Đạo Minh sư ở Hội An - Vũ Hoài An

17.04.2019

Đạo Minh Sư tên gọi đầy đủ là Giáo hội Phật đường Nam tông. Minh Sư là gốc của năm ngành đạo gồm: Minh Sư, Minh Lý, Minh Đường, Minh Thiện, Minh Tân (gọi là Ngũ chi Minh đạo) hoạt động khá sôi nổi ở miền Nam Việt Nam đầu thế kỷ XX. Trong Ngũ chi Minh đạo thì Minh Sư và Minh Lý là phát triển rộng rãi hơn cả. Ở Hội An (Quảng Nam), ngoài những tôn giáo lớn như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài,… thì còn có sự hiện diện của đạo Minh Sư. Đây là tôn giáo du nhập vào Hội An vào những thập niên đầu của thế kỷ XX.

Đạo Minh sư ở Hội An - Vũ Hoài An

1. Đạo Minh Sư có nguồn gốc từ môn phái Phật Đường của Phật giáo Thiền Tông ở Trung Quốc. Trong Lịch sử Phật đường do Nam Hòa Phật Đường ấn tống năm 2008 cho biết: “Khi Ngài Hoằng Nhẫn truyền thừa tổ bàn Như Lai cho Lục Tổ Huệ Năng, Phật giáo chia làm hai phái: Một của đức Thần Tú khai mở giáo môn THẬT TU TIỆM NGỘ về phương bắc nước Trung Hoa, các tỉnh như Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Bắc qua Cao Ly và Nhật Bổn thuộc hệ phái Bắc tôn. Còn ngài Huệ Năng thì khai mở Phật giáo Đốn Ngộ Diệu Tu về phương Nam của nước Trung Hoa như các tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, Giang Tây, Quảng Tây, Vân Nam thuộc hệ thống Nam Tôn được triển khai. Ngày nay thường nói Nam Đốn - Bắc Tiệm để diễn tả cho tư tưởng khác biệt này”.

Sau đời Lục Tổ Huệ Năng (638 - 713), Phật giáo Thiền Tông ở Trung Quốc bị suy yếu, đến cuối thế kỷ thứ VIII (năm 783) mới được Đạo Nhất và Bạch Ngọc chấn hưng và mang tên gọi Phật Đường. Môn phái Phật Đường cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn sau đó lại suy vi do sự đàn áp của vua Hiển Đức nhà Chu. Sau gần 800 năm đứt đoạn, đến cuối đời nhà Minh, vào năm Thiên Khải thứ 3 (1623), môn phái Phật Đường lại được chấn hưng nhờ công của Hoàng Đức Huy. Phật Đường là một môn phái mang tính chất tôn giáo cứu thế theo tinh thần tam giáo: thờ Phật, tu tiên và sinh hoạt theo Nho giáo. Giáo lý có hai phần gồm đốn giáotiệm giáo. Phần tiệm giáo đề cao thuyết Di Lạc, tạo niềm tin, sự trông chờ về một đầng minh vương cứu thế; phần đốn giáo với chủ trương phổ độ chúng sinh.

Tuy nhiên, môn phái Phật Đường cũng chỉ hưng thịnh một thời gian ngắn bởi người Mãn ở phía Bắc tràn xuống đã lật đổ nhà Minh, lập nên nhà Thanh. Khi nhà Minh bị lật đổ ở Trung Quốc thì có nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy chống lại nhà Thanh nhằm khôi phục lại giang sơn nhà Minh, trong đó có những người mượn hình thức tôn giáo, nhất là những tôn giáo có tư tưởng cứu thể để tập hợp lực lượng chống nhà Thanh, điển hình là phong trào Thái Bình Thiên Quốc (1850 - 1864) đã mượn tư tưởng của Thiên Chúa giáo; đạo Minh Sư và tổ chức Thiên địa hội mượn tư tưởng của Phật Đường. Đặc biệt, đạo Minh Sư còn bộc lộ rõ tư tưởng “phục Minh bài Thanh”, mặc dù trong học thuyết cố che dấu và giải thích rằng, Minh Sư là “người Thầy sáng suốt”.

