Giọt nước mắt đầu tiên

31.03.2022
La Thị Ánh Hường

Giọt nước mắt đầu tiên

Sinh đến lần thứ tư, vẫn là con gái, chị Bân buồn nhiều hơn cả chồng. Chị biết được nỗi khát khao của chồng về một đứa con trai để nối dõi tông đường. Ai cũng bảo, thời bây giờ khác xưa nhiều rồi, con nào cũng là con, quan trọng gì trai hay gái. Nói thì nói vậy nhưng có nếp có tẻ chẳng tốt hơn sao? Hơn nữa, anh là một ông chủ đại lý phân bón, thuốc trừ sâu lớn nhất nhì vùng đồng bằng Sông Cửu Long này. Có một thằng con trai để nối nghề hay đơn giản chỉ là ngồi nói chuyện đàn ông với nhau là khát khao lâu nay của anh. Tình yêu của chị Bân với chồng là như thế. Họ chẳng cần dùng đến lời nói. Ngày còn trẻ, chị Bân đẹp nhất thị xã nhưng cũng nổi tiếng là ít nói. Xinh đẹp thì đàn ông nào chẳng thích nhưng ít nói thì anh không thích chút nào. Nói nhiều còn thấy khó hiểu, huống hồ gì là cả ngày chẳng cạy ra chữ nào, làm sao có thể hiểu nhau. Anh chỉ thích những cô gái hay cười, tinh nghịch. Vậy mà chẳng hiểu sao lại “chết mê chết mệt” với chị Bân. Sau này anh mới nghiệm ra, ít nói thế mà hay. Lời nói không khéo dễ gây tổn thương cho người khác lắm!

Lần thứ năm mang thai, chị Bân lén lút giấu chồng. Không hiểu vì đâu mà chị lại có niềm tin mãnh liệt đó sẽ là con trai. Chị muốn để đến khi siêu âm ra con trai rồi báo chồng hay luôn. Chị hình dung ra chồng sẽ vui mừng, hạnh phúc như thế nào. Chị cố gắng vượt qua những ngày thai nghén một mình. Khi ấy, chồng chị Bân vừa mua căn nhà để mở thêm đại lý nhỏ, công việc làm ăn tất bật nên cũng chẳng mấy khi có thời gian gần vợ. Đến ngày siêu âm, chị hoàn toàn suy sụp khi bác sĩ báo đó là một bé gái. Chị không cho phép mình nghĩ đến chuyện bỏ con. Nó là một đứa trẻ vô tội. Nghĩ vậy, chị lấy hết can đảm báo tin cho chồng biết.

Anh nói một câu làm chị đau điếng: “Có chuyện đó được sao?”. Chỉ có vậy mà vợ chồng tan đàn xẻ nghé. Sau này, một người ở thị xã báo về, chồng chị thường lén lút với một phụ nữ ở đại lý, chị Bân mới hiểu đó chỉ là cái cớ. Anh cũng muốn đi lâu rồi, để tìm cho mình một đứa con trai. Họ chia gia tài trong sự nhường nhịn hiếm thấy. Không tòa án, không hòa giải. Anh nhường nhịn chị hết, cả việc chị nhận nuôi đủ bốn đứa con và đứa Út sắp chào đời. Anh để lại người làm, kho bãi hiện đang buôn bán cho chị để đảm bảo cuộc sống cho con cái đến khi chúng trưởng thành. Chỉ lấy duy nhất căn nhà là đại lý mới mở sau này. Họ xin lỗi nhau tha thiết như ngày mới yêu, mỗi khi anh hay chị có lỗi lầm gì.

Chị Bân sống hiền lành nên khi biết tin, ai cũng thương, mọi người kéo đến an ủi. Nhìn đám chật nhà mà rớt nước mắt. May mà kinh tế gia đình chị khá. Nhưng phụ nữ như chị có cầm tiền bạc tỷ thì cũng không hẳn sẽ hạnh phúc. Chị cần một bờ vai, một chỗ dựa tinh thần… Liều thuốc để chị đề kháng bản tính yếu đuối đó chính là đứa trẻ trong bụng. Chị yêu con nhưng lại thấy thương cho nó, chưa lọt lòng đã thiệt thòi vì không có cha bên cạnh. Nhưng là chị nghĩ vậy thôi chứ trẻ con có biết gì đâu. An ủi mình vậy nhưng sau khi vượt cạn, cô y tá ẵm con đến cho chị, chị nhìn đứa trẻ có khuôn mặt tròn bầu bĩnh, bất giác nghĩ ngay đến anh. Anh mà thấy con, chắc là sẽ yêu con nhiều lắm! Con đẹp như một thiên thần vậy!

