Mười bảy và mười ba - Võ Thanh Nhật Anh

15.10.2018

Mười bảy và mười ba - Võ Thanh Nhật Anh

Võ Thanh Nhật Anh sinh năm 2001, học sinh lớp 11/22 trường THPT Phan Châu Trinh thành phố Đà Nẵng, đã từng tham gia Trại sáng tác văn học, mỹ thuật thiếu nhi hè hằng năm do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức và đạt giải nhất hai năm liền với truyện ngắn Đông (2017) và Bay (2018).

Đề tài đa dạng, bắt nhịp cuộc sống cùng với lối viết điềm tĩnh, tinh nhạy, nội tâm và nhiều cảm xúc là điều dễ cảm nhận trong truyện ngắn của Võ Thanh Nhật Anh.

Mười bảy và mười ba là một truyện ngắn góp phần làm rõ thêm về cách cảm, cách viết của Võ Thanh Nhật Anh.



Mười bảy và mười ba

Cho những ngày đã cũ

H. ơi,

Hôm nay chị tỉnh giấc, thấy mình nằm sõng soài giữa sàn nhà, lạnh ngắt. Hình như không còn em bên cạnh nữa, nên mới lạnh lẽo thế này, mới cô đơn thế này, mới lẻ loi thế này, và trống rỗng đến thế này này.

Không còn em nữa, cũng chẳng còn ai xuýt xoa sợ lạnh mà để chị ôm hoài, không còn ai đắp chung với chị cái chăn bông ấm sực, sáng mở mắt dậy cũng chẳng còn bóng một người hằn vào đáy mắt, chờ hoài vẫn chẳng thấy ai cong cong khóe môi chào mình bằng một nụ cười an yên như con mèo nằm sưởi nắng. Chẳng còn gì hết, H. ơi...

Em bỏ chị lại một mình, trong khi ở đây cái gì cũng có đôi. Hai cái đèn. Hai khung ảnh in bóng tụi mình. Hai nhịp kim đồng hồ gõ tích tắc hòa vào nhau, đồng điệu như đôi tâm giao tri âm tri kỷ. Đến cả chậu dracaena kê gần cửa phòng, chị đếm bao nhiêu lần vẫn thấy hai cây. Tụi mình cũng từng có nhau đấy thôi, vậy mà giờ chỉ còn mình chị ngồi đây, lạc lõng và vô vị, nghĩ hoài đến một bóng người chỉ còn phơn phớt hai màu trắng đen như thước phim cũ rích quay từ thập niên 70, 80 thế kỷ trước, nhìn vào thấy toàn nhớ nhung với hoài niệm lũ lượt kéo về.

Từ hồi em đi, thế giới của chị chỉ còn hai màu trắng với đen. Em mang sắc màu đi theo mất, mang bình yên, mang hạnh phúc, mang ngọt ngào rời xa chị. Chẳng còn lại gì cả.

Giữa đống ngổn ngang trắng và đen bủa vây khắp lối này, chắc em sẽ không thấy cảnh chị vẫn luôn tự nhủ với bản thân một lần, hai lần, mười lần, một trăm lần, mười bảy nghìn bảy trăm chín mươi sáu lần rằng em thật sự đã rời xa chị rồi. H. của chị không còn đây nữa. Chắc em hết thương chị rồi nên mới quay bước đột ngột như vậy, đi rồi chẳng còn quay lại được, dẫu chị có ở đây chờ hoài, phải không?

Vậy đó, mà mỗi lần nấu cái gì chị cũng làm dư ra một phần, ăn cái gì cũng chia làm đôi, như kiểu cái thói quen này nó tồn tại lâu quá rồi ăn sâu vào tiềm thức từ hồi nào chẳng hay, giờ có muốn bỏ cũng không còn kịp. Hay như chuyện mỗi lần đi mua đồ ăn, chị cũng chẳng bao giờ mua hải sản dù có thèm đến cỡ nào, vì cứ đinh ninh ở nhà vẫn còn người không ăn được. Cũng giống như chuyện sáng nào chị cũng gọi tên em trong vô thức, rồi thấy lòng mình vỡ vụn ra thành từng mảnh li ti, hai chữ tên em vừa thoát ra khỏi cổ họng là nỗi nhớ đã ập về như sóng, mải miết vỗ vào lòng.

