã lâu lắm rồi, tôi chưa được nhìn thấy gương mặt của mẹ nữa - gương mặt mà tôi hằng đêm nhớ và ao ước được trao nụ hôn lên má. Nhưng thật may mắn vì bên cạnh tôi còn có thầy cô, bạn bè, hàng xóm và cả người bà kính yêu của tôi nữa. Tình bà cháu, tình bạn, tình làng xóm, cô thầy đối với tôi giờ đây là một thứ vô cùng tuyệt vời mà trước đây tôi chưa bao giờ có. Những thứ tình cảm ấy đã phần nào bù đắp cho tuổi thơ không mấy trọn vẹn của tôi tại căn nhà năm xưa. Sáu năm không ngắn cũng chẳng dài nhưng cũng để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp, nào là hái trộm trái cây, nào là tắm sông... Tuy nhiên, sáu năm trôi qua, sức khỏe bà tôi cũng yếu dần từ đôi chân thoăn thoắt giờ đây bà phải cần một chiếc gậy bên mình.

Nhưng rồi, điều mà tôi luôn lo sợ bây giờ cũng đã trở thành sự thật - ngày mà bà tôi không còn trên đời này nữa. Hôm đó tôi đi học về thì thấy cô dì chú bác đều tập trung ở nhà và còn có cả các bác hàng xóm. Tôi từ từ bước vào nhà với tâm trạng tò mò chào hỏi mọi người rồi luồn lách qua đám đông đi vào trong. Tôi thấy bà đang nằm trên giường với khuôn mặt trắng bệch, tôi lo lắng chạy đến bên bà, nắm lấy đôi bàn tay khô cằn có nhiều gân xanh ấy như muốn truyền hơi ấm từ bàn tay tôi qua, tôi gào lên khóc:

- Bà ơi! Bà còn chưa chào tạm biệt cháu sao bà lại đi như thế cơ chứ, cháu còn chưa được báo hiếu, nói với bà lần cuối nữa mà...

Từng giọt nước mắt lăn dài trên mặt tôi, tôi khóc nấc lên mà chẳng hề quan tâm mọi người đang nhìn tôi. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi khóc lớn như thế trong sáu năm ở với bà bởi tôi không muốn bà thấy tôi khóc. Nhưng giờ đây thì sao? Nó còn tác dụng gì nữa khi bà đã không còn bên tôi, không còn kể chuyện cho tôi mỗi tối... Bà tôi đi rồi, đi thật rồi...

Xung quanh tôi như tối sầm lại, khoảnh khắc ấy thế giới của tôi như sụp đổ, người bà mà tôi yêu quý giờ đây đã xa tôi, để lại tôi một mình chơ vơ mà chưa nói với tôi điều gì. Bà sẽ quay lại chứ? Không, bà sẽ chẳng quay lại đâu, tôi tự cười chính bản thân mình tại sao có thể suy nghĩ được điều đó chứ, đó là điều bất khả thi nhưng lòng tôi đau quá, tâm can tôi như bị ai dùng dao cứa từng nhát. Từng cơn đau như đang dằn xé tâm hồn tôi, còn gì đau đớn hơn khi người thân yêu của mình rời khỏi trần gian này mà chẳng nói lời nào?

