Một vài cảm nhận thơ Hồ Xuân Hương

31.03.2022
Trần Nguyên Thạch

Một vài cảm nhận thơ Hồ Xuân Hương

Nhà thơ Hồ Xuân Hương (Ảnh internet)

BBT: Tại phiên họp sáng ngày 23/11/2021 tại Paris, Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 thông qua danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 - 2023” để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất.

Hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được thông qua cùng với 58 hồ sơ khác.

Nhân sự kiện này, Tạp chí Non Nước giới thiệu bài viết về thơ Hồ Xuân Hương của tác giả Trần Nguyên Thạch.

 

1.Sự nghiệp thơ ca Hồ Xuân Hương tuy không thật đồ sộ nhưng những gì mà chúng ta biết được về thơ ca của bà cũng đủ làm cho ta tự hào về một hồn thơ trác việt. Thơ ca của bà có cái đẹp vừa chân thực, tinh tế lại vừa tráng lệ, thâm thúy. Mỗi vần thơ, tứ thơ trong thơ của bà chỉ cần đọc lên cũng thấy say mê. Trong bài Bạch Đằng giang tặng biệt, bà viết:

... Vịn hoa khéo kẻo lay cành gấm,

Vục nước xem mà động bóng giăng.

Lòng nọ chớ rằng mây nhạt nhạt,

Lời kia này đã núi giăng giăng.

Theo GS Hoàng Xuân Hãn, đây là bài thơ Hồ Xuân Hương làm khi chia tay Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển quê Quảng Nam, bên sông Bạch Đằng. Ly biệt buồn và bâng khuâng. Tình thơ vẫn ấm nồng và hy vọng.

Lời thơ nhắn gửi Trần Phúc Hiển thật cao thượng và nên thơ. Lời thơ như ngọc, thanh tao mà đằm thắm. Ý sâu xa, hình ảnh đẹp. Mượn lời hoa gấm, nước mây mà tiễn biệt người bên sông nước Bạch Đằng. Một nữ sĩ như Hồ Xuân Hương, trong xã hội phong kiến đương thời, mà bước chân non sông từng qua biết bao miền, biết mấy danh lam thắng cảnh, thật là một điều phi thường. Có thể nói bút pháp thơ Hồ Xuân Hương (trong Lưu hương ký cũng như trong thơ nôm truyền tụng) đẹp như gấm thêu. Bước chân ấy, tài hoa ấy cùng tâm hồn rộng mở, phóng khoáng trước thiên nhiên đã làm nên vẻ đẹp lộng lẫy trong thơ bà - một phong điệu như vậy thật hiếm có trong xã hội xưa.

Ta đọc thêm một bài thơ khác - Nguyệt dạ ca (hai bài): Ở bài I:

Sương như hạt châu chừ, trăng

như ngọc

Vụt qua lại chừ, soi chiếu lòng ta.

Hình ảnh so sánh tuy ước lệ, tượng trưng (sương như hạt châu/ trăng như ngọc) mà vẫn đẹp - vẫn rung động lòng ta. Tâm hồn nữ sĩ được chiếu rọi bởi cái đẹp của thiên nhiên lung linh như châu ngọc. Bút pháp cổ điển tài hoa của nữ sĩ đã nâng cái đẹp của hồn người lên ngang tầm cái đẹp của thiên nhiên, vũ trụ. Ở bài II, thi sĩ lại viết:

Hoa là chữ chừ, nhụy là thơ

Ráng làm xiêm chừ, mây làm áo.

Một quan niệm đẹp về thơ. Nói hoa là chữ, nói vẻ đẹp ngôn ngữ của thi ca bao giờ cũng tươi đẹp, đủ sắc màu. Nói nhụy là thơ làm tăng ý nghĩa, vẻ đẹp sâu xa của tứ, của hình. Thi ca là thế, nên thi sĩ phải có cái đẹp của tiên nữ, lấy ráng làm xiêm, lấy mây làm áo. Người thơ cũng đẹp như thơ. Đọc những vần thơ như thế ta thấy Xuân Hương đã vượt qua những nỗi buồn thương, đau khổ để đến với cái đẹp của thiên nhiên, trời đất, của Thi ca - lời thơ, giọng điệu và hồn thơ của nữ sĩ thật cao sang, tráng lệ đến lạ thường. Nói nỗi buồn ly biệt (trong đêm trăng) mà sầu kết lại thành khối trôi trên sông Tương. Nói nỗi buồn nặng trĩu phải dùng núi Thái Sơn để nén lại - đủ biết sầu ly biệt thẳm sâu, mênh mang lớn lao. Nhà thơ đem núi sông danh thắng làm ẩn dụ để nói nỗi lòng thi nhân. Đây là cái đẹp của tài năng kỳ nữ; là cái hay của ngòi bút đại gia.

