Lễ Tạ ơn

06.04.2021
Hoàng Nhật Tuyên

Lễ Tạ ơn

Có bao giờ đến một nơi lạ, hoàn toàn lạ, ngồi giữa đám đông, bạn bắt gặp đôi mắt của một người không quen biết nhìn mình chăm chú chưa? Nhìn không phải một mà nhiều lần. Nhìn như dò hỏi, nhìn như muốn giải tỏa một điều gì đó vướng mắc trong lòng. Có lúc cái nhìn ấy tựa tựa như nhìn trộm, và khi bạn ngước lên, đôi mắt ấy liền quay đi. Rồi cứ thế, một lát sau, bạn lại thấy băn khoăn, lo lo, vì cảnh cũ lặp lại...

 Chuyện kể ra có vẻ dài dòng, nhưng tôi đã từng rơi vào tình trạng trên một lần, một lần nhưng nhớ mãi. Cách đây chừng năm năm, vào một dịp khá tình cờ, tôi đã đến buôn K. - một buôn của người Bahnar đúng lúc những cánh rừng cà phê đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Tôi không phải là dân thu mua cà phê, nhưng Phong, bạn tôi chuyên làm việc này. Chiều hôm trước, khi tôi lên Pleiku công tác, tiện thể ghé thăm Phong, người bạn thân từ thời sinh viên. Biết tôi ở lại tại thành phố cao nguyên này mấy ngày nên Phong hỏi:

- Mai tôi xuống dưới buôn, ông rảnh thì đi chơi với tôi cho vui?

- Đi bằng gì? Sáng đi, chiều về chứ?

- Tất nhiên rồi! Sáng mai ông cứ ở khách sạn, tôi sẽ đi xe máy và ghé đón. Có chỗ này rất đặc biệt, khi tới sẽ làm ông rất thích!

- Nhậu à?

- Không, nhậu thì ở đây cũng được, chuyện gì phải đi xa. Nhưng thôi, bí mật mai đi sẽ biết!

Tôi nghĩ, chắc Phong muốn tôi cùng đi chơi, nói cho vui nên chẳng hỏi thêm. Hôm sau, đúng hẹn, chưa đầy bảy giờ sáng, Phong đã đến và chúng tôi đi trên chiếc xe máy đã cũ. Qua những con đường nhựa, xe bắt đầu đi vào những con đường đất đỏ và chung quanh là các khu vườn đầy cà phê, hồ tiêu. Trời Tây Nguyên buổi sáng lành lạnh, thật dễ chịu. Xa xa, những đám sương mù màu trắng đục chưa kịp tan dưới ánh mặt trời đang bồng bềnh trên lưng chừng các đỉnh đồi trông như những tấm voan khổng lồ, huyền ảo.

Ven đường, những quả cà phê xinh xinh, đỏ thắm rải rác giữa những chùm trái lúc lỉu, đầy cành dần dần hiện ra. Cứ đi một đoạn, Phong lại dừng xe, bước vào rẫy xem xét. Là người làm việc cho một công ty thu mua cà phê, nên bạn tôi có trách nhiệm xuống các địa bàn, theo dõi độ chín của loại nông sản này để chuẩn bị các bước cho công tác kinh doanh của đơn vị mình. Ngồi sau xe, tôi nghe Phong kể hết chuyện này đến chuyện khác về quá trình thu hoạch, chế biến cà phê cũng như các địa danh mà chúng tôi đi qua. Với tôi, đây là một chuyến đi đầy thú vị, được trải nghiệm khá nhiều điều. Đến gần trưa, tôi nghĩ tới lúc chúng tôi phải quay về thì Phong bất ngờ, bảo:

- Bây giờ tôi sẽ đưa ông đến dự Lễ tạ ơn của một người Bahnar có tên là “Soi pne công roong lăng”.

- Lễ tạ ơn à? - Tôi hỏi và tỏ ra do dự - Tự nhiên đến dự lễ ở nhà người ta, ngại lắm!

