Hình tượng gà trong văn học dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch Hà

02.02.2017

1. Con gà là vật nuôi quen thuộc gần gũi, gắn bó mật thiết và đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân ở vùng nông thôn. Gà được nuôi để làm cảnh, làm lễ vật dâng cúng thần linh, tổ tiên, làm thực phẩm mỗi khi có khách quý, làm tiếng đồng hồ báo thức cho con người hoặc phục vụ thú vui tao nhã (đá gà),... Từ xa xưa, con gà đã hiện diện trong nền văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở phương Đông, gà được xem là một trong mười hai con vật biểu tượng cho một năm trong lịch can chi với biểu tượng Dậu và cũng nằm trong lục súc. Đặc biệt trong nền văn học dân gian Việt Nam, hình tượng con gà đã trở thành một đề tài mang nhiều ý nghĩa, thấm đẫm tính nhân văn.

Hình tượng gà trong văn học dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch Hà

2. Trong các câu truyện thần thoại, cổ tích và truyền thuyết Việt Nam, hình tượng con gà xuất hiện tương đối nhiều và mang nhiều ý nghĩa biểu tượng tốt đẹp. Thần thoại một số tộc người ở Việt Nam kể rằng, xưa kia, khi Ngọc Hoàng sáng tạo ra mặt đất, thấy rất lạnh lẽo và ẩm thấp, Ngọc Hoàng liền cho mười mặt trời xuống chiếu sáng để sấy khô. Nhưng rồi Ngọc Hoàng lại quên không thu lại mặt trời khiến cho mặt đất khô trắng, con người và cây cỏ khốn đốn vì hạn hán. Để cứu muôn loài, một chàng dũng sĩ đã giương cung tên bắn liên tiếp rụng chín mặt trời, mặt trời cuối cùng sợ hãi bay lên cao và trốn biệt. Thế rồi mặt đất lại lãnh lẽo tối tăm, con người và loài vật rủ nhau đi gọi mặt trời, nhưng không thành công. Cuối cùng chỉ có con gà trống khỏe mạnh cất tiếng gáy vang, mặt trời tò mò tìm xuống, trái đất bừng sáng trở lại (ở một số dị bản khác thì kể rằng gà trống được vịt cõng ra biển khơi gáy gọi mặt trời,…).

Không biết có phải bắt nguồn từ những câu chuyện đó không nhưng đến nay người Việt vẫn thường dùng gà trống để cúng giao thừa với mong muốn “gọi mặt trời”. Người xưa quan niệm rằng, đêm giao thừa là thời điểm đêm trời đất tối tăm nhất, bởi đó là lúc mặt trời ẩn mình sâu nhất. Nhà nào cũng cúng gà trống để đánh thức mặt trời, mang lại ánh sáng đủ đầy cho cả năm.

Trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh, giá trị của gà được coi trọng, ngang với những vật phẩm quý hiếm để vua Hùng Vương thách cưới. Đó chính là “gà chín cựa” (gà chín cựa, ngựa chín hồng mao). Có thể dân gian đã quan niệm con gà mang ý nghĩa biểu tượng cho những khởi đầu tốt lành, cho hạnh phúc, có con đàn cháu đống trong cuộc sống gia đình cho nên “gà chín cựa” trở thành vật phẩm cầu thân.

Trong truyện Sự tích hoa mào gà, con gà lại biểu tượng cho lòng nhân ái và sự phù trợ. Sự tích hoa mào gà kể chuyện về một loài cây khóc một cách đau khổ vì các loại cây đều có hoa, riêng mình thì không có. Thuở ấy gà mái đang có mào, vì thương cây bất hạnh đã nhường cái mào đỏ duy nhất của mình cho cây. Từ đấy cây có hoa còn gà mái không có mào.

Con gà trong truyện cổ tích Tấm Cám cũng mang cùng một ý nghĩa là giúp đỡ những người hiền lương. Gà đã giúp Tấm bới tro bếp tìm được xương cá bống để Tấm đem chôn dưới chân giường như lời Bụt dặn. Như vậy tác giả dân gian đã cho con gà trở thành một nhân vật phù trợ và giúp đỡ Tấm, trực tiếp tham gia vào biến cố của truyện.

Gà còn giúp đem đến sự sum họ gia đình. Truyện Sọ Dừa kể rằng, khi Sọ Dừa thành Trạng nguyên, đánh thắng giặc trở về, con gà nở ra từ quả trứng mà chàng trao cho vợ trước lúc ra đi đã lớn. Nó đã làm bạn với người vợ của Sọ Dừa giữa ốc đảo hoang vu. Lúc thấy thuyền của quan trạng từ xa, nó cất tiếng gáy mang lại hạnh phúc và sự đoàn tụ cho gia đình quan trạng:

Ò … ó… o…oo

Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về.

