Hiện tượng Nguyễn Xuân Sanh

27.01.2021
Hoàng Hương Việt

Hiện tượng Nguyễn Xuân Sanh

Thầy ơi! Hơn năm mươi năm xa thầy. Sáng nay (23/11/2020) đọc báo Thanh Niên thấy tấm hình của thầy bên mấy dòng đưa tin thầy qua đời ở tuổi 100. Em buồn và nhớ thầy quá! Thế là thủ lĩnh của Xuân Thu nhã tập, người tiên phong của thơ mới và cách tân đã về bên kia trời. Vĩnh biệt thầy!".

Mấy dòng ghi vội trên đây vào trang đầu tập Lưu niệm của tôi, nơi có bút tích chữ ký hoa mỹ của thầy, lúc tôi tạm biệt Trường Viết văn và thầy đang là Hiệu trưởng để vào lại chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Thầy viết cho tôi:

"... màu xanh miền Bắc

Ngạt ngào thơm hương đất

miền Nam".

Gửi Hoàng Việt

tình cảm thân yêu nhất

26/4/73

Nguyễn Xuân Sanh

 

Lúc ấy, ở miền Nam ra có Hà Giao (Văn nghệ giải phóng khu V), Đoàn Xoa và tôi (Văn nghệ giải phóng Quảng Nam, Quảng Đà), Tô Nhuận Vỹ (Văn nghệ giải phóng Thừa Thiên) cùng lớp. Trần Vàng Sao, Hà Khánh Linh (Huế), Trần Phương Trà (Quảng Trị) ra nghỉ dưỡng và sáng tác.

Khi còn là cậu học trò nhà quê chân lấm tay bùn cách nay 70 năm, tôi đã được đọc thơ văn Tự lực văn đoàn của Nhất Linh chủ soái, những tập Thơ thơ của Xuân Diệu, Lửa thiêng của Cù Huy Cận, Điêu tàn của Chế Lan Viên... và Xuân Thu nhã tập của Nguyễn Xuân Sanh. Rồi khát khao, mơ ước có chút hảo huyền, rằng làm sao có ngày được gặp các "thần tượng thánh thơ" đó để ngắm nhìn chân dung các người hùng văn chương ở nơi xa xôi vời vợi, khó mà với tới. Nhưng trong đời lại có cái may và bất ngờ. Rời thành phố lên chiến khu kháng chiến, tôi lại được ra miền Bắc học tập. Không biết ngày ấy tôi vui sướng ra sao, khó mà diễn đạt lại được, nhất là khi được vào Trường Viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội, thủ đô ngàn năm vạn vật. Tôi đã đi khắp ba mươi sáu phố phường, tôi đã gặp hầu hết các văn nhân, thi sĩ tiền chiến và hiện đại trong nhiều dịp, tại nhiều nơi không mấy khó khăn. Trong đó, có "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu, trực tiếp phụ đạo mảng thơ cho chúng tôi (Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Tùng, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trường Giang, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Nhuận Minh, Hoàng Cát, Cảnh Nguyên, Bế Kiến Quốc, Hoàng Hương Việt...). Ngày ra trường, nhà thơ còn viết cho tôi mấy câu lục bát ruột gan và một chữ ký rất bay: "Thợ trời cắt ruột anh ra/Cọng thêm cùng với tinh hoa đất trời/ Làm thành em đó, em ơi!/ Nên em mang cả hồn đời của anh/ Em đừng đau ốm, anh thương/ Ruột gan em ấy can trường của anh". Nhà văn Nguyên Hồng, Bùi Huy Phồn, Đoàn Giỏi phụ đạo mảng văn (cho Nguyễn Khắc Trường, Xuân Đức,Tô Nhuận Vỹ, Bùi Nhị Lê, Phù Ninh, Phúc Lai, Trần Hoài Dương, Chu Hải, Hoàng Hương Việt...).