Bốn đứa trước chị chăm bẵm dễ bao nhiêu thì đứa này lại khó bấy nhiêu. Suốt ba tháng đầu, Út khóc đêm ròng rã, nóng sốt, sổ mũi liên miên. Hôm nay con lại sốt, chị Bân nhờ anh Quân đi cùng lên bệnh viện huyện khám xem sao. Anh Quân là người làm lâu năm nhất ở nhà chị. Hồi chị chưa về nhà chồng, anh ở cùng xóm với chị, thua chị hai tuổi. Anh sống một thân một mình, suốt ngày đi làm thuê làm mướn, không nhà không cửa. Vợ chồng chị Bân thấy tội nên kêu về ở, xem anh như người nhà. Anh cũng hiền và ít nói nhưng chơi với trẻ con thì rất hợp, vì vậy mà con chị Bân, từ đứa lớn đến đứa nhỏ đều “đeo” anh. Anh trở thành vú nuôi của năm đứa con chị Bân. Anh có một sở thích là chụp hình cho năm đứa nhỏ. Mỗi đứa anh làm hẳn một album dày, bên ngoài đề tên trang trọng, anh sắp xếp hình ảnh thứ tự theo thời gian từ lúc mới lọt lòng.

Vị bác sĩ khám xong, ngẩng lên nhìn chị với ánh mắt thương hại. Ông nói khẽ: “Gọi chồng chị vào tôi nói chuyện luôn!”. Chị phân bua: “Anh ấy là người nhà, không phải chồng”. Vị bác sĩ ái ngại nhìn chị.

Ở bên ngoài, anh Quân hốt hoảng khi nghe vị bác sĩ gọi lớn: “Cô ơi, cô gì ơi!”. Anh vội vã đẩy cửa bước vào đã thấy chị Bân khuỵu xuống, nằm sõng soài trên nền gạch. Đứa trẻ ngơ ngác rồi khóc ré lên.

 

Bé Út lên sáu thì chị hai vào đại học, đi học xa nhà. Ba đứa còn lại đều học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn. Thỉnh thoảng có nhắc đến ba nhưng rồi thôi, đúng như chị Bân nghĩ, trẻ con nhanh quên lắm! Ban đầu, chị Bân tìm hiểu xem có trường nào dạy chữ cho trẻ em bệnh down để đưa bé Út đến học nhưng tìm mãi vẫn không có. Ở vùng này, đời sống còn nghèo nàn về mọi mặt. May sao có cô giáo dạy cấp một ở gần nhà, hiểu hoàn cảnh nên đồng ý cho Út đến học, chủ yếu để nhận biết mặt chữ chứ không hy vọng theo kịp các bạn cùng tuổi. Chị Bân mừng lắm, ngay hôm sau khăn gói cho Út đến trường. Út tính khí ngang ngược, khó chiều, chỉ làm theo ý mình nên những trò quậy phá của Út ảnh hưởng không ít đến học sinh trong lớp. Sự việc đến tai thầy hiệu trưởng, cô giáo bị lập biên bản kỷ luật nên dắt Út về trả cho chị Bân.

