Nam Ô - Nét di sản bên lề đô thị

15.03.2021
Thiên Lý

Nam Ô - Nét di sản bên lề đô thị

Bờ biển Đà Nẵng uốn lượn gấp khúc qua nhiều làng xã, trong đó làng Nam Ô nằm ở mút đầu phía bắc của thành phố. Nơi đây vẫn còn nhiều nét xưa cũ pha lẫn vào hình hài đang từng ngày đô thị hóa mạnh mẽ. Sự đông đúc, chật chội của nhà cửa, cái nhộn nhịp của phố xá không át đi một Nam Ô với nét di sản văn hóa dựng xây từ bao đời. Mặc dù quá trình chỉnh trang đô thị đã làm biến đổi nhiều một vùng quê bình dị nhưng nhiều thiết chế tín ngưỡng văn hóa vẫn còn được bảo lưu, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của người dân sở tại.

Đình làng Nam Ô tọa lạc trên một khu đất cao ráo có tổng diện tích gần 1.000 m2, mặt tiền trông thẳng ra sông, hai phía tả, hữu giáp nhà dân, sau lưng là một đường bê tông nhỏ. Các bậc cao niên đoán định rằng đình được dựng vào thế kỉ XV, sau khi vua Lê chinh phạt Chiêm Thành thắng lợi, lập ra thừa tuyên Quảng Nam. Ngôi đình hiện tại được tái dựng vào năm 1935. Xà cò nay vẫn còn khắc dòng chữ “Tuế thứ Ất Hợi Bảo Đại thập niên ngũ nguyệt thập nhất nhật bổn vạn đồng tái tạo” (Ngày 11 tháng 5 năm Ất Hợi, niên hiệu Bảo Đại thứ 10, bổn vạn đồng tái tạo). Đình là nơi linh thiêng, thờ tự các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai ấp lập làng và các vị thần linh bảo trợ đời sống người dân. Bên trong tự sở, rất nhiều câu đối được đắp vẽ ca ngợi cảnh vật đất trời và con người Nam Ô:

正 氣 統 山 河 精 秀 隐 明 正 直 濯 灵 威

仁 声 皆 天 地 同 流 轉 相 载 成 洋 盛 軌

Chính khí thống sơn hà, tinh tú ẩn minh chính trực trạc linh uy,

Nhân thanh giai thiên địa đồng lưu chuyển tương tái thành dương thịnh quỹ.

(Chính khí trùm núi sông, ẩn tinh tú, sáng chính trực, ngời uy linh,

Tiếng nhân khắp trời đất, cùng lưu chuyển, cùng đổi thay, tràn thịnh vượng).

花 塢 新 基 人 傑 地 靈 留 勝 景

泳 城 舊 址 家 絲 户 誦 慶 重 光

Hoa Ổ tân cơ, nhân kiệt địa linh, lưu thắng cảnh.

Vịnh Thành cựu chỉ, gia ti hộ tụng khánh, trùng quang.

(Hoa Ổ nền mới, người tài đất linh, lưu thắng cảnh,

Vịnh Thành móng cũ, nhà ấm danh thơm, sáng muôn đời).

Hay như:

天 地 無 私 正 直 聡 明 鍾 旺 氣

江 山 有 主 巍 峩 赫 濯 著 神 庥

Thiên địa vô tư, chính trực thông minh, chung vượng khí,

Giang sơn hữu chủ, nguy nga hách trạc, trứ thần hưu.

(Trời đất vô tư, chính trực thông minh, chung vượng khí,

Giang sơn có chủ, nguy nga rực rỡ, nhờ ơn thần).

Trên tường chính điện còn có hai bài thơ chữ Hán mà theo ông Đặng Dùng, một người địa phương am hiểu về vùng đất này thì bài thơ tựa như lời đối đáp của hai vị khách đường xa dừng chân trú lại và có “lịch sử” cũng cả trăm năm có lẻ.

