Có một trang đời không ghi vào lịch sử

06.04.2021
Hồ Duy Lệ

Có một trang đời không ghi vào lịch sử

Đang công tác ở Hòa Hải, Hòa Vang, nhận thư hỏa tốc của Đặc khu ủy Quảng Đà, về họp. Năm Dừa đi suốt đêm về đến Hòn Tàu - Căn cứ của Đặc Khu ủy Quảng Đà, thì nghe tin Hạnh sinh, Năm Dừa liền tranh thủ đến thăm vợ. Bước vào thấy Hạnh ngồi bên con, Năm Dừa cúi xuống bồng con lên hôn, không hỏi gái hay trai mà đưa tay kéo tấm tả lên nhìn: Con gái! Răng ai cũng con gái hết trơn ri?

 Hai vợ chồng đặt tên cho con gái là Thủy. Nguyễn Thị Thanh Thủy. Hạnh hỏi sao sinh con trên núi mà đặt tên con là Thủy? Năm Dừa cười, giải thích: Thủy đây không có nghĩa là Nước, là Biển, mà là Thanh Thủy - tên làng quê Cát của anh. Khi mô, em sinh cái thằng thì đặt tên con là Sơn - vùng núi sỏi Hòa Hiệp, Hòa Liên, của em. Hạnh cười và nghĩ, ổng cũng mong có con trai!

 Năm Dừa ở lại trong Bệnh xá T78, với mẹ con của Hạnh được đúng 2 ngày thì, Bí thư Hồ Nghinh và Bí thư Trần Thận, cho cần vụ sang, bảo phải đi ngay, mấy ổng đang chờ họp, chuẩn bị đưa các mũi quân tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Năm Dừa cúi xuống hôn con gái, không cầm được niềm xúc động để nước mắt tràn lên má. Thấy chồng chưa chịu rời con, Hạnh cũng rơm rớm, nhưng không dám giữ tay Năm Dừa... Đó là buổi sáng, giữa mùa xuân, tháng 3 năm 1975.

Năm Dừa - người đàn ông đã bao lần sinh tử, vào ra thành phố Đà Nẵng, khi bốn bề địch vây, địch ráp... vẫn có một mối tình, trong lý lịch không hề ghi... Sau khi Năm Dừa đi xa, Nguyễn Thị Hạnh sống với các con, các cháu thân yêu, thờ chồng Nguyễn Thành Năm - Năm Dừa  - Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

 Dưới đây là một câu chuyện trong cuộc đời của Hạnh và Năm Dừa, một... trang đời ngoài sơ yếu lý lịch.

 

Chiều hôm ấy, cơm cạn, tay bồng con, một tay Hạnh đẩy bếp lửa củi kho nồi cá nục, cá tươi rói vừa mua ở chợ An Hải, cạnh nhà, chuẩn bị Năm Dừa về thì ăn tối. Vừa bồng con, đang mong, nhìn ra đường thì thấy Năm Dừa đi vào, theo sau là hai đứa nhỏ, một thằng, một con. Thằng tên là Phẩm, Hạnh đã gặp vài lần, bà con bên Năm Dừa, còn đứa con gái lớn ngồng, khoảng mười bảy, mười tám, lần đầu tiên Hạnh thấy, nghĩ bạn của thằng Phẩm hay là con cháu gặp nhau, Năm Dừa đưa về nhà thăm chơi. Lúc bấy giờ Năm Dừa đau dạ dày lại vừa phải cày các con chữ, vừa gánh cái Bí thư lớp học Bổ túc văn hóa cho cán bộ nên hay bị mệt, cho nên mỗi khi rời Trường về nhà là lên gác lửng nằm.

Dọn cơm lên bàn, Hạnh bồng con gái lên gác lửng hỏi thăm chồng uống thuốc dạ dày có bớt đau không, rồi nói có cá nục tươi ngon, bảo chồng xuống ăn cơm. Năm Dừa uể oải bước xuống cầu thang, Hạnh bồng con bước theo sau, chân vừa chạm đất thì hỏi:

- Con nhỏ, là con của ai rứa anh?