Bài thơ Xuân đình lan điệu là một bài ca trữ tình sâu lắng gửi đến những hiền nhân quân tử gần gũi và yêu mến trong cuộc đời nữ sĩ. Lời thơ đẹp như gấm thêu, như vườn hồng - một vẻ đẹp khác thường, phi thường:

Trăng tà người lặng tựa lầu không/ Nằm lắng chuông đồng/ Dậy lắng chuông đồng/ Đêm trăng tiếng buồn vang mé sông.../ Tương tư vô tận ngũ canh cùng.../ Tâm ở Vu phong/ Hồn ở Vu phong/ Nhàn tựa gió đông/ Mỏi tựa gió đông/ Một vườn hồng hạnh biếc xanh song. Tâm hồn nữ sĩ như rộng mở đến vô biên, cùng năm canh và vũ trụ bao la. Cô đơn trong lầu đêm trăng “lắng tiếng buồn vang mé sông”. Người cô đơn trong lầu đêm trăng mà hồn thi sĩ ở tình thơ khao khát yêu đương. Và đây nữa: Sớm nay bông nở mấy nhành hồng/ Chim oanh chớ quyến xuân đi nhé/ Ta sợ “Đào hoa vô lực tiếu đông phong”/ Trăng thanh gió mát đem hương vào với các thi nhân. Bà nhắn chim oanh với lời thơ tình tứ thanh tao; ý chân tình mà sâu xa khiến lòng người thêm xúc động.

Rồi một câu đối Tết: Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đem quỷ tới/ Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào. Một câu đối Tết xuân hay, tràn đầy sức xuân tươi trẻ. Lời và ý chọn lọc tinh tường sâu sắc. Tâm hồn nữ sĩ trẻ trung, cởi mở và mạnh mẽ vô cùng. Lời và chữ đối nhau rất chỉnh - Lòng yêu đời, yêu Tết, yêu Xuân nồng thắm. Hình ảnh rộng lớn, cao xa “Khép cánh càn khôn”/ “Lỏng then tạo hóa” thật là kỳ vĩ. Chữ “rước” thật giản dị mà tràn đầy nhiệt huyết, trang trọng. Bởi nó chứa đựng nồng nàn khát vọng mùa xuân. Có lẽ xưa nay hẳn chưa có ai đón Tết đón Xuân với tinh thần nồng hậu mà trang trọng đến thế! Xuân Tết qua hàng mấy trăm năm mà lời ca Tết, đón xuân của nữ sĩ Xuân Hương như vẫn còn nguyên vẻ đẹp cổ truyền thuần Việt. Hồn xuân đất nước cứ trẻ mãi, cứ mãi yêu đời trong từng câu chữ của thi nhân.

Ở bài thơ Độ Hoa Phong (Qua vũng/vịnh Hoa Phong - tức vịnh Hạ Long) - một vùng sơn thủy hữu tình, thiên nhiên như tạc nét hùng tráng nên thơ dưới ngọn bút của nữ thi nhân. Cảnh Hoa Phong đẹp tựa cảnh tiên, như “Thủy Tinh cung” làm say đắm lòng người. Nữ sĩ viết: “Cá rồng lẩn nấp hơi thu nhạt/ Âu lộ cũng bay bóng xế hồng” (bản dịch). Đọc câu thơ của nữ sĩ:  “Âu lộ tề phi nhật chiếu hồng”, ta bỗng nhớ câu thơ Vương Bột bất hủ trong Đường thi ở đất Trung Hoa ngàn năm trước: Lạc hà dữ cô vụ tề phi - Chiếc cò bay với ráng sa...

