Bờ xanh cỏ hát - Phong Hân

03.03.2014

Cánh đồng chiều trải rộng ra, từng thửa lúa xanh mượt, nghiêng mình khoan khoái đón ngọn gió mùa từ ngoài sông lớn thổi tràn về. Tôi thong thả huýt sáo dọc theo bờ kênh, theo sau con cái tơ no bụng đủng đỉnh bước, chốc dừng lại xớt đầu mấy đám cỏ. Tới ngang khúc quanh chỗ bụi trâm bầu, tôi giật mình trước dáng ngồi cậu Phú trên gò đất cao phía chân ruộng.

Bình thường vào giờ này, cậu bận rộn đủ thứ trong ngoài. Nào là lo cơm nước cho bà cụ Chín, lớp cho dê ăn, rồi lùa gà vào chuồng. Đâu có rảnh rang ngồi khơi khơi như vậy. Hổng biết cậu ngồi bao lâu rồi mà có vẻ chưa muốn về. Hai chân duỗi thẳng, ngả người tay chống sau lưng, mắt dõi nhìn trời cao vợi.

Biết tâm trạng của cậu đang xáo trộn dữ dội, tôi rất muốn nhưng không dám tới gần, sợ phá tan sự yên tĩnh. Bất chợt cậu Phú quay người ngồi thẳng lên, đưa tay ngoắc tôi. Bỏ mặc con bò tự về, tôi đến ngồi xuống bên cạnh cậu. Nhớ lời ba căn dặn, tôi lên tiếng:

Bờ xanh cỏ hát -  Phong Hân

“Tối qua nhà con đi, ba đang muốn gặp cậu!”

“Con biết có chuyện gì không vậy?”.

Tôi lắc đầu, thầm nghĩ, chắc là hổng có gì khác ngoài việc cô út chuẩn bị lấy chồng ngoài thị xã. Cũng vì chuyện đó mà suốt cả tuần nay, ba má cứ lời qua tiếng lại, không ai chịu ai. Bận bịu vườn tược thì thôi, về tới nhà thấy má là ba đằng hắng: “Phen này ngặt quá, hổng biết ăn nói với chú ấy ra sao!”. Má thì hớn hở ra mặt: “Ông cứ lo việc của ông, phần còn lại để chị em tui tính. Đừng bàn ra làm hư đường hư bột tùm lùm”. Tôi thì không ngả về bên ba hay nghiêng phía má, cảm nhận có điều gì đó lấn cấn xảy ra quanh chuyện cô út lấy chồng.

Cậu Phú kéo tôi ngồi hẳn vào lòng, hỏi nhỏ: “Cuối tuần này cô út có về không?”.

Tôi gật đầu: “Cậu có nhắn gì con nói lại cho?”.

Cậu Phú bảo, hỏi thăm thôi chứ không có nhắn nhủ gì. Nghe cậu Phú trả lời vậy, tôi không tiện hỏi thêm, dù thừa biết cậu chắc có rất nhiều điều muốn nói cùng cô út. Chừng lát sau, cậu Phú cất giọng bâng quơ: “Cô út đi rồi, không biết còn ai hát cho bà cụ Chín nghe!”.

Tưởng cậu Phú ngồi một mình buồn hiu là tại nhớ thương cô út, ai dè chỉ lo cho bà cụ Chín không còn được nghe cô út hát, tôi thở phào nhẹ nhõm đôi chút. Má nghe được câu này, thế nào cũng nguýt dài: “Thiếu cơm gạo mới sợ, chứ từ xưa đến giờ, có ai thiếu tiếng hát mà chết đâu”. Hệt cái ngày cô út vì mải hát cho bà Cụ Chín nghe một giai điệu mới thuộc, bỏ quên mấy con vịt đẻ, chạy lạc nhập bầy người khác mất tiêu. Ba tỏ ra biết chuyện, ồn tồn phân bua: “Bà đừng có tiếc mấy con vịt mà um xùm mất tình chòm xóm. Hát ca không làm no cơm ấm áo, nhưng đem đến niềm vui cho cuộc sống. Bà thông cảm người già cả dùm, coi như tích đức cho con cái. Ai đã lỡ mê rồi thì khi thiếu nó sẽ chịu không nổi, nhiều lúc sinh bệnh”.

