Một số ý kiến của văn nghệ sĩ về phát triển không gian văn hóa công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

31.03.2022
Như Nghĩa (tổng hợp)

Một số ý kiến của văn nghệ sĩ về phát triển không gian văn hóa công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Nghệ nhân ưu tú Hồ Thanh Châu và nghệ nhân Huyền Tân trình các diễn tiết mục hô hát bài chòi tại ngày hội. (Ảnh: Lê Lâm)

* NGUYỄN THANH TÙNG (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Đà Nẵng):

Biểu diễn dân ca và hô hát bài chòi là vốn quý nghệ thuật truyền thống

Vào những năm 1950 của thế kỷ trước trong cuộc kháng chiến chống Pháp,
Khu ủy Khu V đã thành lập Đoàn Nghệ thuật Hô hát Bài chòi phục vụ kháng chiến. Năm 1954 đoàn tập kết ra miền Bắc, với sự góp mặt của các nghệ sĩ tài hoa như: NSND Lệ Thi, NSƯT Nguyễn Kiểm, Nguyễn Thủ, Thái Sơn, nhà biên kịch Nguyễn Tường Nhẫn, Nhạc sĩ Hoàng Lê, Nhạc sĩ Trần Hồng, Nhạc sĩ Trương Đình Quang, Đạo diễn Nguyễn Khánh...

Trong thời gian này chúng ta đã có những vở kịch được dàn dựng và biểu diễn, tạo được dấu ấn nghệ thuật sân khấu Khu V một thời như: Tiếng sấm Tây Nguyên của Thanh Nha - Thế Lữ, vở kịch Thoại Khanh - Châu Tuấn của Nguyễn Tường Nhẫn, Quê hương dậy sóng của tác giả Huỳnh Chinh (Liên Nguyễn chuyển thể ca kịch bài chòi), Chuyện tình bên dòng sông Thu của Lưu Quang Vũ. Những vở diễn hay đã in đậm trong ký ức của cán bộ chiến sĩ và người dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Kể từ khi chia tách địa giới hành chính, Đà Nẵng không còn Đoàn ca kịch Bài chòi, nghệ thuật hô hát bài chòi cũng có phần bị mai một.

Rất may mắn cho chúng ta vào hồi 15 giờ 10 phút ngày 07/02/2017 tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước năm 2003 về bảo vệ văn hóa lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại thành phố Jeju (Hàn Quốc) di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đây là cơ hội để Bài chòi phát triển trở lại, và cũng rất may mắn là tại Đà Nẵng chúng ta còn có nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu hiểu biết sâu về loại hình này, đa số đều sinh hoạt tại Hội Nghệ sĩ Sân khấu Đà Nẵng. Trong những năm gần đây, hoạt động này được Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố Đà Nẵng hết sức quan tâm, tổ chức  nhiều hình thức (giảng dạy trong trường học, xây dựng các câu lạc bộ, tổ chức các liên hoan Hô hát Bài chòi và Dân ca, xây dựng các vở kịch ngắn...). Hiện nay thành phố có nhiều nghệ sĩ có chuyên môn cao, nhiều diễn viên hát hay diễn giỏi, có triển vọng phát triển Không gian hô hát bài chòi trên các địa bàn thành phố để phục vụ nhân dân và phục vụ du khách. Biểu diễn dân ca và hô hát bài chòi là vốn quý nghệ thuật truyền thống cần phát huy hơn nữa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Để văn nghệ sĩ góp phần phát triển không gian công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tốt hơn, tôi xin được đề xuất thêm một số nội dung sau:

- Thường xuyên mở lớp truyền dạy nhạc công cho Tuồng và Dân ca - đặc biệt là dân ca để có những nhạc công tương lai phục vụ sân khấu Bài chòi sau này.

- Quy hoạch không gian văn hóa của Đà Nẵng không chỉ ở trung tâm thành phố mà còn mở rộng hưởng thụ đến đồng bào vùng núi, vùng nông thôn.

- Vấn đề cốt lõi để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống theo tinh thần chấn hưng văn hóa là chúng ta cần tập trung đồng bộ giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các Hội chuyên ngành, cụ thể đề xuất dành sóng phát thanh truyền hình cho các kịch ngắn, kịch vui về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị cũng như các đề tài thiết thực khác.