- Con anh!

- Anh nói sao? Hạnh tưởng mình nghe không rõ, nhìn Năm Dừa, hỏi.

- Con anh đó!

Nghe Năm Dừa không chút biểu hiện nói đùa, Hạnh bỏ con Thủy vào góc phòng, òa la khóc. Một sự cố gây rùm beng trong khu tập thể Trường Bổ túc văn hóa ở quận Ba. Hạnh nỗi máu Hoạn Thư, la khóc, con Thủy giãy giụa khóc la trên nền xi măng trong góc nhà. Hạnh đòi đốt nhà, vứt áo quần ra đường, ném sách vở tanh bành, làm cho bé Thông khiếp đảm, chạy trốn nhà hàng xóm. Dẹp. Đốt hết! Từ. Hạnh tuôn chạy ra đường, liền bị ngăn lại.

 

Năm Dừa báo anh em giữ cổng trước, ngăn cửa sau, không cho Hạnh thoát ra đường. Năm Dừa sợ để Hạnh ra đường, nói dại không biết điều gì sẽ xảy ra... Năm Dừa đụng vô là Hạnh nỗi tam bành lên. Mấy bà ở lớp học Bổ túc chạy qua can, mấy bà hàng xóm chạy lại khuyên, vẫn không làm cho Hạnh nguôi cơn động kinh. Năm Dừa từng nghe mấy bà ở tù nói lúc đấu tranh với bọn chủ nhà lao, Hạnh từng lồng lên làm cho bọn chỉ điểm, bọn trật tự, chiêu hồi, giám thị nhà tù rất ớn Hạnh, chị em tù từng phục lăn Bé Hạnh nên biết lúc này không thêm dầu vào lửa.

 Hạnh tức, dầm dề nước mắt nhìn mẹ của Hạnh đang làm thinh trước tình cảnh diễn ra. Hồi Hạnh ưa bác sĩ  Quyên, mẹ đồng ý liền, nhưng bỗng Hạnh chê anh bác sĩ hơi già, lại nhận lời lấy Năm Dừa, cũng không còn trẻ, mẹ không chỉ chiều ý con mà nói nó có phước. Là gia đình có truyền thống Cách mạng, nên thấy con gái nhận lời anh cán bộ Cách mạng, có chức, có uy, mẹ rất hài lòng. Dù cho bấy giờ có người bắn tin nọ kia về Năm Dừa, Hạnh bỏ ngoài tai.

Vốn là đứa con của một người vợ lẽ, cha bị bắt đi làm xâu trên núi Bà Nà, bị sốt rét chết khi Dừa mới ba tuổi, mẹ lại bị nhà chồng và mẹ lớn đuổi, phải bồng Dừa đi làm thuê, rồi mẹ đi bước nữa, đẩy Dừa vào cuộc sống không cha, xa mẹ nên phải ở nhờ nhà cậu Bờ (Lại). Nhà cậu Bờ quá nghèo, mẹ bị cậu mai mối đi thêm bước nữa, Dừa chỉ còn cách đi ở đợ cho người ta kiếm cơm, hết ở cho nhà bà Lãnh, đến ở cho nhà ông Trầu.

 Khi lớn ngồng, khôn ra, không chịu đi ở, Dừa đi từ làng này qua làng khác gặp ai cần thuê thì làm, từ đẩy xe bò, gánh phân, chặt cây, đi cày đất ải, rồi về ở nhà người anh - Nguyễn Thanh Ca, một buổi đi làm thuê, một buổi đi học lớp bình dân. Có một trang cuộc đời, Dừa không ghi vào lý lịch, không kể cho ai, vài người thân biết chút ít, nhưng cạy răng mấy cha úp úp mở mở vài chuyện ai tin được thì tin. Có một người không ai nhắc đến, luôn sống trong thấp thỏm, lo âu và đau buồn khôn nguôi lại là người biết Năm Dừa từ ngày ấu thơ, đó là Sáu Lụa.