Như vậy có thể thấy, trong truyện cổ tích, con gà vừa là biểu tượng của lòng nhân ái và sự phù trợ cho những nhân vật trong truyện tìm được niềm hạnh phúc, đoàn tụ vừa trở thành một nhân vật quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện.

Trong truyện ngụ ngôn, con gà chính là biểu tượng về sự chiến thắng của trí tuệ (trong quan hệ với con cáo). Con cáo tham lam, gian xảo, quỷ quyệt nên bao giờ cũng thất bại. Ngược lại, con gà thường chân thật, thông minh nên chiến thắng.

Có thể thấy con gà trong truyện ngụ ngôn thường xuất hiện như một nhân vật chính diện, dưới nhiều hình thức đa dạng và nhiều ý nghĩa biểu tượng tốt đẹp về cuộc sống con người.

Thế nhưng cũng có truyền thuyết thể hiện quan niệm không tốt về con gà. Truyền thuyết về vua An Dương Vương Thục Phán cố công xây thành nhưng đắp đến đâu thì đất lở đến đấy, thần Kim Quy báo cho nhà vua biết ở núi Thất Diệu có một con gà trắng sống đến ngàn năm rồi hóa thành yêu tinh ẩn trong núi, nếu diệt được nó thì việc xây thành sẽ thành công. Sau khi An Dương Vương giết được con gà trắng thì xây được thành.

Gà không chỉ được lưu truyền bằng các truyện kể, thần thoại, hình tượng con gà cũng xuất hiện nhiều tục ngữ, thành ngữ của người Việt. Đối với người nông dân, gà đem lại nhiều lợi ích cho nên gà luôn được chăm chút và đúc kết nhiều kinh nghiệm quý để làm sao cho việc chăn nuôi chúng thật sự đem lại kết quả tốt, cải thiện phần nào đời sống kinh tế vốn chật vật, vất vả cho người nông dân vì “một tiền gà ba tiền thóc. Gà quý lắm nên người ta thường nói “chửi như mất gà”.

Người nông dân trong quá trình thuần dưỡng, chăm sóc đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong cách chọn gà:

- Con chó huyền đề, con gà năm móng đem về mà nuôi.

- Gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua

Gà trắng chân chì, mua chi giống ấy.

- Chó quen nhà, gà quen chuồng.

Còn kinh nghiệm trong cách nuôi gà:

- Chuồng gà hướng đông, cái lông chẳng còn.

- Lợn thả, gà nhốt.

- Thương con thì cho ăn quà, nuôi gà phải tốn thóc.

- Chớ bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa….

Nói về đặc điểm đặc biệt của gà thì “chó liền da, gà liền xương. Con gà, và đặc biệt là tiếng gà gáy là những hình ảnh và âm thanh gần gũi quen thuộc ở nông thôn, làng xóm Việt Nam, tiếng gà gáy là tín hiệu của thời gian “chó giữ nhà, gà gáy trống canh”. Đặc tính của thịt gà “gà cựa dài thì rắn, gà cựa ngắn thì mềm; vịt già gà tơ; chó già gà non; ăn gà thì không nên ăn vào tháng bảy “ếch tháng ba gà tháng bảy, theo dân gian, tháng này là tháng giáp hạt, người không có cơm ăn thì gà cũng không có lúa mà ăn nên gầy, thịt không ngon. Gà thì phải có lá chanh mới trở thành món ngon khoái khẩu “con gà cục tác lá chanh”,...

Đặc biệt, từ những kinh nghiệm hàng ngày mà dân ta sử dụng hình ảnh con gà như một cái cớ để thể hiện cái nhìn sâu sắc, thâm thúy và rất tinh tế của mình về cuộc sống, về con người. Trong trường hợp này, con gà dùng để so sánh, liên hệ, liên tưởng, làm phương tiện để triết lý về nhân tình thế thái, thể hiện tình cảm, thái độ, cảm xúc của người dân nhằm giáo dục người đời.

So với những câu tục ngữ có hình ảnh gà nói về kinh nghiệm chăn nuôi, ở đây, dân gian đã khái quát hóa những đặc điểm sinh học của gà để tìm thấy ở đó những mối quan hệ phong phú và phức tạp giữa con người với nhau. Chẳng hạn, tác giả dân gian mượn khả năng bới đất tìm mồi của gà để sáng tạo ra câu chân gà lại bới ruột gà để nói tự mình vạch áo cho người xem lưng, bới móc chuyện nhà mình, hoặc làm hại chính những người thân quen, ruột thịt của mình. Hay từ chuyện gà trống hay đá nhau lại liên hệ đến những mối mâu thuẫn không đối kháng cần hóa giải giữa những người có chung một mối liên hệ ruột thịt rồi đưa ra lời khuyên răn gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau. Tuy nhiên ý nghĩa của nó không dừng lại ở đó mà hướng tới tình đoàn kết trong cộng đồng, từ xóm làng đến dân tộc.