Và đây nữa, trong bài thơ Nhãn phóng thanh (Mắt tỏa sắc xanh), nữ sĩ viết: Bể xanh lấp loáng tận trời xa/ Đây ngỡ màu xanh mắt tỏa ra/ Nước bạc mài nên nghìn mũi kiếm/ Đầm im rơi xuống một sao sa?... Cái hay cái lạ của tứ thơ này là ở chỗ cảnh đẹp không phải tự nhiên đẹp mà là do mắt nhìn, “mắt tỏa sắc xanh” của nhà thơ mà thành ra đẹp. Đây là cái Đẹp của thi nhân sáng tạo nên. Bên cạnh đó, nước bạc mài đá thành kiếm dựng, một vì sao rơi, hình ảnh vị cao tăng ngồi im lặng tụng kinh - tất cả là cái Đẹp hiện lên dưới ngọn bút tài tình của thi sĩ.

Rồi đây, ta sẽ nhắc đến ý thơ kiệt xuất của Nguyễn Trãi “... Có nhân có trí có anh hùng”. Khi đọc thơ Hồ Xuân Hương ta bỗng gặp một bài thơ hay mà ý tứ động lòng người sâu sắc và cao đẹp. Ở bài thơ Hải ốc trù, Nữ sĩ Xuân Hương hạ một câu thơ tuyệt bút:

Dấu ngựa Thủy Hoàng chưa đến đó

Trời dành để giữ đất người Nam

(bản dịch)

[Trong lời chú thích bài thơ này ở sách Thơ Hồ Xuân Hương - từ cội nguồn vào thế tục của Đào Thái Tôn có ghi: Thủy Hoàng - Vua Tần sau khi thống nhất Trung Quốc, đã đi quan sát nhiều nơi. Về phương Nam, mới đi đến vùng Cối Kê (Chiết Giang ngày nay) thì mất]. Ý thơ Hồ Xuân Hương bộc lộ niềm yêu mến sâu xa và tự hào về Tổ quốc mình. Lời kết của bài thơ bộc lộ tầm nhìn xuyên suốt cả lịch sử Trung Hoa. Hồ Xuân Hương khẳng định: Tần Thủy Hoàng chưa từng kinh lý đến nơi này. Bà kiêu hãnh bởi lẽ, Trời đã dành nơi hùng vĩ, đẹp và hiểm trở để làm vững chắc cơ đồ nước Nam ta. Một tứ thơ tuyệt bích.

2. Cuộc đời Hồ Xuân Hương không mấy hạnh phúc mà phần nhiều là ngang trái, dang dở nên thi sĩ rất cô đơn. Những bài thơ tự tình là lời bộc lộ chân tình của bà về cuộc đời mình. Tâm hồn Xuân Hương rất trữ tình nhưng cũng rất cứng cỏi, rất bản lĩnh. Thơ bà rất ít nói đến lệ, đến nước mắt. Mặc dù số phận bà xét cho cùng là một số phận bi kịch. Ẩn trong những câu thơ tả cảnh đầy ấn tượng và ám ảnh vẫn là một nhân cách bản lĩnh đến lạ thường (Ví như: “Xiên ngang mặt đất rêu từng đám/ Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”. Hay là “Mõ thảm không khua mà cũng cốc/ Chuông chùa chẳng đánh cớ sao om”). Ngay cả khi tự tình, như “độc thoại nội tâm” buồn thương, ta thấy bà tuy có chán chường nhưng chẳng hề bi quan. Bà viết trong bài thơ Chiếc bách: Chiếc bách buồn về phận nổi nênh.../ Lưng khoang tình nghĩa dường ngao ngán/ Nửa mạn phong ba thấy bập bềnh. Ở đâu ta cũng thấy, trong những lời tự tình ấy vẫn hàm chứa một sức mạnh tinh thần, một sức chịu đựng lớn lao. Vì thế lời thơ tuy trầm lắng sầu tư mà vẫn có cái khí khái, cái tinh thần “khinh thế ngạo vật”, vượt lên số phận bi kịch đời mình để mà tranh đấu, để mà yêu thương. Đây chính là nguồn sức mạnh tư tưởng tình cảm lớn lao giúp bà trở thành một người thơ, một nhà thơ hành Đạo.

