“Võ Hùng Vương’’ vở tuồng cổ đỉnh cao của nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Lê Công Phượng

15.10.2018

“Võ Hùng Vương’’ vở tuồng cổ đỉnh cao của nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Lê Công Phượng

Tuồng vốn là loại hình sân khấu bác học của dân tộc Việt Nam. Suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, loại hình nghệ thuật độc đáo này đã lưu dấu nhiều bậc danh nhân chí sĩ với những vở đạt đến độ kinh điển như: Đào Duy Từ với Sơn hậu, Nguyễn Diêu với Cổ miếu vãn ca, Ngũ hổ bình Liêu,... Đào Tấn với Cổ thành, Trầm Hương các, Diễn võ đình,... và Nguyễn Hiển Dĩnh cùng vở tuồng Võ Hùng Vương cũng là một mốc son như thế.

Võ Hùng Vương hay Ngoại tổ phụ dâng đầu là một trong những vở tuồng cổ tiêu biểu của tác giả Nguyễn Hiển Dĩnh. Giống như bao vở tuồng cổ khác, Võ Hùng Vương cũng là tác phẩm thuộc đề tài quân quốc. Tương tự tuồng Sơn hậu, nội dung cốt chuyện của vở diễn hoàn toàn hư cấu, từ tên triều đại, hệ thống nhân vật vua, quan,... đều không có thật. Kết cấu tác phẩm về cơ bản cũng đi theo lối: vua băng, nịnh tiếm, bà thứ lên chùa, chém nịnh định đô, tôn vương tức vị. Tuy nhiên tác giả không hoàn toàn đi theo mô hình này mà có sự sáng tạo riêng. Vở diễn gồm hai hồi, mở màn là hình ảnh Lý Huyền Minh - một trung thần của triều đình đang độc thoại bày tỏ những ưu tư của mình về thời thế.

Lý Huyền Minh:

......

Lòng này so trăng nước rạng lòa

Tiết cứng ví bách tùng vững chắc

Từ tiên đế chầu trời khuất mặt

Nên Võ gia cướp nước lộng quyền

Khiến giang sơn gấm vóc ngả nghiêng

Thành đất nước yêu mà tanh thối(1)

...

Khi đó, triều Ngụy đã thực hiện xong việc tiếm ngôi và chúng đang tiến hành âm mưu diệt tận gốc dòng giống của vua cũ, cũng như những trung thần của triều trước. Trong tác phẩm, tác giả không xây dựng nhân vật thứ phi, hoàng hậu lang bạt, ẩn mình hay ấu chúa còn nhỏ, thậm chí chưa ra đời giống một số vở tuồng khác như Sơn Hậu hay Tam nữ đồ vương, Triệu Đình Long cứu chúa,... Điểm đáng chú ý ở đây là người kế vị của chính triều đã trưởng thành và còn được phong tước hiệu Bình Vương. Tuy nhiên do tình thế triều chính rối ren, thế lực của bọn nghịch thần Võ Hùng Vương quá mạnh, chúng đã cướp ngôi báu và giam lỏng Bình Vương. Trước thực cảnh thế cô lực yếu hết sức nguy nan, vị vương gia ấy phải nhanh trí giả làm người bạc nhược, suy đồi để giữ thân và chờ thời cơ phục quốc. Đây là chi tiết khác biệt của vở diễn Võ Hùng Vương với một số vở tuồng cổ khác. Trong tác phẩm, người kế vị của chính triều tuy xuất hiện ít, đất diễn không nhiều và đa phần chỉ mang tính biểu tượng nhưng khi xem, hình ảnh Bình vương dễ làm chúng ta liên tưởng đến nhân vật Việt Vương Câu Tiễn trong lịch sử - một vị vua có tài năng và ý chí bất phàm khiến hậu thế cảm phục. Phải chăng, đó chính là dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Hiển Dĩnh? Ông cố tình để lại trong lòng người thưởng thức những trường liên tưởng xa về khả năng trị vì thiên hạ của Bình Vương. Đó như một tín hiệu báo sớm về kết thúc có hậu của vở diễn, cũng như xóa đi nỗi băn khoăn của người xem về khả năng đứng vững của vương triều chính thống được khôi phục lại sau này. Đây cũng chính là nét khác biệt của Nguyễn Hiển Dĩnh so với một số tác giả khác trong việc xây dựng nhân vật kịch. 

