Ký ức ngày Xuân

25.01.2021
Châu Yến Loan

Ký ức ngày Xuân

Mẹ tôi là con gái duy nhất trong một gia đình có năm người con trai, mẹ là chị cả hiền lành, đảm đang, là cánh tay mặt của bà ngoại trong việc chăm sóc, nuôi dạy các cậu tôi, vì thế từ khi mẹ lấy chồng, bà ngoại không muốn cho mẹ tôi ra ở riêng, thương mẹ tôi, ba tôi đành ở rể với ngoại suốt mười chín năm trời, do đó mà khi tôi còn nhỏ bà ngoại đi đâu cũng dắt tôi theo, bà con, hàng xóm gọi tôi là cái đuôi của ngoại.

Đà Nẵng quê tôi, một vùng đất xưa kia của người Chăm được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt từ năm 1306 khi Chế Mân dâng hai châu Ô và Rí làm sính lễ cưới cô công chúa Huyền Trân. Cho đến giữa thế kỷ XVI, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn là vùng Ô châu ác địa, cư dân phức tạp gồm nhiều thành phần ô hợp. Những di dân người Việt từ Nghệ An, Thanh Hóa phải xa rời nơi chôn nhau cắt rốn của mình đến Quảng Nam lập nghiệp thường sống thành từng nhóm nhỏ trên vùng đất còn mang đậm dấu ấn của văn hóa Chăm. Từ âm nhạc, y phục cho đến những ngôi tháp với cách kiến trúc độc đáo khiến họ không khỏi cảm thấy văn hóa Chăm vừa có những nét đẹp riêng đầy quyến rũ nhưng lại vừa xa lạ, huyền bí khiến họ phải e dè, bất ổn. Để có một cuộc sống bình yên nơi xứ lạ quê người, ngoài việc bảo tồn những thuần phong mỹ tục của dân tộc, những di dân phải kiêng kỵ nhiều thứ để tránh những rủi ro bất trắc đang rình rập quanh mình. Những điều đó được lưu truyền từ đời này sang đời khác, lâu dần trở thành những phong tục, tập quán khó phai. Hơn 7 thế kỷ đã trôi qua, người dân quê tôi vẫn không quên ơn những người Chăm, chủ nhân cũ của mảnh đất họ đang sinh sống nên bên cạnh các phong tục của dân tộc Việt, người Quảng Nam - Đà Nẵng còn có những nghi lễ theo tập tục của người Chăm như mâm cơm cúng đất ngoài sân trong lễ rước ông bà, tổ tiên về ăn Tết, ngoài những lễ vật còn phải có đĩa rau luộc, chén mắm cái. Cúng xong, người chủ lễ lấy mỗi thứ đồ cúng một ít bỏ vào chiếc xà lét làm bằng bẹ chuối gấp lại đem treo trước hàng rào hay ngã ba đường để mời những vong hồn người Chăm về hưởng Tết.

Tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng, hơn 75 mùa xuân trôi qua trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn, tôi đã chứng kiến nhiều sự đổi thay của quê hương. Ngày nay, cuộc sống hối hả thời hội nhập làm cho cái Tết cổ truyền không còn như trước, nhiều lễ nghi, phong tục đã rơi vào quên lãng khiến cho tôi lắm lúc thấy tiếc nuối, buâng khuâng mỗi khi nhớ lại những cái Tết năm xưa, khi tôi hãy còn là một cô bé lẽo đẽo theo bà ngoại xem Hát Bội ở đình làng hay ngồi bên bà trong rạp Bài Chòi lắng nghe anh Hiệu cất giọng mùi mẫn hò câu ca giới thiệu quân bài tới mà lòng tràn đầy hồi hộp, nôn nao.

Ngày Tết ở quê tôi thuở ấy có nhiều nghi lễ và hội hè lắm, nhưng tôi khoái nhất là được bà ngoại dẫn đi đánh Bài Chòi.

Bài Chòi là một kiểu đánh bài ngồi trên chòi mà đánh nhưng nó không chỉ là một trò chơi bài mà nó còn gắn liền với nghệ thuật diễn xướng với các nghệ nhân chính là anh Hiệu, chị Hiệu - những người quản trò dẫn dắt cuộc chơi. Bài Chòi là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân lao động sau một năm làm lụng vất vả, những ngày Tết là dịp để họ nghỉ ngơi thư giãn, thưởng thức thú vui, lấy sức để tạo đà làm việc ở năm tới. Tập tục đánh Bài Chòi trong Tết xưa của người Việt là một trong những hoạt động văn hóa cộng đồng đầy giá trị mà không mang nặng tính đỏ đen, cờ bạc. Thông qua trò chơi này, người ta được nghe những câu hát ý nghĩa về quê hương, đất nước lưu truyền trong dân gian, bên cạnh đó là được gặp gỡ, giao lưu và còn có những phần thưởng may mắn để mang đến niềm vui ngày đầu xuân.