Riêng thầy Nguyễn Xuân Sanh, nhà thơ mà tôi thần tượng với những dòng thơ bí hiểm như ở một thế giới nào, thế mà nhiều người luôn nhớ:

Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà

Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm

(Buồn xưa)

Với tôi, những tưởng tượng từ lâu không còn mơ hồ về một nhà thơ bí hiểm, siêu thực, lạ lẫm, mà là Nhà thơ - người Thầy hiền từ, nhu mì, dễ gần, với đôi mắt đắm buồn và nụ cười đôn hậu. Tôi nhớ mãi lần Thầy góp ý về bài thơ "Đêm Hà Nội", tôi viết trong những ngày được nhà trường cho các học viên đi nhanh tới các nơi bị B52 của Mỹ đánh bom dã man tàn phá, nhất là ở phố Khâm Thiên, Hà Nội tháng 12 năm 1972 để viết. Thầy bảo: "Tôi chỉ khen và thích duy nhất một câu của cậu, "Đêm nay như ngàn đêm thiêng liêng" - đấy là sự dồn nén, chất chứa, lắng đọng hào khí của mảnh đất này, tự nó bật ra, không trau chuốt. Hiếm lắm!". Thầy kiệm lời mà sâu sắc. Suốt những năm cầm bút sau này tôi chưa bao giờ quên lời dặn dò độ lượng của thầy: "Còn trẻ thì phải học nhiều, nhưng cái đầu tiên cần học trong nghề văn là sự chắc lọc, cẩn trọng".

Bây giờ thì hình ảnh cuối cùng của thi nhân tiền chiến, riêng một "lãnh địa tượng trưng, siêu thực" Nguyễn Xuân Sanh đã ra đi, sau một thế kỷ trung thành với lối thơ không trộn lẫn, để lại dấu ấn đặc biệt trong nền văn học hiện đại Việt Nam nét son văn chương đầy linh diệu, ám ảnh, được ngợi ca và tưởng nhớ không cùng.

Nguyễn Xuân Sanh, sinh năm 1920 tại Đà Lạt, trong một gia đình yêu văn chương quê huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Hồi nhỏ ông học ở Trường Quốc học Qui Nhơn, sau đó ra Hà Nội. Ông cùng các nhà thơ, nhà văn Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, các họa sỹ Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung và nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát sáng lập nhóm Xuân Thu nhã tập cuối năm 1939. Năm 14 tuổi, Nguyễn Xuân Sanh đã viết bài Xây mơ, gửi tặng Chế Lan Viên, được Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc. Lập tức bài thơ được đăng trên báo Tiếng địch ở Huế. Và sau đó vang danh với bài thơ Buồn xưa, được nhiều người biết đến. Năm 16 tuổi, Nguyễn Xuân Sanh đã có truyện thơ Lạc loài đăng nhiều kỳ trên báo... Ông là người tiên phong trong việc thể nghiệm thành công nhiều trường phái thơ mới và có ý thức trân trọng từng câu chữ mình viết ra, không phủ nhận những gì mình nghĩ, hiểu rõ giá trị về giọng điệu riêng của ông trên thi đàn.

Trong lịch sử văn học Việt Nam, Xuân Thu nhã tập là một hiện tượng nghệ thuật đặc trưng của xu hướng chủ nghĩa hiện đại, có vị trí nhất định trong nguồn cội văn học dân tộc từ ngôn ngữ, bối cảnh xã hội và khát khao đổi mới. Khi Thơ mới đã rơi vào khủng hoảng, bế tắc, mất hết sức sống, thì nhóm Xuân Thu nhã tập, đã tìm ra hướng đi độc đáo về chủ thể sáng tác, đặc trưng thể loại, hình thức thể hiện, hội tụ đầy đủ trong nghệ thuật thơ ca, âm nhạc, hội họa, tiểu luận học thuật với "tuyên ngôn" tôn chỉ là: Tri thức - Đạo đức - Sáng tạo. Nguyễn Xuân Sanh là người trẻ nhất trong nhóm, cũng là người theo đuổi tinh thần Xuân Thu nhã tập, kể cả những năm tháng đi vào cách mạng qua các tập thơ Chiếc bong bóng hồng (1957), Tiếng hát quê ta (1958), Nghe bước vào xuân (1961), Quê biển (1966), Sáng thơ (1971), Đảo dưa đỏ (1974), Đất thơm (thơ văn xuôi 1995)... Đất nước và lời ca (1970 - 1977), Tuyển tập Nguyễn Xuân Sanh (1936 - 1990) và tác phẩm văn xuôi Anh hùng Trần Đại Nghĩa, nhận giải thưởng ngoại hạng Hội Nhà văn. Các nhà nghiên cứu, nhà phê bình lý luận văn học nghệ thuật, các nhà báo đã đánh giá thơ ông dưới nhiều khía cạnh: "Câu chữ thì đa nghĩa, đa tầng, hình ảnh thì đa chiều khiến cho người đọc mặc sức tha hồ tưởng tượng, khám phá, tìm hiểu, ví như câu "Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà/ Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm", hay như "Sắc hồng tuy nhớ đôi thành quạnh/ Rửa sạch buồn đèo trên suối xuân/ Song song đá ngủ bên người lạ/ Thao thức cùng trăng đã mấy tuần" v.v... Đúng vậy, trong đông đảo các nhà thơ cùng thời với Nguyễn Xuân Sanh, không ai viết như lối thơ đột phá, mới lạ và cũng khó viết giống ông được. Một cõi riêng như thế đi suốt quãng đường dài, ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Nguyễn Xuân Sanh là một hiện tượng thơ độc đáo ở nửa đầu thế kỷ XX đầy biến động văn học.