Tương tự, tiếng gáy của gà cũng được ví von thành thói cạnh tranh không lành mạnh, tật đố kỵ nhỏ nhen do ham danh lợi: “con gà tức nhau tiếng gáy; gà chết vì tiếng gáy”. Phương tiện chính để kiếm ăn của gà là đôi chân. Nếu chân mà bị què thì gà đành nằm một chỗ, chỉ còn cái mỏ mổ bậy chung quanh. Từ đặc điểm đó của gà lại được dân gian khái quát thành những loại người hèn kém chỉ biết làm ăn, kiếm chác nhỏ nhặt ở nơi quen thuộc, không biết nhìn xa trông rộng như gà què ăn quẩn cối xay”,

Trong thơ ca dân gian, con gà còn mang một sắc thái tình cảm riêng rất phong phú, đa dạng như là gửi gắm nỗi niềm, tâm tư, tình cảm trong mối quan hệ gia đình, tình yêu, tình xóm giềng của những người dân quê bình dị, chân chất:

- Em về thưa với mẹ cha

Bắt lợn đi cưới, bắt gà đi cheo.

- Gà tơ xào với mướp già

Vợ hai mươi mốt chồng đà sáu mươi...

Tập tính kiếm ăn của anh gà trống thường bới được mồi là kêu tục tục gọi gà mái, gà con đến ăn, bởi thế anh gà trống lại được khen về đức độ đảm đang và đùm bọc đám con cái, nên có câu “gà trống nuôi con”. Câu nói này để chỉ những người đàn ông góa vợ, mà vẫn một lòng tận tụy nuôi con.

Tiếng gà không đơn thuần là báo hiệu thời gian vũ trụ mà còn thể hiện thời gian tâm trạng. Đó là thời điểm hẹn hò, thời gian chờ đợi, là sự trăn trở, nhớ thương (vì chủ thể trữ tình đã không ngủ cho đến lúc nghe tiếng gà…):

- Con chim đậu trên núi

Nó kêu con gà dưới suối

Gà gáy chầu đôi chầu ba

Đêm năm canh không ngủ lại ngồi

Trông người thục nữ bồi hồi lá gan.

- Miễu thần gà gáy tiếng đôi

Trông bậu trông đứng trông ngồi

Trông người có nghĩa bồi hồi lá gan.

Tâm trạng đau khổ trước cảnh chia lìa của chàng trai trong quan hệ lứa đôi:

Gà lạc bầy kêu chíu chít

Phụng lìa loan phụng lại biếng bay

Xa em từ mấy bữa rày

Cơm ăn không đặng áo dài hở bâu.

Đôi khi con gà lại mang đến những ý tưởng hài hước, hóm hỉnh về con người như một nụ cười ý nhị của dân gian: 

- Gà già khéo ướp lại tơ

Nạ dòng trang điểm gái tơ mất chồng.

- Trai thấy gái lạ như quạ thấy gà con.

- Gà béo thì bán bên Ngô, gà khô thì bán láng giềng.

- Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng…

3. Từ những câu truyện thần thoại, cổ tích, truyền thuyết đến những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao,… trên phần nào đã cho chúng ta thấy, con gà là một hình ảnh rất gần gũi với đời sống của người dân Việt. Từ sự tinh tế trong quan sát, sự thâm thúy trong những liên hệ bất ngờ đã đưa con gà vào văn học dân gian ngày càng phong phú và đặc sắc. Đó là một minh chứng sinh động cho sự đa dạng trong việc khai thác một con vật quen thuộc để chuyển tải thành những câu chuyện, những kinh nghiệm của quần chúng nhân dân. Hình tượng gà đã đi vào trong lời ăn tiếng nói của người Việt một cách bình dị mà sâu sắc, đại diện cho tình đoàn kết, tương trợ, mang lại ánh sáng, trí tuệ, niềm hạnh phúc, đoàn tụ của con người. Hình ảnh con gà trong văn học dân gian đã được lưu truyền qua bao thế hệ vô cùng ý nghĩa, nó chuyển tải những quan niệm, những cái nhìn về thế sự, mang nhiều giá trị của văn hóa dân tộc.

H.T.H.