Ví như, ở bài thơ Mắng học trò dốt, bà viết: Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ/ Lại đây cho chị dạy làm thơ/ Ong non ngứa nọc chân hoa rữa/ Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa. Lời thơ thẳng thắn mà trung trực, mà sắc ngọt, đánh thẳng vào lũ học trò dốt mà hay khoe chữ - Bà xem chúng là “ong non”, là “dê cỏn”. Một cái nhìn khinh khi, cao ngạo. Trong xã hội phong kiến xưa, một nữ sĩ học rộng tài cao, dám dùng thơ như ngọn roi quất thẳng vào lũ “ngẩn ngơ”, thật là hiếm hoi. Tài cao và nhân cách kẻ sĩ ở bà thật đáng khâm phục.

Đối với những người khổ đau, nhất là phụ nữ, cái nhìn giàu yêu thương của bà thật lớn lao, sâu nặng. Từ nỗi thương mình, bà mở tấm lòng đôn hậu bao dung mà thương họ. Bà đem ngọn bút tài hoa, kiên cường của mình ra để tranh đấu với cái xấu, cái ác. Bà bênh vực họ - tứ thơ Không chồng mà chửa là một điển hình: Quản bao miệng thế lời chênh lệch/ Không có, nhưng mà có, mới ngoan. Chuyện xưa trong xã hội phong kiến, “không chồng mà chửa” là một tội lớn, thường bị bêu riếu, xử phạt khắc nghiệt nhiều khi thật tàn nhẫn. Tiếng thơ của bà đồng cảm, yêu thương đối với người phụ nữ khổ đau. Câu thơ kết là một lời thách thức phi thường đối với đạo lý hà khắc của xã hội phong kiến đương thời.

Dỗ người đàn bà khóc chồng, bà viết: Nín đi kẻo thẹn với non sông. Nhà thơ an ủi, sẻ chia, đồng cảm với người đàn bà khóc chồng mà như nói với mọi người, với chính mình. Nữ sĩ nói về sự thẹn lòng, không phải với người, với ta mà “thẹn với non sông”. Lời dỗ dành thật tự nhiên, cao thượng. Nó biểu hiện nét đẹp trong tâm hồn của Nữ sĩ Xuân Hương. Điều này không phải ai cũng có được. Cái đáng trân trọng là nỗi thẹn với non sông.

Nói chuyện Lấy chồng chung - là một tiếng lòng bi phẫn. Bà ném vào giữa cuộc đời, câu thơ như tiếng chửi cay nghiệt: Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng/ Chém cha cái kiếp chồng chung. Lời thơ đau thương không thể nào nén chịu thành ra tiếng thơ tranh đấu mạnh mẽ. Dù lời thơ kết có chán chường, tiếng thơ ấy vẫn làm ta xúc động. Bởi lẽ, con người hành Đạo ở Xuân Hương cũng là con người yêu thương chân thành và mạnh mẽ.

Nói về nỗi đau, sự buồn tủi của người phụ nữ (có khi là cả cái bi kịch số phận nữa), nhà thơ đã vượt lên chính mình, đã đứng cao hơn cả nỗi sầu thương của mình, cao hơn cả bi kịch đời mình. Chính vì thế mà cảm hứng nhân văn, lòng yêu thương con người ở nữ sĩ gắn bó sâu xa với truyền thống nhân văn dân tộc - “Thương người như thể thương thân”. Đó là cội nguồn giúp nữ sĩ làm nên một cuộc hành Đạo lớn lao, cao đẹp.