Chúng ta biết, ra đời và hình thành từ cuối năm 1939, nhưng mãi tới giữa năm 1942, Xuân Thu nhã tập mới xuất bản và phát hành được tập đầu và cũng là duy nhất, dù được độc giả trong Nam ngoài Bắc trông đợi. Nhưng dư vang Xuân Thu nhã tập với Nguyễn Xuân Sanh là thủ lĩnh lại luôn được nhắc tới với sự trân trọng của các thế hệ hoạt động văn học qua nhiều thời kỳ.

Nguyễn Xuân Sanh từng tham gia phong trào sinh viên yêu nước từ những năm 1940, làm chủ bút tuần báo Gió Mới của Tổng hội sinh viên cứu quốc, sau công tác ở Đoàn Văn nghệ liên khu IV, phụ trách Tạp chí Sáng Tạo. Năm 1950, lên Việt Bắc tham gia Ban chấp hành Trung ương Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, tại Hà Nội, ông là một trong 25 hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, được bầu làm Phó Tổng thư ký và là ủy viên các khóa 1, 2, 3 của Hội. Năm 1966 - 1975, ông làm Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng những người viết văn Trẻ và Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam; đã xuất bản 20 tập thơ và thơ dịch; được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.

Ở một phương diện nào đó, có thể nói chất thi sĩ của Nguyễn Xuân Sanh ngoài chất siêu thực, mộng ảo, còn có cái gì đó ngất ngây, say đắm, luôn tìm kiếm, dằn vặt:

"Đại già còn trắng sương đêm

Chờ ai hò hẹn bên thềm mùa xuân”

hoặc:

"Chân ta bước mắt tay say

Hoa mơ dặm thắm hương bay

bạt ngàn".

 Nhưng Tổ quốc, nhân dân là đối tượng cống hiến và cũng là cảm hứng, sáng tạo lớn lao đối với ông. Cho nên làng Thơ mới đã tặng cho thơ ca kháng chiến những nhà thơ sáng giá nhất, đã nhận đường và khai phá, trong đó có Nguyễn Xuân Sanh. Họ đã cống hiến cho thơ ca những bài thơ, tập thơ tinh khôi, mang hơi thở cuộc sống kỳ vĩ nhất của dân tộc. Giữa bộn bề, gian khổ của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, đọc lại "Nhạc rừng Việt Bắc" của ông có những câu thật lay động:

"Chim xuân khép cửa trầm tư lại

Đẩy gió về đây mấy dặm ngàn..."

"Nhạc rừng nhớ buổi đi theo nắng

Lên ngát mây chiều hoa phượng reo

Bốn bề núi dựng tương tư ngọc

Lá đổi còn lay bạt mái chèo...".