Sóng đập vào lòng không đau đâu em, vậy mà bào mòn được đá, rồi cứ đà đó mài luôn tim chị thành một mẩu bé xíu và mỏng tem.

Hồi đó em tan vào sóng, rồi cũng chẳng bao giờ trở về nữa. Nên chị mới tự hỏi sóng rốt cuộc đáng sợ đến chừng nào mà cướp được một nửa hồn chị kéo đến cõi thinh không nào đó, không thèm hỏi lấy một tiếng, cứ vậy rì rào hoài. Tiếng sóng mải miết vang bên tai chị chắc là để chị không quên nổi ngày tim mình bị khoét cái hố sâu hoắm chẳng bao giờ lành, em nhỉ?

Em đi rồi nên mới không biết. Mất em, chị héo mòn, chị rũ rượi như con cún bị chủ nó bỏ rơi một đêm mưa như trút nước, ướt sũng, lạnh ngắt, đã vậy còn buồn đến nỗi lòng cũng héo hon. Đau đớn lắm, nên tiếng sóng vỗ bờ nghe cũng như khúc nhạc thê lương ai đàn nên từ cõi vĩnh hằng nào vọng lại. Đau đớn lắm, nên mở cửa ra thấy gió xộc vào phòng đòi được len lỏi vào món tóc mềm của ai vẫn thường ngồi đọc sách bên ô cửa sổ rồi ngủ quên, đi hết chỗ này đến chỗ kia vẫn tìm không ra nổi, vậy là quay qua đập tới tấp vào tay chị trách cứ. Vậy mà chị cũng chẳng màng, chỉ tự nhiên thấy nhớ bàn tay ai từng đan vội vào tay mình những ngày trời trở gió, để tay chị nắm chặt lấy tay em sưởi cho ấm, dẫu ngoài kia có biết bao nhiêu túi sưởi nhiệt độ chắc chắn còn cao hơn ba mươi bảy phẩy năm.

Những ngày ấy làm chị nhận ra rằng, dù mình có cố phủ nhận cỡ nào đi chăng nữa cũng không thoát nổi sự thật rằng chị nhớ em. Nhiều khi chị tự hỏi mình phải thương em nhiều đến mức nào, phải nghĩ đến em bao nhiêu lần một ngày mà nhìn đâu cũng ra bóng em, bằng những ảo ảnh chỉ hai màu đen với trắng.

Chị tựa đầu vào cửa ban công, mắt nhắm nghiền, mặc cho gió mùa đông phả tới tấp vào người cũng không chịu tỉnh dậy. Em không nhìn về phía chị, dẫu chị có gào thét đến nỗi cổ họng như sắp bốc cháy. Rồi mỉa mai thay, chị cố chạm lấy em, chỉ thấy tay mình rơi vào khoảng không trước mắt. Em tan biến vào hư vô, như thể em chưa từng hiện hữu, như thể chuyện tụi mình vốn chỉ là một cơn mơ dài đằng đẵng, và chị vừa tỉnh dậy, chỉ vậy thôi.

Chị giật mình hụt hẫng. Chị nuối tiếc. Chị hối hận. Phải chi lúc đó chị đừng cố chạm vào em, liệu em sẽ mãi ở lại đó chăng? Nghĩ vậy, rồi lại luống cuống khép cửa lại cài then thật chặt, sợ gió lại mang những ảo mộng về đây, cuốn lại thành một bóng người quen thuộc. Cứ thế đứng tần ngần hoài, chắc vì biết giờ mình như cái lá cuối cùng còn sót trên cành, lẻ loi và lay lắt tồn tại.

Mà nỗi nhớ làm gì chịu để yên cho chị, hả em? Nếu thế thì đơn giản quá! Cho nên mới có chuyện chị đảo mắt một vòng toan gói ghém hết kỷ niệm tụi mình đem đi cất thật kỹ, chôn đâu đó thật sâu để có tìm cũng không thấy nữa, cho đỡ đau lòng. Quyết định vậy rồi lại như kẻ mất hồn, ngồi lặng yên trước mấy phím đàn, cứ nhấc tay lên chạm vào note sol hoài mà không nhấn xuống nổi một lần, sợ lại nhớ hồi em nói em cũng muốn thử đàn hát mấy bài tình ca Ngô Thụy Miên buồn buồn mà hát không nổi, cũng chẳng biết chơi đàn, chỉ biết mấy nốt do re mi fa sol la si thôi, vì bạn em có chỉ cho một lần.