Đương nhiên, có lúc nỗi niềm tâm sự sâu xa của nữ sĩ làm cho tiếng thơ của bà thấm nỗi chán đời - tâm sự sau này cùng với cuộc tang thương dâu bể “Chuông gầm sóng/ nước lộn trời” của thế sự là nguồn cơn để tiếng thơ tranh đấu của bà thêm quyết liệt, kiên cường. Cũng cần nói thêm rằng, trong Lưu hương ký những vần thơ xướng họa với người cùng thời, với chuyện đời, chuyện tình dang dở, ta thấy ở Xuân Hương có nỗi buồn cao thượng rất đáng trân trọng. Nữ sĩ đã vượt lên mình, đứng cao hơn nỗi đau và bi kịch số phận mình để đến với người chân tình và sâu sắc. Ví như: “Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập/ Phấn son càng tủi phận long đong” (bài Nhớ người cũ, viết gửi Cần chánh học sĩ Nguyễn Du). Hay ở bài Họa nguyên vần Tốn Phong thị, bà viết: “Được lứa tài tình cho xứng đáng/Nghìn non muôn nước cũng tìm theo”. Và trong bài Kể ý mình và trình bạn là Mai Sơn Phủ, nhà thơ lại viết: “Mây lang thang/Trăng mênh mang/Trăng gió xui ai luống đoạn trường/Đâu là gác Đằng Vương/Mây tơ vương/Nước như sương/Mây nước trôi đâu chỉ một đường/Một đường xa khuất rộn lòng thương”...

Chữ Đạo trong thơ Hồ Xuân Hương chưa hẳn là một hệ thống lý thuyết, tư tưởng về tự nhiên hay xã hội. Chữ Đạo ở đây (theo Đào Duy Anh trong Tự điển Hán Việt) là đường đi, là đạo đức, là lẽ (đạo lý) “là cái nghĩa lý đương nhiên, ai cũng công nhận”. Như vậy, về lý tưởng sống và sáng tạo thi ca, ta thấy nữ sĩ Hồ Xuân Hương mang trong tâm hồn mình một lý tưởng nhân sinh, xã hội chân chính và cao đẹp.

 

3.Trong thời đại thăng trầm, tang thương dâu bể và suy vi (những năm cuối Lê đầu Nguyễn) như thời đại Hồ Xuân Hương sống (cũng là thời đại Nguyễn Du) thì bản lĩnh và tinh thần tranh đấu để “trừ độc trừ tham trừ bạo ngược” lại “có nhân có trí” như Hồ Xuân Hương xứng đáng là người nữ sĩ có phẩm cách anh hùng.

Chính vì thế, với lũ học trò dốt và cả những kẻ sĩ tầm thường, bà dám chỉ thẳng mặt mà phê phán. Ví như ở bài thơ Mắng học trò dốt (I, II) nữ sĩ vỗ thẳng vào thói hay khoe chữ bằng những vần thơ rất cay nghiệt và cao đạo. Nào là Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ/ Lại đây cho chị dạy cho làm thơ; nào là Cũng đòi học nói nói không nên. Bà gọi chúng là  “lũ ngẩn ngơ,” là “dê cỏn”, là “ong non”, là “phường lòi tói”... Giọng điệu của bà trung thực mà cao ngạo. Câu thơ mang ý vị giễu cợt thật sắc bén.

Đọc những vần thơ bà viết về nhà chùa, về sư sãi, nhà thơ Xuân Diệu có một lời bình thật chí lý. Ông viết: “Nguyễn Khuyến khinh sư, Tú Xương giễu sư, Hồ Xuân Hương ghét sư” (Ba thi hào dân tộc, NXB Thanh Niên, 2000, tr.492). Chẳng hạn: Chẳng phải Ngô chẳng phải ta/ Đầu thì trọc lốc áo không tà/ Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm/ Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà/ Khi cảnh khi tiu khi chũm chọe/  Giọng hì giọng hỉ giọng hi ha... Và đây nữa: Đầu sư há phải gì bà cốt/ Bá ngọ con ong bé cái nhầm, hay là: Cái kiếp tu hành nặng đá đeo/... Thuyền tình cũng muốn về Tây Trúc/Trái gió cho nên phải lộn lèo - lời thơ của Xuân Hương giễu sư ta thấy thật cay nghiệt, sắc bén mà vẫn tinh tế. Nhà thơ, khi phê phán sự suy đổi, cái xấu xa trong xã hội, ta thấy tiếng cười của Bà ở đây sắc lẻm, sâu cay mà ý vị vô cùng. Bà đứng cao hơn các đối tượng ấy để bộc lộ tiếng cười tranh đấu mạnh mẽ. Ngôn ngữ trong thơ tinh vi, giàu cảm xúc thẩm mỹ. Xét đến cùng, tiếng cười giễu cợt, phê phán trong thơ Hồ Xuân Hương là tiếng cười tranh đấu, rất giàu chất mỹ cảm. Hay nói như nhà thơ Hoàng Trung Thông:

Nàng Hương ơi

Người ta bình luận về dâm và tục trong thơ của nàng

Nhưng tôi vẫn thấy mùi hương phảng phất

Mùi hương của thơ ca...