Tôi biết bà cụ Chín là một trong số đó. Theo lời của ba, hồi thời con gái, cụ Chín hát hay nổi tiếng cả một vùng, biết bao trai làng mê đắm đuối nhờ người ngỏ lời mai mối. Ông bà cụ cố còn băn khoăn chưa chấm được ai thì nửa khuya cụ Chín cuốn gói trốn nhà theo đoàn hát. Không chịu xiết miệng đời xỉa xói, gièm pha “Trồng trầu trồng lộn dây tiêu - Con theo hát bội mẹ liều con hư”, ông bà cụ cố đành đứt ruột lên tiếng từ đứa con gái duy nhất của mình. Cái nghiệp cầm ca ám vào cụ Chín nặng đến mức làm mờ mấy thứ khác, kể cả chuyện chồng con. Gần quá lứa lỡ thì cứ mê mải tha phương, gạo chợ nước sông rày đây mai đó đờn ca hát xướng. Đến khi ông bà cụ cố gần đất xa trời mới quay về tạ lỗi, may kịp bồng theo cậu Phú còn đỏ hỏn.

Cụ Chín dạy hát cho cô út lúc mới biết đi chập chững, nói năng chưa rành. Ban đầu, ba tôi nghi ngại nhất định không cho, bởi thấy cậu Phú là con nhưng cụ Chín không chọn mà truyền nghề cho cô út. Không khéo lại nhiễm cụ Chín, sau này truân chuyên dang dở cả một đời. Cụ Chín nghe được, chẳng tỏ vẻ giận hờn trái lại ân cần giải thích: “Đừng tưởng xướng ca vô loài rồi ai theo cũng được. Phải có nghiệp mới chịu đựng cực khổ để đi đến cùng. Một khi vận vào thân, có cố ngăn cản chỉ tốn công vô ích”.

Đúng lời cụ Chín, có lẽ nghiệp cầm ca chê cô út thiệt. Nên dù giọng có hay chẳng thua gì bà cụ Chín hồi trước, nhưng chưa từng bao giờ ước ao bước lên sân khấu để trình diễn. Cô chỉ hát dành tặng người thân thuộc hoặc nhóm nhỏ bạn bè thôi. Hiển nhiên, cụ Chín là người được ưu ái nghe nhiều hơn cả. Hàng ngày, tôi và cô út hễ rảnh là sang chơi với cậu Phú và hát cho Cụ Chín nghe. Mỗi lần hát xong, bao giờ Cụ Chín cũng tặng cô út thứ gì đó. Khi thì cục kẹo bạc hà, chiếc bánh quy, củ khoai lang nướng, chén chè đậu xanh nấu bột bán. Lúc khác là vài món đồ dùng con gái lặt vặt như cây kẹp tóc, dây nơ, chiếc vòng đeo tay. Nhờ theo cô út, tôi hưởng sái được chút đỉnh. Mà đâu chỉ mình tôi, đôi lúc bà Cụ Chín còn gửi biếu má nải chuối chín, mấy trái xoài cóc, chục hột gà ăn lấy thảo. Ngay cả sau này, cô út đi học xa rồi làm việc luôn ngoài thị xã, cuối tuần về đều sang nhà hát cho cụ Chín nghe và nhận từ tay cậu Phú túi đồ “cây nhà lá vườn” mang theo vào chiều chủ nhật.

