Cảm xúc tháng Tư - ký ức ngày hòa bình

24.04.2015

Cảm xúc tháng Tư - ký ức ngày hòa bình

Hòa trong không khí của những ngày tháng Tư lịch sử cả nước cùng đón mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, thế hệ cầm bút đi qua chiến tranh một thời cũng đã cùng đóng góp những câu chuyện, hồi ức quý giá trong tuyển tập Cảm xúc tháng Tư (Hội Nhà văn TP.HCM và NXB Văn hóa - Văn nghệ vừa ấn hành).

 

Câu chuyện của những người đã sống và chứng kiến khoảnh khắc đất nước trong ngày 30.4 lịch sử đã được tái hiện từ nhiều không gian, góc độ và cảm xúc. Tất cả đã làm nên một Cảm xúc tháng Tư tuyệt diệu và hào hùng. Cái ngày người người “đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay”, “Giữa quảng trường Hạ viện Sài Gòn, tượng đài lính thủy quân lục chiến quân đội Sài Gòn bị giật đổ, vôi vữa ngổn ngang chất đống.

 

Các cô gái mặc áo pull quần jeans, các chàng trai quần loe tóc dài trên cánh tay đeo băng đỏ đứng giữa các ngã tư đại lộ thổi còi hướng dẫn xe cộ, khách đi đường. Các mẹ Bàn Cờ mang quà bánh ủy lạo chiến sĩ xe tăng, mấy chú nhóc bán báo, đánh giày nhảy lên thiết giáp xe tăng T.54 ngồi ngất ngưởng trên nòng pháo đài cười đùa tíu tít…” - trong câu chuyện của ĐD Lê Văn Duy, Sài Gòn ngày 30/4 như một ngày hạnh phúc với những hình ảnh đẹp đẽ và kỳ diệu nhất trong lịch sử của đất nước sau hàng thập kỷ kháng chiến trường kỳ.

 

“Buổi sáng 30.4 trôi qua trong chầm chậm tiếng súng vọng về từ khu vực trại Hoàng Hoa Thám”, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu nhớ lại. Lúc đó, ông nhìn thấy từ hướng nhà thờ Ba Chuông ba chiếc xe tăng T59 với vòng lá ngụy trang nhả khói tiến về phía trước. “Từ trong những ngôi nhà mặt tiền những ánh mắt lo âu dường như dịu lại, cửa đã mở ra he hé, nhìn ra, thấy yên lặng, họ lại lặng lẽ đóng sập cửa lại, chờ đợi. Cho đến khi tiếng loa phát thanh lưu động của lực lượng nổi dậy tại chỗ vang lên kêu gọi người dân mở cửa đón chào quân Giải phóng…” - nhà thơ Phạm Sỹ Sáu kể lại.

 

“Ngày 30.4 trôi qua với những biến động lớn lao nhưng lặng lẽ đã làm kinh ngạc thế giới này. Một sự đầu hàng không cần phải trải qua bao nhiêu đổ vỡ hoang tàn, không cần hàng vạn hay chí ít cũng là hàng ngàn con người phải thương vong. Ba mươi tháng Tư - ngày đã trả lại cho chúng ta cái vốn lớn lao có từ ngàn đời, là sự thông tuệ, là sức ngoan cường của dân tộc.

 

Ba mươi tháng Tư khép lại vĩnh viễn để mở ra một chiều cao bất tận, chiều cao của một lý tưởng sống đẹp của dân tộc này” - nhận định của nhà văn Vũ Hạnh không chỉ một lần nữa mang lại cảm giác “vui sao nước mắt lại trào” cho những chứng nhân lịch sử năm xưa mà còn khiến cho người đọc rung động bồi hồi. Trong cái ngày tuyệt diệu và đẹp đẽ ấy, triệu trái tim cả nước đều chung một nhịp đập, hòa cùng niềm hạnh phúc vô biên nối liền Nam - Bắc.

 

Ngày 30.4 năm ấy đã được các nhà văn nhắc nhớ bằng những danh từ: ngày của hòa bình, của cờ hoa, máu và nước mắt; ngày của sự tái sinh; không thể lãng quên… Đó cũng là ngày mà những chứng nhân lịch sử đều nói rằng được chứng kiến những giây phút vỡ òa của đất nước là một niềm hạnh phúc lớn lao quý giá của cuộc đời mình. Để rồi 40 năm sau, những ký ức ấy được trở lại như mới ngày hôm qua, như thể thông báo của lệnh giới nghiêm từ buổi chiều 29.4 năm nào còn văng vẳng và sự hồi hộp khó tả của nhân dân thành phố trước linh tính về một trận đánh lớn sẽ làm thay đổi lịch sử. Một trận chiến trong im lặng sống còn…

 

Ký ức là điểm tựa để hướng về tương lai. Đất nước và dân tộc đã tựa vào dấu son lịch sử ấy mà đi suốt 40 năm qua. Kể từ cái ngày tuyến đường sắt Bắc-Nam hư hỏng ngổn ngang, “trên khắp các cung đường các nhà ga, mỏ đá mỗi ngày có hơn sáu vạn người lao động để khôi phục con đường huyết mạch của đất nước” như trong trí nhớ của GS-TS Huỳnh Như Phương; từ ngày đồng bào cả nước phải ăn khoai, bo bo và từng ngày vá lành vết thương chiến tranh trong từng trái tim triệu con người…

 

Cho đến bây giờ đã là một cuộc thay da đổi thịt, đất nước được độc lập bình an mà mỗi khi nhớ về những ngày tháng Tư lịch sử có biết bao con người lại “thương trào nước mắt”… Tuyển tập Cảm xúc tháng Tư không chỉ là những câu chuyện kể của người đi trước mà đó còn là những giá trị thấm thía cho hôm nay. Không đi qua chiến tranh, nhưng thế hệ trẻ vẫn cần đọc để một lần được cùng trở lại với ngày 30.4 hào hùng…

Tiểu Quyên
(http://nhavantphcm.com.vn)