Những giấc mơ mùa hạ mới

29.08.2022
Trần Trung Sáng

Những giấc mơ mùa hạ mới

Em Đoàn Dương Trúc Lam (lớp 7/1 Trường THCS Cao Thắng) đại diện cho các trại viên phát biểu tại Lễ bế mạc Trại.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trại sáng tác Văn học - Mỹ thuật thiếu nhi năm 2022, sau hai năm bị tạm dừng do đại dịch Covid-19 thì đây là năm Trại có học sinh tham gia nhiều nhất. Trong đó, mảng văn học có 36 trại viên tham gia, với 95 tác phẩm được tuyển chọn, tỉ lệ thơ văn gần như cân đối. Phần văn xuôi có một vài bài tản văn, tiểu luận, viết ngắn, còn hầu hết là truyện ngắn. Những em có tác phẩm tham gia nhiều nhất như em Đoàn Thùy Linh (lớp 7/2, trường THCS Nguyễn Văn Linh), với 6 tác phẩm thơ văn; Mạc Thị Hương Giang (lớp 11/1, trường THPT Ông Ích Khiêm) với chùm thơ 12 bài; Phan Thị Hoài Nhi (lớp 11/10, trường THPT Ngũ Hành Sơn) với 10 tác phẩm thơ văn; Nguyễn Phan Quế Thảo (lớp 11/10, trường THPT Thanh Khê) với 5 tác phẩm…

Đề tài của Trại viết lần này khá phong phú, đa dạng. Từ những sáng tác viết tình cảm bạn bè, gia đình, cha mẹ, mái trường, cảnh quan thiên nhiên, thành phố thân yêu khá quen thuộc..., còn có những tác phẩm thể hiện qua nhiều thể loại, hình thức khác nhau. Có thể dẫn chứng như: An Sơn dã sử truyện (truyện dã sử của Nguyễn Hưng, lớp 11/5, trường THPT Tôn Thất Tùng), Trịnh Công Sơn - Luân hồi trong nghệ thuật (tiểu luận của Phạm Gia Khang, lớp 10/3, trường THPT Tôn Thất Tùng), Tội ác chiến tranh, viết về cuộc chiến Nga - Ukraina (thơ của Mạc Thị Hương Giang, lớp 11/1, trường THPT Ông Ích Khiêm), Người con gái Hà Nội (Phan Thị Hoài Nhi, lớp 11/10, trường THPT Ngũ Hành Sơn viết về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm), Em bé Ca Dong, viết về một bé Cà Dong - Nam Trà My, vượt đường rừng đem quà tặng xuống phố trong trận dịch Covid-19 (của Đặng Ngô Uyên Linh, lớp 8/1, trường THCS Nguyễn Thiện Thuật - Cẩm Lệ)…

Về mặt hạn chế, có lẽ do quá chú trọng yếu tố thi đua, nên một số tác phẩm của các em thể hiện sự diễn đạt thái quá, giảm đi yếu tố trong trẻo, hồn nhiên của tuổi học trò, đôi lúc một số trường hợp đi sâu vào những phận đời bi lụy, cường điệu vượt quá đời sống thực tế, thiếu thuyết phục. Về mặt ưu điểm dễ nhận thấy, là hầu hết các sáng tác tham gia Trại đều được đầu tư khá công phu (có những truyện ngắn được viết từ 15 đến 25 trang giấy A4), tình tiết sinh động, gần gũi đời sống xung quanh, trong đó có những bài viết thể hiện sự quan sát tinh tế, đầy cảm xúc…

Những truyện ngắn có chủ đề hồn nhiên, giản dị được đánh giá cao như: Bên rìa cầu vồng (Nguyễn Đức Như Ý, lớp 8/4, trường THCS Nguyễn Công Trứ), Tuổi thơ tôi (Đoàn Thùy Linh, lớp 7/2, trường THCS Nguyễn Văn Linh)… Trong đó, Tôi và Cà Phê của Đoàn Dương Trúc Lam (lớp 7/1, trường THCS Cao Thắng) là tác phẩm đạt giải Nhất ở bộ môn văn học kể câu chuyện thú vị về hai chú mèo anh em ruột tên là Sữa và Cà Phê. Câu chuyện kể: “Mẹ tôi sinh được ba đứa, ngoài tôi và Cà Phê thì còn một đứa em út nữa”, qua nhiều diễn biến, chú mèo Sữa “đã từng ghét Cà Phê vì nhiều lý do”, trong đó, có việc nhiều người trong nhà thường chê trách Sữa và khen Cà Phê: “Cà Phê giỏi thật, Sữa là con trai gì mà không bằng được một góc Cà Phê”, khiến Sữa thấy ganh tị rồi chuyển thành ghét… Cho đến một ngày kia, khi Sữa quyết định một mình đi bắt chuột, bị một gã mèo lớn hung hãn chặn đường, hù dọa… được Cà Phê bất ngờ giải cứu, thì Sữa bắt đầu suy nghĩ, yêu quý Cà Phê, nhưng đã đến lúc Sữa phải rời khỏi ngôi nhà thân yêu, chuyển sang giai đoạn một chú mèo trưởng thành.