Bài thứ nhất

朝 西 含 苟 泳 城 中

鳳 即 形 容 五 水 逢

龍 虎 將 來 相 對 格

丁 財 文 载 悬 眞 客

Triều tây hàm cẩu Vịnh Thành trung

Phụng tức hình dung ngũ thủy phùng

Long hổ tương lai tương đối cách

Đinh tài văn tái huyễn chân khách.

(Ngóng phía tây bao quát được cả Vịnh Thành

Năm dòng chảy tụ lại tựa như hình chim phụng

Sau lại nhìn giống như hình rồng - hổ đối ứng

Mong gặp người giỏi văn chương, níu chân khách qua đường).

Bài thơ thứ hai

单 鳳 含 珠 半 月 修

案 前 堂 凸 起 三 星

朝 來 五 水 隆 清 白

文 武 丁 財 盛 發 明

(Đan phong hàm châu bán nguyệt tu

Án tiền đường đột khởi tam tinh

Triều lai ngũ thủy long thanh bạch

Văn võ đinh tài thịnh phát minh).

(Gió lành ngậm ngọc giữa đêm trăng khuyết

Trước cửa bỗng nổi lên ba ngôi sao

Trông như năm dòng chảy hội tụ trong vắt xanh biếc

Người giỏi văn võ, ắt có nhiều ý tưởng hay).

Nằm trên bãi cát trắng ven biển, Lăng Ông, giếng cổ và miếu Âm linh hợp thành một quần thể nối tiếp nhau với diện tích hơn 2.000m2. Hằng năm người dân Nam Ô đều đến đây tế lễ các vị thần linh, cầu mong một năm an bình, dân khang vật phụ. Câu đối và hoành phi ở Lăng Ông đã thể hiện niềm tin và sự kính ngưỡng uy linh thần thánh: 海 神 助 順 (Hải thần trợ thuận - Thần biển cứu trợ khiến được thuận lợi). 濯 厥 靈  (Trạc quyết linh - Sáng ngời thay anh linh đấng thần thánh. Hay như câu đối đặt trên lối đi hậu tẩm:

海 風 鸿 遇 神 灵 助

順 巨 莫 遊 水 族 攸

Hải phong hồng ngộ thần linh trợ,

Thuận cự mạc du thủy tộc du.

(Gặp gió lớn được thần linh trợ giúp,

Được thuận lợi gặp nơi có nhiều hải sản).

Hoành phi Lăng Ông (Tự Đức)

Miếu Âm linh nằm về phía tả của Lăng Ông, là nơi thờ các vong hồn chết vì ốm đau dịch bệnh, hay chiến trận, thiên tai lũ lụt. Mục đích lập miếu được khẳng định rõ trong bàn thờ chính điện:

往 前 漂 体 魄

今 從 慰 香 魂

Vãng tiền phiêu thể phách,

Kim tòng ủy hương hồn.

(Thể phách xưa phiêu dạt,

Nay ủy lạo hương hồn).

Còn đây như một lời nhắc nhủ về cuộc sống, về cái chết bất đắc kì tử không của riêng ai:

出 入 而 風 平 浪 静

貲 財 如 蒼 萬 霜 千

Xuất nhập nhi phong bình lãng tĩnh,

Ti tài như thương vạn sương thiên.

(Ra vào sóng lặng gió yên,

Của tiền ngàn vạn, tựa sương giữa trời).

Miếu Âm linh

Trong rất nhiều làng xã hiện nay, Nam Ô có lẽ là nơi thuộc số ít có miếu thờ bà Liễu Hạnh và bà Bô Bô. Miếu bà Liễu Hạnh nay khá khang trang, nằm gần khu du lịch sinh thái Nam Ô. Theo như người dân xung quanh, miếu này đươc dựng từ xưa, thời chống Pháp (đầu thế kỉ 20) đã xuất hiện, nhưng thời điểm chính xác thì không ai rõ. Câu đối sau đây phần nào cho thấy việc hương hỏa phụng sự bà là việc nối truyền từ nhiều đời:

萬 古 長 留 香 火 稔 從 於 來 連 於 今

千 秋 依 舊 江 山 祭 祀 有 終 還 有 始

Vạn cổ trường lưu hương hỏa, nhẫm tòng ư lai liên ư kim,

Thiên thu y cựu giang sơn, tế tự hữu chung hoàn hữu thủy.