Trong những ngày đi ở đợ, Năm Dừa có một thời gian ở giữ trâu cho ông Cửu Bình, gần nhà mẹ Năm Dừa ở làng Phong Hồ - thôn Hai xã Điện Nam, Điện Bàn. Ông Cửu Bình có đến 4 người con gái: Bình, Biều, Lụa, Hàng. Sáu Lụa là người con gái áp út, đẹp nhất, nhỏ nhắn, xinh xinh, cùng trang lứa, nên Năm Dừa có dịp gần nhau, chơi với nhau, thân nhau. Năm Dừa rất thích và tìm cách làm thân Sáu Lụa ngay từ những ngày vắng nhau là thấy nhớ, nhớ những ngày giữ trâu, nhớ những trưa hè tắm sông Phong Hồ và nhớ những đêm trăng, nắm tay nhau đứng thành vòng tròn nhảy nhót, hát hò, sinh hoạt thiếu nhi, ở cái sân gạch đình làng.

Chớm tuổi dậy thì, Sáu Lụa thấy thương và có cảm tình anh chàng giữ trâu chân chất, siêng năng và tốt bụng. Năm 1953, mười ba tuổi, mới học lớp Hai, ở thôn Cổ Lưu, Dừa không muốn cày thuê nữa, xin vào du kích xã. Mới được kết nạp vào Đoàn Thanh niên thì đình chiến, theo tinh thần Hiệp định Genève chia Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc. Dừa đi cày, đẩy xe bò chủ yếu cho nhà ông Cửu Bình một thời gian thì cán bộ nằm vùng mò về nhà mẹ Nhơn, từ đó, Dừa thành cơ sở của Huyện ủy Điện Bàn những ngày “tố Cộng”, “diệt Cộng” khốc liệt sau 1954.

Từ những mùa xuân 1955 - 1956, ở tuổi mười tám, trông Dừa như chàng trai tuổi mười lăm, nhỏ người, nắng ăn da đen nhánh. Bà con quê Dừa chưa được hưởng một ngày hòa bình sau chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ thì bị kẻ thù xé toét Hiệp định Genève, Dừa không thể đứng nhìn những tên phản bội quê hương hống hách lên mặt, những kẻ phục thù bắt bớ, thủ tiêu và thi hành quốc sách “Tố Cộng” tàn khốc, hòng tiêu diệt những người cán bộ kháng chiến không nằm trong diện đi tập kết ra miền Bắc, ở lại để đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève.

Khi Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, Nguyễn Đức An, về ở trong nhà của hai mẹ con thì Năm Dừa được Nguyễn Đức An tin cậy giao nhiệm vụ nối đường dây. Những ngày cán bộ nằm vùng về làng, mẹ Võ Thị Nhơn nuôi giấu vài cán bộ trong nhà thì Năm Dừa được giao làm liên lạc - tiền thân của giao liên. Khoảng năm 1958, khi Năm Dừa làm Tổ trưởng giao liên cho Huyện ủy Điện Bàn, một hôm gần tết, Năm Dừa ghé về nhà thăm mẹ Nhơn, tranh thủ sang thăm vài nhà hàng xóm rồi tạt vào thăm ông chủ Cửu Bình, nhân dịp thăm mấy chị em, chủ yếu nhìn Sáu Lụa.