- Ông yên tâm đi. Chỗ quen biết với tôi mà! Tôi được mời từ tuần trước. Đừng lo, bà con ở đây rất tốt. Đến dự, ông sẽ biết người Bahnar họ trọng nghĩa tình ra sao.

- Nhưng đến đó còn xa không?

- Gần thôi, ở buôn K., chỉ mấy phút nữa là tới!

Thì ra, hôm qua, Phong nói sẽ đưa tôi đến một chỗ rất đặc biệt là chỗ này đây. “Thôi kệ - tôi nghĩ - cứ đến đó xem sao! Phong đến được thì mình cũng đến được”.

Đúng như Phong nói, chỉ chừng ít phút đi bằng xe máy, chúng tôi đã đến nơi mà Phong bảo là buôn K. Đó là một buôn nằm trên vùng đồi ven con suối nhỏ và sau lưng là một dãy núi cao với chừng vài chục nếp nhà sàn nằm lưa thưa sau những vườn cây. Khi Phong cho xe dừng lại ở sân một ngôi nhà sàn lớn giữa buôn, chúng tôi thấy ở đó đã tập trung rất đông người và tất cả đang chuẩn bị cho một lễ tiệc thịnh soạn. Ở phía cuối nhà, bên những bếp lửa, người nướng thịt, kẻ xào nấu, khói bay thành đám. Trên sàn gỗ, những người lớn tuổi đã ngồi và bắt đầu vào lễ. Do Phong là chỗ quen biết nên ai nấy đều đón tiếp chúng tôi khá niềm nở.

Dân ở buôn K. không ít người nói được tiếng Kinh, nên trong buổi lễ họ dùng tiếng mẹ đẻ. Nhiều năm làm ăn ở đây, Phong đã nói tiếng Bahnar rất thạo. Qua những gì Phong biết và dịch lại, thì Lễ tạ ơn hôm ấy có thể kể vắn tắt như sau: Ông Y Mưng là một đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ từ rất bé và được chú thím mình là ông Y Duck và bà Knưch cưu mang, nuôi dưỡng, dạy dỗ, lớn lên cưới vợ cho. Bao năm trôi đi vì nghèo khó, ông Y Mưng và vợ con chưa có dịp đền đáp công ơn của chú thím mình, nay có dịp mới tổ chức lễ để tạ ơn theo truyền thống ngàn xưa để lại. Từ một năm trước, vợ chồng ông Y Mưng đã nuôi một con heo to để hôm nay mang đến nhà ông Y Duck đập thịt. Trong buổi lễ, sau khi cúng bái thần linh, tổ tiên, đồng thời cung kính bày tỏ lòng biết ơn, vợ chồng ông Y Mưng đã tặng cho ông bà Y Duck, mỗi người một chiếc áo mới và tặng nguyên phần đùi cùng một số bộ phận của con heo.

 Cũng để chuẩn bị cho buổi lễ, với số tiền mình dành dụm được, gia đình ông Y Mưng đã chuẩn bị mua sắm các thứ và từ tờ mờ sáng, mọi người bà con trong họ hàng đã tập trung lại ở nhà ông Y Duck chuẩn bị nấu nướng cho bữa tiệc. Nào những món rau rừng, lá mì được xào nấu; nào những xâu thịt nướng; nào những nồi xôi, nồi cháo còn bốc hơi thơm phức... Sau phần lễ nghi, tất cả được bày lên trên sàn nhà cùng những ché rượu cần thơm ngát mùi men.

Tiếng mời nhau, rồi tiếng trò chuyện, cười nói râm ran bắt đầu cất lên. Người ta bàn về việc nhà, việc nương rẫy, chuyện lấy vợ cho con trai, cưới chồng cho con gái... Thôi thì đủ thứ. Ăn, uống, tâm sự... Tôi và Phong hôm ấy được coi như khách quí. Khách quí thì phải ăn no, phải uống hết mình mới gọi là thật lòng với chủ. Cổ tôi nóng ran mỗi khi vít chiếc cần trúc cong cong để hút từng ngụm rượu cần trong ché. Một lúc sau, đám con trai bắt đầu đánh cồng cùng đám con gái nhảy múa, hát xoan...

