Nhớ mãi Tết năm đó

25.01.2021
Thanh Quế

Nhớ mãi Tết năm đó

Tết 1974 tôi ở lại với đội du kích xã ĐX (Điện Bàn, Quảng Nam). Đội có khoảng 12 du kích, sống trong mấy căn nhà tranh rách nát, ở một làng cũ, bà con bị địch dồn xuống vùng sâu. Quanh làng là rừng bói mênh mông ngút ngàn của Gò Nổi. Do trước tết các em du kích liên lạc được với gia đình nên Tết này chúng tôi cũng có chút ít chất tươi rôm rả hơn ngày thường: Vài cân thịt heo, mấy chiếc bánh tét, mấy hộp mứt. So với cái tết ở chiến khu thì như vậy là quá sang trọng nhưng ở đồng bằng thì “chưa thấm vào đâu” như các em du kích vẫn nói.

Vào ngày mồng 3 Tết, khi đã cạn các món ăn, em Bảy, đội phó đội du kích nói:

- Hôm nay là ngày Tết, nhà tôi lại có giỗ. Tôi đã nhắn ở nhà để phần rồi, tối nay ta vào Thị trấn Ái Nghĩa kiếm vài miếng ngon ngon đi...

- Vào Thị trấn à, coi chừng không ăn được gì mà địch nó “lượm” một vài người thì chết với anh Bốn (Anh là đội trưởng đội du kích đang đi công tác ở tỉnh). Một nữ du kích người thấp thấp nói.

- Đồ thỏ đế. Tối mồng 3 tụi nó lo nhậu nhẹt, đánh bạc, có đứa nào tuần tiễu đâu mà lo. Một nam du kích người cao, gầy đáp lại.

Bảy sốt ruột:

- Vậy mọi người có đi không?

- Đi, đi chớ - Cả đội du kích cùng nói - Ai sợ thì ở nhà.

- Anh nhà báo thì sao? Bảy hỏi tôi - Hay anh ở nhà nghen, có gì tụi em mang về. Anh vào lỡ có chuyện chi các ảnh cắt đầu em.

Tôi cũng không muốn bị ai coi là “thỏ đế” vội nói:

- Đi chớ, đi xem đồng bào ăn tết chớ.

Thế là sẩm tối, chúng tôi lên đường. Bảy cầm AR15 đi trước, tiếp đó là mấy nam du kích, sau đó là các nữ du kích, cuối cùng là tôi. Chúng tôi men theo bờ ruộng đến gần đường 100. Bảy bảo chúng tôi dừng lại rồi lom khom tiến lên đường quan sát, sau đó khoát tay ra hiệu không có địch. Chúng tôi tiến lên mặt đường. Bảy dẫn chúng tôi đi vào một hẻm tối đến một căn nhà có đèn sáng. Đó là nhà của Bảy. Cha mẹ Bảy xấp xỉ nhau, khoảng trên 40 tuổi và đứa em lên 10 ùa ra cửa mừng rỡ, đón chúng tôi vào nhà. Bảy kéo đứa em lại nói thầm gì đó, nó vội phóng ra đường. Tôi lớn tuổi, thay mặt các em chúc Tết cả nhà. Bảy vào buồng mang ra hai chiếc chiếu lớn trải trên nền nhà tráng bằng xi măng. Cha mẹ Bảy vội vàng dọn thức ăn ra. Bây giờ trước mặt chúng tôi là một bữa ăn thịnh soạn với thịt gà, thịt heo luộc, cá chiên, bánh tráng, rau, bánh tét và mứt... Vừa mới gắp vài miếng bỗng chú em của Bảy cuống quýt chạy về:

- Các anh các chị ơi, bọn nó đang lên đấy.

Lập tức Bảy ra lệnh:

- Tôi và các đồng chí nam ra đường để chặn địch. Anh nhà báo và các chị chạy qua đường, xuống ruộng và lần về căn cứ ngay.

Cha mẹ Bảy líu quíu lấy bao ni lông đưa cho từng người giục trút hết thức ăn vào đó mang đi. Tôi được trao cho hai đòn bánh tét. Chúng tôi lom khom chạy ra đường 100 rồi lao nhanh xuống ruộng giữa lúc các em du kích và bọn địch bắn nhau dữ dội. Khi chúng tôi qua đường xong, Bảy và các nam du kích cũng lao vọt theo. Bọn địch được dịp xông tới vừa la hét: “Bắt cộng sản” vừa nổ súng bắn theo. Chúng tôi lúc chạy lúc nằm, vượt qua từ đám ruộng này đến đám ruộng khác. Một lúc sau, trực thăng địch quần đến thả đèn sáng và bắn đại liên trên đường chúng tôi rút. Chúng tôi nằm im bên bờ ruộng. Khi máy bay quần ra xa, chúng tôi lại chạy...