Như các vở diễn khác, tuồng Võ Hùng Vương là chỉnh thể nghệ thuật gồm các màn lớp được xâu chuỗi với nhau bằng một sợi chỉ đỏ vô hình, đó chính là tuyến kịch. Các chi tiết, tình tiết, sự kiện diễn ra trong các màn lớp được ngòi bút nghệ thuật của soạn giả Nguyễn Hiển Dĩnh khéo léo kết dính với nhau theo logic tự nhiên tất yếu tựa lưới trời may mà không thấy đường tơ. Nói như triết gia, nhà lý luận người Đức Lét-xing: “Nhà viết kịch chân chính cố suy tính tính cách của các nhân vật sao cho các sự việc thúc đẩy nhân vật hoạt động, được diễn ra từ sự việc này dẫn tới sự việc kia một cách tất yếu”(2). Trong tác phẩm Võ Hùng Vương chuỗi sự việc ấy kết lại với nhau như một dải ba đào(3) cứ tích góp dần những phẳng lặng để rồi có lúc cuộn trào lên thành cơn dữ dội. Sự việc diễn tiến theo trình tự từ thấp đến cao, từ nội tâm đến hành động của các nhân vật ở hai phe đối nghịch - trung và nịnh. Đại diện tiêu biểu cho phe trung là Lý Huyền Minh và phía nịnh là Vũ Tắc. Trong vở diễn, ta thấy Bình Vương, Lý Huyền Minh cùng các cộng sự bị Vũ Tắc với Võ Hùng Vương dồn ép theo mức độ tăng dần. Đầu tiên, Lý Huyền Minh phải gả con cho kẻ thù. Sau đó, để cứu chúa, Lý Huyền Minh cùng An Công phải làm giả thánh chỉ của tiên đế phủ nhận việc truyền ngôi cho Bình Vương và nói ý truyền cho hiền thần để đánh lừa bọn chúng. Tuy nhiên nhằm mục đích tiêu diệt phe trung thần, bọn nham hiểm Vũ Tắc đã ra điều kiện: để tha cho Bình vương thì tướng trấn biên ải Viên Hòa Ngạn - tức ông ngoại của Bình Vương phải cắt đầu dâng nộp trước. Xung đột kịch được đẩy thêm một bước và bật lên thành cao trào, đỉnh điểm tạo ra lớp diễn kinh điển Quan ải với sự kiện trung tâm Viên Hòa Ngạn cắt đầu.

Hòa Ngạn: ...

Mụ, các con khóc lóc làm gì, xưa nay...

Khách: Người trăm tuổi là cùng,

Hạn gió day trời

Than khóc há cầm người sống mãi?

Lẽ đôi đường phải biết,

Tình nhà ơn nước

Nên hư đóng thử lẽ nào hơn?

Trọng Oai: (Thưa cha con biết!)

Nam:

Lẽ nào hơn bằng ơn đất nước

Thị Thọ: (Nhưng mà)

Sắt đá gì nén được thương đau!

Hòa Ngạn: (Á thôi...!)

Bận bịu ích chi đâu!

(Làm cho ta)

Nặng nề thêm khó xử

(Thôi mụ ở lại, con cùng chư tướng ở lại, lão xin)

Khách: Giã cảnh giã người

Ba thước kiếm nhẹ nhàng thân nhất tử

(Điện hạ ơi! Chúc điện hạ ở lại thành công)

Còn non còn nước

Chín từng trời rạng rỡ cuộc trùng quang

(Hòa Ngạn cắt đầu, mọi người lăn ra khóc...)(4)

Đây có thể xem là lớp diễn đỉnh cao của vở. Việc tự cắt đầu của Viên Hòa Ngạn là một hành động hết sức đặc biệt và đầy bạo liệt mang đậm dấu ấn sáng tạo của nhà soạn tuồng lỗi lạc xứ Quảng. Qua xâu chuỗi các sự việc, ta thấy tác gia Nguyễn Hiển Dĩnh quả đã có sự tính toán, chuẩn bị khá chu đáo cả về lý lẫn tình cho cái chết của nhân vật này. Viên Hòa Ngạn là bề tôi và cũng là ông ngoại của của Bình Vương. Bình Vương gặp nạn, chỉ có thể dùng tính mạng của ông mới cứu được. Vậy là ngoài cái lý của đạo trung quân tác giả còn lồng vào tình huống kịch cả cái tình ruột rà máu mủ. Bởi thế nên trong tình huống này Viên Hòa Ngạn không thể không chết. Cái chết oanh liệt đó là trọn vẹn nghĩa nước tình nhà và lưu lại tiếng thơm muôn thuở. Vậy chết ở trường hợp này là được nhiều hơn mất như nhân vật đã nói: Cắt đầu ông thay chúa thánh giúp đời... muôn ngàn thuở lâu bền vận nước.

