Gò ông Thức - Bùi Tự Lực

24.06.2014

Trên mỗi chặng đường công tác, chiến sĩ giao liên luôn đối mặt với hiểm nguy, đi dưới làn đạn, luồn qua đồn địch. Nhưng được bù đắp lại là cuộc sống ở Giao bưu T26 rất trẻ trung và yêu đời, anh em thương yêu nhau như trong một gia đình và ấm tình đồng đội.

Đời sống trong chiến tranh ở đâu cũng rất kham khổ, nhưng ở Giao bưu T26 có khá hơn so với các cơ quan khác trong căn cứ. Bởi vì, lính giao liên lên xuống vùng sâu thường xuyên, kết hợp mang theo mắm cái, vị tinh, cả thuốc lá thơm… do đồng bào trong vùng tạm chiếm gửi ra, dưới vùng Đông gửi lên. Chung quanh khu vực cơ quan giao bưu lại được núi rừng hào phóng ban cho cơ man nào là rau má, mọc ken dày theo bờ tre, dọc bờ rào, lá xanh mướt to như lá khoai lang, cộng dài và mập như rau muống. 

Gò ông Thức - Bùi Tự Lực

Đến bữa, chị nuôi chỉ cần ra khoắng một lúc là có đủ rau nấu một nồi canh to. Món ăn đặc sản sang trọng của cơ quan giao bưu là canh rau má nấu với mắm cái nêm bột vị tinh. Khách đi qua ghé lại, được nếm thử bát canh như thế là khó có thể quên cơ quan giao bưu.

Một câu vè không biết do ai đặt ra rồi trở thành câu ca cửa miệng của mọi người:

                        Ra đi lòng cứ vấn vương

                        Nồi canh rau má dọc đường giao liên.

Canh rau má nấu với mắm cái ăn hoài không những không chán mà trở nên nghiện. Nghiện thuốc, nghiện chè đã đành, đằng nầy lính giao liên nghiện thêm mắm cái. Một thùng mắm cái đến được với căn cứ là cả một sự gian khổ, có khi phải đổi bằng xương máu.

Cơ quan Giao bưu hết mắm ăn. Hết súng đạn, hết thuốc hút không lo; đang đêm anh em giao liên có thể bám theo cánh trinh sát mò vào tận đồn địch tuồn ra dễ như trở bàn tay, nhưng hết mắm lại là một vấn đề nan giải. Hình như chiến sĩ Giao bưu T26  thiếu mắm cái là yếu đôi chân!

Kết hợp với chuyến công tác vùng Đông, gần như giao bưu huy động tổng lực vận chuyển lên căn cứ hai thùng mắm cái. Giai đoạn nầy bọn địch phục kích tuyến quốc lộ I dữ quá, nên khó có thể vận chuyển mắm trên đường dây vào ban đêm. Cõng một thùng mắm qua đường dây là đồng nghĩa với “Ông ơi tôi ở bụi nầy”. Bởi vì mắm cái là một chất lỏng đặc sóng sánh, loại ngon có thể bốc mùi thơm xa đến cả mấy mươi thước, nên rất khó đùm gói mà phải đóng vào thùng thiếc. Mà đóng vào thùng thiếc hàn kín thì dù có đong đầy bao nhiêu đi nữa cũng không thể lèn chặt được. Cõng trên lưng, mỗi bước đi cứ phát ra những tiếng “óc...ách, ọc... ạch” đều đặn theo mỗi bước chân; trong đêm thanh vắng những tiếng ấy nghe càng rõ.

Không thể để cơ quan thiếu cái ăn, kế hoạch vận chuyển mắm được vạch ra, giao cho tổ công tác hợp pháp của tôi và chị Ba Phong kết hợp với anh Thức tuyến đường dây thực hiện. Anh Thức là một chiến sĩ giao liên kì cựu và gan dạ, gần như đặc trách tuyến đường dây, lên xuống quốc lộ số I như đi chợ. Anh còn có thêm sức khỏe tuyệt vời, đi không biết mệt, một lần có thể cõng được ba thùng mắm leo dốc lội rừng.

Y như kịch bản đã dựng sẵn. Trong đêm, anh Thức vượt tuyến trở lên trước và đón đợi tại Gò Dài-Giáp ranh giữa vùng tạm chiếm Bình Quí với  khu giải phóng. Sáng sớm hôm sau, tôi và Ba Phong cải trang thành hai chị em đi buôn gánh hòa vào dòng người đi chợ, gánh mắm đi qua đường quận lỵ Hà Lam như những người đi bán dạo. Tôi là một cậu bé cọc còi chậm lớn, thêm nước da đen nhẻm, tóc vàng hung cháy nắng như lông bò. Chị Ba Phong có thể nói là một người phụ nữ kém phần nhan sắc, lại có giọng nói hơi chợ búa chua ngoa, nên rất hợp khi “vào vai” này.