 Thấy mấy chị em Sáu Lụa bận rộn lo làm bánh, Năm Dừa đi ra nhà sau thấy rộng một chum cá tràu, cá trê, Năm Dừa bỏ bụng. Chào cả nhà, ra cổng, rồi Năm Dừa đi vòng cái vườn rộng, vào ngõ sau, bợ con cá tràu to nhất về nhà mẹ Nhơn, rộng con cá trong ảng nước. Ngày hôm sau, trong lúc mẹ và mấy chị em Lụa tiếc đứt ruột, cho rằng đậy không kỹ để con cá tràu thoát ra sổng xuống sông, thì bỗng thấy Năm Dừa lù lù, xách cái giỏ bước vô nhà. Năm Dừa thẹn thùng, nói bắt được con cá tràu đem qua kỉnh bác Cửu. Cả nhà hết sức cảm động vì món quà của Năm Dừa. Bà Trà mẹ của Sáu Lụa nói với con, thằng Năm biết ông già bay thích cái bộ lòng cá tràu. Bà Trà thúc mấy cô con gái làm thịt cá tràu nấu cháo cho cha không thì nó sẽ xổng nữa.

 Mỗi lần mang thư đưa cán bộ về vùng Đông, thế nào Năm Dừa cũng ghé về nhà thăm mẹ, tạt qua thăm Sáu Lụa. Với kẻ thù, Năm Dừa nóng như Trương Phi. Với dân nghèo tốt bụng, Năm Dừa nói chuyện ai cũng thương. Sáu Lụa nói với Năm Dừa, em thương anh nhưng cha, mẹ và bà con ai cũng can. Mỗi lần Sáu Lụa đưa ý kiến gia đình từ chối thì Năm Dừa ứa nước mắt. Quần quần mấy ngày trong xóm Cát, bên bờ tre ven sông, Năm Dừa được cùng Sáu Lụa đi chơi, đưa em Lụa vào bờ tre rậm rịt ven sông hôn mấy lần thì cả hai không cưỡng được sức cám dỗ tột đỉnh của tình yêu.

Thế là, ông bà Cửu Bình không còn cách nào ngăn cản con gái đang tuổi phổng phao, lớn ngồng. Sau này, Năm Dừa mới biết một lần gặp nhau bên bờ tre, rồi chia tay ở bến đò Phong Hồ, ngay trước mặt nhà ông Cửu  Bình, không thể nào quên ấy, Sáu Lụa tắt kinh! Không để xấu mặt với dân làng, thương con gái tuổi mười tám đôi mươi, và cũng thông cảm cho hoàn cảnh, cho thời thế, ông Cửu nhận Năm Dừa làm con rể. Sau bảy tháng làm lễ hợp hôn cho hai con, thì ngày

10-10-1959, cô Nguyễn Thị Lụa sinh cho ông ngoại Cửu Bình một cô cháu gái giống cha về chiều cao và con mắt còn thì giống mẹ về nhan sắc, nhờ vậy, cô bé khá xinh, ông ngoại rất cưng, các dì và cậu út cũng mến thương. Đẻ con được hai mươi ngày thì Năm Dừa chia tay vợ. Hôm đầy tháng, Sáu Lụa nói với cha đặt tên cho con là Thông, ông ngoại Cửu Bình cười hiền khô, đồng tình với tên Sáu Lụa đặt cho cháu gái. Ông Cửu Bình hỏi con gái vì sao đặt tên cho cháu là Thông? Dạ, khi có mang anh Năm nói đẻ trai hay gái cũng đặt tên cho con là Thông. Ý anh, cây Thông vững vàng chịu đựng được nắng mưa. Ông ngoại cười, nói, không thông làm răng cha đồng ý với mẹ con, gả con cho thằng Dừa giữ trâu đi cày. Sáu Lụa nói với cha: Ảnh đâu còn giữ trâu, ảnh là du kích mà cha! Ông Cửu Bình nắm tay con gái: Từ nay cẩn thận nghe con.