Mai đây cô út lấy chồng, cuối tuần hổng biết có còn thường về thăm nhà nên cậu Phú lo lắng thì phải. Thêm vào đó, tôi cảm nhận rằng chuyện không đơn giản vậy khi tình cờ thấy thái độ kiên quyết của má lúc nói chuyện với ba hồi trưa: “Cô út nhất định phải lấy chồng ở thành, luyến tiếc không chịu rời cái xứ tối ngày đầu tắt mặt tối này, sau có hối không kịp”. Ba cười gằn: “Đừng cậy mới mà nới cũ, chị em bà coi chừng thả mồi bắt bóng. Nghĩa tình ở đời ráng giữ trước sau cho đúng đạo. Chú ấy nào có thua ai, ngon lành vô cùng. Bà không nhớ là cô út học hành khá là nhờ một tay chú chỉ bài vở, thằng nhóc nhà mình cũng vậy. Không nặng chữ hiếu, chú ấy nay chắc cũng đỗ đạt thành kỹ sư, bác sĩ như người ta”. “Tui có quên ơn hay chê bai chú ấy hồi nào đâu mà ông bênh vực. Duyên phận trời định sẵn hết rồi. ý của tui là muốn cô út phải dứt khoát, gần tới ngày cưới xin mà còn nhùng nhằng sẽ sinh chuyện không hay”. “Thế cổ đã nói hết với chú ấy chưa?”. “Đâu đã vào đấy cả, ông yên tâm. ở đó cằn nhằn hoài chịu sao thấu, tui cũng ê mặt lắm chứ đâu sướng ích gì. Đàn ông có chén rượu chung trà với nhau dễ ăn nói, ông coi mần con gà giò, anh em tâm sự một bữa đi”.

Ba vẫn chưa làm được điều má yêu cầu, bởi cậu Phú cố ý lánh mặt thì phải. Tối tối không sang uống trà, thời sự với ba nữa. Riêng giữa tôi và cậu Phú, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi chuyện đang xảy ra giữa người lớn với nhau. Phần mình, tôi thương cô út thiệt, nhưng rất khó chịu không rõ do đâu cô út lấy chồng bỏ cậu Phú ngồi buồn thẩn thờ. Lại càng rối rắm hơn khi nghe má giải thích với ba rằng, cô út nói tại thương cậu Phú như anh em ruột rà nên khó ăn đời ở kiếp được.

Bóng hoàng hôn đang chập choạng phủ lên hàng bạch đàn dọc bờ kênh. Mấy con cúm múm hiếm hoi may mắn sống sót, từ phía đồng bưng vọng lại từng hồi như lời giận dỗi trách hờn. Gió bắt đầu thổi mạnh kéo cái lạnh ùa về. Ngồi trong lòng cậu Phú, tôi nghe hơi thở phả bên tai ấm áp lạ kỳ.

Bằng suy nghĩ non nớt, tôi chia sẻ sự lo lắng của cậu Phú: “Cô út đi thì con sẽ hát cho bà Cụ Chín nghe, mấy bài bản con thuộc lào hết trơn”. Không ngờ, cậu Phú biết luôn dự tính của má: “Con sắp tới sẽ theo cô út chuyển trường ra thị xã học, hát sao được”. Tôi ôm lấy cánh tay cậu đang choàng qua người mình, lắc nhẹ: “Ba chưa chịu ý má. Con thì thích ở nhà chơi với cậu hơn, ở ngoải ai cũng lạ hoắc hết”. Cậu Phú động viên: “Theo cô út có điều kiện học hành cho tương lai. Trai trẻ ở quê đeo ruộng vườn vừa cực khổ, lại không lo được cho ai”.

Tiếng “ai” sau cùng của cậu Phú nhẹ hều, kèm theo cái thở dài khiến tôi ái ngại hết sức. Hèn gì ba tôi khó xử với cậu Phú. Hai cậu cháu ngồi im lặng không nói thêm câu nào nữa, chừng tối mịt mới đứng dậy.

Cuối tuần cô út về, nhà tôi bận rộn hẳn. Ba nén hết nỗi niềm riêng vào lòng, tỏ vẻ bàng quan ngồi bên ấm trà, mặc cho má và cô út bàn tính, sắp xếp các thứ. Đến xế chiều, ba đạp xe gửi thiệp mời mấy ông bạn già, má ra xóm chợ đặt bánh, nhà còn hai cô cháu. Tôi đang nằm võng dưới bóng cây mận trước sân, say mê với mấy cuốn truyện tranh thì cô út kêu hỏi:

“Hổm rày con có thường chơi với cậu Phú?”.