Hai chị em đưa được gánh mắm qua mặt bọn nguỵ quân không phải chuyện dễ dàng, phải lần lượt bị săm soi qua hệ thống trạm gác của nhiều sắc lính: Bảo an, dân vệ và cả những cặp mắt cú vọ mèo hoang của mật thám chỉ điểm. Mắm không thể để nguyên thùng mà phải đổ ra thúng-một loại thúng đan bằng tre quang dầu rái chuyên dùng đựng mắm. Cứ đến một trạm gác lại phải sang qua đổ lại vài lần cho bọn lính kiểm tra, chúng sợ dưới đáy thúng có cất dấu tài liệu và vũ khí. Ỷ eo với bọn lính gác năm lần bảy lượt, đến gần trưa thì hai chị em tôi qua trạm gác cuối cùng tại ga Phú Cang rồi thẳng hướng vào Gò Dài.

Anh Thức đã ngồi chờ sẵn, thay cho lời chào hai chị em tôi bằng một câu nói xuýt xoa tiếc rẻ:

-Hồi khuya bò ngang qua chỗ Cống Cao, phát hiện bọn lính Bảo an nằm phục kích, anh định quăng một trái lựu đạn hốt trọn ổ, nhưng sợ sáng nay bọn nó giận cá chém thớt, kiểm soát gắt gao tụi em kẹt đường, không đem hai thùng mắm lên được. Đành thôi! Tiếc quá trời!

Từ đây trở vào là đường rừng chật hẹp, qua nhiều dốc đá nên không thể quang gánh thúng gióng lòng thòng được nữa. Anh Thức đã chuẩn bị sẵn hai cái giỏ bội. Chúng tôi bẻ lá lót bên ngoài, lấy vải ni-lon trải bên trong và đổ mắm vào giỏ, lấy một ít lá cây đậy lên trên giả làm người đi cắt lá. Anh Thức sẽ quảy giỏ lội nhanh qua quãng đồng trống Hà Châu vào gò Chà Là nằm đối diện trước mặt, rồi từ đó theo đường rừng về cơ quan.

Nguy hiểm nhất là vượt qua quãng đồng trống ấy. Nếu bọn tàu gáo, tàu rọ xuất hiện bất ngờ thì khó trở tay kịp. Đây là hai loại máy bay lên thẳng chuyên hoạt động ở tầm thấp, săn mồi lanh hơn quạ. Nó cơ động trong nhiều thời tiết, có khả năng bay nhanh chậm, lên xuống, tới lui, có khi đứng yên một chỗ xoay tròn như làm xiếc trên không.

Trời lất phất mưa. Ở giữa ruộng có một tốp người đang cày cấy. Tôi với Ba Phong thì không sợ vì đi người không, nhưng anh Thức thì ngoài  gánh mắm trên vai, anh còn mang theo khẩu súng AK và yếm đạn quanh người.

Anh Thức quảy gánh lên nhún thử mấy cái, nhìn hai chị em tôi cười rất tươi:

-Gọn gàng, nhẹ tênh! Anh quảy chạy u một hơi là qua khỏi cánh đồng trống này. Hai chị em từ từ theo sau nghen.

Anh Thức quảy gánh bước ra đồng, chị Ba Phong nói với theo:

-Nguy hiểm lắm đấy, coi chừng nghe anh!

Chúng tôi gióng tai nghe ngóng, không gian yên lặng. Anh Thức quảy gánh chạy trước, tôi và Ba Phong theo sau.

Mấy anh em vừa mới ra đến giữa đồng, một chiếc tàu gáo bất ngờ từ hẻm núi chui ra. Phát hiện có tốp người trên cánh đồng, nó quay ngoặt lại đứng ngay trên đầu. Trên tầm chiếc tàu gáo, chiếc HU  IA đảo quanh yểm hộ. Tôi và Ba Phong lội ngay xuống ruộng hòa vào với mọi người làm đồng. Anh Thức tiếp tục gánh “gánh lá” đi thêm một đoạn, rồi anh không thể đi thêm được nữa. Bởi chiếc HU IA đã hạ độ cao cùng với chiếc tàu gáo dùng cánh quạt ép gió như muốn thổi tung những gì có trên mặt đất. Hai chiếc máy bay xuống thấp đến độ thấy rõ khuôn mặt mấy tên Mỹ đang nhe răng cười. Mấy tên Mỹ ở trên máy bay nhoài người ra khỏi cửa, chỉa đại liên xuống hùng hổ chỉ trỏ quát tháo. Dưới sức gió quần xoáy khủng khiếp của cánh quạt trực thăng, mũ nón, áo tơi của mọi người tung bay hất ngược lên trời. Anh Thức để gánh xuống, ngồi quỳ trên bờ ruộng, hai tay cố ghì chặt giữ hai mép tấm áo mưa để che khẩu súng. Chiếc tàu gáo sán lại vần ngay trên đầu anh. Tiếng động cơ máy bay đột ngột gầm lên như sấm nổ. Tấm áo mưa trên người anh Thức bị xé toạc. Khẩu súng AK lộ ra. Tức khắc hai chiếc máy bay trồng đứng lên. Anh Thức bật dậy, như một mũi tên bắn, lao nhanh về hướng gò Chà Là. Hai chiếc máy bay lao theo bám lấy anh như hai con hổ đói sẩy mồi. Anh Thức nhảy vào cố thủ trong căn hầm đất bỏ hoang ở lưng chừng đồi.