Út càng lớn càng ngang tàng, không nghe lời bất kỳ ai. Ở nhà, tất cả vật dụng, đồ đạc trang trí trong nhà đều phải đề phòng vì Út có thể ném, đập cho bể khi có điều gì đó phật ý. Khi không còn gì để phá, để ném nữa, Út đập đầu mình vô tường rồi khóc rấm rứt cả buổi. Chị Bân xót con nên nhờ anh Quân theo sát Út để tiện chăm sóc. Một lần, tức giận anh Quân vì bắt Út ngủ trưa, Út giả đò ngủ nhưng sau khi đợi anh Quân ngủ, Út lẻn vào phòng anh Quân, xé hết 5 album hình của 5 chị em. Anh Quân thức dậy, thấy những tấm hình mà anh nâng niu giờ chỉ còn là đống giấy vụn, quá buồn, anh chỉ còn biết chạy ra khỏi nhà. Chị Bân nhìn thấy sắc mặt anh, biết ngay là có chuyện. Chị vào phòng anh, dùng băng keo trong tỉ mẩn ngồi dán lại từng tấm hình. Chúng được trở về đúng vị trí cũ, tuy có hơi gồ ghề do lớp băng keo làm dày thêm nhưng hình ảnh vẫn còn nhìn rõ. Một tấm hình cuối cùng được nguyên vẹn, có lẽ nó ép bên trong những tấm hình kia nên Út không thấy, chị nhặt lên, ngỡ ngàng: là tấm hình trắng đen chị chụp năm 18 tuổi. Chiếc nón lá này, gốc bằng lăng này chị vẫn còn nhớ, nhưng vì sao nó lại nằm trong tay anh Quân? Nhìn kỹ tấm hình, chị Bân nhận ra nó còn được ép plastic cẩn thận. Có tiếng gõ cửa, chị giật mình cất vội tấm hình và đi ra.

Nghịch ngợm chán ở nhà, Út “thay đổi không khí” bằng cách ra ngoài. Gần nhà chị Bân có cái chợ nhỏ. Mỗi ngày họp chợ mấy tiếng đồng hồ vào buổi sáng sớm và chiều tà. “Địa bàn” mới của Út là ở đấy! Có lần, vì giành đồ chơi, Út cắn tứa máu tay của một đứa trẻ cùng xóm. Mẹ đứa trẻ bán rau gần đó nhìn thấy, xót con nên nhào tới tát Út một cái làm Út liểng xiểng người, vừa lúc chị Bân nghe có tiếng xô xát, đi ra. Dù biết Út sai rồi nhưng nhìn con bị đánh, chị Bân lòng đau như cắt, vội chạy đến đỡ con, cõng Út về nhà. Khi ấy, Út đã lên 10, chân tay dài loằng ngoằng gần bằng mẹ. Chị phải khó nhọc lắm mới đặt được Út trên lưng. Sau cái tát như trời giáng ấy, Út bị rụng mất cái răng cửa. Mấy ngày sau Út không ra chợ chơi nữa mà chỉ ở nhà, ít nói và ít nghịch hơn. Chị Bân mừng thầm.

Niềm vui của chị không kéo dài được bao lâu. Buổi sáng, chị đang loay hoay bên sổ sách với nhân viên thì có tiếng kêu rất thanh: “Cứu người... chết đuối...”. Chị thất thần nhìn quanh: Út đâu? Ở miền sông nước này, trẻ biết đi là đã tập bơi ngay. Duy chỉ có Út là sợ nước nên không biết bơi lội gì. Chị tái mặt gọi lớn: “Út ơi, Út...”. Không có tiếng trả lời. Chị quăng hết sổ sách, bổ nhào ra đường, nơi có tiếng kêu cứu. Đã có rất đông người đứng sẵn nơi bờ sông. Dưới dòng sông, vài thanh niên đang ngụp lặn vẻ rất hối hả. Chị đưa mắt nhìn quanh, không thấy Út đâu, chị càng hốt hoảng. Chị chen vào đám người, lần xuống mép sông. Tiếng gào thét, tiếng la, tiếng khóc tức tưởi, tiếng chửi thề vô tội vạ làm náo loạn một khúc sông. Chị dùng sức mạnh gạt đoàn người đang dẫm đạp lên nhau để đi xuống. Một thanh niên đã nhô đầu lên khỏi mặt nước, trên tay ẵm đứa trẻ ở tư thế thõng thượt. Chung quanh, vài tiếng xì xầm: “Chết rồi!”. “Chết ngắc rồi!”. “Cha mẹ nào vô trách nhiệm vậy không biết?”. Chị dụi mắt, nhìn kỹ lại đứa trẻ: bộ đồ màu xanh nước biển, tóc cột nhỏng, da trắng... Không phải Út! Chị ngồi thụp hẳn xuống giữa đám người đang nhốn nháo. Cảm giác ray rứt với đứa trẻ kia ghê gớm bởi phát hiện làm trái tim chị muốn nổ tung vì vui, vì Út của chị còn ở bên chị, nó chỉ đi chơi đâu đó, tối lại về nằm cạnh chị, bình yên.