Nhà ngoại tôi ở gần Miếu bà, nơi đây có một khuôn viên bao la, bát ngát, chung quanh là khu dân cư đông đúc thích hợp để lôi cuốn những người đến vui chơi, vì vậy làng, xóm thường hay chọn địa điểm này để tổ chức các lễ hội ngày xuân như hát Bội, Bài Chòi.

Gọi là Bài Chòi vì người ta dựng 9 hoặc 11 chòi, chia thành 2 bên, mỗi chòi cao độ 2 - 3m, rộng đủ vài ba người ngồi chơi bài và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa dành cho các vị chức sắc địa phương.

Bộ bài để đánh Bài Chòi là bộ bài tam cúc cải tiến, gồm 33 lá, với những tên được chuyển thành nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Thằng Bí, Lá Liễu v.v... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre.

Trò chơi bắt đầu khi anh Hiệu (trong trang phục áo dài khăn đóng chỉnh tề) cất tiếng hò một bài lục bát hoặc song thất lục bát bằng chất giọng “rặt” phương ngữ địa phương. Rồi tiếng trống chầu nổi lên tạo không khí rộn ràng lôi cuốn, thúc giục biết bao người hòa mình vào cuộc chơi cùng với những tiếng hô vang dội hào hứng. Anh Hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài rút ra một con nhưng anh không vội xướng tên ngay mà để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh Hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Ví dụ:

Chầu rày đã có trăng non,

Để anh lên xuống có con em bồng.

Là con Bát Bồng.

Bên trên các chòi tre, người chơi vừa hồi hộp lắng nghe tên con bài xem có trúng con bài của mình không vừa thưởng thức các điệu hò, vè, các trò diễn của các anh, chị Hiệu

Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh Hiệu mang con bài đến. Trúng 3 con bài là chòi đó “tới”, xổ một hồi mõ dài. Khi đó anh Hiệu cầm lá cờ nhỏ, bưng khay rượu đến trao phần thưởng cho người trúng và cắm lên chòi lá cờ đuôi nheo bằng giấy để đánh dấu một lần thắng.

Lễ hội Bài Chòi tuy là một hội đánh bài nhưng đây là một loại hình sinh hoạt giải trí dân gian, một hình thức chơi bài không có tính sát phạt, không cốt ở chỗ ăn thua mà chỉ để vui xuân, giải trí. Người dân đánh Bài Chòi vào dịp đầu xuân vừa là để cùng gia đình, làng xóm vui chơi, vừa để cầu may, cầu lộc đầu năm:

“Đầu năm bói toán đâu xa,

Bài Chòi một hội biết là rủi may”...

Một hội Bài Chòi có thể gồm nhiều ván (thông thường là ba ván) và Ban tổ chức thu được số tiền bán các thẻ bài cái (gọi là tiền xâu). Tiền xâu này dùng để chi cho các anh, chị Hiệu, dàn nhạc và những người trong Ban tổ chức. Nếu còn thừa thì chuyển sang cho hội chơi năm sau, thiếu thì trích quỹ làng phụ chi cho hội. Tiền thưởng cho người thắng cuộc chỉ mang tính chất tượng trưng, được quan niệm như là lộc đầu xuân, mang lại may mắn cho người chơi trong năm mới. Ngoài việc thử thời vận hên xui vào dịp đầu năm, người ta tìm đến Bài Chòi còn để thưởng thức giọng hô, tài ứng đối và lối diễn trò của anh, chị Hiệu.

Để giúp vui cho cuộc chơi còn có một ban nhạc cổ gồm đờn cò, kèn, sanh, trống hòa tấu lên khi có chòi “tới”.