Câu thơ mang màu sắc biểu tượng, nhưng tinh tế, tài hoa. Nó lạ và mới hơn trong không gian thơ kháng chiến giàu chất hiện thực, mộc mạc, nhưng bắt gặp được nhịp điệu đằm sâu chất nhạc của núi rừng Việt Bắc trong sắc nắng, bóng cây, làn mây, cơn gió, mái chèo, màu hoa phượng đỏ... dậy lên hương rừng trong trẻo quyến rũ "Thử hỏi xuân cười hay đất sống/ Xanh xanh trăm nẻo một hương rừng/ Khi bụi nở vàng lên bước chậm/ Nhớ chào con bướm đậu nghiêng lưng...". Đó là những câu thơ thơ thi vị của thi nhân, chính là cái nhịp sống dâng trào mà ông muốn gửi đến người đọc hình ảnh đẹp nhất, bình thản nhất của buổi đầu cách mạng ở núi ngàn Việt Bắc xa xôi. Cái bảng lãng, mênh mang ấy càng đầy lên xa xôi hơn:

"Gặp gỡ trời xanh trên núi cũ

Hoa cười Hà Nội sáng duyên mây

Hoàng hôn ngựa cuốn cầu vồng lụa

Cũng hẹn về đây những phố đầy..."

Thái Nguyên, tháng 6/1947

Nguyễn Xuân Sanh cũng như Hữu Loan "Trông theo cuốn vàng lưng ngựa/ Làng xóm quê mùa nếp váy nâu... (Phương gió)", như Quang Dũng "Xa Hà Nội cùng nhau từ một thuở/ Lòng rưng rưng thương nhau qua dọc đường... (Quán bên đường)", như Hồng Nguyên "Cả lũ cười vang bên ruộng bắp/ Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu (Nhớ)"... các ông đều đa mang chất lãng mạn cố hữu vốn có của nòi thi sĩ hào hoa, nhưng đã để rung cảm theo cung bậc hiện thực của thời đại một cách nên thơ, hào sảng, chứ không mềm yếu, lả lơi, hoài cảm yếm thế.

Viết về Nguyễn Xuân Sanh, khó có thể nói đầy đủ về ông, một trong những tác giả của thơ ca tiền chiến, lại là những chiến sĩ trên mặt trận văn học nghệ thuật của một thời kháng chiến hùng vĩ nhất của dân tộc. Với ông, khi ra đi, để lại, là những tháng ngày sáng giá của một nhà thơ sáng tạo - phụng sự - để đời, bởi như ông đã bày tỏ: "Thơ chính là một cách trí thức cao cấp, mang tính hàm súc, u ẩn và huyền ảo. Thơ không phải để hiểu mà để cảm...".

Một ý niệm và tư duy lạ.

H.H.V

Bài viết khác cùng số

Đãi KIẾN một bữaBóng xuân xanhMột lần Tết quê ngoạiTừ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNGNăm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người CơtuMột ngày trong mùa TếtTết, nhớ nhàTản mạn bên chén trà xuânDấu ấn thời gianKý ức ngày XuânNhớ mãi Tết năm đóGóp vào cuốn sổ tay đường phố Đà NẵngBàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân Sửu80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941Cuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch CovidCHUYẾN XE TRÂU ngày giáp TếtNói đi em...SayĐánh mấtKhông đềChùm thơ HaikuGốc mai vườn mẹ; Sao đổi ngôiHoa cỏ tranhBài ca gieo hạtĐòi trả nụ hônLời nhắn nhủNhững mạch gạch Tháp xuânNgày xuân nõnMãi mãi mùa xuânThơ cho mùa xuânCắt tóc cuối nămXuân tái sinhNguyên ĐánKhúc mộc tháng GiêngCó về không em ơi!Nụ xuân trên ánh mắtMùa xuân mớiĐóa xuân lòngCó một cuối năm ở Đà NẵngMai về Trường SaRiêng cho Đà NẵngĐà Nẵng ân tìnhChiều Sơn TràLên Vọng Hải ĐàiVới Đà NẵngKỷ vậtBóng xuânMùa xuân trong nỗi nhớCảm nhậnMùa xuânEm giấu trong đêm xuân...Cái lọ hoaNgày mùa xuânXuân vềXuân về trong ý mẹKhoảnh khắcThơ tặng bạn thơTriền hoa cải bên sôngMẹ ơi!Không lờiNghĩ về những ca khúc Xuân sau 1975Ngày xuân nhớ Xuân DiệuHọa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”Con trâu trong nghệ thuật cổ Champa: mối liên kết của người với thần linhHình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hìnhHình tượng con trâu trong văn học Việt NamMai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?Hiện tượng Nguyễn Xuân Sanh“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng HạcThơ là những tình khúcTrâu và senChào xuân Tân SửuHương xuânChờ xuânXuân về trên phố