 

* Nhạc sĩ - Thạc sĩ VĂN THU BÍCH (Phó Chủ tịch Hội Âm Nhạc Đà Nẵng):

Biểu diễn âm nhạc đương đại trên sân khấu ngoài trời cần sinh động và tươi mới hơn

Đầu năm 2022, thành phố đã có chủ trương triển khai dự án chiếu sáng mỹ thuật theo chủ đề “Dòng sông ánh sáng” để kết hợp các hoạt động lễ hội, văn hóa, trong đó có biểu diễn âm nhạc tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn hai bên bờ sông Hàn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, thu hút du khách. Có thể nói, với nguồn lực đầu tư từ ngân sách thành phố và huy động nguồn lực xã hội, Đà Nẵng sẽ sớm khởi sắc hơn về diện mạo văn hóa nhằm thu hút khách du lịch gần xa.

Bên cạnh đó, cũng nên vận động xã hội hóa để thực hiện các chương trình ca nhạc, các show diễn thực cảnh ngoài trời. Thông qua show diễn thực cảnh với âm nhạc đương đại, mọi người sẽ có thêm những cảm nhận sâu sắc về bề dày di sản văn hóa của vùng đất, con người Đà Nẵng đầy dũng khí và nhân hậu.

Tiếp tục phát huy hoạt động biểu diễn âm nhạc đương đại tại sân khấu chính và các sàn diễn nhỏ điểm xuyết dọc theo các tuyến phố đi bộ hai bên bờ sông Hàn và khu phố An Thượng...

Hoạt động nghệ thuật ca nhạc đương đại không nên tự phát và cần được chú trọng dàn dựng mới mẻ, không để mãi ngủ yên trong khuôn khổ mái vòm nhà hát, phục vụ cho số ít khán giả mà cần thiết chuyển ra khỏi không gian khép kín của nhà hát, đến gần với công chúng thường kỳ, để mọi người đều được hưởng thụ, không chỉ vào các dịp lễ tết mà cần nên hàng quý, dần dần là hàng tháng, hàng tuần. Vài năm, nên tổ chức các cuộc giao lưu nghệ thuật có nội dung phong phú, hấp dẫn với các đoàn nghệ thuật đương đại trong và ngoài nước theo khuôn khổ các chương trình giao lưu văn hóa, nhằm làm đa sắc thêm diện mạo âm nhạc Đà Nẵng.

Chương trình âm nhạc đường phố Đà Nẵng

Biểu diễn âm nhạc đương đại là một dạng hoạt động dễ thu hút đông đảo người xem, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần trong đời sống xã hội. Muốn cho nghệ thuật âm nhạc đương đại trong không gian ngoài trời phục vụ xã hội thật hiệu quả, phát huy được hết tác dụng của mình thì trong công tác quản lý phải đảm bảo điều kiện cần thiết cho lĩnh vực này vừa hoạt động đúng tính chất, có giá trị nghệ thuật cao, vừa đảm bảo định hướng cảm thụ, thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng trong bối cảnh đương đại; đồng thời nên có một số giải pháp cụ thể, thích hợp với từng thời kỳ và điều kiện của thành phố, nhằm tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách lẫn người dân Đà Nẵng.

Tập hợp các ban nhóm nhạc xây dựng thành hội thi hàng quý, nên tổ chức thường kỳ các đêm diễn ca nhạc hiện đại đan xen với các buổi diễn xướng Hô hát Dân ca Bài chòi tại các vùng nông thôn huyện Hòa Vang. Các liên hoan, hội thi, hội diễn không chuyên cấp thành phố nên diễn ra hàng năm và tổ chức nhiều đêm công diễn phát huy thành quả của các đợt liên hoan. Sở Văn hóa - Thể thao nên tích cực phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố và Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng tổ chức các hoạt động giới thiệu quảng bá thường xuyên các ca khúc đương đại, chú trọng đề tài về Đà Nẵng với các hình thức phong phú, đa dạng tại các sân khấu ngoài trời.