Thời đạn bom, gian khổ, thiếu đói trên núi rừng, nhớ con gái, Năm Dừa suy nghĩ, lẽ nào cái tên ám ảnh cả cuộc đời? Liệu con ta có đủ cứng cáp, chịu đựng phong ba bão táp như cây thông. Có lúc nào con gái đứng giữa trời, gào to lên: Cha ơi! Cho con gặp cha! Con gái mẹ Lụa như đóa hồng xinh xinh, càng lớn càng đẹp. Thông là niềm vui cho ông ngoại, bà ngoại, là nỗi lo, nỗi nhớ của mẹ Lụa. Thời ở giữa bốn bề Quốc gia có rể là một Cộng sản nằm vùng thì ngày ngồi không yên, đêm không ngủ được, lúc nào cũng hồi hộp, sợ, lo, nếu không bị giết cũng bị tù rục xương.

Từ ngày con gái có chồng là một Cộng sản nằm vùng, gia đình ông Cửu Bình tự hào là gia đình cách mạng. Rồi, cũng như bao gia đình cơ sở cách mạng ở đất này, họ rơi vào bi kịch của chiến tranh. Dân tình khốn đốn vì Luật 10/59, của Ngô Đình Diệm - Luật có quyền chặt đầu Cộng sản, chặt đầu bất cứ ai tiếp tay với Cộng sản. Phạm Đức, Chủ tịch Hội đồng hương chính, sau là Đại diện xã Điện Nam và Phạm Hài, công an xã, thừa biết mối quan hệ của gia đình ông Cửu Bình với Năm Dừa, không chỉ hăm dọa mà cho bắt cả gia đình ông Cửu Bình nhốt vào nhà giam, đánh đập, bắt Sáu Lụa tối phải đi ngủ tập trung tại cơ quan Hội đồng. Phạm Hòa, cũng là người anh em trong họ với Phạm Đức, ra tay can thiệp giúp đỡ gia đình ông Cửu Bình và nhân cơ hội ép Sáu Lụa lấy ông ta thì... thoát cái tội “phản bội quốc gia”, do Hội đồng gán cho.

Sáu Lụa cắn răng chịu tiếng thị phi, nhắm mắt cho Xã trưởng Phạm Hòa nằm lên bụng, ngõ hầu mua đường vắng và cứu cha thoát ra khỏi nhà giam và sự hăm he, đe dọa của những tên đục nước béo cò trong mâm Hội đồng xã Điện Nam. Viên Xã trưởng thực hiện được một chương trong học thuyết “Nhân vị” của Ngô Đình Diệm: “nằm được lên bụng của vợ Cộng sản, tức là thắng Cộng sản”. Trong thời gian thực thi học thuyết của Tổng thống Diệm, Xã trưởng Phạm Đức bị Đội công tác về giải phóng vùng đông Điện Bàn tiêu diệt, còn Phạm Hòa thay nhiệm vụ của Phạm Đức, không dám lên mặt như người tiền nhiệm, song bám riết Sáu Lụa...

Từ năm 1959, khốc liệt và đen tối, Năm Dừa không tài nào gặp Sáu Lụa và con gái. Khi có chủ trương mở ra, Năm Dừa quyết định rời núi, đột nhập về vùng Đông, mục tiêu đầu tiên và tốt nhất có thể đột nhập là nhà ông Cửu Bình. Năm Dừa đóng vai một nông dân, vai gánh một gánh keo, xế chiều thì vượt qua Quốc lộ 1, băng đồng, đến bờ sông Phong Hồ vừa chạng vạng. Vứt gánh lá keo bên bờ ruộng, vào bụi cây ngồi chờ đêm đen ập xuống khắp ruộng đồng thì Năm Dừa lội qua sông Phong Hồ vào đứng sau hè nhà ông Cửu Bình.