Lần đầu tiên chị không thấy buồn vì tính khí ngang ngược của Út. Chị không thấy ái ngại khi mọi người nhìn khuôn mặt vô hồn của Út - không giống mẹ, không giống ba mà giống với khuôn mặt của hầu hết đứa trẻ nào bị bệnh down. Chị không giận khi Út sẵn sàng hất chén cơm vào mặt chị, hỗn hào gọi chị bằng “bả” khi có ai hỏi mẹ có nhà không… Chị chỉ cần có Út mạnh khỏe ở bên cạnh chị, vậy là đủ. Đêm đó, chị hỏi Út: “Con có thương mẹ không?”. Út gắt lên: “Có! Hỏi gì hỏi hoài!”. Chị mỉm cười, nhẹ nhàng hôn lên mớ tóc cháy nắng của Út.

 

Chị Bân bước qua tuổi 60, nhà còn lại mình chị và Út. Bốn đứa con của chị, đứa thì đi lấy chồng, đứa học xa nhà, cả năm mới về một hai lần. Tuổi ngoài 20, Út vẫn ngớ ngẩn, tính khí thất thường nên chị Bân không nhờ vả được gì bao giờ. Một lần anh Quân đi vắng, chị Bân thấy khó chịu trong người, sai Út đi sang nhà bà Tư mua thuốc, Út hỗn hào đáp lại: “Bà ốm thì bà tự đi mua, tui không đi!”. Chị Bân nghe mà đắng lòng, rồi tìm cách an ủi mình: chẳng phải mình đã cầu mong như thế này, chỉ cần có Út ở bên cạnh? Nghĩ vậy chị thấy nguôi ngoai hơn. Các chị của Út về thăm, thấy chị Bân phải chăm lo cho Út như trẻ con thì tỏ ra rất khó chịu. Út cũng chẳng ưa gì các chị của mình. Út sống cô độc như ở một thế giới khác, thích gì làm đó, không thích thì thôi. Chị Bân không sợ cực, không sợ khổ, chỉ thương Út không có tương lai nên dành hết tình cảm cho Út. Tình thương của chị như những con sóng lớn, suốt đời chỉ biết xô nghiêng về một phía, không cần đáp lại.

Chị Bân đổ bệnh phải nhập viện một thời gian dài. Đám con cháu cứ vào bệnh viện ngồi chưa nóng chỗ là bị chị Bân đuổi về, bảo mẹ không sao, về mà lo công việc. Chúng nó bịn rịn không đành về nhưng cũng không dám trái lời chị, một phần cũng vì bận thật. Từng đứa quay sang nhắn nhủ, nhờ vả, cảm ơn chú Quân rối rít cả lên. Chị Bân nằm viện hơn ba tuần thì nhớ Út, muốn gặp Út. Anh Quân phải về nhà định chở Út vào thăm mẹ nhưng không ngờ nó giãy nảy: “Bả bệnh chớ tui bệnh đâu mà đi bệnh viện! Tui không đi!”. Anh Quân nói kiểu nào Út cũng không chịu đi. Anh buồn bã quay trở lại bệnh viện, lòng lo lắng không biết kiếm cách nào nói để chị Bân đừng buồn. Từ xa, thấy anh Quân đi vào chỉ có một mình, chị Bân buồn so. Nhưng khi gặp anh Quân, chị cười: “Tui có hỏi bác sĩ rồi. Con Út mà lên cũng không vào được đâu, họ sợ nhiễm trùng!”. Anh Quân nhìn chị nói dối mà ứa nước mắt.

Chị xuất viện về nhà. Gọi là xuất viện nhưng tình hình căn bệnh suy thận của chị chẳng mấy khả quan, sống ngày nào biết ngày đó thôi. Nhà chị Bân lúc nào cũng tấp nập con cháu, hàng xóm đến thăm. Những lúc tỉnh táo, chị Bân nói với mấy đứa con: “Sau này không còn mẹ, phải lo cho Út, không được để em một mình nghe không?”. Mấy đứa con chị được cái có hiếu và rất ngoan, đứa nào cũng gật đầu rồi nắm tay mẹ khóc. Út nghe thấy, xẵng giọng: “Lo cho “bả” đi, không cần lo cho tui!”. Chị Bân nhìn Út, ứa nước mắt.