Khi đi sâu khám phá tác phẩm Võ Hùng Vương, chúng ta nhận thấy cái hay, hấp dẫn, vẻ riêng và lạ của vở tuồng cổ này không chỉ được thể hiện trên bình diện nội dung, kết cấu,... mà còn ở cả phong cách ngôn ngữ kịch. Về ngôn ngữ, mặc dù các nhân vật ở đây là những bậc quân vương, đại thần nhưng ngôn ngữ giao tiếp lại rất đời thường, dân dã. Nguyễn Hiển Dĩnh cho nhân vật của mình sử dụng ngôn ngữ chữ Hán rất ít. Nếu có dùng cũng hạn chế và đa phần đó là những từ đã được “Việt hóa” - rất phổ thông, gần gũi, quen thuộc trong dân chúng như: đơn đình, tiên quân, tiên hoàng, bửu lịch, long nhan, hiền thần, quốc sắc, tục tử, ái nhi, hoàng đạo, nội triều,... Tương tự như chữ Hán, việc sử dụng điển cố ở trong tác phẩm cũng không nhiều. Cả vở kịch, tác giả sử dụng chỉ khoảng 10 điển cố. Đó đều là những điển rất phổ biến trong dân chúng như: điển Nghiêu - Thuấn; điển Y - Lữ; Xích thằng; Tam sanh; Kỷ - Tín; Ô Kỳ; ông Tơ - bà Nguyệt;...

Hạn chế sử dụng chữ Hán, cố nhiên tác gia Nguyễn Hiển Dĩnh dùng chữ Nôm làm ngôn ngữ chính cho nhân vật. Ngôn ngữ chữ Nôm mà ông viết vừa phong phú, đa dạng lại vừa dân dã, dễ hiểu. Ví như việc vận dụng thành ngữ đỉa đeo chân hạc để lột tả tâm trạng uất ức của nhân vật Lý Huyền Minh khi bị ép dâng con gái cho tên hôn quân Võ Hùng Vương:

(Như con gái thần)

Hàng tục tử đức không xứng đức

Đời dễ thiếu gì trang quốc sắc

Lệnh xin truyền gọi kẻ thiên tài

Kẻo đỉa đeo chân hạc khó coi

Để cú đậu cành mai khó ngó(5)

Hay cả những từ ngữ thường thấy trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của tầng lớp bình dân như: nhóm kiến chòm ong, no cơm ấm áo, thật tên già, mụ, đôi ba mụn con, lời dạy dỗ, tanh thối,... cũng được ông sử dụng rất nhiều. Ví như cách Viên Hòa Ngạn gọi với vợ con trước lúc cắt đầu: Thôi mụ ở lại, con cùng chư tướng ở lại... Hoặc sự vận dụng rất linh hoạt những hiện tượng xảy ra trong đời sống sinh hoạt hàng ngày nơi thôn dã vào văn cảnh để lột tả tính cách nhân vật từ đó tạo nên những hiệu quả cao cho nghệ thuật biểu diễn. Ví như câu nói bóng bẩy đầy dục vọng của Võ Hùng Vương với Xuân Hương khi vừa mới gặp nàng:

Nàng thể rắn mồng năm lành lạch

Ta như gà ức độ o o(6)

Có thể thấy, việc sử dụng ngôn ngữ Nôm trong quá trình sáng tạo vở tuồng cổ Võ Hùng Vương của tác gia Nguyễn Hiển Dĩnh là khá đậm nét, quán xuyến, xuyên suốt. Không chỉ ở nói lối mà ngay cả ở trong những câu hát khách - một làn điệu bắt buộc dùng văn đối, thể văn đã bắt cội đâm chồi nảy lộc cùng chữ Hán từ xưa nhưng tác giả vẫn viết bằng chữ Nôm. Việc sử dụng chữ Nôm trong những câu hát khách của ông cũng rất mượt mà, hợp lý, đạt hiệu quả cao trong việc thể hiện nội tâm, khắc họa tính cách nhân vật. Ví như:

An Công:

(Hát khách):

Bạn bè vẫn nặng tình...