 Chờ đến lúc cơm nước xong, thấy vắng bóng người qua lại, Năm Dừa sè sẹ bước vào nhà bếp. Người đầu tiên chộ mặt Năm Dừa là Sáu Lụa! Sáu Lụa mừng, xấu hổ, mặt đỏ bừng, cả thân người đang run cầm cập thì mẹ Lụa bước lại, ông Cửu từ nhà trên bước xuống. Họ đưa Năm Dừa vào trong buồng, chào hỏi sơ qua, vì ai cũng run, một lúc thì cả nhà để cho hai vợ chồng tâm sự.  Năm Dừa khuyên Sáu Lụa gửi con gái cho ông bà ngoại, theo anh lên chiến khu. Sáu Lụa òa khóc, cầm bàn tay Năm Dừa đặt lên bụng mình: Anh tha lỗi cho em. Em có với người ta bốn tháng rồi! Anh kiếm người khác hơn em làm vợ... Câu chuyện dường như không có hồi kết, cho đến ba giờ sáng hôm ấy, hai người bịn rịn chia tay.

Sau lụt năm Thìn - 1964, sợ quân giải phóng về “trừng trị”, Phạm Hòa, Xã trưởng, ban ngày thấp thoáng cho có mặt ở địa phương, tối, trốn lên thị trấn Vĩnh Điện, có hôm ra ở nhờ nhà bà con ngoài Đà Nẵng, nhân cơ hội này, ông Cửu Bình và con trai út vào Sài Gòn, rồi Sáu Lụa bí mật ôm con lên đường cái, đón xe hàng vào Sài Gòn, kiếm việc làm nuôi con: Con gái là con của Năm Dừa, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, con trai là con của một Xã trưởng tiếp tay cho bình định, phượng hoàng - lớp tay sai được Mỹ đào tạo bài bản có nợ máu với nhân dân!

Nghĩ đến tương lai con gái, Năm Dừa bao đêm trằn trọc, muốn đưa chuyện đời riêng tư ra ánh sáng. Không ít lần, Năm Dừa muốn thổ lộ với Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh. Chắc chắn ông không giận, có khi còn hiến kế cho Năm Dừa nhẹ bớt tội không báo cáo. Năm Dừa ngại, do dự, sợ làm bận lòng ông già - người thủ trưởng Năm Dừa xem như người cha đầy kính trọng. Nhiều hôm, uống ngà say, Năm Dừa muốn nói toạc với vợ. Rồi do dự, vì không biết điều gì sẽ xảy ra khi bà ấy lên cơn. Chừ mặt mũi mô nói đã có vợ, có con với người ta. Hình ảnh con gái chỉ biết tên, chưa biết mặt luôn thôi thúc, ám ảnh Năm Dừa. Lẽ nào để cho con gái không có cha, lẽ nào con gái lớn lên không hỏi mẹ cha con là ai. Và, lẽ nào, hòa bình rồi, mẹ nó không dám tìm cha cho con! Năm Dừa trằn trọc, giấu cái hoa hồng đầy gai, trong nỗi nhớ, cho đến một ngày, con gái lặn lội từ Sài Gòn ra Đà Nẵng tìm thăm cha. Một chuyến đi hy vọng, nếu cha xác nhận là con gái thì Thông không chỉ có cha là cán bộ Cách mạng, mà đàng hoàng nộp đơn vào trường đại học, thỏa mãn ước mơ. Hai nữa, sẽ góp phần làm sáng rõ mối tình đầu vô cùng trong sáng song đầy đớn đau, buồn khổ của mẹ, góp phần xoa dịu bớt nỗi lòng không biết nói cùng ai của mẹ.

Sáng hôm ấy, khi người con của anh trai từ Phong Hồ, Điện Nam, ra Đà Nẵng tìm gặp, thậm thụt báo cho Năm Dừa cái tin: Con gái về tìm chú. Năm Dừa nôn nao, vội vội, vàng vàng, sắp xếp công việc đến bốn giờ chiều thì đánh xe Vespa về Phong Hồ. Con gái có chút ngờ ngợ về một người đàn ông lạ hoắc so với hình dáng mẹ kể. Năm Dừa, vừa dựng chiếc Vespa bên bờ tre, cạnh bến đò Phong Hồ, liền bước đến ôm chầm con gái. Họ có một buổi chiều bên nhau như trong mơ. Lúc ôm con gái vào lòng, ngay bên bụi tre, bên bến đò Phong Hồ, thì hình ảnh Sáu Lụa trẻ trung, thơ ngây, mấy mươi năm trước, tưởng chừng như đã chìm lấp trong bao lớp bụi thời gian và hận thù, bỗng hiện ra, làm Năm Dừa xúc động.