Trong dòng chảy của bộ phận thơ ca “tranh đấu” ở Hồ Xuân Hương, nổi bật lên những bài ca ngắn (tứ tuyệt, bát cú) theo loại thể Đường thi. Hai bài thơ Vịnh cái quạt là những tác phẩm điển hình xuất sắc của thi nhân. Hình tượng thơ đa nghĩa, đặc trưng của bút pháp thơ Hồ Xuân Hương thực sự làm bừng sáng lên tinh thần phê phán quyết liệt cái xã hội suy tàn đang trên đường suy vong sụp đổ. Nữ sĩ tài hoa đã đứng cao hơn cả những “anh hùng, quân tử”. Nàng thơ đã dũng cảm và tinh tế đem “cái quạt” độc đáo, đặc sắc của mình mà phe phẩy mà phất thẳng vào “mặt anh hùng” khi tắt gió. Bà đã giương “Cái quạt” lên để “che đầu quân tử” lúc sa mưa. Phẩm cách anh hùng của Nữ sĩ ở đây thực sự đã nâng người đọc lên một tầm cao để thấy hết cái đẹp của nghệ thuật thi ca. Cá tính sáng tạo mạnh mẽ của nhà thơ đã làm cho người đọc thích thú và khâm phục. Bút thơ của Nữ sĩ Xuân Hương đã trở thành một vũ khí tranh đấu sắc bén, hết sức nhiệm màu.

Nhìn rộng ra dòng chảy của văn chương dân tộc (khoảng thế kỷ XVII - XVIII) nói đến tinh thần đấu tranh xã hội, ta có thể so sánh thơ Xuân Hương với truyện Trạng Quỳnh. Thơ Xuân Hương cùng với truyện Trạng Quỳnh thực sự đã dám đánh thẳng vào vua chúa - đẳng cấp cao nhất trong xã hội phong kiến đương thời, những đòn đau điếng đến chí tử [Nữ sĩ Xuân Hương đã không hề nể sợ]. Trong truyện Trạng Quỳnh ta thấy Trạng dám đánh thẳng vào bộ mặt của đế vương mà không hề sợ chết. Vì “Trạng chết thì Chúa cũng băng hà”. Hành động ấy đâu chỉ cần đến bản lĩnh mà còn phải dám đương đầu với vua chúa. Chết cũng không sợ. Đó là cái chết vì nghĩa lớn. Đó là cái chết Anh hùng.

Với nữ sĩ Xuân Hương thì ngay cả bậc đế vương vua chúa bà cũng không hề sợ, không khoan nhượng, khi bà viết: Mười bảy hay là mười tám đây/Cho ta yêu dấu chẳng rời tay/... Hồng hồng má phấn duyên vì cậy/ Chúa dấu vua yêu một cái này. Rõ ràng là Hồ Xuân Hương, chỉ bằng bằng một bài thơ ngắn mà dám đem “cái quạt” để phất thẳng vào mặt bọn vua chúa buổi suy tàn. Bà cho rằng: “Chúa dấu vua yêu một cái này” mà lại “yêu dấu chẳng rời tay” thì còn biết đâu trời đất, biết đâu đến “đại sự quốc gia”. Tiếng thơ của nữ sĩ ở đây thực sự là tiếng chuông báo hiệu sự sụp đổ của những triều đại vua chúa bất tài mà sa đọa, chỉ thích ăn chơi xa hoa thì sự sụp đổ là một tất yếu. Đúng như Xuân Diệu đã viết: “Ông Thanh Lương, trong quyền Lịch sử tóm tắt Việt Nam (viết bằng tiếng Pháp) đã cho rằng: “Hồ Xuân Hương và Cống Quỳnh đã đại diện cho tinh thần của thời đại họ, và đó là những kẻ báo hiệu của Khởi nghĩa Tây Sơn. Với Xuân Hương và Cống Quỳnh là một cái gì tương tự như Boccace, Rabelais và Cervantes” (Dẫn theo Xuân Diệu, sđd, tr.424)      

