Nhân mùa xuân mới, nhớ những ngày đến với nghệ thuật Múa ở chiến trường Khu 5

15.03.2021
Lê Huân

Nhân mùa xuân mới, nhớ những ngày đến với nghệ thuật Múa ở chiến trường Khu 5

Kể từ mùa xuân Mậu Thân 1968, nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, 24 tuổi khi đang là giáo viên, biên đạo múa Trường Múa Việt Nam. Tôi viết mấy lá đơn tình nguyện xin được vào chiến trường miền Nam, bỏ lại sau lưng đề án thực tập sinh nước ngoài của trường và Bộ Văn hoá đã chọn cử. Tiếp nhận nguyện vọng, lý tưởng nghề nghiệp của tôi, Bộ Quốc phòng đã sắp xếp tôi vào Đoàn Văn công Giải phóng miền Trung - Trung bộ, đến tập trung tại Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng mấy chục anh em nghệ sĩ múa, hát và các nhạc sĩ, họa sĩ, nhà viết kịch được chọn ở các đoàn văn công toàn quân với tên gọi Đoàn 2 Văn công Giải phóng miền Trung - Trung bộ. Bởi lúc đó đã có một lực lượng nghệ thuật đang hoạt động tại Khu 5 gọi là Đoàn 1 do Nhạc sĩ Thanh Anh làm trưởng đoàn.

Chúng tôi, nhiều anh chị em lần đầu tiên mặc áo lính, hàng đêm phải tập luyện hành quân, vác ba lô gạch đi khắp các tuyến đường Hà Nội đúng vào dịp mùa xuân giá rét. Ăn Tết tại Bộ Tư lệnh Thủ đô xong là chuẩn bị lên đường bởi chiến trường đang gọi. Cả đoàn nao nức muốn đi thật nhanh vì tiếng súng tổng tiến công đã nổ. Chúng tôi muốn được góp phần vào cuộc chiến đấu nóng bỏng với hy vọng một mùa xuân chiến thắng.

Thế rồi, thực tế chiến trường lại trải dài thêm bao thử thách, cho tới mùa xuân 1975 ước nguyện của dân tộc mới được hoàn thành. Tuổi trẻ và sự nghiệp nghệ thuật của tôi được rèn giũa, được tôi luyện, được trưởng thành trong cuộc chiến đấu hào hùng, oanh liệt nhất, nơi nhân dân chiến sĩ tuyến đầu hy sinh xương máu để chiến thắng quân thù, giành độc lập tự do, thống nhất non sông.

Chiến trường Khu 5, nơi được coi là nơi ác liệt, gian nan nhất cũng chính là nơi “lửa thử vàng” cho lý tưởng nghệ thuật của tôi. Những cán bộ sáng tác chúng tôi được Khu uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu đứng đầu là đồng chí Võ Chí Công, đồng chí Chu Huy Mân vô cùng quý trọng, tạo mọi điều kiện cho chúng tôi được hiểu biết về tư tưởng chiến lược, chiến thuật và tinh thần hy sinh chiến đấu của nhân dân chiến đấu vì lý tưởng cách mạng.

Cảm hứng sáng tạo nơi chiến trường rực lửa khiến cho các nhạc sĩ, họa sĩ, nhà viết kịch trong đoàn hội làm nên nhiều tác phẩm có giá trị rung động lòng người như: Vở kịch dân ca “Bà mẹ gò nổi”, vở “Ba cha con” của Phan Ngạn, bài hát “Cô du kích Đà Nẵng” của Thanh Anh, bài hát “Sông Đak Rong mùa xuân về” của Tố Hải, tượng “Dũng sĩ Núi Thành” của Tạ Quang Bạo. Riêng nghề biên đạo múa của chúng tôi, sân khấu biểu diễn chính là mảnh đất rừng hoặc trong ngôi nhà lợp lá cọ thắp lửa xà nu. Ngoài âm nhạc tương tác, không có hỗ trợ của trang trí, phục trang, bài trí nào khác. Tôi phải ra sức trăn trở để làm ra cách sáng tạo hấp dẫn cho một tác phẩm múa biểu diễn nơi chiến trường.

Sau bao nhiêu suy tư vật vã tôi đã tìm ra cho được một hướng đi cho các sáng tác múa, với những tác phẩm như “Anh nuôi súng”, “Mài sắc đường lê”. Tôi xây dựng nên những nhân vật, tình tiết lạc quan trong cuộc sống luyện tập, chiến đấu của chiến sĩ hấp dẫn người xem, dù biểu diễn chỉ có phục trang quần áo lính. Bằng khả năng diễn xuất của diễn viên múa, nổi bật như NSƯT Minh Vân hồi đó đóng những vai người lính trẻ đã khiến cho khán giả xem múa thích thú, có khi điệu múa được hoan nghênh diễn tới hai ba lần. Sau này, những tác phẩm múa ấy của tôi được xếp trong chùm tác phẩm đạt giải thưởng Nhà nước năm 2007.

Kể từ mùa xuân Mậu Thân 1968 đến nay, là người nghệ sĩ, chiến sĩ cách mạng, tôi phấn đấu không ngừng nghỉ để góp phần xây dựng nghệ thuật múa Đà Nẵng. Tuy với mình, tuổi đã cao nhưng ý chí, tinh thần vẫn say mê khám phá, sáng tạo.

Mấy năm nay, hoàn thành được kịch bản vở kịch múa “Ngọn lửa Hồ Chí Minh”, 2 màn, 79 phút. Kịch bản đã được Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Múa xếp loại A, được Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao.

Tôi mong đợi tới mùa xuân này, Xuân Tân Sửu 2021, kịch múa “Ngọn lửa Hồ Chí Minh” sẽ được dàn dựng, biểu diễn phục vụ tại Đà Nẵng và trên các vùng miền cả nước.

Tôi đang có ý nguyện, cùng anh chị em Hội Nghệ sĩ Múa thành phố Đà Nẵng, nơi tập hợp hàng trăm hội viên nghệ sĩ múa bao gồm cả lực lượng biểu diễn chuyên nghiệp và phong trào để xây dựng nên một vùng nghệ thuật múa có thành tựu đóng góp tích cực cho nghệ thuật múa Việt Nam.

L.H