Hồi đó chị bảo, khi nào mình rảnh, chị sẽ đưa em đi dạo một vòng thành phố tìm mua một cây bass, rồi đệm nhạc cho em hát nha, dù chẳng ai lại đi hát ballad trên nền bass cả. Giờ thì đàn cũng đã đặt rồi, chắc cỡ đôi ba ngày nữa người ta mang tới, nhưng em thì chẳng còn đây nữa.

Chẳng còn gì hết. Tụi mình từng là tất cả, nhưng giờ chị lại cô độc đứng giữa thế gian này, mặc cho con tạo xoay vần.

Là vì cô độc quá, nên mới có chuyện một trái táo ăn còn chưa xong đã lấy trái khác ra gặm một mẩu rồi để bên cạnh, cho giống như mình đang ngồi ăn với ai, người ta chỉ bỏ đi có chút xíu rồi lại về cùng mình ăn nốt. Và mình đang đợi người ta về tỉ tê mấy chuyện trên trời dưới đất, nhìn người ta cười cười nói mình kể chuyện xong mắt sáng lên không khác gì con cún, để mình còn mắng người ta, bắt ăn nhiều vào, cho khỏe. Vậy mà ngồi đó chờ hoài cũng chẳng thấy ai quay trở lại, chỉ thấy tim mình hình như lại bị đóng thêm cái cọc nào to tướng mà gỡ hoài cũng chẳng ra nổi, rồi bất lực nhìn máu rỉ ra, có quấn bao nhiêu bông băng thuốc đỏ cũng không chịu lành, đành để yên đặng cầu cho có phép màu nào đến an ủi lòng mình.

Là vì cô độc quá, nên mỗi lần bước ngang qua cái gương trong phòng khách lại cố tình nán lại thêm chút nữa, nhìn bóng mình in trong gương mà tự nhủ lòng vẫn còn người ở đây, nhưng bị giáng lời nguyền nào nên cứ bị giam hoài trong đó không ra bầu bạn với mình được. Nghĩ vậy đó, rồi tự thấy mình trẻ con quá, dở hơi quá, rồi thôi.

Là vì cô độc quá, nên mỗi lần bắt gặp cái gì cũng thấy nó úa tàn rũ rượi, như lòng mình. Thấy chậu hồng trắng đã héo khô đặt trước gương cũng tự hỏi sao nó không phải màu hồng, màu xanh, màu tím gì đó mà lại là trắng, nhìn vào đã thấy nhuốm đầy tang thương? Rồi đến mấy cái lá cũng sắp lìa cành tới nơi, biết là cây chết rồi vẫn luống cuống thay nước, chờ cho phép màu xuất hiện. Việc đơn giản vậy thôi đó, mà không biết vừa làm vừa suy nghĩ kiểu gì lại làm rơi luôn cái chậu xuống đất, vỡ tan tành. Mấy mảnh vụn tung tóe khắp nơi, mẩu to, mẩu nhỏ như vụn ký ức tụi mình.

Mà chị cũng không chắc mấy mảnh vỡ nát đó rốt cuộc là từ đâu ra. Tim chị, hay chậu hoa sứ chị vừa lỡ tay làm hỏng. Chắc cả hai.

Chị biết làm gì đây em, khi lỡ tay làm hỏng cái gì cũng không có ai ở bên cạnh lặng lẽ dọn chung với chị? Biết làm gì khi sáng nào ngủ dậy cũng vô thức quờ quạng tìm một hơi ấm, một-ai-đó gầy tong teo, ôm trong vòng tay vẫn còn dư nhiều chỗ lắm? Biết nói ai ăn nhiều vào, ốm quá nhìn xót lắm, dù người ta vốn dĩ ăn cũng đâu có ít? Chị biết làm gì đây, khi sáng nào cũng chờ một câu chào buổi sáng mà chẳng thấy đâu, không còn ai khen mình nấu ăn ngon nữa, vậy là đi úp bát mì lủi thủi ăn một mình, vừa ăn vừa tiếc những ngày em còn ở đây, í ới gọi chị ra nhờ đút mì, vì game em còn đang chơi dở mà đói quá chịu không nổi?

