Có một mùa thương đang chín bói*

15.03.2021
Thuỷ Nguyễn

Có một mùa thương đang chín bói*

(Đọc tập thơ “Mây mưa với chữ” của Trần Mai Hường, NXB Hội nhà văn, phát hành tháng 01/2021).

Có một mùa thương yêu và khát vọng đang chín trên cành, chờ sự rung ngân của những tâm hồn đồng điệu. Mùa yêu thương ấy đang tỏa hương, bởi độ lan tỏa cảm xúc, ở cách diễn đạt tự nhiên nhưng tinh tế của một tâm hồn say thơ, say yêu đến mãnh liệt: Trần Mai Hường. Cầm trên tay tập thơ: “Mây mưa với chữ” (NXB Hội nhà văn, tháng 01/2021) của người đàn bà vừa làm thơ vừa biên tập sách ấy, người đọc thú vị cùng 45 cung bậc cảm xúc của một trái tim luôn bồi hồi bởi những thao thức, khao khát rất đời, rất người.

Mười hai năm gắn bó với thơ (kể từ tập thơ đầu tay “Sóng khát”- 2009), Trần Mai Hường miệt mài sáng tác và đều đặn cho ra đời những đứa con tinh thần; “Mây mưa với chữ” là tập thơ thứ tám của chị cùng với nhiều tập thơ in chung. Bằng chính những trải nghiệm của khoảng đời cầm bút, Hường đã chia sẻ: “Với tôi, nghề văn là một nghề khó. Đích đến của văn chương là đường chân trời, mỗi tác phẩm là mỗi nấc thang. Nhà văn phải đủ bản lĩnh bước từng nấc một đến kiệt mình mà đường chân trời vẫn còn xa lắc”. Thật vậy, nghề viết tựa như trò chơi xúc xắc với con chữ, để có những ngôn từ tươi mới đòi hỏi người “cầm quân” phải có tài xóc chữ, sáng tạo chữ, thể hiện thật độc đáo những biến hóa khôn lường trong tâm trạng, nghĩ suy. Với những vần thơ đang vào độ chín tự nhiên nhất, Trần Mai Hường dẫn dắt độc giả vào những trang đời của một người phụ nữ đa đoan bằng tài xúc xắc chữ của riêng mình. Bốn mươi lăm bài thơ trong tập “Mây mưa với chữ” là những quả ngọt đều tay, quyến rũ bởi nét dung dị, đời thường nhưng cháy bỏng mãnh liệt và đậm chất Mai Hường.

Ấn tượng nhất đối với mọi người có lẽ bắt đầu từ tên tập thơ: “Mây mưa với chữ”, cụm từ này đã diễn tả khá đủ đầy khao khát nóng bỏng, chất cuồng say với ngôn từ, chữ nghĩa của một tâm hồn đắm đuối với thi ca. Cách ghép chữ tài tình và biến hóa của chị đã đem lại cho người đọc những bất ngờ khi lật từng trang thơ. Để có những con chữ vi tế ấy, chắc chắn nhà thơ phải trải qua những cơn đau quặn mình như nỗi đau đàn bà đi biển mồ côi một mình: “Những câu thơ đang run/ Cánh đồng chữ quặn mình sinh nở/ Yêu thương nào phôi thai” (Gửi đêm qua), hay:“Bài thơ chắt từ tim/ Run em từng chữ dại/ Ừ thôi lại dỗ mình/ Buốt ơi đừng gió mãi” (Không phải tình nhân). Thật vậy để có những vần thơ như những trải lòng chân thực, rất đời ấy, trái tim đàn bà chắc phải qua nhiều bão tố và hằn lên những vết xước đớn đau: “Ta lại đành xóc chữ/ Cộng trừ những được thua/ Xót xa ơi thầm nhé/ Riêng ta đau đã thừa” (Sinh nhật).

Con người với vẻ ngoài thân thiện, tràn đầy năng lượng ban ngày nhưng về đêm là một Trần Mai Hường hoàn toàn khác; bởi đây là khoảng lặng để chị nhớ thương và nhìn lại: “Những kí tự phiêu linh/ Những con chữ nhiệm màu/ Từ có anh/ đêm về nhông nhao điên cuồng đòi thoát xác” (Thơ cho người cũ), hay: “Đêm - ta và chữ hoang ngôn/ Để chừng mực lại nỗi hờn người dưng” (Như chưa từng). Bóng đêm là khoảng thời gian cũng là khoảng không gian mênh mông nhất để người đàn bà làm thơ đối diện và suy ngẫm về thân phận mình. Để quên đi nỗi cô đơn trong những đêm dài vò võ, chị chỉ biết trốn vào con chữ, bơi trong sóng chữ: “Là em sấp ngửa nổi chìm/ Bơi trong sóng chữ biết tìm đâu phao” (Xin chừa lối thương). Câu thơ rợn ngợp một niềm đau, một nỗi buồn về kiếp đời đồng thời chứa đựng nỗi niềm của người cầm bút; đâu là bến bờ, là điểm tựa cho phận đàn bà đa đoan?

Lật từng trang sách của Trần Mai Hường, người đọc có thể sẽ không quá bất ngờ với cách biểu đạt ý độc và lạ một khi “thơ là ngôn ngữ nghịch với lẽ thường... Thi sĩ là kẻ phá vỡ tương quan của ý tưởng và thay thế vào đó tương quan của từ ngữ” (Đặng Tiến): “Hà Nội hôm nay nắng phải lòng mùa/ Em cầm nhớ lang thang ru-bích chữ” (Ru-bích chữ). Biến cái trừu tượng thành cái cụ thể qua phép chuyển đổi cảm giác khiến thi ảnh của Hường luôn tươi mới: “Từ anh ngược dòng sông nhớ/ Chín xanh cảm xúc một thời/ Em dắt thơ về cuối sóng/ Cùng dòng sông nhớ thầm trôi...” (Xin lửa rơm đừng cháy nữa). Viết về các cung bậc của tình yêu, ngòi bút chị tha hồ tung tẩy, bởi đây là cảm xúc thực lòng; những rung động sâu thẳm trong trái tim mãnh liệt và da diết. Để diễn tả được điều đó, Hường sáng tạo những so sánh thật táo bạo: “Như thú dữ nhớ rừng/ Em nhớ anh” (Tình em còn nguyên nếp); “Ta tan vào nhau như giông như thác. Như nham thạch triệu triệu năm chỉ đợi phút bung tình” (Cho ngày mình yêu)...

Thơ tình Trần Mai Hường quyến dụ người đọc bởi cách kết hợp từ ngữ ngẫu nhiên, biến ảo; thi ảnh mới mẻ của một ngòi bút mê đắm và si tình, “vươn tới đỉnh cảm xúc, thẳm đam mê và bến bờ của mong đợi” (Hoàng Thu).“Mây mưa với chữ” là một minh chứng sắc nét nhất; tập thơ kết đọng những rung cảm thẩm mĩ, dâng trào một năng lượng sống, năng lượng yêu làm thăng hoa xúc cảm, khiến độc giả: “Không thể bình tĩnh được/ Trước rừng lạ mây tươi/ Mê lạc miền thành thảo/ Mùi trần gian dụ mời” (Thú nhận). Mùi trần gian hay mùi vị cuộc sống trần thế luôn dụ mời những trái tim thơ???

 T.N