Từ khi Minh Sư được củng cố với ý định “phục Minh bài Thanh”, triều đình nhà Thanh đã nhiều lần đưa quân đàn áp nên có một bộ phận tín đồ theo đạo đã theo những dòng di dân người Hoa ra hải ngoại. Sau phong trào Thái Bình Thiên Quốc, Minh Sư bị dồn về Hoa Nam, trung tâm của phong trào “phục Minh bài Thanh”. Tại đây, vị tổ sư thứ 15 là Đông Sơ đã truyền đạo Minh Sư xuống phía Nam, trước hết là Thái Lan, sau đó năm 1863 (năm Tự Đức thứ 16), đến Việt Nam. Ngôi chùa Minh Sư đầu tiên được lập ở Hà Tiên (thuộc tỉnh Kiên Giang) với tên gọi Quảng Tế Phật Đường. Sau Quảng Tế Phật Đường là các cơ sở khác như: Chiếu Minh Phật Đường, Quang Nam Phật Đường (Sài Gòn), Vĩnh Tế Phật Đường, Vân Nam Phật Đường (Quy Nhơn, Bình Định),… được xây dựng. Những ngôi chùa Minh Sư đầu tiên được xây dựng chủ yếu thu hút người Minh Hương. Tuy nhiên, với tư tưởng cứu thế theo tinh thần Tam giáo lại có những hình thức sinh hoạt tôn giáo rất gần gũi với người Việt nên chỉ trong một thời gian ngắm, Minh Sư đã có những ảnh hưởng nhất định trong các cộng đồng người Việt ở Nam Bộ. Và đặc biệt, khi sang sang nước ta thì khẩu hiệu “phục Minh bài Thanh” được đổi thành khẩu hiệu “phục Nam bài Pháp”. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có khá đông người Việt theo đạo Minh Sư, trong đó có những người tu hành nổi tiếng như các ông: Ngô Đạo Quan (có tài liệu nói là Ngô Đạo Chương), Ngô Minh Tuấn, Trần Đăng Trạch, Trần Đạo Tánh, Trần Văn Chánh,…

Năm 1920, Minh Sư thành lập tổ chức giáo hội, có hệ thống tổ chức là Ban Trị sự Trung ương, ở các tỉnh, thành phố có Tỉnh hội và ở các cơ sở là các Phật đường với hàng vạn tu sỹ, tín đồ. Sau năm 1975, Minh Sư không còn duy trì tổ chức giáo hội mà hoạt động độc lập ở các Phật đường. Năm 2008, Minh Sư với tên gọi chính thức là Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đã được nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận tổ chức gồm hai cấp: cấp Trung ương có Hội đồng Trưởng lão (gồm 05 vị Lão sư), Ban Trị sự Trung ương Giáo hội (gồm 17 vị chức sắc); cấp cơ sở là Ban Trị sự Phật đường. Ở các tỉnh, thành phố có nhiều Phật đường thì thành lập Ban Trị sự tỉnh, thành phố (không phải là một cấp hành chính) để làm đầu mối hướng dẫn các Phật đường cơ sở hành đạo tại địa phương.

Đến nay, Minh Sư có trên 50 Phật đường, hoạt động ở 18 tỉnh, thành phố (Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Ninh Bình, Hà Nội) với khoảng trên dưới 10.000 tín đồ. Tổ đình của Minh Sư đặt tại Quang Nam Phật Đường, số 17 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Ở Hội An, vào cuối thập niên 20, đầu thập niên 30 của thế kỷ XX đã có một số người theo đạo Minh Sư như ông Trần Vận Hồng, Lưu Chí Thiện, Trần Xương Khế. Họ tập hợp nhau tại nhà riêng để tu hành, trao đổi đạo học. Sau đó, số lượng tín đồ theo đạo ngày càng phát triển, do đó phát sinh nhu cầu cần phải có một ngôi Phật đường để tu hành, hoằng dương đạo pháp. Vì vậy, ông Lưu Chí Thiện đã tự nguyện phụng cúng một phần đất nhà mình để xây dựng nên Nam Tôn Phật đường (Chùa Nam Tôn) tại khối Sơn Phô I, phường Cẩm Châu (Địa chỉ hiện nay: Số 196 Phạm Ngũ Lão, phường Cẩm Châu, thành phố Hội An). Năm 1936, chùa cơ bản đã hoàn thành như trên xà cò của chùa còn lưu lại: “Hoàng Nam Bảo Đại thập nhất niên tuế thứ Bính Tý tứ nguyệt nhị thập lục nhựt dần bài Nam Tông Phật Đường thiện tín đẵng đồng cấu tạo” (Hoàng triều Đại Nam năm Bính Tý Bảo Đại thứ mười một (1936) ngày hai mươi sáu tháng tư thiện nam tín nữ cùng góp công kính thiết Nam Tông phật Đường). Về sau có các ông Trần Xương Siêu, Nguyễn Xương Lương, Trần Văn Định (Quảng Đợt), Trần Xương Căn (Hương Thìn), Văn Xương Mãn (thầy Cho)... cùng nhau xây dựng hoàn chỉnh ngôi chùa.

Cũng trong năm 1936, Lão sư Đinh Đạo Ninh từ Trung Quốc sang truyền giáo tại Nam Tôn Phật đường. Vị trụ trì đầu tiên của Phật đường là ông Trần Vận Hồng. Trụ trì hiện nay là ông Lâm Quang Thành, Phật đường hiện có trên 500 tín đồ.