(Vạn đời lưu truyền hương hỏa, nền nếp từ xưa nối tiếp đến ngày nay,

Ngàn năm giang sơn vững bền, tế tự trước sau như một chẳng đổi thay).

萬 古 爛 相 廸 姓 字

千 秋 其 尾 扥 虧 神

Vạn cổ lạn tương địch tính tự,

Thiên thu kì vĩ thác khuy thần.

(Vạn đời xán lạn, truyền nối tiếp,

Nghìn thu kì vĩ, thác nhờ thần).

Miếu này không chỉ thờ bà Liễu Hạnh mà còn phối tự nhiều vị thần khác. Sáu bài vị đặt ở đây gồm Tiên Sư chi thần vị, Chúa Tiên thần nữ chi vị, Đông Trù Tư Mệnh Táo quân thần vị, Hà Bá Thủy quan tôn thần, Cao Các Quảng Độ tôn thần, Đại Đức Long Vương tôn thần.

Khác với miếu thờ bà Liễu Hạnh được dựng mới trên nền đất ổn định, miếu thờ bà Bô Bô đã đổ nát và hoang tàn. Mặt dưới xà cò có dòng chữ Hán ghi thời gian cải tạo miếu là ngày tốt 20 tháng 6 năm Ất Tị. Mặt ngoài xà cò có khắc dòng chữ “Tự Đức thập lục niên tuế thứ Quý Hợi thập nguyệt kiến Quý Hợi sơ thập nhật [...][1] phụng tạo” (Ngày mồng 10 tháng 10 năm Quý Hợi, niên hiệu Tự Đức thứ 16 phụng tạo). Nếu lấy mốc năm Quý Hợi (1863) thì chí ít miếu cũng có lịch sử gần 200 năm.

Đây có thể là ngôi miếu duy nhất hiện còn trên địa bàn thành phố thờ riêng nữ thần Bô Bô. Bà Bô Bô (còn gọi là Bồ Bồ), được người dân nhiều nơi phụng tự. Sự tích về bà mỗi nơi mỗi khác, có nơi xem là vị thần bảo trợ nông nghiệp, có nơi khẳng định là thần bảo trợ ngư nghiệp, cũng có nhiều người xem là một nữ tướng, lại có người cho rằng chỉ là tên gọi khác của thần Thiên Y Ana (Po Nagar). Nhưng dựa vào văn cúng cùng các thần vị được thờ ở đây thì rõ ràng Thiên Y Ana và Bô Bô phu nhân là hai vị thần khác biệt.

Miếu hiện còn nhiều phế tích Chăm như phiến đá sa thạch, chân tảng đá kê cột, gạch Chăm... Đặc biệt tại đây còn lưu lại 06 bài vị khắc chữ Hán thờ các vị thần Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi sắc tặng Hồng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy thượng đẳng thần, Cao Các Quảng Độ sắc tặng Hồng Mô Vĩ Lược Đôn Hậu Phu Hựu Trạc Dương Trác Vĩ thượng đẳng thần, Thành Hoàng bổn xã, sắc tặng mỹ hiệu Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng chi thần, Bô Bô phu nhân trung đẳng thần, Dương Giới Hồng Đức Thánh Phi tôn thần và Hỏa Đức Thánh Phi trung đẳng thần.

Bên cạnh các thiết chế tín ngưỡng văn hóa như trên, Nam Ô còn có Phật tự, nghĩa trủng, mộ tiền hiền là những nơi người dân sở tại thường đến thắp hương phúng viếng. Ghi nhận vốn di sản đáng quý nơi đây, vừa qua UBND thành phố đã có quyết định xếp hạng đối với quần thể di tích ở làng Nam Ô. Đây là cơ sở để có phương án tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và văn hóa truyền thống.

T.L