Mọi người xung quanh tôi, ai cũng khóc, khóc cho số phận bất hạnh của bà ngoại khi đã trải qua bao đắng cay của cuộc sống đến bây giờ mất đi cũng chẳng thể nói câu từ biệt với con cháu. Tôi cảm thấy lạc lõng, bà mất đi, tôi như chẳng còn sức sống, chẳng thể nghĩ ngợi điều gì. Tôi lao ra ngoài, chạy mãi mà chẳng biết mình đi đâu, như tôi đang chạy trốn nỗi đau ấy, chạy trốn sự thật trước mắt nhưng lại chẳng thể chấp nhận được. Ánh mắt tôi nhìn xa xăm như muốn tìm kiếm bà ở đâu đây và rồi cũng chẳng thấy. Đột nhiên có một bóng người phía sau đi lại gần tôi rồi ngồi cạnh, thì ra đó là Nam, người bạn cùng bàn của tôi. Nam đưa cho tôi chiếc khăn tay, cậu ấy không nói gì mà chỉ ngồi bên cạnh tôi im lặng và nghe tiếng tôi thút thít. Sau một hồi bình tĩnh lại, tôi nhìn kĩ có dòng chữ Đoàn Nguyễn Gia Nam được thêu một cách rất tỉ mỉ và tinh tế, có lẽ đây là chính tay cô Tư - mẹ Nam thêu. Tôi hỏi Nam:

- Sao cậu biết tớ ở đây?

- Cái gì mà tớ không biết. Tớ biết bây giờ cậu rất hoảng loạn vì sự ra đi đột ngột của bà nhưng hãy bình tĩnh rồi chuyện gì cũng đâu vào đấy. Có tớ cùng các bạn bên cạnh cậu, cậu yên tâm.

- Cảm ơn cậu nhé!

Ngồi trò chuyện một lúc, tôi cùng Nam trở về. Tôi thấy mẹ đứng ngoài sân với khuôn mặt lo lắng, nước mắt rưng rưng. Dường như mẹ đang cố kiềm chế để không bật khóc, tôi thấy trong thâm tâm mẹ một sự đau đớn tột cùng. Giờ đây tôi lại chẳng thể tỏ ra mạnh mẽ nữa mà chạy lại ôm chầm lấy mẹ khóc lớn, miệng cứ ú ớ: “Bà... mất rồi... mẹ ơi, con buồn... lắm!”. Mẹ tôi cũng khóc, có lẽ khóc vì thương bà cũng vì thương tôi, cuộc đời mẹ thật bất hạnh từ khi cưới ba tôi đến lúc có đủ khả năng để chăm lo cho bà nhưng bà lại không còn nữa, có lẽ cuộc đời mẹ tôi chưa bao giờ trải qua “hạnh phúc thật sự”...

 

Sau khi tổ chức đám tang cho bà xong, mọi người ở lại chia buồn và trò chuyện cùng mẹ tôi. Mặc dù đã trải qua mấy ngày, tâm trạng tôi đã bình ổn hơn nhưng tôi vẫn cứ đau thắt trong tim khi nhớ về bà, nhớ về khoảng thời gian tôi ở với bà, được trong vòng tay ấm áp của bà... Mẹ tôi quyết định đưa tôi lên thành phố ở với mẹ. Tôi cũng chẳng biết làm gì ngoài việc nghe theo bởi tôi chỉ còn có mỗi mẹ là người thân thuộc nhất. Tôi đi đến cánh đồng lúa hôm trước, ngồi thẫn thờ thì chợt phía sau nghe thấy tiếng cái Như, cái My, thằng Minh, thằng Huy và cả thằng Nam. Chúng nó ngồi bên cạnh tôi, đứa nào đứa nấy đều khóc, riêng Nam chỉ im lặng với vẻ mặt trầm ngâm. Cái Như cất tiếng:

- Cậu đi rồi thì ai đi chơi với chúng tớ, chúng tớ còn rất nhiều điều muốn làm với cậu mà hu hu.

- Đúng rồi hu hu, chúng tớ có nhiều trò hay để chúng ta chơi lắm, cậu đi thế chúng tớ buồn lắm. - Cái My nói.

Thằng Huy và thằng Minh gật đầu tán thành. Nhưng tôi ở lại đây thì ở với ai, bà tôi đi rồi... Thấy chúng nó khóc tôi cũng khóc theo, thế là cả đám ôm nhau khóc. Nhưng rồi đến lúc tôi cũng phải đi, tối đó Nam chạy qua nhà và kêu tôi ra ngoài nói chuyện, tôi thắc mắc không biết chuyện gì hỏi:

- Có chuyện gì hả?