Bên cạnh những bài thơ vịnh quạt ta phải nói đến bài Đề đền Sầm Nghi Đống của Hồ Xuân Hương. Đây là tứ thơ bộc lộ rõ nhất cái phẩm cách anh hùng (dù là trong khát vọng) của nữ sĩ. Thời ấy, mấy ai dám khinh khi ngạo nghễ nói chí mình, nói khát vọng lớn lao của mình như bà. Bởi xét cho cùng, thơ của bà cũng là “thi ngôn chí”. Bà viết: Ghé mắt trông lên thấy bảng treo/ Kìa đến Thái thú đứng cheo leo/ Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu. Người thơ chỉ “ghé mắt trông lên” cũng đủ biết đây là miếu thờ kẻ bại trận phải tự tử. Cái nhìn của bà thật khác lạ. Trong con mắt “khinh thế ngạo vật” của nữ sĩ, ta hiểu lời thơ của bà mang ý chê bai, khinh thường viên tướng giặc bại trận. Tiếng nói phê phán của bà ở đây thật thâm thúy và ý vị. Đọc đến hai câu kết: “Ví đây đổi phận làm trai được/Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”, ta hiểu một bậc nữ lưu có nhân có trí lại mang bản lĩnh, tài năng của một bậc trượng phu anh hùng thì thật là khác thường, thật là phi thường. Đúng như Giáo sư Trần Đình Sử từng nhận xét: “Bài thơ là một khát vọng được bình đẳng, khát vọng lập nên sự nghiệp anh hùng vẻ vang của một người phụ nữ” (Dẫn theo sách Thế giới thơ Xuân Hương, NXB Trẻ, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh, 2004, tr.105).

Đương nhiên, qua lời thơ ta cảm thông và chia sẻ cùng bà khi muốn “đổi phận làm trai” để thi thố một sự nghiệp anh hùng. Ta vừa tâm phục, kính phục cái khát vọng phi thường của người nữ sĩ trong thời đại dâu bể tang thương. Nhưng ta cũng tiếc cho bà. Bởi từ xưa, dân tộc ta từng có Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Chân anh hùng kiệt xuất. Và ngay cả trong thời đại của bà từng có một nữ tướng anh hùng là Bùi Thị Xuân lừng lẫy chiến công. Cớ chi phải “đổi phận”?! Dẫu có thế, Nữ sĩ không chỉ là một thi nhân mà còn là bậc nữ nhi có phẩm cách anh hùng. Bà không có một sự nghiệp anh hùng như những đấng anh hùng, những trang hào kiệt lừng danh trong thiên hạ, trong lịch sử trong trời đất. Song xét về bình diện văn hóa văn chương và tư tưởng xã hội chúng tôi thiết nghĩ rằng bà xứng đáng với lời nhận định của Hoa Bằng “Chẳng những là nhà đại thi hào, mà lại là nhà đại tư tưởng, đại cách mạng? (Dẫn theo Đào Thái Tôn, Sdd)...

Trong xã hội phong kiến đầy tang thương dâu bể ấy, bà đã sống và tranh đấu với tất cả những biến thiên, tao loạn của một thời. Bà đã vượt qua những thăng trầm, đau khổ, vượt qua bi kịch của mình để mà yêu thương, bênh vực con người, để mà tranh đấu và không hề biết sợ, để mà bộc lộ một khát vọng cao cả, biểu hiện một phẩm cách anh hùng siêu việt của mình.

 

Qua sự nghiệp thơ ca được ghi chép, lưu truyền, nữ sĩ Xuân Hương thực sự là một hiện tượng văn chương lớn. Thơ bà không chỉ hay mà còn độc đáo, mới lạ xưa nay chưa từng thấy. Tiếng thơ ấy không chỉ vang lên như một tài hoa xuất chúng mà rực sáng lên ngọn lửa huy hoàng của ngọn bút tranh đấu và không hề biết sợ. Người nữ sĩ tài hoa ấy đã vươn lên trên bi kịch cuộc đời mình để bộc lộ đầy đủ vẻ đẹp có một không hai của một nữ sĩ có phẩm cách anh hùng, có tâm hồn cao thượng và đẹp đẽ, ngời sáng lung linh.

T.N.T