“Ngày nào cũng gặp, mới hồi sáng này cậu chở con ăn cháo lòng”.

“Con thấy cậu Phú vui hay buồn?”.

Đến nước này mà cô còn hỏi tôi câu đó, thiệt là vô tình giống kẻ lạ người xa. Tôi không biết trả lời sao đúng ý cô, đành đưa tay gãi đầu: “Con hổng để ý!”.

“Bữa rồi nghe nói hai cậu cháu đi chợ, có mua được gì hông?”.

“Cậu sắm con hai bộ đồ tây để mặc đám cưới cô!”.

“Còn cậu Phú mua cho mình mấy bộ?”.

“Không có bộ nào hết. Cậu nói già rồi, mặc đồ gì cũng vậy!”.

“Rồi cậu Phú còn nói gì nữa, kể cô nghe với!”.

Còn chứ, trên đường về hai cậu cháu nói với nhau nhiều lắm, kể tới tối chưa hết. Mà cô hỏi làm chi, toàn những chuyện riêng chỉ một mình biết, không được kể cho ai nghe. Tôi cố lắm mới giữ kín miệng với ba má, và cả cô nữa, việc tới ngày đám cưới chắc cậu Phú không thể dự uống rượu mừng, do phải đưa cụ Chín viếng lễ Miếu Bà ở tuốt miệt trong. Còn vương vấn nỗi lo lắng của Phú hôm ở ngoài đồng, tôi lên tiếng lập lại xem cô có cách gì giúp không. Ví như tìm chỗ nhờ thu hết mấy bài bản cô hát vô băng đĩa, đem về để đó, chừng nào cụ Chín muốn nghe thì lấy đầu máy mở lên là xong ngay. Thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy bà cụ Chín ngồi im lặng bên dàn máy cũ kỹ, thưởng thức tiếng hát thời vàng son của mình.

Tôi chưa nói hết ý, cô út đưa hai tay ôm mặt. Hình như cô khóc hay sao, cứ khịt khịt lên hồi. Thật tình tôi không rõ chính xác vì lý do gì cô lại dễ dàng rơi nước mắt nhanh đến vậy. Chưa bao giờ tôi thấy người cô thân thương, mến tay mến chân suốt từ nhỏ đến giờ lại bỗng dưng khó hiểu, xa cách quá. Đương không đi lấy chồng ở thị xã làm chi, để ngoài má tôi ra, còn lại hai nhà ai cũng có vẻ buồn hết. Chỉ mới nghe tôi ba chớp ba nháng “đồ” lại thôi, mà cô còn cầm lòng không đặng. Gặp cảnh cậu Phú một mình ngồi ngoài đồng, tận tai nghe những lời từ sâu thẳm trong lòng của cậu thổ lộ, biết đâu cô sẽ gạt bỏ luôn mọi chuyện sắp diễn ra để quây lại nối tình xưa.

Chừng cơn xúc động lắng xuống, cô đi vào buồng. Tôi ra ngoài võng nằm đọc sách tiếp nhưng không vô chữ nào, đầu óc cứ lan man nghĩ ngợi vẩn vơ. Lát sau, cô trở ra với chiếc áo bà ba màu xanh da trời, tôi rất ít khi thấy mặc. Đó là món quà cậu Phú tặng cho cô lúc thi đậu vào trường y tế tỉnh. Mặt mày tươi tỉnh hẳn, cô cười căn dặn tôi:

“Con giữ nhà nghe, chị Hai về thì nói cô đi việc riêng. Chiều cả nhà ăn cơm trước, khỏi phải chờ”.