Một tiếng sau, chúng tôi về đến căn cứ của đội du kích. Ai nấy mặt mày lấm lem lấm luốc. Cái lạ là dù lúc chạy, lúc bò, lúc lết như vậy nhưng không ai đánh rơi gói thức ăn mà mình cầm, tuy có mấy thứ bị dính đầy đất...

Kiểm lại, đơn vị không có ai bị sao cả. Chúng tôi ra giếng rửa mặt mũi chân tay rồi vào một căn nhà, trải lá chuối lấy từ vườn, đem các món ăn ra, vừa phủi đất vừa nhồm nhoàm nhai, cười nói vui vẻ.

Đột nhiên, một bóng người cao lớn bước vào nhà. Mọi người sửng sốt, dừng ăn, thốt lên:

- Anh Ba.

Đó là Bí thư chi bộ xã. Anh nói xẵng:

- Chiều nay tôi ghé lại đây, gặp đồng chí Năm bị sốt nằm nhà mới biết các đồng chí vào thị trấn ăn tết. Đồng chí ấy nói có đúng không?

- Dạ, dạ đúng. Bảy gãi tai nói.

Anh Ba nhìn vào mắt từng người rồi nói tiếp:

- Các đồng chí thật là vô kỷ luật. Các đồng chí có nghĩ rằng, vì nông nổi, ham vui đến mất cảnh giác như vậy, có khi cả đội du kích bị địch “nướng rụm” hết không?

- Dạ, dạ... Cả đội bối rối.

- Nói vậy để rút kinh nghiệm. Bài học cảnh giác không lúc nào thừa đâu. Thôi, bây giờ các đồng chí lo “thu dọn chiến lợi phẩm” đi rồi nghỉ. Lần sau chớ dại như vậy nữa.

Anh Ba hùi hụi bước đi. Cả đội du kích cùng tôi đều sững sờ. Bây giờ ai nấy mới tỉnh ra, biết mình quá nông nổi, dại dột đến mất cảnh giác như vậy. Trời ơi, nếu đêm nay có một vài đồng chí, thậm chí cả đội bị địch tiêu diệt hoặc tóm gọn thì sao đây? Dù anh Ba chẳng động gì đến tôi nhưng cái nhìn xoáy sâu của anh vào tôi đủ nói anh trách tôi biết bao nhiêu. Dẫu sao các em du kích cũng còn nhỏ, mới 17, 18 tuổi, còn tôi đã là một nhà báo, lớn tuổi hơn, đã đi đây đi đó với nhiều kinh nghiệm sống mà... Tôi ân hận quá...

Bây giờ đã hơn 40 năm trôi qua tôi vẫn không sao quên được cái tết đáng nhớ ấy, cái tết cho tôi một bài học xương máu để đời...

T.Q

Bài viết khác cùng số

Đãi KIẾN một bữaBóng xuân xanhMột lần Tết quê ngoạiTừ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNGNăm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người CơtuMột ngày trong mùa TếtTết, nhớ nhàTản mạn bên chén trà xuânDấu ấn thời gianKý ức ngày XuânNhớ mãi Tết năm đóGóp vào cuốn sổ tay đường phố Đà NẵngBàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân Sửu80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941Cuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch CovidCHUYẾN XE TRÂU ngày giáp TếtNói đi em...SayĐánh mấtKhông đềChùm thơ HaikuGốc mai vườn mẹ; Sao đổi ngôiHoa cỏ tranhBài ca gieo hạtĐòi trả nụ hônLời nhắn nhủNhững mạch gạch Tháp xuânNgày xuân nõnMãi mãi mùa xuânThơ cho mùa xuânCắt tóc cuối nămXuân tái sinhNguyên ĐánKhúc mộc tháng GiêngCó về không em ơi!Nụ xuân trên ánh mắtMùa xuân mớiĐóa xuân lòngCó một cuối năm ở Đà NẵngMai về Trường SaRiêng cho Đà NẵngĐà Nẵng ân tìnhChiều Sơn TràLên Vọng Hải ĐàiVới Đà NẵngKỷ vậtBóng xuânMùa xuân trong nỗi nhớCảm nhậnMùa xuânEm giấu trong đêm xuân...Cái lọ hoaNgày mùa xuânXuân vềXuân về trong ý mẹKhoảnh khắcThơ tặng bạn thơTriền hoa cải bên sôngMẹ ơi!Không lờiNghĩ về những ca khúc Xuân sau 1975Ngày xuân nhớ Xuân DiệuHọa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”Con trâu trong nghệ thuật cổ Champa: mối liên kết của người với thần linhHình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hìnhHình tượng con trâu trong văn học Việt NamMai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?Hiện tượng Nguyễn Xuân Sanh“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng HạcThơ là những tình khúcTrâu và senChào xuân Tân SửuHương xuânChờ xuânXuân về trên phố