Có thể nói, lễ tạ ơn là một hoạt động tuyệt vời, đề cao nghĩa tình giữa người đã có từ xưa trong các bộ tộc Bahnar - một lễ tục mà khi chưa đến buôn K., tôi chưa hề hình dung tới. Nhưng các bạn biết không, trong suốt bữa tiệc hôm ấy, tôi rất bối rối, khó xử. Vì từ đầu, khi ngồi xuống cùng mọi người để cùng ăn, cùng uống, tôi để ý và nhận thấy có một người phụ nữ đã già, ngó bộ tuổi đã gần bảy mươi chứ không ít, da ngăm đen, hai tai đeo hai chiếc vòng ngồi ở phía đối diện, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn tôi chăm chú. Thoạt đầu, tôi nghĩ, có lẽ do mình lạ, nên bà cụ chú ý. Nhưng không phải như vậy, với linh cảm của mình, tôi nhận ra trong ánh mắt của người đàn bà đã già ấy có điều gì là lạ. Có thể do mình cư xử không đúng phong tục chăng? Tôi băn khoăn, cố thu dáng ngồi cho thẳng thớm, nghiêm túc hơn, song điều đó cũng chẳng cải thiện được hoàn cảnh chút nào. Vì người đàn bà ấy, thỉnh thoảng vẫn để lộ những biểu hiện như là đang theo dõi các cử chỉ của tôi, cứ như trên mặt tôi có dính thứ gì đó. Có lúc bà cụ vội quay mặt đi, tỏ vẻ ái ngại khi tôi ngước lên, bắt gặp bà đang nhìn trộm mình. Thật lạ! Tôi đoán già đoán non, nhưng chẳng lý giải được chuyện gì đang xảy ra. Thôi mặc kệ! Có thể đây là một bà cụ không bình thường. Tôi nghĩ rồi hòa mình vào cuộc vui. Không ngờ một lúc sau, bà cụ đứng dậy, bước tới ngồi sát bên tôi và Phong. Bà vỗ vào vai tôi, hỏi với giọng lơ lớ, chậm rãi:

- Này cậu, cho mình hỏi... cậu có phải là con anh Thắng không?

Tôi không giấu được ngạc nhiên, vì bà cụ nói tiếng Kinh rất rành, và anh Thắng nào đó bà hỏi tôi cũng hoàn toàn không biết.

- Dạ..., cháu là?

- A, đây là bà Knhưk  - Thấy tôi  lắc đầu lúng túng, Phong liền giới thiệu - Rồi quay sang phía bà cụ Bahnar, anh ta nhanh nhảu nói - Bà ơi! Đây là Quang, bạn cháu. Bà hỏi về anh Thắng nào ạ?

- Thế cậu này không phải con anh Thắng à?

- Dạ không, ba cháu tên là Quí. Cháu không quen ai tên Thắng cả bà ạ!

- Ồ, vậy à! Vậy mà từ nãy tới giờ, mình mừng vì cứ tưởng là con anh Thắng - Bà cụ lại nhìn tôi giải thích - Trông giống anh Thắng bạn mình lắm! Cả cái mũi, cái cười cũng giống...