Phật đường có diện tích 1.000 m2, mặt tiền quay về hướng đông nam. Trước chánh điện là khoảng sân rộng có đặt tượng Bồ Tát Quan Thế Âm bằng sa thạch, bên phải là nhà bia có ba tấm bia bằng sa thạch ghi quá trình thành lập Phật đường và các chư tăng, tín đồ có công đức xây dựng. Chánh điện là nơi thờ tự chính của Phật đường, bên trong thờ các vị như Thổ địa, Thần Tài, Quan Công, Quan Bình, Châu Thương, Ngọc Hoàng Thượng đế, Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Bồ Đề Đạt Ma, Phổ Hiền Bồ Tát, Di Lặc, Quan thế Âm Bồ Tát, Diêu Trì Kim Mẫu,...

Minh Sư đạo hoạt động theo tôn chỉ từ bi - giác ngộ - giải thoát, hiệp nhất tinh hoa của ba nền tôn giáo lớn là Nho - Phật - Lão để tìm lại cội gốc là Đạo (quy nguyên Tam giáo) để từ đó tu hành, “tự độ, tự tha” thuần túy tôn giáo. Minh Sư quan niệm theo dân gian, chia thế gian thành ba cõi: thượng giới, trung giới và hạ giới. Hạ giới là cõi âm phủ, trung giới là thế giới loài người và thượng giới là cõi trời. Ngọc Hoàng Thượng Đế là vị chúa tể ngự trị ở cõi trời, nhưng lại có quyền năng chưởng quản hai thế giới còn lại. Còn chư Phật và các vị Bồ Tát thì ở cõi Tây phương. Các vị thần tiên thì ở cõi Bồng Lai.

Minh Sư đạo giải thích cách tạo lập vũ trụ theo dịch lý: “Vô cực sinh Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Ngũ hành, Ngũ hành cấu tạo nên vạn vật”. Đặc tính của Vô cực là sinh động nên dùng hình tượng người Mẹ tượng trưng. Người Mẹ Vũ trụ của tông phái Minh Sư là Diêu Trì Kiêm Mẫu. Còn Thái cực tức khí dương sinh là Ngọc Hoàng Thượng Đế. Như thế, quan niệm đấng tạo hóa là một người nữ, đó là đặc điểm của tông phái này. Kinh của Minh Sư gồm: Ngọc Hoàng kinh, Địa Mẫu chơn kinh, Văn Đế và Võ Đế cứu kiếp chơn kinh, Bắc Đẩu chơn kinh,… Đặc biệt Minh Sư cũng như các chi nhánh khác đều duy trì việc “cầu cơ” để hiệp thông với các đấng thiêng liêng. Tu sỹ, tín đồ Minh Sư thực hiện trường trai, tiệt dục, giữ giới luật theo Tứ đại điều quy và Thập lục điều quy. Đạo phục của đạo Minh Sư là màu đen, quần trắng, chít khăn đóng hoặc mũ màu đen, mang hài vải màu đen.

Hằng năm, tín đồ đạo Minh Sư tổ chức những ngày lễ tế lớn sau: vía Phật Đản sanh (15/4 âm lịch), vía Quan Thế âm (19/6), Vu Lan báo hiếu (15/7), Trung Thu (15/8), Vía Quan Thế âm (19/9), Hạ Nguyên (15/10), vía Đức Phật thành đạo (12/12), vía Đức Táo quân (23 tháng chạp). Vào các ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng đều có lễ đơn giản. Ngoài ra, trong năm còn có 12 lễ kỵ các vị tiên sư, cố trụ trì và cố chức phẩm. Đặc biệt, trong các lễ Tế của đạo Minh Sư đều có cúng Táo Quân, Thành hoàng, Thổ địa, âm linh. Hằng ngày, tại Phật đường còn có lệ cúng vào 12h trưa, 4h chiều, 4h sáng để sám hối, cầu đạo.

3. Ngày nay, tín ngưỡng và tôn giáo là nhu cầu tinh thần không thể thiếu của phần lớn người dân Hội An. Cho dù Minh Sư đạo là một tôn giáo cứu thế ra đời ở Trung Quốc, nhưng khi được truyền vào Việt Nam thì giáo lý cứu thế đã kích thích tinh thần yêu nước của người dân. Đến nay, cho dù được truyền bá vào Hội An muộn hơn so với các tôn giáo khác như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, nhưng Minh Sư đạo vẫn có “đất sống” của nó bởi tất cả đều hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, dạy con người biết xa rời cái xấu, hướng đến cái tốt đẹp, thánh thiện,... góp phần tạo nên những giá trị văn hóa rất đặc trưng, rất Hội An.

V.H.A