- Cậu đi mạnh khỏe nha, nhớ về thăm chúng tớ. - Nói rồi Nam chạy nhanh đi mà chẳng đợi tôi nói một lời, như ngày đầu tôi gặp cậu ấy vậy...

Ngày tôi theo mẹ lên thành phố, tôi lại nhớ những ngày bà chuẩn bị quần áo và đồ ăn sáng cho tôi đi học, quả thật là một kỷ niệm đẹp! Tôi đến bàn thờ bà thắp nhang và nói cho bà nghe:

- Cháu đi đây bà ạ, bà ở trên đó phải thật hạnh phúc nhé, cảm ơn bà vì những năm qua đã tần tảo nuôi cháu trưởng thành đến ngày hôm nay nhưng cháu còn chưa báo đáp gì cho bà mà bà đã đi rồi... Đến giờ phải đi rồi, tạm biệt bà, cháu yêu bà rất nhiều!

Tôi cùng mẹ xách đồ ra xe, nhìn ngắm lại căn nhà mang bao kỷ niệm của tôi ở nơi đây, tôi chẳng nỡ rời xa nó, rời xa tuổi thơ của tôi...

Khi chuẩn bị lên xe, từ xa xa thằng Khánh, thằng Hùng, cái My, cái Như, nhỏ Chi, nhỏ Hoa, thằng Huy, thằng Minh và thằng Nam chạy lại ôm chầm lấy tôi, nước mắt nước mũi chảy dài: “Cậu nhớ về thăm chúng tớ nhé, chúng tớ sẽ nhớ cậu lắm!”. Khi ấy, nước mắt tôi không tự chủ được mà lăn dài, giọng nghẹn ngào đáp: “Ừ, nhất định sẽ về, các cậu không được quên tớ đâu nhé!”.

Tôi chào tạm biệt các bạn, các bác hàng xóm và cả thím Hai để lên xe đi thành phố nhưng chợt trong túi chiếc áo khoác của tôi có gì đó cộm lên, tôi thò tay vào túi lấy ra, là chiếc khăn tay của Nam, tôi lại quên trả cho cậu ấy rồi, cậu ấy sẽ không giận tôi chứ? Mong rằng khi gặp lại, nó sẽ là vật gợi nhớ cho tôi và cậu ấy về những ngày ấu thơ.

 

Thấm thoát thời gian thôi đưa, từ cô bé nhỏ nhắn năm nào giờ đây tôi đã thành một cô sinh viên Trường Đại học Y dược. Có vẻ sự ra đi đột ngột của bà đã là động lực cho tôi học chuyên ngành ấy. Mẹ và tôi cũng đã có một căn nhà có đầy đủ tiện nghi trên thành phố, tôi thầm cảm ơn mẹ vì đã nỗ lực hết mình vì tôi và cũng thầm cảm ơn bà đã nuôi dưỡng tôi...

Hôm nay là ngày tôi trở về quê ngoại, nơi có những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi. Bước xuống xe, con đường đi vào nhà vẫn thế, vẫn có những hàng tre xanh rì rào và cả gốc đa già. Mọi vật có vẻ đã đổi mới nhưng cũng không quá nhiều, đủ để tôi nhận ra từng ngóc ngách ký ức của tôi. Tôi về đến cổng nhà bà, thím Hai đã nhanh chân ra đón tôi, tôi lại nhớ lại ngày đầu gặp bà, cũng là cách đi ấy mà ôm chầm lấy tôi. Tôi chào thím Hai rồi bước vào nhà, đến bàn thờ, tôi thắp nhang cho bà và vẫn thói quen cũ, tôi chỉ nói cho mỗi bà nghe:

- Bà ơi, cháu về rồi đây, cháu đã đậu được trường đại học mà cháu hằng ao ước rồi đấy bà ạ. Bà thấy cháu gái bà giỏi không? Cháu đã thật sự rất cố gắng để bà có thể thấy cháu thành công đỗ vào trường đại học nhưng cháu đã chậm quá bà nhỉ? Cháu đã đỗ rồi nhưng lại chẳng thể nghe câu chúc mừng của bà... Cháu về đây ở vài ngày rồi lên thành phố lại để học tập nên mong bà đừng giận cháu vì không về lâu nhé!