Lúc này thì tôi đã hiểu vì sao từ khi thấy tôi, bà cụ cứ nhìn với ánh mắt là lạ. Ngồi trò chuyện, chúng tôi mới hay, anh Thắng, người mà bà Knhưk nói giống tôi là một anh cán bộ người Kinh, cùng đơn vị với bà cách đây đã hơn năm mươi năm. Hồi đó, theo bà cụ kể, đang là thời kỳ chiến tranh ác liệt, bà chỉ mới mười tám, tham gia công tác trong một đơn vị thanh niên chuyên đi gùi đạn, tải thương do anh Thắng làm Đội trưởng. Một bữa, đang trên đường công tác, bà cùng anh em trong đội bị một tổ lính thám báo do máy bay Mỹ thả xuống, phục kích. Một số anh em bị trúng đạn chết, số còn lại bỏ chạy. Riêng bà Knhưk lần đó đã bị thương, không thể chạy được nên bò vào một lùm cây rập rạp để trốn. Máu ra nhiều nhưng may mắn cho bà là khi địch rút, anh Thắng đã quay lại tìm, thấy bà nên băng bó vết thương rồi cõng bà về chỗ đơn vị đóng quân. Khi bà lành vết thương, ra viện trở về đơn vị thì anh Thắng đã chuyển đi làm nhiệm vụ ở nơi khác. Chiến tranh kết thúc, hòa bình đã mấy mươi năm, bà Knhưk chỉ ao ước được gặp lại người cứu mình một lần để tạ ơn nhưng không biết người ấy ở đâu, còn sống hay đã chết. Bà bảo, nhìn tôi rất giống anh Thắng, nghĩ rằng tôi là con của người đó nên bà mừng...

- Người giống người thôi bà ạ! - Phong nói - Anh Thắng của bà chắc bây giờ cũng đã già rồi!

- Ừ, chắc cũng già rồi - Bà cụ nhìn tôi - Nhưng cậu này giống lắm! Cứ như hai giọt nước dính trên cùng một chiếc lá. Ước gì gặp được anh Thắng, mình sẽ làm lễ tạ ơn! Người Banhar của mình mắc ơn ai chưa trả, trong lòng không yên!

Nhìn khuôn mặt bà cụ buồn buồn, tôi chẳng biết nói gì thêm nên uốn chiếc cần trúc mời bà uống rượu. Bà Knhưk uống một hơi dài, thở khà một tiếng rồi nói:

- Về dưới xuôi, nếu gặp được anh Thắng thì hãy nói rằng mình đang đợi anh lên thăm một lần!

- Dạ - Tôi đáp, nhưng biết chắc lời hứa của mình khó thực hiện được. Trong chiến tranh có bao nhiêu người tên Thắng, mà chuyện diễn ra đã mấy mươi năm rồi.

 Ngoài sân, trời đã ngả về chiều. Đám thanh niên trong buôn đang tiếp tục hát, múa. Tiếng cồng chiêng vẫn âm vang trong cảnh núi rừng. Đám con nít thì ăn no rồi đuổi nhau la í ới. Ông Y Mưng có ý muốn giữ chúng tôi ở lại dự lễ cho đến đêm nhưng tôi và Phong lấy lý do có việc gấp phải về. Khi tôi chào mọi người, đứng lên, bà Knhưk cũng đứng lên để tiễn. Bà nắm tay tôi lắc lắc:

- Giống anh Thắng ngày xưa đã cứu mình lắm! Giống hệt! Rất giống! Khuôn mặt giống mà cái cười cũng giống...

Trên đường về, Phong hỏi tôi:

- Ông thấy Lễ tạ ơn của bà con Bahnar thế nào?

- Rất tuyệt vời!

- Ông biết không? Lễ tạ ơn này nói theo tiếng Bahnar là Lễ Soi pne công roong lăng. Soi có nghĩa là cúng, pne là cảm ơn, công roong lăng là công nuôi dưỡng, giúp đỡ.

 Khi tôi nhắc lại chuyện của bà Knhưk, Phong nói:

- Tội nghiệp bà cụ! Có lẽ thấy ông giống anh Thắng nào đó nên bà mừng...

Sau chuyến đi trên, mấy năm nay tôi không lên Gia Lai. Vừa rồi tôi gọi điện cho Phong. Hỏi qua, đáp lại một lát, Phong bảo:

- Bà Knhưk ở buôn K., ông còn nhớ không? Thỉnh thoảng tôi lên trên ấy, bà đều hỏi thăm ông đó nhen! Bà hỏi tôi, cái cậu bạn giống anh Thắng của mình, lâu rồi, sao không thấy lên chơi...

H.N.T