Mái tóc người thương trong thơ Nguyễn Văn Long - Nguyễn Thị Phú

15.10.2018

Mái tóc người thương trong thơ Nguyễn Văn Long  - Nguyễn Thị Phú

Nguyễn Văn Long là Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng; quê quán ở làng Phú Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Anh sống hồn hậu và rất yêu thơ ca. Ngoài những bài thơ in chung với nhiều tác giả khác trong “Dọc đường miền Trung”, “Hoa bông bạc & cơn lũ”, tập thơ “Uống rượu với trăng” của anh cũng được nhiều độc giả yêu thích.

Đến với tập thơ “Uống rượu với trăng”, tâm tình tôi như bị vướng vào một mái tóc - mái tóc không rõ ngắn, dài, mái tóc của Người dưng gối tóc một đời thương anh.

Trong ca dao dân ca, người xưa, qua mái tóc, mượn mái tóc để nói lên nhiều điều về tình yêu:

Tóc mai sợi ngắn sợi dài

Kết duyên không đặng nhớ hoài ngàn năm

Hay:

Tóc em dài em cài hoa lý

Miệng em cười hữu ý anh thương...

Nguyễn Văn Long có cách thể hiện riêng của mình. Hình ảnh mái tóc trong tập thơ này không lặp lại như một điệp khúc, cũng không chung cùng một giai điệu. Đơn giản vì nó cứ vương vấn trong hồn người nhưng lại ở nhiều cung bậc cảm xúc từ trong bốn không gian thơ khác nhau - khi Nhặt tóc, khi Vuốt tóc, khi trong giấc chiêm bao (Cỏ) hay khi Người dưng gối tóc. Cả thể loại thơ cũng đa dạng, có lúc là thơ năm chữ, sáu chữ, rồi uyển chuyển trong thể lục bát giai điệu ngân nga.

Bài Nhặt tóc là một tứ thơ hay, tỏ bày được những yêu thương sâu sắc của người chồng dành cho người vợ khi mà thời gian nối mùa đi qua:

Mỗi ngày em chải tóc

Lòng anh xót xa đau

Suối tóc xanh thiếu nữ

Nắng mưa đã nhạt màu

Nhịp thơ ngắn nhưng lại diễn tả được cái chiều dài, chiều sâu của nỗi xót xa đi ra từ màu tóc phai nhạt, rồi như dằn vặt trước thực tế xuân phai:

Suối tóc em khô cạn

Mỗi ngày, từng sợi rơi... 

Và cả bốn khổ thơ tiếp theo được gắn liền với nhiều dấu hỏi. Mỗi dấu hỏi nêu một điều băn khoăn nhưng đồng thời cũng là cảm nhận từng thực tế - thực tế có nặng nhọc gánh đời, thực tế có lặng lẽ hy sinh, thực tế có đắm chìm trong đắng cay, hạnh phúc, cho mình, cho đời, cho tuổi đời mênh mông:

Sợi nào rơi cho anh?

Sợi nào cho con cái?

Sợi nào tiếc tuổi xuân?

Sợi nào lo cơm áo?

Sợi nào mềm trên tay?

Cho dài thêm nỗi nhớ.

Vẫn hình ảnh mái tóc, nhưng ở các bài thơ khác, nhà thơ Nguyễn Văn Long trải lòng bằng những vần thơ óng mượt hơn và đẹp khúc tình duyên bao kiếp:

Anh đắm chìm vào hương tóc

Ngỡ mình lạc chốn thiên thai

Tóc mây kết tình kiếp trước

Se duyên thắm ở kiếp này!...

                                    (Vuốt tóc)

Thế nên dù cho Chiêm bao thấy mình là cỏ đang lắng nghe mùa về trở gió bên sông, hay Nỉ non tiếng dế trên đồng, hay kiếm tìm bảy sắc cầu vồng, Vàng trăng hao gầy gối mộng... thì hình ảnh gia đình và mái tóc người thương vẫn đẹp diệu kỳ:

Cỏ mềm gót son con trẻ

Thương em tay bế, tay bồng

Nhớ em thuở còn búi tóc

Tay ngà đan áo mùa đông...