Chị biết tìm đâu ra người như em, tìm đâu ra người lườm chị sắc lẻm vì chị lỡ đổ nước lên quyển sách đọc dở em để trên bàn, mà chỉ vậy thôi, chứ chẳng trách cứ gì thêm nữa. Biết tìm đâu ra người cao vừa tròn một mét năm mươi lăm và thua chị bốn centimetre, mỗi lần muốn lấy gì lại phải nhờ chị với đến giúp? Biết tìm ai ra người đi đâu về luống cuống áp cái túi sưởi chị đưa vào tay, lật qua lật lại hoài cho đỡ lạnh? Tìm đâu ra người vá được nửa hồn của chị lại, dẫu chính chị cũng chẳng biết nó lạc đi đâu, chắc theo em chìm xuống đáy biển rồi.

Chị biết tìm đâu ra người như em, người chịu đựng được cái tật hậu đậu của chị, dung túng cho chị, cười với chị, nắm tay chị vượt qua bao nhiêu lần kim đồng hồ xoay mòng mòng như cối xay gió? Biết tìm đâu ra người thi thoảng lại nhìn chị bằng ánh mắt giống hệt con mèo làm chị chẳng bao giờ kìm lòng nổi, mỗi lần muốn xin xỏ cái gì?

Làm sao chị quen được với hiện thực chua cay và đắng chát này, rằng nỗi sợ lớn nhất của chị đã trở thành hiện thực? Rằng em rời xa chị rồi, cứ thế mà đi chẳng bao giờ trở lại nữa, dẫu chị có cố tự huyễn hoặc bản thân mình không ngớt bằng mấy câu như kiểu tất cả chỉ là một cơn mộng mị dài đằng đẵng mà thôi, hay cố ngồi xoay ngược kim đồng hồ cả nghìn lần mong sao cho thời gian quay trở lại? Chị biết phải làm sao khi một ngày rõ ràng vẫn luôn là hai mươi tư giờ, mà sao một ngày ở cạnh em ngắn ngủi như cái chớp mắt một buổi sáng đầu thu, còn khi thiếu em, cứ ngỡ cả thế kỷ đã trôi qua rồi mà kim đồng hồ chỉ mới xoay một góc còn chưa đầy hai mươi độ?

Em bảo chị phải làm sao đây, với những ngày trống trải đìu hiu này, với con tim vẫn khóc nấc lên mỗi tối; khi lòng chị siết lại như miếng giẻ lau đã khô cong vẫn còn bị người ta đem ra vắt lấy vắt để, xoắn tít lại đau điếng - đau đến nỗi chỉ muốn hóa thành thinh không, thành sóng, thành gió, bọt biển, hay gì cũng được, chỉ để mình thôi không còn chịu hành hạ như thế này nữa?

Em nói chị đừng sợ, dù có ở một mình đi chăng nữa cũng đừng sợ, chỉ cần nhớ em sẽ luôn bên chị rồi lấy đó làm động lực mà đối diện với những sợ hãi của mình. Nhưng chị làm không được, em ơi, dẫu có cố thử bao nhiêu lần cũng chẳng bao giờ làm được nổi.

Nhiều khi chị nghĩ, chắc em sẽ lạnh lắm. Vì mùa đông đã qua rồi, mà cái lạnh như còn quyến luyến người thương hững hờ bước qua có một nửa; nên người ta vẫn còn quấn trên cổ đôi ba vòng khăn len dày cộm mà bước đi, nên người ta mới tiếc rẻ những vòng tay của ai-đó.

Em không chịu được lạnh, vậy mà lại bỏ chị đi trước khi trời kịp vào xuân, để mình kéo nhau đi qua mấy con phố khuất bóng khách vãng lai, tìm cho nhau mấy nụ hoa mới hé nở. Em không chịu được lạnh, vậy mà lại chìm vào làn nước hung dữ thét gào ngoài kia, dẫu biển chẳng bao giờ ấm áp. Em dễ nhiễm lạnh lắm, mà chị lại chẳng còn biết cách nào để ủ ấm em, cho em thôi không run lên nữa.