Tôi ngồi bật dậy, định lên tiếng cản bước cô út, mọi thứ xong xuôi đâu vào đấy thì còn việc gì mà có vẻ gấp gáp vậy. Coi tranh thủ qua gặp cậu Phú liền nhưng thấy cô bước nhanh hướng về nhà bà Cụ Chín nên thôi. Cô út vừa khuất dạng sau mấy bờ dừa thì má về tới, tay kệ nệ xách hai bịch củ cải để nhận món chua. Tôi ậm ừ trả lời cho qua câu hỏi của má cô út đi đâu, lúc nào về thì con cái tơ ụm lên, nhắc tới giờ ra đồng gặm cỏ. Sẵn có hẹn đá banh tụi bạn ngoài bãi giồng dưa, tôi lật đật ra sau hè mở cửa chuồng.

Con cái tơ mọi khi hiền khô, hôm nay đột nhiên trở chứng. Hai chân trước giậm giựt, nghỉnh mũi đầu lắc lia lịa. Vừa tháo dây khỏi cọc đã giựt chạy, vọt ào về phía đằng trước. Ra đến bãi, nó không chịu đứng một chỗ ăn mà quần tới lui. Hết cạ mình vào con bò này lại ủi đầu vào bụng con kia làm tôi mất hứng cuộc chơi do phải để mắt canh chừng. Mấy thằng bạn thấy vậy, xúm lại cười vang: “Con bò gái này muốn lấy chồng rồi đó, mày coi mối nào ngon thì gả luôn một thể!”. Tôi nghe nóng cả mặt mày, nghĩ rằng chúng cố tình ám chỉ chọc ghẹo cô út. Tôi quê độ bỏ ngang về sớm, mặc cho lời kèo nài, năn nỉ sau lưng.

Đang bực bội vì chuyện không đâu, vậy mà vừa qua khỏi giồng dưa, cánh đồng xanh mênh mông mở ra trước mắt, đẹp rực rỡ dưới màu ráng chiều, tôi nghe lòng phơi phới đến lạ. Con cái tơ cũng hết trở chứng, ngoan ngoãn cắm cúi gặm cỏ bên bờ kênh. Dòng nước phía dưới như trong hơn, trông rõ từng đàn cá trắng mỏng tang nhởn nhơ bơi lội. Giữa không gian yên ắng buổi chiều tà, bên tai tôi văng vẳng giọng hát quen thuộc của cô út. Tiếng hát càng lúc càng rõ dần. Con cái tơ hổng biết no bụng hay chưa mà đã thôi gặm cỏ, đầu nghểnh lên, vẻ đang lắng nghe. Đến chỗ bụi trâm bầu, nó khựng lại, quây đầu nhìn tôi rồi “ụm” một hồi dài.

Đoán có điều khác thường, tôi bước nhanh tới. Khung cảnh hiện ra khiến tôi sững sờ, không tin vào mắt mình. Nơi gò đất phía cuối chân ruộng, cậu Phú ngồi bệt trên cỏ. Bên cạnh, cô út ngã đầu vào vai và đang hát một cách say sưa. Giọng cô ấm ngọt, trong trẻo và vút cao vào không trung, làm chệch đường bay những đàn chim kéo nhau về tổ, khiến chúng lượn lờ quanh bầu trời. Tiếng con cúm múm hướng đồng bưng vọng âm điệu rộn rã, không còn buồn tênh xa vắng. Vài vạt nắng chiều le lói, nấn ná chưa muốn tắt, chiếu lấp lánh màu áo cô út, che nhòa bóng cậu Phú.

Tôi có cảm giác bài hát không chỉ được cất lên từ đôi môi xinh xắn của cô út, mà cả bờ cỏ xanh mượt đang rạo rực, rì rào trỗi nhịp theo. Tôi không tin đó là những câu hát sau cùng cô út dành tặng cậu Phú. Từng cung bậc chứa đựng cả niềm vui gặp gỡ và nỗi nhớ nhung của sự chia xa ngân lên bất tận. Như thể tình yêu lứa đôi chưa bao giờ hết diệu kỳ.

 

(Nguồn: Văn nghệ số 7/2014)