Sau khi thắp nhang cho bà, tôi ngồi lại nói chuyện với thím Hai thì ngoài cổng có cái giọng lanh lảnh của cái My năm nào vẫn thế, kêu lên:

- Vy ơi, cậu về rồi hả? Chúng tớ đến thăm cậu nè.

Tôi nhanh chóng ra mở cửa, đứa nào đứa nấy đều lớn và trưởng thành cả rồi, tôi chỉ nhận ra vài đứa, chúng nó thật thay đổi nhưng cái tính vẫn vậy. Tôi mời vào nhà rồi nói chuyện một hồi mới biết thì ra cái Huy đã làm thầy giáo ở ngôi trường năm xưa chúng tôi từng học, cái Như thì lên thành phố học trùng hợp là mới về hôm qua, thằng Khánh và thằng Hùng thì nay đã làm nhân viên văn phòng còn cái My thì đã đạt được ước mơ của mình là được làm một nhà văn. Chúng nó ai nấy đều thành công hết rồi làm tôi cũng vui theo! Nhưng thật lạ tôi lại chẳng thấy Nam đâu.

Tôi đi dạo trên con đường làng, đi trên con đường đến trường năm nào, đi ngang qua cánh đồng lúa năm ấy. Tôi bắt gặp bóng dáng quen thuộc, cái dáng cao, hao gầy thì đó chính là Nam chứ không phải ai khác. Tôi nhanh chân chạy lại đập vai cậu ấy, Nam quay lại tròn mắt. Cậu ấy vẫn như năm nào, vẫn là đôi mắt với hàng mi cong và dài ấy nhưng giờ đây thay thế cho sự hồn nhiên năm ấy là sự thâm sâu cũng có chút gì đó buồn... Nam mừng rỡ hỏi tôi:

- Cậu về khi nào vậy, sao không báo tớ?

- Tớ mới về đây thôi. Sao cậu đứng đây vậy?

- À, tớ hóng gió và... nhớ về một số ký ức năm xưa ấy mà.

- À, ra là vậy.

Đứng nói chuyện một hồi tôi mới nhớ đến chiếc khăn tay của Nam.

- Á! Nhớ rồi!

- Gì vậy?

- Cậu đưa tay ra đi.

Nam nhanh chóng đưa tay ra, tôi đặt lên tay cậu ấy chiếc khăn tay năm xưa. Nam tròn mắt nhìn tôi hỏi:

- Cậu còn giữ nó sao?

- Tất nhiên là còn giữ rồi, tớ coi nó như tín vật luôn cất giữ thật kỹ đấy mà, cũng xin lỗi cậu vì năm đó chưa trả khăn tay lại cho cậu thì đã đi mất rồi.

Nam cười, ánh mắt của cậu ấy khi cười lên cong như vầng trăng khuyết... trông thật đẹp! Nam đưa khăn tay lại cho tôi:

- Năm ấy, tớ đã tặng cậu rồi mà, việc gì cậu phải xin lỗi?

- Ha ha, thế cảm ơn cậu nhá!

Có lẽ năm ấy, chiếc khăn tay này là vật kỷ niệm giữa tôi và cậu ấy, là tín vật mà tôi luôn coi trọng.

- Ừ, không có gì.

Thế rồi tôi và Nam cùng nhau đứng nhìn về phía cánh đồng xanh ấy, ánh chiều tà cũng đã buông xuống rồi...

Đ.T.L