Trong nghẹn ngào, Năm Dừa hỏi: Mẹ khỏe không con? Năm Dừa nghe như tiếng con gái khóc: Mẹ nhớ ba lắm! Nhắc đến ba là mẹ khóc. Làm sao chừ ba! Nhìn con gái, Năm Dừa buột miệng nói: Chừ con đi với ba. Đi đâu ba? Ra Đà Nẵng, gặp mợ. Con muốn đi mà sợ mợ quá. Năm Dừa muốn nói với con: Thì ba cũng sợ. Nhưng, trước sau gì cũng phải nói.  Đời người chỉ có một lần chết.  Sợ một lần lẽ nào cứ để sợ cả đời! Nói rõ ra để mà sống, mà hòa hợp.

Buổi chiều hôm ấy, cái gai quí như vàng giấu kín lâu nay lòi ra, chích Năm Dừa tóe máu - những giọt máu tươi - ngọt - đắng, làm Năm Dừa vừa đau nhói vừa nhẹ cả người. Một buổi chiều buồn, mâm cơm cá lạnh ngắt trên bàn, không ai đụng đến. Chỉ đến khi nhận lời cầu khẩn của Năm Dừa, người mẹ kính yêu của Hạnh đến bên giường vuốt mái tóc ướt đẫm nước mắt rối bời của con gái, nói cho con gái nghe những lời dịu êm có lý, có tình: “hắn mê con mà hắn nói đã có đời vợ thì làm răng lấy được con”. Hạnh nằm im, thút thít, không phải vì giận Năm Dừa mà thương mẹ quá. Sau khi nuốt cạn những lời thân tình từ đáy lòng của mẹ, Hạnh ngồi dậy. Năm Dừa liền bước gần lại thì Hạnh đưa tay ra: Chuyện của anh để đó, không nói ở đây! Chừ kêu con Thông vào cho tôi gặp.

Mấy bà bạn học Bổ túc với Năm Dừa nghĩ trong đầu, không biết bà này giở trò chi đây, vẫn chạy sang mấy nhà hàng xóm tìm dẫn bé Thông về trình diện. Thấy bé Thông thậm thụt đi vào, Hạnh chỉ cái ghế bên cái giường mẹ Hạnh và Hạnh đang ngồi, nói: Con ngồi xuống đó. Thông khép nép ngồi xuống cái ghế gỗ cũ mềm. Năm Dừa đứng tựa vào đầu giường, mặt đầy lo lắng, không tài nào hình dung điều gì mụ vợ sắp gây ra. Hạnh nắm tay Thông từ tốn: Trước hết, mợ xin lỗi con. Khi nghe ba con nói con là con của ổng thì mợ như bị sét đánh mang tai. Mợ giận quá, mợ khóc, mợ chửi. Chừ, mợ xin lỗi con. Con không có tội tình chi. Bây chừ, cần giấy tờ chi, cần xác nhận gì thì biểu ba con làm, rồi gửi vào cho mẹ bổ sung vào hồ sơ kịp xin vào đại học. Xong giấy tờ, con ở đó chơi với em Thủy, hồi mô muốn về Sài Gòn thì tùy con.

Thông đứng dậy, nước mắt ròng ròng xuống hai gò má non tơ, cúi xuống ôm hai đầu gối của mợ Hạnh, vừa nói lời cám ơn mợ, vừa khóc nức nở. Một lúc sau, Thông ngước mặt lên, thưa: Con về đây xin gặp cha con một lần rồi con đi. Thông nói chưa hết câu lại òa khóc, làm bà ngoại cũng khóc, Hạnh khóc theo và Năm Dừa ứa nước mắt...

H.D.L