Chào từ biệt ông, Phan An Sa – Phan Lang Sa!
01.12.2021
Người con trai út của nhà thơ, học giả Phan Khôi là ông Phan An Sa (1945-2021) vừa đột ngột từ biệt nhân gian, khi cuốn sách mới của ông "Tôi với thầy tôi - Phan Khôi" (NXB Đà Nẵng) vừa in xong chưa ráo mực.
Gặp ông chỉ được một đôi lần tại hội thảo, nhưng tôi có cảm giác quen thuộc từ rất lâu, khi đọc Phan Khôi và các sách của những người con họ Phan đất Bảo An (Điện Bàn, Quảng Nam) viết ra.
Với những cuốn sách viết về cha mình, đặc biệt với "Nắng được thì cứ nắng – Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân văn" (NXB Tri thức, 2013) – cuốn sách được trao Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội cùng năm, Phan An Sa đã bổ khuyết phần rất lớn về cuộc đời và suy tư của học giả Phan Khôi, từ cái nhìn cận cảnh gia đình, với bao nhiêu chi tiết người ngoài không thể nào biết được.
Đặc biệt suốt mấy chục năm trời kể từ sau 1975, ông là người đầu tiên và kiên trì nhất đeo đuổi việc tìm lại mộ cha mình. Học giả Phan Khôi mất ngày 16/1/1959, được an táng tại nghĩa trang Hợp Thiện ở Vĩnh Tuy, Hà Nội. Một ngôi mộ đất đơn sơ như bao ngôi mộ xung quanh. Nghĩa trang của những kiếp người lao khổ, những nấm mộ tập thể của bao nhiêu người chết trong nạn đói 1945.... Thế rồi đạn bom, loạn lạc sơn tán, người ta tự động di dời nghĩa trang lấy đất xây dựng nhà máy Dệt Minh Khai từ bao giờ...
Tác phẩm cuối cùng của tình phụ tử Phan Khôi - Phan An Sa.
Sau 1975 người lính Phan An Sa từ chiến trường miền Nam về, nơi đầu tiên là tìm đến mộ cha. Nhưng không còn tìm thấy dấu vết nào nữa...
Liên tục suốt mấy chục năm sau đó, ông Sa cùng anh chị em, con cháu mải miết, đau đáu đi tìm mộ cha, ông mình. Nhờ cậy đến rất nhiều thầy bà tâm linh, lễ lạc, trong đó có cả ông Năm Chiến từng "lừng lẫy" với nghề tìm mộ một thời ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Nhưng bất lực,...
Để rồi cuối cùng, ngày 9/1/2005, một nắm đất nhỏ nơi từng là nghĩa trang Hợp Thiện xưa, nơi Phan Khôi được an táng, đã được con cháu thành kính bốc đặt vào quách, trang trọng chuyển về nghĩa trang Bạc Hà (khu vực núi Thọ Sơn, thôn Tân Phong, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) – nơi quy tập các bậc tiền hiền 5 phái thuộc tộc Phan làng Bảo An. Cách dòng Thu Bồn bên kia là làng Bảo An quê gốc. Học giả Phan Khôi về nằm lại quê nhà dưới ngôi "mộ gió".
Nhớ lần gặp ông Phan An Sa tại Hội thảo Phan Khôi ở Tam Kỳ (Quảng Nam) ngày 6/10/2014. Sẵn cuốn "Nắng được thì cứ nắng..." trên tay, tôi liền đến "đòi" ông chữ ký vào đầu sách.
Ông là Phan An Sa, cái tên như muốn nói về hạt cát họ Phan làng Bảo An (Điện Bàn, Quảng Nam)? Nhưng sự thực đằng sau đó là câu chuyện ngậm ngùi.
Năm 1948, từ chiến khu Việt Bắc, Phan Khôi gửi thư về Quảng Nam cho hai bà vợ cùng bầy con 10 người. Kèm theo 2 bài thơ Nhớ nhà (I, và II).
Hai câu cuối bài Nhớ nhà II, Phan Khôi nhắc đến cậu con út: "Bé nhất Lang Sa mới ba tuổi/Tên mày ghi cái nhục non sông".
Vì sao lại là "Lang Sa"? Trong cuốn "Nắng được thì cứ nắng...", ông Phan An Sa kể lai lịch cái tên đặc biệt của mình: "Lang Sa là từ Hán Việt phiên âm chữ France là nước Pháp, vì thằng bé sinh vào chập tối mồng 9 tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chính Pháp. Theo ý ông (Phan Khôi), đã phải chịu cái nhục mất nước vào tay thực dân Pháp hơn 80 năm trước, nay lại thêm cái nhục mất nước vào tay phát xít Nhật, thì đã là con cái của ông phải không được quên cái nhục ấy. Thế là cái thằng bé thuần chủng Việt ấy, vừa lọt lòng mẹ đã mang một cái tên đầy vẻ Tây, cái tên đó đeo đuổi cuộc đời nó đến mãn kiếp với biết bao nhiêu là nỗi sợ hãi của một kiếp người và niềm tự hào của một kiếp làm con ông!".