Em còn nhớ cái hồ bơi cạnh nhà mình không?

Ngày em đi, chị còn nhớ trời trong vắt như đang trêu ngươi trước những buồn đau tang hoang giăng đầy nhà mình chẳng khác gì đống tơ nhện rối bời gỡ hoài không hết. Bữa đó trời đẹp lắm, mà lạnh, dẫu nắng có nhảy múa, có đổ đầy màu vàng óng lên người thì vẫn lạnh. Bữa đó chị có thử coi em đã phải chịu đựng những gì, vậy là cố tình để mình ngã xuống, để nước xộc vào ních đầy một lồng ngực, ướt sũng và lạnh ngắt. Tự nhiên chị nghĩ đến biển, nghĩ đến chuyện gió vẫn đẩy sóng dập dờn vỗ bờ, nghĩ đến em và chị. Như thể chị vừa lướt qua một thước phim quay ngược cứ phai màu dần, mà từng phút từng giây đều toàn bóng em.

Rồi có người kéo chị lên, quát chị xối xả, rằng "Sao mà mày khờ quá vậy?". "Mày nghĩ con bé đi để nhìn thấy mày như vầy hả?". "Mày nghĩ mày làm vầy rồi có thay đổi được cái gì không? Không!!! Chuyện qua rồi, nên mày có làm gì cũng không quay về quá khứ mà chỉnh được cái gì hết, vì đời chẳng bao giờ giống cái phần chỉnh ảnh nào để mà thử cả chục cái filter lên đó cắt cắt gọt gọt cho đẹp hết, hiểu chưa?".

Rồi mấy ngày sau, nó lại chạy qua đây tỉ tê, chị mới hỏi nó. Chị bảo với nó có em, cuộc sống tẻ nhạt vô vị của chị được mở ra một chương mới, với đủ màu. Màu đỏ, của tình thương. Màu hồng, của hạnh phúc. Màu xanh, của hy vọng. Màu vàng, của nắng chảy trên vai em. Bao nhiêu sắc màu vậy đó, mà em vừa đi đã tan biến mất cả, còn lại đen với trắng. Trắng tang tóc, đen mịt mù, và chị chẳng thích cái nào trong cả hai.

Em biết bạn chị trả lời  thế nào không? Nó nói chị, "Con bé viết cho mày một chương rồi, thì giờ mày viết tiếp một chương nữa, một chương về những ngày không còn nó nữa. Chứ H. đâu có cho đời mày cả đống màu, mày thích tô thích vẽ kiểu gì cũng được để mày chọn cách nhẫn tâm nhất là đóng luôn cả cuốn sách lại không chịu viết tiếp, để chuyện cứ bị bỏ dở hoài đâu?"

Nó đâu có biết hồi đó chị từng bắt em hứa sẽ cùng chị viết hoài cuốn sách về cuộc đời hai đứa mình, dù chữ em nhìn như tranh trừu tượng, mỗi lần đọc lại phải đánh vần từng chữ như trẻ con học chính tả. Chị đã từng nghĩ thôi thì chữ xấu cũng được, vì cuốn sách ấy chỉ chúng mình biết, và vì em sẽ ở bên chị hoài, nên không biết cái gì chỉ cần đưa em là được. Chị đâu có ngờ mấy tháng sau đã thấy mình lạc mất nửa mảnh hồn theo dấu chân em, khi cả hai mới viết được đôi ba chương mở đầu, khi còn chưa kịp biên nổi một đoạn cao trào?

Rõ ràng đã hứa sẽ viết về chị-và-em, sao chị chịu nổi cảnh nhìn mấy con chữ nhảy múa mà tìm hoài vẫn chỉ thấy bóng chị trong đó, còn một cái tên dài ba từ, có chữ cuối bắt đầu bằng từ H. vẫn lẩn trốn hoài ở góc khuất nào, nhạt nhòa như cái bóng của ai hằn trên sàn nhà. Vậy đó, nên chị mới không viết tiếp, mới quyết định bỏ lại bốn trăm lẻ sáu trang còn để ngỏ, rồi đổ hết tội lỗi lên thời gian và hiện tại.