Để đời sống âm nhạc của Đà Nẵng trong thời gian tới sẽ sinh động và tươi mới hơn, mong rằng các cấp quan tâm hơn nữa để phát huy lĩnh vực biểu diễn âm nhạc đương đại trong không gian ngoài trời song song với diễn xướng âm nhạc truyền thống, từ phố thị đến làng quê nhằm góp phần làm cho diện mạo văn hóa Đà Nẵng ngày càng đổi mới, đa sắc, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và du khách khi đến với vùng đất đang khởi sắc từng ngày.

* Nghệ sĩ nhiếp ảnh NGUYỄN QUANG (Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Đà Nẵng):

Thành phố du lịch sẽ hấp dẫn hơn nếu có nhiều điểm chụp ảnh check-in

Check-in là một thuật ngữ phổ biến hiện nay trong giới du lịch trẻ, du khách ưa thích khám phá khi đến những địa điểm du lịch mới, lạ và đẹp. Việc chụp ảnh check-in tại các điểm du lịch và thông qua Facebook, Instagram, Google Map... đã góp phần rất lớn vào việc quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch của thành phố Đà Nẵng trong nhiều năm qua.

Bên cạnh các điểm check-in nổi tiếng ở thành phố Đà Nẵng như: biển Mỹ Khê, biển Non Nước, Ngũ Hành Sơn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, Tòa nhà Hành chính thành phố, Bà Nà, đỉnh Bàn Cờ Sơn Trà... thì ở Đà Nẵng đã vừa xuất hiện các điểm check-in mới, đó là: Công viên APEC, nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý... Những địa điểm này đã, đang và sẽ tiếp tục là những điểm đến, điểm nhấn hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế sau đại dịch Covid.

Công viên Apec - Một điểm thu hút nhiều bạn trẻ

Bên cạnh những ưu điểm tích cực của điểm check-in mang lại thì vẫn còn nhiều điểm chưa tốt như: những điểm check-in nằm ở vị trí không an toàn cho du khách đến đứng chụp ảnh, địa điểm nằm trong hành lang an toàn giao thông, hành lang lưới điện, địa điểm nằm ở khu vực an toàn hàng không, an ninh, quốc phòng bị cấm quay phim chụp ảnh... Và kể cả những địa điểm check-in bị “bóc phốt”, bị cộng đồng mạng xã hội lên án những hành vi tiêu cực...

Ở góc độ Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật thành phố, với chuyên môn thị giác của người cầm máy ảnh, chúng tôi xin kiến nghị với Hội đồng nhân dân thành phố một số điểm như sau:

- Nên công bố các địa điểm check-in du lịch trên toàn thành phố, thông qua mạng xã hội Facebook, Instagram, Google Map, các đơn vị lữ hành du lịch, bản đồ điện tử du lịch để du khách nắm bắt, kích thích nhu cầu đi đến khám phá.

- Những điểm check-in du lịch cần được xác định lại chính xác tọa độ, vị trí địa lý nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và đảm bảo an toàn khác trong công tác quản lý Nhà nước. Có thể có những cảnh báo cho du khách không nên đến những địa điểm này trong những điều kiện thời tiết không cho phép...

- Đề xuất thành phố tổ chức một cuộc thi ảnh cấp quốc tế về các điểm check-in du lịch tại Đà Nẵng. Ảnh dự thi chỉ được chụp tại các vị trí check-in đã được xác định của thành phố, và có thêm các điểm check-in khám phá mới. Thông qua cuộc thi, các ảnh đạt giải tại các điểm check-in sẽ có tác động rất lớn đến cộng đồng mạng, cộng đồng người du lịch trong nước và quốc tế, góp phần đẩy nhanh, đẩy mạnh hồi phục kinh tế du lịch của toàn thành phố.

 

* Họa sĩ HỒ ĐÌNH NAM KHA (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng):

Tạo ra sự liên kết giữa người dân với nghệ thuật
cộng đồng, nâng tầm giá trị không gian và môi trường sống

Trong điều kiện kinh tế - xã hội thành phố phát triển như hiện nay, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân thành phố và công chúng yêu nghệ thuật thị giác tăng cao, đòi hỏi việc tập trung phát triển không gian nghệ thuật phục vụ nhân dân phát triển thị hiếu thẩm mỹ ngày càng quan trọng. Vì vậy, việc hình thành các không gian văn hóa, nghệ thuật cộng đồng là nhu cầu cũng như xu thế cần thiết trong xã hội hiện nay, không gian nghệ thuật cộng đồng góp phần mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đời sống dân cư...