Trong khi bọn chúng quây theo anh Thức, mọi người kéo tôi và Ba Phong chạy ngược trở lại xóm Gò Dài.

Trận chiến một phía xảy ra giữa mặt đất với bầu trời. Hai chiếc máy bay thi nhau quay tròn trên căn hầm. Chiếc tàu gáo chà đi, chà lại, có lúc đứng ngay trên căn hầm thò cái thang dây xuống rồi lại kéo lên. Chúng nó muốn chụp quân bắt sống anh Thức nhưng còn e sợ, vì anh đang có súng. Lại thêm hai chiếc HU IA nữa đến tiếp viện. Chiếc tàu gáo nâng độ cao. Phi đội HU IA bắt đầu thay phiên nhau oanh kích quanh căn hầm.

Bọn HU IA mà tấn công thì thật đáng sợ. Từng chiếc, từng chiếc một, chúng vòng lên lấy đủ độ cao rồi chúc đầu lao xuống mục tiêu. Trước tiên phóng những quả Rốc-két rít lên như xé gió, tiếp đến là loạt M 79 liên thanh liên hồi như giã gạo chày ba, trước khi vòng lên, nó trút xuống những tràng đại liên xối xả như mưa rào, cùng với tiếng động cơ phạch phành chuyển rung trời đất.

Cả khu gò Chà Là bị nhấn chìm trong khói Rốc-két. Sau trận oanh kích kéo dài, căn hầm đất lở loét, chung quanh cây cỏ xác xơ. Với một khối lượng súng đạn trút xuống như vậy, căn hầm đất lẻ loi đơn độc không đủ sức chở che. Tôi cầu mong rằng có một phép nhiệm màu nào đó chở che cho anh Thức chạy thoát.

Bọn trực thăng tiếp tục bâu lại trên căn hầm, chiếc tàu gáo sà sát đất đang đáp xuống cạnh căn hầm. Chắc là chúng muốn thu chiến lợi phẩm, nếu không còn người thì ít ra cũng nhặt được khẩu súng. Chiếc máy bay vừa chạm mặt đất thì một loạt súng AK đanh thép từ căn hầm quạt thẳng ra. Nó chỉ mới kịp chổng đuôi nhấc mình, thì một loạt súng như thế nữa vang lên.  Chiếc tàu gáo xịt khói đen chúi ngay xuống chân gò cùng với một tiếng nổ “ Bùng” và một khối lửa bao trùm lấy nó.

Bị phản công bất ngờ, bọn HU IA trồng ngược lên rồi cắm xuống điên cuồng nã Rốc-két vào căn hầm. Trong chốc lát mấy chiếc phản lực cơ ập tới gầm rú xé nát bầu trời, thi nhau giội bom như muốn san phẳng gò Chà Là.

Sau trận bom dữ dội ấy, bọn địch điều máy bay vận tải đến cẩu chiếc tàu gáo còn lại như một cái khung sắt cháy đen sì bay thẳng ra hướng biển Đông.

Ngưng tiếng bom, vắng tiếng máy bay, chỉ còn lại cơn mưa lất phất, cả khu gò Chà Là dường như chết lặng trong khói mù nồng nặc. Mọi người chạy tuông lên gò Chà Là. Không ai còn tin vào mắt mình nữa-Thay vào chỗ căn hầm đất, nơi anh Thức cố thủ là một hố bom sâu hoắm. Mặt đất gò Chà Là thẫm đen, ướt nhoà như thấm máu, bầm tím trong chiều mưa!

Thật diệu kì, sau trận mưa bom ấy, chiều nào vùng trời gò Chà Là cũng có những cơn mưa lất phất, báo hiệu mùa xuân đến sớm. Cây cỏ lại vươn mầm xanh hơn và nhanh hơn.

Không lâu sau, ngay tại chân gò Chà Là, nhân dân dựng lên một cái khám thờ nho nhỏ và cạnh đó là một ngôi mộ gió xếp bằng đá núi. Gò Chà Là có thêm một tên gọi mới: Gò Ông Thức.

Mỗi lần chiến sĩ giao liên và nhân dân quanh vùng đi qua, họ lại bỏ thêm vào chỗ ngôi mộ một hòn đá hay nắm đất, thay cho nén tâm nhang tưởng nhớ người chiến sĩ giao liên đã hoà thân vào sông núi. Ngôi mộ gió cứ lớn dần. Sau Mùa Xuân 1975, khi chiến tranh kết thúc, ngôi mộ gió ấy đã thành một cồn đá uy nghi.

Đến hôm nay, tôi tin rằng cồn đá ấy đã lớn lên thành núi.

 

 

B.T.L