Còn "nỗi sợ hãi" về cái tên France, theo ông Phan Nam Sinh, anh ruột (cùng người mẹ đời sau) của Phan An Sa, thì "Hồi đó và cho đến trước lúc thầy tôi chủ trương tờ Nhân văn và tham gia viết cho nhóm Giai phẩm, tôi chưa từng nghe ai chỉ trích cách đặt tên đó cả. Bản thân tôi cũng tin rằng cái tên thằng em tôi mang, như thầy tôi giải thích, là để đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp và nhắc nhở anh chị em tôi cái nhục một cổ hai tròng. Chỉ tới năm 1958, khi báo chí phát động rầm rộ cuộc đấu tranh chống Nhân văn – Giai phẩm, tôi mới biết thêm cách hiểu khác của các nhà phê bình(!). Chỉ thương thằng em tôi, lúc đó mới mười ba tuổi, đang học cấp 2, đã phải đổi tên và dùng cái tên không phải do thầy tôi đặt cho mãi tới bây giờ…".
Vậy là từ Phan Lang Sa (Fance), người con trai út của Phan Khôi đã phải tự đổi tên thành Phan An Sa mới có thể đi học, mới có thể ra đời công tác bình thường!
Với tên tuổi Phan Khôi và những gì thuộc về "Nhân văn giai phẩm", không phải ngẫu nhiên mãi sau này sách của/sách về Phan Khôi mới được xuất bản trở lại. Và không phải ngẫu nhiên, mãi đến tháng 3/2015, tên đường Phan Khôi mới được đặt tại Quảng Nam, quê hương của ông! Sau khi được "đả thông" với Hội thảo chính thức lần đầu tiên về ông tại địa phương tháng 10/2014.
Với những đóng góp bổ khuyết, phục dựng về cuộc đời, suy tư của cha mình là Phan Khôi, Phan Lang Sa – Phan An Sa thật xứng đáng với "niềm tự hào của một kiếp làm con Phan Khôi".
Xin thành kính tiễn biệt ông!
___
Hai bài thơ của Phan Khôi từ Việt Bắc gửi về quê cho hai bà vợ năm 1948
NHỚ NHÀ (I)
"Vì có trông người, nhớ đến ta/Nhà Hai, nhà Cả, cả hai nhà/Tài không tháo vát, nhưng cần kiệm/Họa có ghen tuông, vẫn thuận hòa/Tình nặng nhớ nhung, thơ vụng tả/Biệt ly khao khát, tuổi quên già/Loạn ly, sống chết còn chưa biết/Đã một, hai rồi, chẳng lẽ ba?"
NHỚ NHÀ (II)
"Hai nhà cộng lại có mười con/Năm gái năm trai ngắm cũng giòn/Gả cưới tạm yên nguyền một nửa/Sữa măng riêng mủi máu ba hòn/Tư trào thôi hẳn đành chia rẽ/Nhân cách còn mong được vẹn tròn/Bé nhất Lang Sa mới ba tuổi/Tên mày ghi cái nhục non sông".
"Hai nhà", đó chính là 2 bà vợ với đàn con 10 người, lúc đó còn đang ở quê nhà Quảng Nam.
Bà vợ đầu Phan Khôi tên là Lương Thị Tuệ (bà Phan), con cụ Cử nhân Giáo thọ Lương Thúc Kỳ người làng Hà Tân, Đại Lộc, Quảng Nam. Hai ông bà lấy nhau năm 1913, khi bà mới 19 tuổi, có cả thảy 8 người con (trong đó người con trai thứ 6 mất sớm khi mới 12 tuổi).
Bà Hai là Nguyễn Thị Huệ, sinh năm 1911, quê Giao Thủy, Nam Định. Năm 1932, đang làm báo ở Sài Gòn, Phan Khôi viết thư về xin phép cha được lấy vợ nhỏ để theo mình đỡ đần công việc. Ở quê, chính bà Phan vâng lời cha đứng ra lo liệu "mối" vợ nhỏ cho chồng, nhưng Phan Khôi cuối cùng không đồng ý "mối" này! Đến năm 1935, khi đã ra Hà Nội, Phan Khôi gặp và cưới bà Huệ kém ông 24 tuổi, khi ấy đang ở với người chị gái ở Hà Nội (Không rõ chi tiết "Hai mươi bốn năm xưa vừa gió lại vừa mưa" trong bài Tình già có liên quan gì đến mốc thời gian này không?).
Phan Khôi và bà Huệ có với nhau 3 người con, trong đó có người con trai út Phan An Sa mà ở trên vừa kể. Khi ông Phan Khôi lên Việt Bắc, mẹ con bà Huệ cũng được đưa về quê chồng Quảng Nam. Đến năm 1954, hai bà và toàn bộ đàn con, cháu đã lần lượt tập kết ra Bắc đoàn tụ với Phan Khôi.
T.T
Có thể bạn quan tâm
Thương tiếc nhà văn Tùng Điển (1947 - 2022)Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện”Đà Nẵng dẫn đầu số ảnh lọt vào vòng xét giải tại Liên hoan ảnh Nghệ thuật Khu vực Nam Trung Bộ & Tây Nguyên lần thứ 29Chương trình nghệ thuật chủ đề “Tình đất nước” thu hút đông đảo người dân, du khách thưởng thứcThể lệ Cuộc vận động sáng tác ca khúc đề tài về biên giới, biển đảo và bộ đội Biên phòngVĩnh biệt điêu khắc gia Lê Công ThànhNghệ sĩ được hưởng phụ cấp ưu đãi, luyện tập, biểu diễn Mở trại sáng tác văn học năm 2024 tại Nha Trang và Đại LảiThông báo số 01 về Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2024Liên hoan 'Những nốt nhạc xanh' năm 2023: Sân chơi âm nhạc bổ ích cho thiếu nhi Đà Nẵng