Tạo ra không gian nghệ thuật cộng đồng chính là làm một việc thiết thực để thu hút mọi người hòa mình vào đời sống xã hội, tạo sự kết nối, góp phần xây dựng không gian văn hóa văn minh đô thị tạo ra sự liên kết giữa người dân với nghệ thuật cộng đồng, nâng tầm giá trị không gian và môi trường sống... Đặc điểm chung của không gian nghệ thuật cộng đồng là những tác phẩm được lựa chọn trưng bày, biểu diễn, bích họa không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn phần nào phản ánh văn hóa, lịch sử vùng miền, tác phẩm gần gũi quần chúng nhân dân, mọi người có thể hiểu và cảm nhận tác phẩm. Rõ ràng, khi những tác phẩm mỹ thuật hiện hữu sinh động giữa cộng đồng, đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Vì vậy cần có những kế hoạch dài hơi hơn, những chính sách của nhà quản lý, sự hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền và cộng đồng để các ý tưởng, sáng tạo của nghệ sĩ có thể thực hiện được. Nhiều tác phẩm nghệ thuật không chỉ làm đẹp thêm không gian công cộng, mà còn góp phần thổi hồn vào cuộc sống tinh thần của người dân thành phố.

Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình số 38-CTr/TU ngày 31/01/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc thực hiện Chuyên đề “Tập trung phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế”. Kế hoạch gồm các nhiệm vụ chính như đổi mới, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng theo hướng bền vững, hài hòa với thiên nhiên và môi trường... Đây cũng là cơ hội để phát triển du lịch bền vững, hài hòa có sự tham gia của cộng đồng, tạo điểm mới lạ đặc biệt là thông qua yếu tố nghệ thuật cộng đồng để thu hút du khách gần xa mỗi khi đến Đà Nẵng.

Nghệ thuật sắp đặt và tranh bích họa hoành tráng là những công trình nghệ thuật có tính biểu hiện cao, được khắc họa một cách cô đọng bằng những đường nét màu sắc mảng khối, bố cục và ý tưởng sáng tạo. Đóng vai trò quan trọng như một bảo tàng văn hóa, mỹ thuật ngoài trời, mang tính thẩm mỹ, tính giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa trong cộng đồng dân cư... Chính vì vậy, việc tạo ra những điểm nhấn trong đô thị, bằng những công trình nghệ thuật công cộng, có quy mô phù hợp sẽ góp phần làm cho Đà Nẵng có những điểm khác biệt so với những đô thị khác.

Một trong những “mô hình” mang tính điểm nhấn đó là “Làng bích họa”. Thông qua những tác phẩm nghệ thuật gần gũi này sẽ biến những không gian cũ kỹ, khu phố thô sơ thành những ngôi làng nghệ thuật tươi đẹp, mang đặc thù vùng miền. Thông qua những hình vẽ, nghệ thuật sắp đặt, đầy tính sáng tạo của anh chị em họa sĩ, sẽ thu hút du khách mọi nơi đến, tham quan, trải nghiệm...

Không gì làm du lịch rẻ nhất, nhanh nhất, và hiệu quả nhất bằng mô hình “Làng bích họa” hay có thể gọi là “Nghệ thuật cộng đồng”, vừa phát triển được kinh tế, du lịch, văn hóa văn minh đô thị... Ngoài ra, tạo điểm nhấn không gian đô thị (đặc trưng vùng miền) điều mà ở một số nước đã làm khá hiệu quả như: Gamcheon - Busan - Hàn Quốc, trong nước có (Trà Vinh, Sóc Trăng, Đà Lạt...)  