Thời gian nợ chị nhiều lắm.

Nợ chị một câu chào cuối, từ em.

Nợ chị những năm sau này không còn được thấy bóng em.

Nợ chị một đứa em bé xíu của tuổi mười ba, mười bốn, cứ vậy đếm hoài đến một trăm lẻ một rồi dừng. Năm nay chị mười bảy rồi, em ơi, còn em mười ba.

Chị rồi sẽ trưởng thành thôi, sẽ có một ngày rời xa cõi đời này, còn em vẫn cứ ở hoài tuổi mười ba. Vậy mà sao cứ mỗi lần nghĩ đến chuyện một ngày nào đó chị già nua, ngoảnh đầu nhìn lại thấy em vẫn còn y chang ngày hôm ấy, thấy em mãi luôn là đứa em bé xíu mười ba tuổi; tim chị như lại vỡ thêm một lần nữa.

Năm nay chị mười bảy, cố lê bước qua những ngày không em bằng con tim khuyết mất vài phần, phủ chằng chịt những vết keo dán tạm bợ.

Năm nay chị mười bảy, tập hoài mà vẫn chẳng quen nổi với chuyện em không còn đây nữa, với cả chuyện chỉ còn lại một mình giữa thế giới rộng lớn này, cô độc.

Chị năm nay mười bảy, đối diện với tấm gương treo trong phòng khách chỉ biết ngây ngốc để lại một phần bản ngã nào đó, hy vọng những ngày đã trôi về dĩ vãng của chị-của-tuổi-mười-bảy và em-của-tuổi-mười-ba sẽ được cất giữ cẩn thận ở một thế giới song song nằm bên kia mặt gương.

Em ơi, chị năm nay mười bảy, và sẽ già đi. Còn em, mãi mãi vẫn luôn là mười ba.

Và điều ấy còn đau hơn tất cả mọi thứ chị có thể nghĩ đến.

V.T.N.A

Bài viết khác cùng số

Paris có gì lạ không em?(*) - Văn KhoaGió lay Hòn Kẽm ngẩn ngơ Đá Dừng - Huỳnh Trương PhátCó một cây lê nở đầy hoa trắng - Ngô Thị Thục TrangNhớ gió... - Trần Thanh ThoaMùa đậu phộng - Y NguyênVườn không có nắng - Nguyễn Bá HòaMười bảy và mười ba - Võ Thanh Nhật AnhLời người mẹ có con tự kỷ - Thụy SơnHướng nào cũng từ tim anh - Hoàng Thụy AnhThơ Vạn LộcCô đơn - Nguyễn Thị Anh ĐàoDì tôi - Nguyễn Nho Thùy DươngVầng trăng Đà Nẵng - Lộc Bích KiệmThơ Nguyễn Duy ThanhLầm lũi cuộc về - Phạm Tấn DũngTháng mười - Đinh Lê VũNhững câu thơ bất chợt - Xuân Hiệu7 bài thơ ngắn - Thanh QuếĐến Đà Nẵng, nhớ nhà thơ Thu Bồn - Đàm Chu VănThơ La Mai Thy GiaPhía bên kia giậu - Mai Thanh VinhÂm nhạc Đà Nẵng 5 năm nhìn lại - Văn Thu BíchNữ văn sĩ Canada gốc Việt vào chung kết giải Nobel thay thế - Trần Trung SángMái tóc người thương trong thơ Nguyễn Văn Long - Nguyễn Thị PhúHỒ SĨ BÌNH như bóng nhạn qua sông - Mai Hữu PhướcNhững thanh âm từ “Trong những lời yêu thương”(*) - Nguyễn Nhã TiênLưu Quang Vũ với quê hương Đà Nẵng - Bùi Văn Tiếng Sự dịch chuyển không gian văn học Việt Nam đương đại - Nguyễn Văn Hùng“Võ Hùng Vương’’ vở tuồng cổ đỉnh cao của nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Lê Công Phượng“Đà Nẵng chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860): Quá khứ và hiện tại”(*) - Bùi Văn Tiếng