                                                (Cỏ)

Thì ra trái tim thi nhân luôn hướng về phía hạnh phúc gia đình. Nếu như Vuốt tóc là lời tỏ tình hết sức dung dị, rõ tình rõ ý rằng: Anh vuốt tóc em nhè nhẹ. Tương tư tràn ngập bờ vai, rằng mình kết tình từ kiếp trước, thì Cỏ là lời tỏ bày bằng hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng cho sự nâng niu hạnh phúc gia đình, cho tâm tình thấu hiểu.

Cảm nhận vẻ đẹp mái tóc là cảm nhận vẻ đẹp tình yêu sâu sắc, bền chặt:

Người dưng gối tóc một đời thương anh

Dẫu rằng tóc chẳng còn xanh!...

                                    (Người dưng gối tóc)

Có lẽ cả bốn bài thơ đều là chiếc lược chải trên cùng mái tóc - mái tóc người thương từ thuở anh để hồn chìm trong hương tóc. Thoảng mùi bồ kết lá chanh cho đến khi Suối tóc em khô cạn. Mỗi ngày, từng sợi rơi... Đó là chuyện tình đẹp dài lâu mà người cầm bút đã mượn thơ ca để giãi bày, mượn thơ ca để mang niềm hạnh phúc đến cho người phụ nữ mình yêu quý.

Hạnh phúc như một trải nghiệm nhưng suốt đời con người vẫn luôn đi tìm hạnh phúc - không chỉ dừng lại ở hạnh phúc gia đình mà còn lớn lao hơn, gắn liền với hạnh phúc con người. Nhưng nếu không có hạnh phúc gia đình thì phía trước chỉ là khoảng trắng.

Tập thơ Uống rượu với trăng của nhà thơ Nguyễn Văn Long trải lòng nhiều vấn đề về cuộc sống, tình yêu, gia đình, tình bạn, tình đời... Nhưng với một tấm lòng ưu ái, mẫn cảm, nhạy bén, hình tượng mái tóc người thương được tác giả chú trọng nâng niu thành hình ảnh gợi cảm nhất, tiêu biểu nhất, đẹp lung linh nhất mà người đọc dễ đồng cảm, chia sẻ và trân trọng cùng tác giả.

N.T.P

Bài viết khác cùng số

Paris có gì lạ không em?(*) - Văn KhoaGió lay Hòn Kẽm ngẩn ngơ Đá Dừng - Huỳnh Trương PhátCó một cây lê nở đầy hoa trắng - Ngô Thị Thục TrangNhớ gió... - Trần Thanh ThoaMùa đậu phộng - Y NguyênVườn không có nắng - Nguyễn Bá HòaMười bảy và mười ba - Võ Thanh Nhật AnhLời người mẹ có con tự kỷ - Thụy SơnHướng nào cũng từ tim anh - Hoàng Thụy AnhThơ Vạn LộcCô đơn - Nguyễn Thị Anh ĐàoDì tôi - Nguyễn Nho Thùy DươngVầng trăng Đà Nẵng - Lộc Bích KiệmThơ Nguyễn Duy ThanhLầm lũi cuộc về - Phạm Tấn DũngTháng mười - Đinh Lê VũNhững câu thơ bất chợt - Xuân Hiệu7 bài thơ ngắn - Thanh QuếĐến Đà Nẵng, nhớ nhà thơ Thu Bồn - Đàm Chu VănThơ La Mai Thy GiaPhía bên kia giậu - Mai Thanh VinhÂm nhạc Đà Nẵng 5 năm nhìn lại - Văn Thu BíchNữ văn sĩ Canada gốc Việt vào chung kết giải Nobel thay thế - Trần Trung SángMái tóc người thương trong thơ Nguyễn Văn Long - Nguyễn Thị PhúHỒ SĨ BÌNH như bóng nhạn qua sông - Mai Hữu PhướcNhững thanh âm từ “Trong những lời yêu thương”(*) - Nguyễn Nhã TiênLưu Quang Vũ với quê hương Đà Nẵng - Bùi Văn Tiếng Sự dịch chuyển không gian văn học Việt Nam đương đại - Nguyễn Văn Hùng“Võ Hùng Vương’’ vở tuồng cổ đỉnh cao của nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Lê Công Phượng“Đà Nẵng chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860): Quá khứ và hiện tại”(*) - Bùi Văn Tiếng