Theo tôi, ở Đà Nẵng hiện nay nên hình thành Làng Bích họa Lăng Ông Mân Thái - Sơn Trà. Đây là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời vừa có những điều kiện sẵn có để hình thành Làng Bích họa. Phạm vi thuộc khu Lăng Ông, Miếu Bà (Tổ 9,10) phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đưa nghệ thuật cộng đồng vào mô hình (Mỹ thuật, sắp đặt, video art) không gian ánh sáng, hàng lưu niệm, khu ẩm thực. Dự án đang thực hiện phác thảo về chủ đề: Phong cảnh Sơn Trà; Thuyền, ngư cụ; Voọc - Người dân, chài lưới; Huyền thoại Tiên Sa...

Hy vọng lãnh đạo thành phố quan tâm, cho hình thành Làng Bích họa Mân Thái, làm điểm nhấn độc đáo cho du khách đến Đà Nẵng.

 

* KTS HUỲNH VĂN PHƯƠNG (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng):

Cần đa dạng hóa Không gian công cộng trong tổ chức đô thị Đà Nẵng

Trong cuốn sách nổi tiếng The Death and Life of Great American Cities, Jane Jacobs đã lưu ý đến cuộc sống của các thành phố sẽ được phản ánh như thế nào qua đời sống đường phố của nó; nếu đường phố sống động, thì thành phố thú vị, nếu đường phố buồn tẻ, thì thành phố mờ nhạt. Mặc dù chức năng chính dành riêng cho lưu thông, đường phố luôn trở thành một thành phần đa chức năng trong xã hội đô thị. Nó là cầu nối, là bước đệm và cũng chính là không gian công cộng (KGCC). Cuộc sống và văn hóa của đô thị được thể hiện rõ rệt nhất từ những không gian này. Bạn đã bao giờ ở một nơi nào đó và nhận thấy một KGCC hoặc nơi tụ tập thu hút sự chú ý và mời gọi bạn thâm nhập vào nó? Có thể đó là một công viên nhỏ, quảng trường, khu chợ hoặc một bậc thang trước tòa nhà công cộng. Nó có thể là hầu hết mọi thứ nhưng nó thường tràn đầy sức sống, ồn ào với mọi người và dường như là nơi mọi người muốn tới đó thường xuyên.

Nhìn chung, việc thiết kế KGCC ở Đà Nẵng không những thiếu mà nhiều không gian thiết kế còn đơn điệu, không có ý kiến đóng góp từ cộng đồng và chuyên gia. Quanh đi quẩn lại chỉ có vườn hoa, phố đi bộ, thực sự chưa thấy bản sắc của khu vực hay những thiết kế mang tính thu hút người sử dụng. Bởi vì như đã trình bày phía trên, một KGCC hiệu quả là phải khiến cư dân được trải nghiệm tính văn hóa và cộng đồng. Việc lấn chiếm vỉa hè làm quán ăn, quán cà phê, cơ sở kinh doanh hay chỗ để xe, không có đường dành cho người đi bộ có lẽ đã trở thành căn bệnh nan y trong hầu hết đô thị Việt, gây mất thẩm mỹ và hoàn toàn không có không gian cho người dân hoạt động cộng đồng.

Theo khảo sát, Đà Nẵng đang thiếu rất nhiều vườn hoa, sân chơi trong các khu vực dân cư, đặc biệt trong khu vực nội thành, đất được dùng làm KGCC chỉ chiếm tỉ lệ rất khiêm tốn tổng quỹ đất trong khi theo quy hoạch tổng thể. Và không gian công cộng ở đây sẽ không đơn thuần chỉ là công viên cây xanh hay các phố đi bộ cuối tuần, cần có thêm những khu vực quảng trường, sân chơi, khu vực sinh hoạt cộng đồng đúng nghĩa.

Ý nghĩa và tầm quan trọng của KGCC đã được chứng minh, thực sự chúng ta cần nhiều không gian như vậy hơn, được nhân rộng và thêm tính thẩm mỹ. Thiết nghĩ điều đó không khó vì chúng ta có một lực lượng kiến trúc sư đông đảo và đã có nhiều cuộc thi, dự án, nghiên cứu khoa học cải tạo KGCC trong thành phố. Điều này cần sự thông qua của các ban ngành chức năng để đô thị Việt sớm có những KGCC đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân thành thị.