Ngoài ra, cũng có những truyện ngắn xây dựng có cấu trúc phức tạp, tình tiết ẩn uất, hoặc những phận đời bất hạnh như Bong bóng biển (Nguyễn Đỗ Minh Thư, lớp 7/6, trường THCS Phan Đình Phùng), Không ngày tháng, Dì Hai nhỏ đi lạc (Đỗ Thị Hà Thi, lớp 10/14, trường THPT
Ông Ích Khiêm), Cụ Sáng (Lê Thị Mến, lớp 11/4, trường THPT Ông Ích Khiêm)...

Đáng chú ý, Đáy biển (Trần Thị Huyền Trang, lớp 10/4, trường THPT Hòa Vang) là một truyện ngắn khá đặc biệt, khiến Hội đồng giám khảo cân nhắc, bởi nội dung thể hiện những tâm tư, băn khoăn, trăn trở về ý nghĩa cuộc sống của một bạn trẻ bước đời vừa tròn 16 tuổi. Với 25 trang giấy vi tính (A4), tác giả đã dẫn dắt nhân vật Hương Ly trong truyện trải qua những cảnh ngộ đau đớn tận cùng, cả tâm hồn và thể xác. Thậm chí, tuyệt vọng đến mức cô gái đã đối diện với những cơn sóng lạnh lùng của mặt biển, để tính đến điều tệ hại nhất. Nhưng may thay, trong giây phút ấy, niềm tin yêu cuộc sống bỗng lóe lên bừng sáng, dìu cô gái trở về thực tại để hướng về một ngày mai tươi đẹp…

Chùm thơ của em Mạc Thị Hương Giang (lớp 11/1, trường Ông Ích Khiêm) có nhiều bài thu hút chú ý người đọc, bởi ngôn từ bình dị mà diễn cảm, mang những hoài bão, khát vọng cao quý, hướng đến ngày mai:

 Đánh thức Tóc Tiên ngủ dậy sau

những mùa đông

 Cỏ mực nảy mầm khoa chồi non

nhung mượt

Ruộng nứt nẻ sẽ đã thèm cơn khát

Lúa dậy thì hạt sữa ngạt ngào thơm

           (Đợi bóng con Chuồn Chuồn)

Hoặc càng tha thiết hơn nữa:

Tôi mơ giấc mơ tôi

Người mơ giấc mơ người

Giấc mơ tôi giản dị

Giấc mơ người cao sang

Giấc mơ tôi đầy nắng

Phơi thóc dưới con đường

Giọt mồ hôi thấm mặn

Nhưng rất nhiều tình thương

Người thích giấc mơ tôi

Tôi mê giấc mơ người

Hai chúng ta tráo đổi

Chỉ có một kẻ cười…

                  (Mơ)

Vâng, mỗi người, mỗi bạn nhỏ hãy có một giấc mơ riêng của chính mình. Và đến nay, dù Trại sáng tác Văn học - Mỹ thuật thiếu nhi 2022 đã khép lại, nhưng mong sao các em sẽ nhớ mãi kỷ niệm những ngày hè vui nhộn vừa qua, và tiếp tục có những giấc mơ tươi đẹp, an lành trên hành trang bước về những chặng đường tương lai vẫy gọi từ phía trước.

 

"Em rất may mắn khi được nhà trường lựa chọn, trao cơ hội cho tham gia chương trình “Trại sáng tác Văn học - Mỹ thuật thiếu nhi 2022”, được vinh dự gặp gỡ, giao lưu với các nhà văn nổi tiếng tại Đà Nẵng, các anh chị, các bạn yêu thích văn học và mỹ thuật. Qua từng buổi nói chuyện, các bài giảng của các thầy cô, giúp em từng bước khai phá suy nghĩ của bản thân, phát huy hết năng lực của mình và học hỏi thêm nhiều điều thú vị về sáng tác văn học. Đặc biệt, bài giảng của Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố chia sẻ về “Nguồn cảm hứng nghệ thuật và Lịch sử văn hóa xứ Quảng”, em và các bạn được dịp hiểu biết nhiều hơn về lịch sử, các tác phẩm mỹ thuật của Quảng Nam và Đà Nẵng.

Em mong chương trình ngày càng tổ chức thường xuyên và rộng rãi hơn, để tạo cơ hội cho nhiều bạn học sinh trong thành phố được tham gia trải nghiệm, học hỏi, giao lưu, chia sẻ niềm yêu thích văn học nghệ thuật". (Trương Mỹ Trà My (lớp 6/3, trường THCS Nguyễn Huệ)

T.T.S