Nét độc đáo của trò chơi Bài Chòi là ở việc xướng những câu ca dao, tục ngữ, hò, vè, hoặc kể những câu chuyện trong dân gian có nội dung ý nghĩa tương ứng với tên gọi của mỗi con bài được rút ra như:

Nửa đêm gà gáy le te

Muốn đi rón rén đụng nghe cái ầm. (Ông Ầm)

Lưng choàng áo đỏ

Đầu đội khăn đen

Chân đi lèng quèng

Là ông chân gãy. (Tử Cẳng)

Lội suối trèo non

Tìm con chim nhỏ

Về treo trước ngõ

Nó gáy cúc cu. (Chín Cu)

Chầu rày đã có trăng non

Để anh lên xuống có con em bồng. (Bát Bồng)

Thành công của hội Bài Chòi phụ thuộc phần lớn vào tài năng của các anh, chị Hiệu, họ vốn là những người lao động bình thường, thích ca hát, được trời ban cho chất giọng tốt, biết nắm vững lề lối hô và diễn, có khả năng sáng tác, có thể ứng khẩu thành thơ và cải biến nhanh lời hô tại chỗ, đặc biệt phải thuộc lòng rất nhiều tục ngữ, ca dao, bài vè để vận dụng vào tình huống thực tế. Rồi sau Tết, khi cuộc chơi đã tàn họ lại trở về với cuộc sống vất vả của người lao động chân tay như cũ.

Lễ hội Bài Chòi là nét văn hóa độc đáo của người miền Trung nhưng càng ngày càng mai một. Hiện nay lễ hội này đang được vực dậy ở Hội An và ở một số vùng quê Quảng Nam, còn ở thành phố Đà Nẵng nó đã vắng bóng hơn nửa thế

kỷ rồi.

Riêng đối với tôi, dù ngoại tôi đã vĩnh viễn ra đi gần 60 năm nhưng mỗi khi Xuân đến, Tết về thì ký ức ngày xưa lại sống dậy trong tôi như ngày nào hai bà cháu đang ngồi trên chòi cao, lắng nghe giọng ca mùi mẫn của anh, chị Hiệu hô tên quân bài mà lòng nôn nao, hồi hộp, vui, buồn lẫn lộn.

C.Y.L

Bài viết khác cùng số

Đãi KIẾN một bữaBóng xuân xanhMột lần Tết quê ngoạiTừ CON TRÂU đến MỤC ĐỒNGNăm Sửu kể chuyện trâu trong quan niệm của người CơtuMột ngày trong mùa TếtTết, nhớ nhàTản mạn bên chén trà xuânDấu ấn thời gianKý ức ngày XuânNhớ mãi Tết năm đóGóp vào cuốn sổ tay đường phố Đà NẵngBàn tròn văn nghệ đầu xuân Tân Sửu80 Xuân trước: xuân Tân Tỵ - 1941Cuộc điện thoại bất ngờ trong mùa dịch CovidCHUYẾN XE TRÂU ngày giáp TếtNói đi em...SayĐánh mấtKhông đềChùm thơ HaikuGốc mai vườn mẹ; Sao đổi ngôiHoa cỏ tranhBài ca gieo hạtĐòi trả nụ hônLời nhắn nhủNhững mạch gạch Tháp xuânNgày xuân nõnMãi mãi mùa xuânThơ cho mùa xuânCắt tóc cuối nămXuân tái sinhNguyên ĐánKhúc mộc tháng GiêngCó về không em ơi!Nụ xuân trên ánh mắtMùa xuân mớiĐóa xuân lòngCó một cuối năm ở Đà NẵngMai về Trường SaRiêng cho Đà NẵngĐà Nẵng ân tìnhChiều Sơn TràLên Vọng Hải ĐàiVới Đà NẵngKỷ vậtBóng xuânMùa xuân trong nỗi nhớCảm nhậnMùa xuânEm giấu trong đêm xuân...Cái lọ hoaNgày mùa xuânXuân vềXuân về trong ý mẹKhoảnh khắcThơ tặng bạn thơTriền hoa cải bên sôngMẹ ơi!Không lờiNghĩ về những ca khúc Xuân sau 1975Ngày xuân nhớ Xuân DiệuHọa sĩ Dư Dư và hành trình của “Lửa”Con trâu trong nghệ thuật cổ Champa: mối liên kết của người với thần linhHình tượng con trâu trong nghệ thuật tạo hìnhHình tượng con trâu trong văn học Việt NamMai trong bài “Cáo tật thị chúng” có phải là mai chưng Tết?Hiện tượng Nguyễn Xuân Sanh“Dấu xưa” - Tập truyện ngắn của Lương Hoàng HạcThơ là những tình khúcTrâu và senChào xuân Tân SửuHương xuânChờ xuânXuân về trên phố