 

* NSƯT HUỲNH THỊ MINH HẢI (Hội Nghệ sĩ Sân khấu):

Đưa sân khấu vào học đường là một là giải pháp tối ưu nhất để phát triển nghệ thuật tuồng và đưa tuồng đến với công chúng

Trước thực trạng hoạt động biểu diễn các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo và đặc sắc của dân tộc như Tuồng đang có nguy cơ mất dần khán giả, nhất là tầng lớp khán giả trẻ. Nền nghệ thuật sân khấu nước ta nói chung đang gặp rất nhiều những khó khăn, đặc biệt ngành kịch hát dân tộc ngoài những khó khăn chung, còn vô số những khó khăn riêng nữa. Trong đó, có khó khăn nổi trội nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ thực sự hiệu quả là: Đội ngũ khán giả ngày càng thưa vắng, phần lớn khán giả trẻ không mặn mà với Sân khấu Kịch hát dân tộc. Về điều này có nhiều lý do mà chúng ta chưa lý giải được một cách thấu đáo và sâu sắc.

Trong thời đại ngày nay, thời đại của khoa học và công nghệ. Đặc biệt một số loại hình nghệ thuật truyền thống không kéo được khán giả đến với mình, một phần do tốc độ phủ sóng dày đặc của công nghệ truyền hình các chương trình giải trí đa dạng, đã chi phối rất lớn đến mọi hoạt động của đời sống xã hội. Các loại hình nghệ thuật truyền thống nhường chỗ cho công nghệ giải trí hiện đại. Đối tượng phục vụ của nghệ thuật sân khấu ngày càng bị thu hẹp. Trước thực trạng nghệ thuật sân khấu đang mất dần khán giả, chúng ta cùng trao đổi các nội dung cũng như là một giải pháp tháo gỡ khó khăn với phương thức hoạt động là: Duy trì và nhân rộng sân khấu học đường trong thời gian tới, góp phần giáo dục truyền thống, tạo cho thế hệ trẻ ý thức, trân trọng, gìn giữ, phát huy những giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc.

Đà Nẵng biểu diễn Tuồng phục vụ du khách trên đường phố

Làm thế nào để khắc phục tình trạng nêu trên, để lôi cuốn khán giả cho sân khấu truyền thống hôm nay và tạo nguồn khán giả cho sân khấu truyền thống mai sau, trong khi ở nước ta từ trước cho đến nay ngành giáo dục đào tạo chưa có chương trình giảng dạy, giáo dục nghệ thuật chính khóa cho các cấp học, nên đây là vấn đề hết sức nan giải.

Trẻ em hôm nay là những chủ nhân tương lai của đất nước, sẽ là những người kế thừa, tiếp nhận và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Vì vậy, việc giáo dục văn hóa truyền thống nói chung và đặc biệt là các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc nói riêng, cho học sinh các trường phổ thông bằng cách đưa sân khấu vào học đường là hoạt động thực tiễn, thông qua đó các giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống được chuyển giao cho thế hệ mai sau.

Giáo dục nghệ thuật sân khấu dân tộc trong các trường THCS, THPT đã và đang trở thành một nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Đưa sân khấu vào học đường không chỉ làm cho các em có sân chơi bổ ích, cuộc sống vui khỏe, lạc quan mà còn có những tác động quan trọng về việc bồi dưỡng thế giới nội tâm, nhân cách, lối sống từ hình thức trực quan sinh động và hấp dẫn của các nhân vật trong tác phẩm nghệ thuật dân tộc. Chúng ta nên mạnh dạn biến cái xa lạ trở thành gần gũi đến sự yêu thích say mê cho các em, chính là những bài học quý giá giúp các em phát huy được kỹ năng cảm nhận, từ đó nâng cao vẻ đẹp của nghệ thuật, hồn sắc của dân tộc. Làm được điều đó chắn chắn chúng ta sẽ tạo được một thế hệ những người hâm mộ trong tương lai, sẽ không quay lưng hay xa lánh nghệ thuật truyền thống, góp phần định hướng cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó là giải pháp tối ưu nhất để phát triển nghệ thuật Tuồng hiện nay và đưa tuồng đến với công chúng, góp phần bảo tồn Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

N.N