'Món lạ miền Nam' – yêu một miếng ngon mang vị thực thà

20.02.2017

'Món lạ miền Nam' – yêu một miếng ngon mang vị thực thà

"Miếng ngon của miền Nam cũng thành thật như người đàn bà vậy. Ăn một miếng, ngon ngay…”.

Suốt những năm tháng ròng rã vật lộn mưu sinh tại miền Nam, của ngon vật hiếm nơi đất khách đã giúp Vũ Bằng vơi đi nỗi buồn hoang hoải hướng về cố hương.

Món lạ miền Nam đã ra đời như vậy, cuốn tùy bút độc đáo của Vũ Bằng về những trải nghiệm hương vị ẩm thực mà mới nghe tên thôi người ta đã cảm thấy thích thú.

Công bằng mà nói, món ngon hay không là do khẩu vị mỗi người. Mỗi miếng ngon có thể sẽ thay đổi, biến chuyển theo từng giai đoạn để vừa lòng ông thần khẩu. Nhưng đồ ăn miền Nam thì không đổi thay. Thứ hương vị làm người xa quê cảm thấy ngon lành, khang khác, nhận thức được lòng thương yêu của cõi nhân sinh ở chung quanh vì thế mà tự nhiên rõ rệt đậm đà.


Nỗi buồn thiên lý tương tư được cô vợ miền Nam xót xa thấu hiểu. Nàng ý nhị, lặng lẽ, âm thầm đi chợ sớm hôm, mang về đủ thứ sản vật đặc biệt để thiết đãi người chồng xứ Bắc, giúp chàng khuây khỏa nỗi nhớ nhà.Món ngon miền Nam không ăn để lấy no, cũng không nên ăn ngấu nghiến như kẻ phàm phu tục tử. Mỗi một đĩa đặc sản bưng ra là cả tấm lòng người nấu. Kẻ ăn cắn một miếng thôi sẽ cảm được tất cả, tận hưởng trọn tinh hoa đất trời vùng khẩn hoang.

Vũ Bằng viết: “Tôi yêu người vợ miền Nam thực thà như đếm, yêu ai thì yêu lộ liễu, thích cái gì muốn cho ai cũng biết rằng mình thích mới nghe!... Miếng ngon của miền Nam cũng thành thật như người đàn bà vậy. Ăn một miếng, ngon ngay, nhưng ngon không phải do vị chính của thức ăn, mà là tại sả và ớt làm nổi vị lên, điểm cho khẩu cái một tơ duyên ấm áp”.

Mặc dù không thể đầy đặn và phong phú như Món ngon Hà Nội, nhưng Món lạ miền Nam vẫn tạo được một sức hút rất riêng. Cuốn sách là những trang viết cô đọng hình ảnh và mùi hương về những thức quà lạ, độc, dị chỉ ở miền Nam mới có.

Nhà văn tiếp nhận ẩm thực miền Nam thông qua một lăng kính dè dặt, phảng phất định kiến của chàng trai Bắc Việt. Chính vì lẽ ấy, khi đã gạt bỏ mọi lý do ngăn cản đầu óc để thưởng thức, những xúc cảm thích thú của nhà văn được khơi mở, Vũ Bằng ngay lập tức bị chinh phục.

Ẩm thực miền Nam thật kỳ lạ. Đó là thế giới của những canh rùa, chuột thịt, là nhúm đuông dừa lạ miệng, là món tóp mỡ ngào đường mang tâm tình se sắt, ngọt ngào. Ta có thưởng thức đủ thứ món lạ miền Nam đó mới biết, mới nhận thức được đất Việt ta hồn nhiên, lạ lẫm biết chừng nào.

Thời kỳ thực dân, chúng chê bai, khinh miệt dân tộc ta là một đám man di mọi rợ, sẵn sàng dùng tất cả các sinh vật còn ngoe nguẩy chế biến thành thức ăn.

Nhưng chúng đâu biết rằng những loài đó dưới tay xào nấu, nêm nếm gia vị của người vợ, người mẹ, người cô, người em bỗng chốc hóa thành thức ăn hảo hạng, không chỉ ngon mà còn bổ âm dương, cường tráng sinh lực.

Dưới ngòi bút gợi hình, những câu chữ miêu tả món thịt chuột có vẻ gớm ghiếc bỗng dậy mùi hương thơm quyến rũ, ngon lành. Thương thân con gái đi lấy chồng xa thèm lắm chỉ mong có miếng thịt chuột được nướng than hoa nơi quê nhà.

Tin được không, sắc đẹp hữu tình người đàn bà được thể hiện khi cô ấy sơ chế thịt chuột. Chuột lá lốt, chuột xé phay, chuột lúc lắc làm ta sướng cả vị giác, khứu giác, thị giác, thính giác. Cảm nhận của ngũ quan được đẩy lên cao. Thịt mềm, ngon ngọt mà lại thơm đến rùng rợn, mê ly.

Đọc xong cuốn sách thấy mến thương miền Nam lắm, yêu bản tính thực thà chất phác ở đây. Sự ngon lành mà Vũ Bằng miêu tả khiến hồn người xao xuyến, mãi nhớ hương sắc, thanh cảnh sông nước miền Nam.

Gia Hạ
(news.zing.vn)