Gan ruột đã cùng nhau khăng khít

(Đến nay người)

Gian ngoan đành đổi tiết...

Mặt mày nào làm việc xấu xa!(7)

Hay:

Lý Huyền Minh:

(Hát khách):

Nghe rất lạ lùng...

Chẳng chịu bầy lời sao hiểu được?

Nỡ nào nóng nảy...

Khuyên cùng vuốt giận để phân qua(8)

Hay:

Lý Huyền Minh:

(Hát khách):

Rất nhọc lòng ta...

Bỏ tiểu tiết để lo điều cao cả

Hãy nghiêng tai đó (nói nhỏ...)

(Ấy đó xin yêng)

Xét chân tình đừng nghe tiếng dèm pha(9)

Những tìm hiểu ở trên tuy chưa thật sự đầy đủ nhưng qua đó, chúng ta cũng có thể nhận thấy: Nếu nghệ thuật tuồng là một khu vườn thượng uyển đa màu sắc của dân tộc thì tác phẩm Võ Hùng Vương của Nguyễn Hiển Dĩnh là một bông hoa đẹp. Vẻ đẹp ấy có nét sắc thái rất riêng: vừa giản dị, mộc mạc mà nồng thắm sắc hương. Có lẽ cũng vì vậy mà nhiều người đã khẳng nhận rằng: Nguyễn Hiển Dĩnh là đỉnh cao của dòng tuồng Dân gian - một trong ba dòng của dân tộc (Dân gian; Cung đình và Lịch sử).

L.C.P

(1) Tuyển tập tuồng cổ, Nxb Sân khấu 1997,trang 444.

(2) Lý luận văn học, Nxb GD 2003, trang 404.

(3) Ba đào: sóng nước lớn.

(4) đến (9) Tuyển tập tuồng cổ, Nxb Sân khấu 1997, trang 495.

Bài viết khác cùng số

Paris có gì lạ không em?(*) - Văn KhoaGió lay Hòn Kẽm ngẩn ngơ Đá Dừng - Huỳnh Trương PhátCó một cây lê nở đầy hoa trắng - Ngô Thị Thục TrangNhớ gió... - Trần Thanh ThoaMùa đậu phộng - Y NguyênVườn không có nắng - Nguyễn Bá HòaMười bảy và mười ba - Võ Thanh Nhật AnhLời người mẹ có con tự kỷ - Thụy SơnHướng nào cũng từ tim anh - Hoàng Thụy AnhThơ Vạn LộcCô đơn - Nguyễn Thị Anh ĐàoDì tôi - Nguyễn Nho Thùy DươngVầng trăng Đà Nẵng - Lộc Bích KiệmThơ Nguyễn Duy ThanhLầm lũi cuộc về - Phạm Tấn DũngTháng mười - Đinh Lê VũNhững câu thơ bất chợt - Xuân Hiệu7 bài thơ ngắn - Thanh QuếĐến Đà Nẵng, nhớ nhà thơ Thu Bồn - Đàm Chu VănThơ La Mai Thy GiaPhía bên kia giậu - Mai Thanh VinhÂm nhạc Đà Nẵng 5 năm nhìn lại - Văn Thu BíchNữ văn sĩ Canada gốc Việt vào chung kết giải Nobel thay thế - Trần Trung SángMái tóc người thương trong thơ Nguyễn Văn Long - Nguyễn Thị PhúHỒ SĨ BÌNH như bóng nhạn qua sông - Mai Hữu PhướcNhững thanh âm từ “Trong những lời yêu thương”(*) - Nguyễn Nhã TiênLưu Quang Vũ với quê hương Đà Nẵng - Bùi Văn Tiếng Sự dịch chuyển không gian văn học Việt Nam đương đại - Nguyễn Văn Hùng“Võ Hùng Vương’’ vở tuồng cổ đỉnh cao của nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Lê Công Phượng“Đà Nẵng chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860): Quá khứ và hiện tại”(*) - Bùi Văn Tiếng