Chị Bân chưa đi ngay được. Chị chuyển qua giai đoạn phải chạy thận, tuần 3 lần. Những ngày này, anh Quân vẫn ở bên cạnh chăm sóc chị. Những lúc khỏe, chị nắm tay anh Quân: “Cả đời này tôi mang ơn anh. Coi như cho tôi nợ anh kiếp này vậy!”. Anh Quân gạt đi: “Chị biểu coi tôi như người nhà mà nói vậy không sợ tôi giận hay sao hả? Tôi phải cảm ơn chị vì có chị, có gia đình này tôi mới tìm được ý nghĩa của cuộc sống”. Chị quay mặt đi giấu hàng nước mắt lăn dài trên má, chị hiểu tình cảm anh dành cho chị suốt bao năm qua. Anh Quân chợt nhớ ra điều gì: “Mà chị nè, hôm trước anh Khang có về thăm chị, chỉ đứng ở trước nhà không vô, chắc sợ chị còn giận. Nghe hàng xóm nói lại, ảnh gầy đi nhiều lắm! Mà chị còn giận ảnh không? Nếu không, để tôi nhắn ảnh tới chơi cho đỡ buồn?”. Chị Bân gạt đi: “Tôi không giận gì ảnh nhưng cái duyên nó chỉ đến đó, đành chấp nhận!”.

Trễ ba ngày so với thời gian bác sĩ dự đoán, vừa lúc đám con cháu tưởng chị qua khỏi nên trở về lại nhà chúng thì chị lên cơn khó thở. Anh Quân buông muỗng cháo, cuống quýt bấm số gọi cho từng đứa để tụi nó kịp quay lại. Khi đó, Út từ dưới nhà đi lên, thấy chén cháo còn nguyên, Út quay qua hỏi xẵng giọng: “Sao không đút cháo cho “bả” ăn đi!”. Anh Quân nhìn Út ngạc nhiên. Út nhìn chị Bân rồi nhìn anh Quân, nó gằn giọng lần nữa: “Nhìn gì mà nhìn? Tui biểu đút cháo cho “bả” đi!”. Anh Quân đứng như trời trồng. Út hét lên: “Có nghe không, hả?”. Lần đầu tiên anh thấy Út phản ứng mạnh thế. Trước nay, chưa bao giờ Út quan tâm đến việc cơm nước cho chị Bân. Anh định giải thích gì đó nhưng bằng một động tác rất nhanh và mạnh, Út đẩy anh ra xa. Út ngồi bên cạnh chị Bân, tay cầm chén cháo múc từng muỗng đưa lên miệng chị Bân. Bởi vì công việc này nó chưa làm bao giờ nên rất gượng gạo, cái muỗng lại bé xíu so với bàn tay vừa to vừa thô của nó.

Chị Bân đã ở giai đoạn cuối, hàm cứng lại, nhịp tim đập yếu ớt. Út hốt hoảng thấy cháo không vào miệng mà tràn ra hai bên mép, tay nó run lên, từng câu nói chẳng mấy nhẹ nhàng của nó như gào lên trong tiếng nấc: “Ăn đi, ăn đi! Không ăn là chết đó! Ăn đi, ăn đi mà! Có nghe tui nói không hả?”. Chị Bân mặt tái nhợt, hai mắt khép lại. Út luýnh quýnh: “Tui đi mua thuốc nghen! Thuốc nhà bà Tư, tui nhớ đường mà, tui đi rồi về liền, nha?”. Vẫn không thấy chị Bân lên tiếng. Út cúi gần hơn nữa xuống sát mặt chị Bân, nó nhắc lại: “Tui đi mua thuốc đó! Chờ tui nghen?”. Chị Bân khẽ chớp mắt, một giọt nước trong veo chảy dài từ khóe mắt chị.

Tiếng kinh cầu, tiếng khóc như muốn úp chặt lấy căn nhà chị Bân.

Lần đầu tiên trong cuộc đời, Út biết được nước mắt mặn đến như thế!

L.T.A.H